Trang chủ --> Gương sáng --> Cổ tích về đội xe thồ mù ở Bắc Ninh
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cổ tích về đội xe thồ mù ở Bắc Ninh

3 người vợ sáng mắt cầm lái đi trước, 3 người chồng mù loà vịn tay vào gác-ba-ga ráng sức đẩy phía sau. Hơn 14 năm nay, những chiếc xe thồ của họ lặc lè trên con đường làng đầy sỏi đá, chở hàng ngàn tấn vật liệu xây dựng cho bà con trong làng, ngoài xã…
Xem videoclip tại đây


Giọt nước mắt mù loà

Co tich ve doi xe tho mu o Bac Ninh
 
 

“Mấy anh em tôi bị mù từ thủa còn thanh niên trai tráng. Mù di truyền đấy, vì bà cụ nhà tôi cũng chẳng nhìn thấy gì từ năm 27 tuổi. 3 cô chị đầu không sao nhưng đến tôi thì dở bệnh, dở tật. Đứa em gái út những tưởng sẽ may mắn hơn nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi số phận đen đủi. Nhà 9 người thì 5 người khiếm thị..”, anh Luân mở đầu câu chuyện bằng giọng trầm buồn. Rồi cũng chỉ thốt lên được chừng ấy câu, người đàn ông gầy gò bỗng nghẹn ngào và im bặt. Những giọt nước mắt lăn dài trên má…

Ngay từ lúc mới chào đời, anh Luân đã mắc phải căn bệnh quái ác khiến hai mắt kèm nhèm chỉ lờ mờ nhìn thấy cảnh vật xung quanh. Chưa đầy 20 tuổi, mắt anh mù hẳn. Lần lượt, anh Thanh, anh Hiền, chị Hồng - những người ruột thịt của anh Luân cũng cùng chung số phận. Dù đã lên Huyện, xuống Tỉnh, cầu cứu thầy thuốc khắp nơi nhưng cũng chẳng ai cứu giúp được họ. Cuộc sống nghiệt ngã đã xô đẩy gia đình anh vào con đường cùng tưởng như không còn lối thoát.

“Hồi đó mấy anh em tôi chán nản lắm. Mù thế này sống sao nổi. Người ta bảo anh ngã em nâng; đằng này cả anh lẫn em đều ngã thì lấy ai nâng…”. Anh Luân xót xa. "3 cô chị gái lấy chồng xa thi thoảng mới về thăm mẹ, thăm em được đôi lần. Còn bà con hàng xóm thì cũng chỉ đỡ đần được dăm ba bữa. Có những khi mấy mẹ con chẳng biết làm thế nào cứ ôm nhau mà khóc".

May mắn, đúng lúc tưởng chừng tuyệt vọng thì có người mách bảo, mai mối cho 3 anh em lập gia đình. Thời ấy, làng Tiên Du bên cạnh có một cô gái tên Hào, vốn là thanh niên xung phong hơn anh Luân 3 tuổi. Sau thời gian đi lại tìm hiểu, cô gái cũng thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của chàng trai mù. Năm 1984, đám cưới được tổ chức. Anh Luân mừng lắm, bà con hàng xóm cũng mừng lây.

Thế rồi sau “khúc mở đầu” của người anh ruột, hai người em là anh Thanh, anh Hiền cũng tìm được một nửa còn lại của mình. Điều đặc biệt là cả 3 cô vợ của họ đều sáng mắt, khoẻ mạnh và rất yêu chồng. 3 cặp Luân - Hào, Thanh - Thuý, Hiền - Hà về sống chung với nhau dưới một mái nhà tại thôn Yên Lã. Những tưởng khi đã lập gia đình thì cuộc sống những chàng trai mù sẽ bớt cơ cực hơn. Nào ngờ, số phận vẫn chưa chịu mỉm cười với họ….

Mưu sinh trong bóng tối
 

Co tich ve doi xe tho mu o Bac Ninh
 
 

Lấy vợ rồi nhưng biết làm gì mà sống. Kinh tế gia đình mấy anh em chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Đúng năm đó, vụ mùa thất bát, cuộc sống càng thêm cơ cực. Chật vật lắm, 3 cặp vợ chồng mới thoát được cảnh chạy ăn từng bữa. Nhưng nếu chỉ trông vào đồng ruộng thì bao giờ mới thoát cảnh nghèo hèn. Nghĩ mãi, cuối cùng anh Luân nảy ra ý định rủ 2 em đi làm thuê. Ban đầu chỉ là đi xay bột thuê, tuốt lúa, kéo trục… Sau đó, 3 anh em bàn bạc mua xe thồ để chở vật liệu xây dựng.

Gom góp tất cả vốn liếng, tài sản, 6 con người mới có được 500.000đ để mua xe. Hễ cứ nhà nào động thổ, xây dựng hay vận chuyển gạch, đá, cát sỏi là mấy anh em lại tìm đến để xin làm. Khi đó, mọi người nghi ngại lắm. Chẳng ai tin được mấy người mù loà lại có thể lao động chân tay nặng nhọc như vậy. Nhưng nài nỉ mãi thì họ cũng bằng lòng cho 3 anh em làm thử.

Không thể lái được thì các anh để vợ cầm lái và đi sau xe đẩy. Khởi đầu rất khó khăn. Có những khi đẩy xe được dăm ba chuyến thì anh Thanh, anh Hiền phải ngã đến năm bảy lần. Anh Luân thì luống cuống để rớt cả gạch vào chân. Những người thuê trả công vợ chồng bằng gạo rồi sau đó quy ra tiền. Tiền kiếm được 3 anh em chi trả cuộc sống hàng ngày, còn lại chút đỉnh thì đưa vợ con phòng khi đau ốm.

Hơn chục năm lam lũ, chật vật, cuối cùng 3 cặp vợ chồng mù cũng dành dụm được tiền xây nhà cửa. Anh Luân, chị Hào cất được ngôi nhà 2 tầng khang trang. Còn anh Thanh chị Thuý và anh Hiền chị Hà cũng có được nhà ngói rộng rãi với nhiều tiện nghi. Cuộc sống dần khấm khá…

“Thương hiệu” xe thồ mù
 

Co tich ve doi xe tho mu o Bac Ninh
 
 

Hơn chục năm lam lũ, cuối cùng số phận nghiệt ngã cũng phải buông tha những con người giàu nghị lực. Nhưng điều đặc biệt hơn là trong làng ngoài ngõ hễ cứ nhắc đến 3 anh em là nhắc đến đội xe thồ mù. Cái tên xe thồ mù cứ thế mà lan dần vươn sang cả huyện bên cạnh. Có người ở tận Đình Bảng (Bắc Ninh) cũng lần mò tìm sang để thuê 3 anh em chở vật liệu xây dựng. Thu nhập của mỗi người nhờ thế cũng tăng lên. Anh Thanh kể trung bình một ngày, 3 xe mỗi xe kiếm được từ 50.000 - 60.000 đồng.

Anh Luân thì tự hào: “Anh em chúng tôi làm tới đâu gọn tới đó nên khách hàng họ tin lắm. Thậm chí có người còn giao trọn gói chuyên chở vật liệu cho công trình của họ nữa đấy…”. Những người hàng xóm ở thôn Yên Lã thường hay nói đùa, 3 anh em là 3 ông giám đốc của “xí nghiệp” xe thồ mù. Họ là “đội quân” bốc vác, chuyên chở duy nhất trên địa bàn xã Tân Hồng. Những người làng bên thấy anh em làm ăn được nên cũng mua xe thồ về làm. Nhưng dường như “thương hiệu” xe thồ mù ở Yên Lã vẫn đắt khách hơn tất cả các “thương hiệu” xe thồ khác.

Mới đây, Hội người mù Từ Sơn tổ chức lớp học chữ nổi ở Tân Hồng. Cả 3 anh em Luân, Hiền, Thanh đều theo học khá chăm chỉ. Đọc được chữ nổi, 3 anh em mừng rỡ lắm. Anh Luân suốt ngày tỉ mẩn bên những cuốn giáo trình được chạm khắc, in nổi. Thế rồi những vần thơ bỗng bật lên trong cảnh mù loà. Thơ của anh Luân được các hội viên Hội người mù rất thích. Thậm chí có người còn tỉ mẩn chép lại và đem về nhà ngâm nga.

Anh Luân bảo, có cơm có gạo, có nghề nghiệp rồi, còn thời giờ rảnh rỗi thì dành cho thơ. Thơ không kiếm ra tiền nhưng thơ làm cho người ta thấy hạnh phúc…

  • Lê Tân

Việt Báo(Theo_VietNamNet)  
Lượt xem : 27644 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo