Trang chủ --> Gương sáng --> Cuộc mưu sinh của người đàn ông khiếm thị đầy nghị lực
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cuộc mưu sinh của người đàn ông khiếm thị đầy nghị lực

Sau tai nạn năm 9 tuổi, Nguyễn Minh Hoàng bị mù vĩnh viễn. Càng lớn, Hoàng càng hụt hẫng vì cảm thấy cuộc sống bế tắc. Nhưng khi được bước chân vào trường chuyên biệt dành cho người khiếm thị Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Hoàng đã tìm lại được niềm lạc quan trong cuộc sống. Cuộc mưu sinh trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng bằng nghị lực của mình, từ một nhân viên làm thuê, anh đã mở cơ sở massage để giúp cho các em có hoàn cảnh như mình có việc làm ổn định ở quê nhà.

Anh Hoàng (bên trái thứ nhất) cùng các nhân viên.

Buổi sáng định mệnh

37 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về buổi sáng kinh hoàng vẫn còn in đậm trong tâm trí anh Hoàng như mới vừa xảy ra. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cậu bé 9 tuổi Lê Minh Hoàng mới được cắp sách đến trường. Niềm vui được đi học chưa kịp vơi thì tai nạn bất ngờ ập xuống, khiến Hoàng vĩnh viễn sống trong bóng tối. Anh Hoàng bồi hồi nhớ lại: Hôm ấy, vừa đến trường, có bạn nhặt được một vật gì là lạ nên các bạn tụm lại xem. Một tiếng nổ lớn vang lên. Hoàng ngã vật ra đất, 2 tay ôm mặt, đau buốt. Khi cố mở mắt ra, Hoàng đau đớn khi trước mắt chỉ là bóng tối dày đặc. Tiếng nổ ấy đã cướp đi cuộc sống của 2 bạn trong lớp, 9 em còn lại bị thương, trong đó có Hoàng.

Tuổi thơ hồn nhiên nên Hoàng chấp nhận sống trong sự đùm bọc của gia đình. Tuy nhiên, khi bước vào tuổi thiếu niên, được biết  bạn bè cùng trang lứa đến trường, Hoàng hụt hẫng khi nghĩ đến tương lai của mình. Hoàng cứ đau đáu đi tìm câu trả lời khi tự vấn lòng mình sẽ làm gì để có thể tự lo cho bản thân? Nhưng tìm mãi mà bài toán mưu sinh vẫn chưa có lời giải. Vì vậy, nhiều đêm Hoàng không thể ngủ, cứ nằm khóc vì tuyệt vọng. Đến năm 16 tuổi, Hoàng được gia đình đưa lên trường dành cho người khiếm thị Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ở TP. Hồ Chí Minh để học.

Bước ra khỏi làng quê xã Long Khánh (huyện Cai Lậy), vào trường Nguyễn Đình Chiểu, Hoàng mới nhận ra rằng mình còn may mắn hơn nhiều người, vì còn có gia đình, người thân bên cạnh, trong khi nhiều bạn bè khiếm thị khác lớn lên từ cô nhi viện. Ở trường Nguyễn Đình Chiểu, ngoài học văn hóa, Hoàng còn được học nghề dệt chiếu, dệt thảm, bó chổi, massage... Hoàng cảm nhận được niềm vui đã quay trở lại trong anh khi biết rằng dù đôi mắt không còn thấy ánh sáng, nhưng mình vẫn có thể làm được nhiều việc để mưu sinh. Dần dần, Hoàng đã có được niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống.

Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu chỉ dạy văn hóa đến lớp 5, Hoàng phải nghỉ vì không có điều kiện học hòa nhập. Lúc ấy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập Hội Người mù nên nhận Hoàng vào Hội công tác. Tính hiền lành, Hoàng được các chú thương binh thương, giới thiệu để anh nhận đan thảm gia công. Ngày nhận được những đồng lương đầu tiên do chính đôi tay mình làm ra, trong Hoàng dâng tràn niềm vui. Anh nghĩ từ đây mình có thể sống tự lập bằng chính sức lao động của mình, không còn dựa dẫm vào cha mẹ nữa.

Vất vả mưu sinh

Năm 1989, Hoàng lấy vợ rồi về lập nghiệp ở quê nhà Long Khánh. Hai đứa con lần lượt chào đời. Các con càng lớn, cuộc sống càng khó khăn hơn vì 2 công ruộng không thể nuôi sống 4 người trong gia đình nhỏ của anh. Anh cố gắng làm mọi việc, kể cả leo hái dừa, để kiếm tiền nuôi con. Cuộc sống ở nông thôn, ít đất sản xuất, với người sáng mắt cũng đã khó gánh vác nổi gia đình có tới 4 miệng ăn nên với một người khiếm thị như anh, nỗi khó khăn ấy đã nhân lên gấp bội. Hoàng đã không thể giữ nổi người vợ sau 16 năm chung sống. Hạnh phúc đổ vỡ, anh đã nhận phần nuôi 2 con.

Sau khi ly dị vợ, anh gởi 2 con cho ông bà nội rồi đi làm trong một cơ sở massage dành cho người khiếm thị ở TP. Hồ Chí Minh để kiếm tiền gởi về quê nuôi con ăn học. Trong thời gian làm massage, cơ sở nơi anh làm cũng nhận một số em khiếm thị quê Tiền Giang vào làm. Anh nghĩ tại sao mình không mở cơ sở massage ở quê nhà để các bạn khiếm thị có nơi làm việc. Được các em khiếm thị cùng quê động viên, anh quyết định về Mỹ Tho mở cơ sở massage để các em có hoàn cảnh như mình có chỗ làm việc gần gia đình. Vậy là anh khăn gói về quê sau 3,5 năm đi làm thuê.

Được gia đình hỗ trợ 25 triệu đồng, anh thuê căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo (TP. Mỹ Tho) để mở cơ sở massage Hồng Phúc. Một số em khiếm thị đi làm trên TP. Hồ Chí Mình lần lượt về làm cho anh. Nhân viên được anh bao ăn ở và chia phần trăm trên mỗi suất massage, nếu khách boa thì các em hưởng. Do dịch vụ massage của người khiếm thị còn mới mẻ ở Mỹ Tho nên trong giai đoạn đầu, cơ sở rất ít khách. Để có tiền trang trải, anh phải vay mượn bạn bè để "cầm cự". Các em nhân viên thương "ông chủ" nghèo vật chất nhưng giàu tình người, nên gom góp, phụ anh tiền để lo ăn uống hàng ngày. Nhờ kiên trì nên khách đến với cơ sở massage của anh ngày một đông hơn. Hôm nào anh cũng thức đến 1, 2 giờ sáng để lo dọn dẹp, giặt giũ.

Sau gần 3 năm, hiện giờ cơ sở massage Hồng Phúc đã có khách ổn định. 6 nhân viên (3 nam, 3 nữ) đã có lương ổn định mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, cộng với tiền boa của khách. Các em đã được anh bao ăn, ở nên cuộc sống cũng ổn định. Điều đáng mừng là năm 2011, thương hoàn cảnh gà trống nuôi con, chị Trần Thị Ngọc Hương đã gá nghĩa cùng anh để chăm lo cho 2 đứa con. Sau lễ cưới đơn sơ, chị Hương bỏ công việc ở TP. Hồ Chí Minh để về phụ anh quản lý cơ sở massage, chăm sóc vườn và lo cho 2 đứa con anh ăn học. Chị Hương quyết định không sinh thêm em bé để toàn tâm toàn ý lo cho 2 đứa con riêng của anh. Hạnh phúc lại được nhóm lên. Anh tin rằng bằng sự nỗ lực vươn lên và sự chân thành thì sẽ tìm được tương lai và hạnh phúc.

Nguyên Võ


 

Lượt xem : 38355 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo