Trang chủ --> Gương sáng --> Gặp ‘thần mù’ nơi góc rừng Tây Bắc
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Gặp ‘thần mù’ nơi góc rừng Tây Bắc

Người dân bản không tin nổi việc ông cụ hơn 60 tuổi gùi mấy chục cân gạo mà xuyên rừng như người mắt sáng. Cái tên “thần mù” mà nhiều người đặt cho ông là hoàn toàn xứng đáng.


Ông Tuấn nghe đài
Ông Tuấn nghe đài

Tiết trời vùng cao Tây Bắc vào hè mưa gió thất thường, quốc lộ 279 vượt qua con đèo Mã Yên Sơn càng thêm khó đi. Nơi đây có ông cụ 62 tuổi mù hai mắt gánh củi, gùi gạo xuống núi bán, bước chân ông băng qua mọi nẻo đường hiểm trở. Ông là Ngô Văn Tuấn, bản Lúc 2 (Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai) đã hơn 30 năm qua gắn bó với công việc gánh thuê để đổi lấy vài bát cơm…

"Dị nhân" trên đỉnh núi

Là một con đèo cao, ngoằn ngoèo hiểm trở nhất nhì ở Lào Cai, đèo Mã Yên Sơn đã thu hút rất nhiều nhà văn, nhà thơ và nhiếp ảnh gia đến đây sáng tác. Đi trên đèo, chúng ta thưởng ngoạn những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo chân núi, để ý kỹ sẽ thấy một ngôi nhà nhỏ chênh vênh bên vách núi. Đó là túp lều của ông Tuấn “mù”. Nội thất đắt giá nhất là chiếc bàn khập khiễng và chiếc giường tre ngồi vào kêu kèn kẹt.

Trong đầu tôi nghĩ ông là người quá đau khổ, nhưng tiếp xúc với ông, tôi mới nhận ra mình đã nhầm, ông Tuấn là một người rất lạc quan. Trong căn nhà trống lạnh đến rợn người, bên ngoài từng đợt gió rít. Nghe tiếng người lạ, ông Tuấn lấy giọng chào hỏi và mời ngồi. Đưa tay cầm vào cái ca nhựa đã gãy cán, ông Tuấn múc lấy ca nước lã từ trong xô đựng sẵn và nói: “Nhà chỉ có nước này thôi, tôi vừa đi xách về đấy, các chú uống cho đỡ khát. Đợi tôi đun nước pha chè uống!”.

Dứt lời, ông dò dẫm vào bếp, sờ soạng góc bếp lấy cái bật lửa sắt cũ, bật phành phạch châm thuốc lào, ông rít một hơi thật mạnh phà ra làn khói, rồi nhanh tay cầm bó đóm nhóm bếp, lát sau ngọn lửa cháy rực, ông Tuấn đặt siêu nước méo mó lên cái kiềng. Mươi phút sau siêu nước đã sôi sùng sục, chúng tôi không yên tâm nên ngỏ ý pha hộ ông, nhưng ông Tuấn nói: “Tôi là chủ nhà phải pha nước mời khách chứ”, rồi ông pha rất thành thục. Trong lúc đợi ấm chè, tôi tranh thủ tìm hiểu về cuộc đời ông.

Ông Ngô Văn Tuấn là người dân tộc Dao sinh năm 1952 tại Cam Đường, Lào Cai. Lên bốn tuổi đôi mắt ông bị mù do bệnh sởi, mẹ ông lại cõng ông trong lúc nấu ăn nên bị nhiễm khói, không có tiền để chạy chữa nên đành bất lực nhìn đôi mắt của con mù dần. Cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, ông Tuấn cùng dân làng chạy loạn đến đây lánh nạn rồi định cư luôn. Đến đây không lâu, mẹ ông Tuấn mất, bố đi lấy vợ để lại mình ông trong túp lều, không một xu dính túi.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Tuấn đã đến gõ cửa từng nhà trong bản để xin làm thuê. Lúc thì nhổ sắn, khi thì bẻ ngô, có lúc lại giã gạo. Một thời gian sau, khi chiếc máy xát gạo đầu tiên được đưa về xã, ông Tuấn được bà con giao gùi thóc, ngô xuống cầu Lúc, cách bản hơn 2km để xát gạo đem về. Mỗi lần gùi 30kg thóc, ông Tuấn được trả hai bát gạo, giúp ông duy trì cuộc sống mấy chục năm qua. Ngoài ra, ông còn được dân bản giao trọng trách đi mua các nhu yếu phẩm như muối, nước mắm… và được trả công bằng một bữa cơm trắng no nê.

Ông Tuấn “mù” kiếm củi đem bán…

Kể đến đây ông Tuấn bỗng cười vang trên khuôn mặt nhăn nheo, tuy mới hơn 60 tuổi nhưng răng ông đã rụng gần hết. Hơn 30 năm qua, ông Tuấn mù thường xuyên vượt qua hơn 2km đường rừng núi đi xát gạo thuê mà không rơi một hạt gạo. Người dân bản không tin nổi việc ông Tuấn gùi mấy chục cân gạo mà đi như người mắt sáng. Cái tên “thần mù” mà nhiều người đặt cho ông là hoàn toàn xứng đáng.

Mơ được ăn cơm với ớt đến cuối đời

Tôi hỏi: “Hôm nay ông không nấu cơm à?”. Ông Tuấn trả lời: “Nấu chứ, nhưng chưa đến giờ, 11 giờ mới nấu”. Làm sao ông biết giờ nấu cơm? Ông bật mí: “Người dân đi làm về qua nhà tôi thì là 11 giờ. Họ cũng sắp về rồi đó, các chú ở đây ăn cơm với tôi nhé”. Rồi ông lọ mọ sờ vào cạnh chạn bát mốc meo lấy ra con dao mà tôi nhìn vào không thể phân biệt đâu là đằng lưỡi. Ông chặt củi, chẻ đuốc cho vào bếp, chỉ vài phút sau ngọn lửa đã cháy bùng bùng.

Tôi lại hỏi: “Trưa nay ông mời cháu món gì thế?”. “Như mọi ngày thôi mà, ăn cơm với muối ớt” - ông Tuấn đáp vậy. Thì ra thức ăn chính của ông là những quả ớt, nhờ trẻ chăn trâu đi hái hộ về rồi trộn với muối trắng bỏ vào chai ăn dần. Và cứ thế ông Tuấn ăn cơm với muối ớt ba buổi/ngày. Ông Hoàng Văn Thắng ở gần thấy có người lạ vào nhà ông Tuấn, cũng chống gậy sang chơi và chia sẻ: “Do ông Tuấn không tự trồng rau nên thỉnh thoảng bà con mỗi người cho ông mớ rau để ông ăn có chất xanh. Cứ lâu lâu ông Tuấn lại nhờ lũ trẻ chăn trâu đi hái hộ ớt răm mọc ở quanh làng về ngâm muối, mỗi bữa chỉ ăn vài quả, vì ớt chỉ mọc và ra quả vào mùa hè, mùa đông không muối được thì ông Tuấn chỉ ăn cơm trắng thôi!”.

Ông Tuấn "mù" nấu cơm thành thạo

Vậy là bữa cơm của tôi với ông Tuấn chỉ có một bát ớt muối với dăm bảy quả ớt cay xè, vậy mà ông Tuấn vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon. Bữa cơm diễn ra chưa đầy 10 phút, nồi cơm của ông Tuấn mỗi người chỉ được lưng bát đã phải cạo nồi. Ông Tuấn sờ soạng vào cái túi treo đầu giường lấy ra một cái đài có xuất xứ từ Trung Quốc và khoe: “Cái đài này là của một người bạn tặng năm ngoái, cứ mỗi tuần tôi thay pin một lần. Nhờ có nó mà tôi thấy bớt buồn, tôi biết được giờ giấc, nghe tin tức, nhưng bây giờ cái ăng-ten bị gãy không nghe rõ nữa”.

Có lần ông vác củi đi nhầm hơn 3 cây số đường rừng, may gặp người làng bảo mới biết. “Nhiều hôm tôi lên rừng mót củi chất thành đống rồi đi lấy tiếp, đến khi quay về tìm mãi không biết đống củi đó ở chỗ nào nữa. Bây giờ có cái đài, cứ để củi ở đâu là tôi treo đài bên cạnh, đài nói là tôi biết đống củi ở chỗ nào”. Ông Tuấn cười và nói một cách điềm nhiên.

Tài sản của ông Tuấn

Ông tâm sự: “Tôi thích nghe nhất là thời sự và các chương trình ca nhạc, dân ca Huế, cải lương, vọng cổ. Còn những chương trình như: chèo, tuồng là tôi không nghe, vì nghe cũng không hiểu gì hết. Ca trù nghe buồn, tôi không thích”. Ông coi cái đài như người bạn không thể thiếu trong cuộc sống, đi đâu cũng mang theo, khi trời nắng ngồi trong nhà nóng quá, nhà lại không có điện (vì sợ mắt ông không nhìn thấy gì sờ vào điện bị giật nên nhà ông không được lắp điện), ông Tuấn mang đài ra treo ở gốc cây mơ đầu ngõ rồi ngồi đó nghe suốt buổi trưa cho đến giờ đi làm, lắm hôm ông còn ngủ luôn tại gốc cây cho mát...

Chia tay ông Tuấn khi chiếc đài của ông vừa kêu lên tút tút báo hiệu 12 giờ trưa, ông Tuấn vẫn thản nhiên ngồi trên chiếc ghế cũ nát, mắt nhìn về một hướng vô định, rồi chăm chú nghe lời giới thiệu với giọng nói trong trẻo của cô phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam. Chúng tôi có cảm tưởng như chưa bao giờ ông Tuấn “mù” thấy cuộc đời mình ở tận cùng của sự tối tăm.

 

Theo Xaluan

Lượt xem : 14159 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo