Trang chủ --> Gương sáng --> Những bông hoa không thấy ánh mặt trời
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Những bông hoa không thấy ánh mặt trời

 

          Chị Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu các văn bản, tài liệu công tác hội qua mạng Internet.
Chị Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu các văn bản, tài liệu công tác hội qua mạng Internet.
 
Sống thiếu đôi mắt, đó là nỗi đau đớn, là bất hạnh của mỗi con người. Vậy nhưng có rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh đặc biệt này đã vươn lên và sống có ích cho xã hội. Đáng trân trọng hơn nhiều người lại là phụ nữ chân yếu, tay mềm, tâm hồn dễ bị tổn thương. Người ta vẫn nói mỗi người phụ nữ đều được ví như một bông hoa. Vào dịp 8/3 này, những bông hoa tuy không thấy ánh mặt trời ấy, lại rực rỡ, toả sáng vẻ đẹp từ đáy tâm hồn.
 

Chị Lê Thị Tình, Phó Chủ tịch Hội Người mù T.P Thái Nguyên, tâm sự: Nếu được nhìn thấy ánh mặt trời, thì trong cuộc đời này, chẳng có gì em không làm được. Tình bắt đầu câu chuyện với tôi hồn nhiên như thế. Năm 2012, chị tốt nghiệp Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Hà Nội). 4 năm theo học, chị đều đặn lên giảng đường, hằng ngày hình dung đến từng nét chữ của các thầy cô giáo, khuôn mặt của các bạn trong lớp. Cũng suốt 4 năm ở trường đại học, chưa bao giờ Tình đi học muộn, hoặc làm phiền tới thầy cô, các bạn dù mình là sinh viên khuyết tật.

 

 

Ở trường, nhiều bạn coi Tình như một tấm gương sáng, giàu nghị lực trong cuộc sống, học tập. Bởi năm tháng học xa nhà, Tình phải tự bươn chải kiếm sống bằng nghề xoa bóp, bấm huyệt ở những cơ sở tẩm quất gần nơi mình theo học. Còn bây giờ, Tình đã có một gia đình hạnh phúc. Chồng Tình là anh Lương Văn Linh, người tỉnh Lai Châu. Anh Linh cũng là người không được nhìn thấy ánh mặt trời. Vì thế qua bạn bè giới thiệu, 2 người dễ đồng cảm, tìm hiểu nhau qua thư điện tử trên mạng internet. Lúc cả 2 cùng nhận thấy mình sinh ra trên cuộc đời này là dành cho nhau, đám cưới của 2 người được tổ chức, có hoa tươi và lời chúc của bạn bè đồng cảnh.

 

Linh theo Tình về Thái Nguyên định cư. Cha mẹ 2 bên đều nghèo, không có của hồi môn. Để sống, vợ chồng Tình thuê lại một ngôi nhà nhỏ ở ngõ 70, đường Cách mạng Tháng Tám, T.P Thái Nguyên. Chỗ ở, đồng thời là cơ sở xoa bóp, mát xa, bấm huyệt của đôi vợ chồng họ. Tình cho biết: Ngoài 2 vợ chồng em còn có 4 nhân viên mát xa và một người sáng mắt làm công tác quản lý, hướng dẫn khách và thu tiền công. Trong khi trò chuyện, tôi cảm nhận phía sau cặp kính đen trên khuôn mặt khả ái của Tình có giọt nước mắt vón lại. Tình tiếp lời: Năm 2 tuổi, căn bệnh sởi đã lấy đi của em đôi mắt.

 

Có lẽ khi đó Tình chưa cảm nhận được nỗi buồn của một người sống không có đôi mắt. Tình đã lớn lên trong vòng tay đùm bọc của người thân. Và cũng như Tình, ngay ở phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên), chị Hoàng Minh Hợi, sinh năm 1971 cũng tự bươn chải kiếm sống bằng nghề đấm, bóp. Cơ sở của chị ở phường Tân Lập, đó là một ngôi nhà nhỏ được thuê lại để chị và 2 con người đồng cảnh ngộ lao động, kiếm sống. Chị Hợi có đôi mắt đẹp, nhìn mê tơi, làm bao trai phố đắm đuối. Nhưng tiếc thay, đôi mắt ấy chỉ như vật trang trí trên khuôn mặt người đàn bà bất hạnh. Khoảng 3 năm trước, người bạn đời của chị đột ngột khuất núi, để lại cho chị một con thơ.

 

Còn nỗi đau nào hơn khi cuộc đời không ánh sáng, lại mất chồng. Nhưng có sự trân trọng nào hơn khi những nữ nhi ấy đã vượt lên tất cả, sống hoà nhập, bình đẳng như bao con người trong cộng đồng xã hội. Chị Nguyễn Thị Thương, ở huyện Phổ Yên cũng là một người trong số đó. Ngày nhỏ, Thương cũng có đôi mắt sáng như bao bé gái trên đời. Song không hiểu vì đâu nên sự, đôi mắt Thương mờ dần, đến năm học lớp 12 thì ôi thôi, đôi mắt Thương không còn thấy ánh sáng mặt trời nữa. Trong tăm tối, Thương rờ rẫm tìm cho mình một lối đi vào cuộc đời. Đó là bằng con đường học tập. Hiện Thương đã học xong chương trình đại học tại Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn. Thương bảo: Học để hiểu biết; để có kỹ năng sống tốt hơn và có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Dự định thời gian tới, Thương sẽ học tiếp lên hệ cao học.

 

Bà con chòm xóm ai cũng khen Thương ngoan hiền, thông minh và có đôi tay vàng trong nghề mát xa, tẩm quất. Vì thế, nhiều cơ sở mát xa ở Hà Nội luôn mở cửa, mời Thương đến làm… Thương bảo: Xoa bóp, bấm huyệt là nghề mũi nhọn của người không ánh sáng. Song cái nghề cũng có nhiều gian nan, nếu mình không khéo, có khi còn bị khách sàm sỡ, hoặc khi thanh toán tiền công lại trả bằng tiền giả…

 

Từ phía ngoài của một phòng xoa bóp, bấm huyệt, tôi nghe thấy lắc cắc tiếng khớp xương, tiếng bí bốp, bì bộp vui tai vọng ra, lòng liên tưởng đến đôi bàn tay của các nhân viên ấy có mắt, có thần và có hồn. Chị Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người Mù tỉnh tâm sự: Cùng hoàn cảnh, nhưng tất cả chúng tôi, từ mỗi người luôn có ý thức phấn đấu, vươn lên, tảo tần bằng đôi tay lao động, như cùng gia đình tăng gia chăn nuôi, trồng rau và dọn dẹp nhà cửa. Hiện, Hội có hơn 1.000 hội viên, sinh hoạt ở 47 chi hội. Để giúp đỡ hội viên có cuộc sống ổn định, năm 2012, toàn Hội có 52 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn sản xuất, với tổng số tiền 430 triệu đồng. 45 hội viên được Hội đào tạo nghề xoa bóp, bấm huyệt đều có việc làm ổn định, đạt thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Còn ở mảng sản xuất tăm tre, các hội viên đã sản xuất được hơn 32.000 gói, đạt doanh thu 69 triệu đồng.

 

Làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội, Chị Minh gần gũi với hội viên, chị luôn có mặt khi biết ai đó đau ốm, gia định gặp hoạn nạn, rủi ro. Chị đi nhiều, hiểu nhiều và càng cảm thông cho hoàn cảnh của các hội viên của mình. Chị tâm sự: Năm ấy (1975), tôi mới ngoài 20 tuổi. Tôi công tác ở Phòng Hoá nghiệm của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng. Do một lần sơ xuất, tôi bị hơi độc của hoá chất độc xộc vào mắt, phải đi viện cấp cứu. Mất hơn 50 lần lên bàn mổ mắt để cứu lại đôi con ngươi, nhưng mọi cố gắng của các thầy thuốc đều vô nghĩa. Tôi luôn tự động viên mình phải sống sao cho thật sự có ý nghĩa. Trong gian nhà tập thể của Nhà máy, tôi nuôi gà, nuôi lợn, làm bếp điện và sau đó mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt. Tôi đã có lương trợ cấp của Nhà nước, nên cơ sở của tôi mở ra, chủ yếu đào tạo nghề cho người đồng cảnh có một nghề, như người đời bảo cho họ cái cần câu rồi họ sẽ tự tìm được cá.

 

Chị trò chuyện với tôi vô tư như bao phụ nữ bình thường trong xã hội. Cũng vì thế tôi biết khi vận hạn đến với chị, anh Ngô Văn Hậu (chồng chị) đã luôn là đôi mắt giúp chị phác lại từng hình ảnh trước mắt để chị hình dung. Chị tự hào: Anh là nguồn sống của tôi, còn tôi là động lực để anh học tập, trở thành một kỹ sư của Nhà máy. Đó là ngày chúng tôi còn trẻ. Còn bây giờ, chúng tôi có 1 con gái, cháu đã học xong đại học, lấy chồng và mở cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm ở Hà Nội và T.P Thái Nguyên.

 

Chị Minh, cũng như tất cả những chị em - những bông hoa không nhìn thấy ánh mặt trời phải có rất nhiểu nghị lực để không trở thành một gánh nặng cho gia đình, xã hội. Họ đã vươn lên bằng con đường học vấn, bằng bàn tay lao động và toả hương thơm giữa cuộc đời.

 

 

  • Phạm Ngọc Chuẩn

 

Hoàng Kim (theo Báo Thái Nguyên điện tử)  
Lượt xem : 204384 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo