Trang chủ --> Gương sáng --> Tình yêu của đôi vợ chồng mù nơi phố núi
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Tình yêu của đôi vợ chồng mù nơi phố núi

Người dân khu phố 9 – thị trấn Võ Xu – huyện Đức Linh không khỏi ngạc nhiên bỗng một ngày nọ, trong nhà anh Trịnh Quang Hiền (1972) lại xuất hiện một người phụ nữ cùng cậu con trai khoảng 4 – 5 tuổi.

Bao câu hỏi tò mò được đặt ra, anh chỉ cười: “Vợ con tôi đấy”. Căn nhà tồi tàn, thiếu trước hụt sau giữa phố núi đại ngàn ấy chính là nơi sưởi ấm và vun đắp những khiếm khuyết mà vợ chồng anh không may gặp phải .

Nơi tình yêu bắt đầu

Vừa 20 tuổi, ngời ngợi ước mơ và đầy hoài bão, nhưng chưa kịp thực hiện thì tai nạn lao động đã cướp đi ánh sáng cuộc đời anh. Tỉnh dậy trong bóng tối, anh Hiền đau đớn đón nhận hung tin, bình khí bơm bong bóng mà anh ngày ngày vất vả mưu sinh đã lấy đi của anh đôi mắt sáng. Từ đây, anh Hiền sẽ phải nhìn đời bằng bóng đêm, lắng nghe cuộc sống qua hơi thở. Bi quan, tuyệt vọng khiến anh đã chọn giải pháp sống thu mình, cứ âm thầm, lặng lẽ như thế trong suốt 6 năm trời với bao ý nghĩ tiêu cực. Được gia đình, bạn bè động viên, khuyên nhủ, con ốc sên sau thời gian dài ngủ vùi cũng phải tỉnh dậy. Anh bắt đầu tham gia Hội Người mù của huyện, tại đây anh được sinh hoạt, được giao lưu, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ và nhiều dự định khác đã mở ra trước mắt sau nhiều năm anh không dám nghĩ tới. Năm 2003, anh được Hội Người mù tỉnh cử đi học lớp kỹ năng sư phạm dành cho người mù và lớp quản lý Hội tại Hà Nội.

 

Chăm sóc mẹ già
 

Nơi đây, tình yêu của anh và chị đã bắt đầu. Anh đã gặp chị Đàm Thị Tuyến (Phó Chủ tịch thành HộiCao Bằng lúc bấy giờ) khi chị học cùng lớp. Lẽ thường tình, tình yêu đến với hai người như thể sự gắn kết của định mệnh. Sau những lần gặp gỡ, sẻ chia và tâm sự cùng nhau, hai người đã chung sự đồng điệu trong tâm hồn. Nhưng ban đầu không ai trong anh chị dám nghĩ tới chuyện đến với nhau vì hai người ở cách xa nhau hàng nghìn cây số. Một năm trôi qua, khóa học kết thúc, anh phải quay về nơi phố núi, còn chị cũng trở lại công việc tại địa phương. Đường xa cách trở, nhưng những lá thư tình bằng chữ Brai giữa hai người vẫn được gửi đều đặn, những cuộc điện thoại đường dài cũng đủ làm hai trái tim xích lại gần nhau. Năm 2008, sau khi sắp xếp công việc ổn thỏa, chị quyết định vào Nam đoàn tụ cùng chồng mặc cho vùng núi Đức Linh lúc ấy còn heo hút, khô cằn đến dường nào. Và một điều khá bất ngờ khi người ta thấy chị dẫn theo cậu nhóc có gương mặt sáng. “Đó chính là kết quả của một tình yêu đẹp”, anh sung sướng khi có ai hỏi đến. Năm 2009, một bé trai kháu khỉnh nữa lại ra đời trong vòng tay yêu thương của đôi vợ chồng mù. Vợ chồng anh vui mừng khôn xiết nhưng cũng là lúc gánh nặng gia đình càng đè nặng lên hai vai…

Vượt khó…

Sau khi học ở Hà Nội về, anh tiếp tục được Hội người mù tỉnh cho theo học lớp kỹ thuật xoa bóp tại Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, lớp vi tính văn phòng tại trung tâm tin học “Vì người mù Sao Mai” (TPHCM) và lớp kỹ năng sư phạm CNTT do Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) đào tạo. Sau khi hoàn tất các khóa học, anh về địa phương mở lớp dạy chữ nổi Brai tại huyện hội. Do huyện hội không đủ chi phí đầu tư máy vi tính, cơ sở vật chất, nên anh đã đến tận nhà dạy kèm tin học (có phần mềm dành cho người mù) nếu học viên có nhu cầu. Tiền công chẳng bao nhiêu, nhưng người dân nhớ đến anh nhiều với hình ảnh của người thầy tận tâm. Anh Hiền chia sẻ: “Mình đã không may, mấy đứa nhỏ còn kém may mắn hơn. Tỉnh hội đã tạo điều kiện cho tôi đi học, tôi có trách nhiệm truyền đạt những kiến thức ấy cho các em. Hi vọng, điều may mắn khác sẽ đến nếu các em biết phấn đấu”. Kết quả từ năm 2006 đến nay, anh đã đào tạo cho 20 em vừa học vi tính vừa học chữ Brai. Vừa làm Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Đức Linh, vừa đi dạy cho các em nhỏ, lại quán xuyến công việc trong gia đình, dường như quá nhiều đối với một người không thấy ánh sáng như anh. Nhưng anh chỉ cười: “Tôi dậy sớm hơn người khác một chút, thức khuya một chút thì việc đâu vào đấy thôi”.

 

Và nấu rượu
 

Mỗi ngày, vợ chồng anh dậy thật sớm, người thì nấu rượu, người cho heo ăn. Ngoài ra, anh còn đảm đương công việc nhà như phát quang bụi rậm, xách nước, tưới cây… đến chăm sóc mẹ già. Gia đình anh tuy đông anh em, nhưng ai nấy đều khó khăn và làm ăn xa. Cậu con trai út Hiền phải gánh thêm trách nhiệm phụng dưỡng mẹ già đã 87 tuổi, bị tai biến bại liệt nằm một chỗ nhiều năm nay. Mọi sinh hoạt của người mẹ đều do một tay anh chăm sóc, từ đút cơm, tắm rửa, tiểu tiện… Anh bảo: “Phận làm con phải có nghĩa vụ báo hiếu cho ba mẹ. Mình cư xử thế nào với ông bà thì con cái sẽ học hỏi đối xử với mình thế ấy”. Công việc cuốn lấy vợ chồng anh như con thoi, buổi tối sau khi kèm cậu con trai học bài, vợ chồng anh còn nhận đóng gói tăm tre tại nhà, để ủng hộ quỹ cho huyện hội. Với những gì anh đã cố gắng vượt khó, Sở LĐTB&XH đã khen tặng anh có thành tích vươn lên trong học tập và lao động 3 năm liền 2007 – 2009.

Khi chia tay chúng tôi, anh tâm sự: “Tình yêu đã đem đến cho tôi cái nhìn khác về cuộc đời. Một người vợ chịu khó, hai cậu con trai khỏe mạnh là niềm hạnh phúc lớn nhất đời tôi. Tuy điều kiện kinh tế gia đình còn thiếu trước hụt sau, nhưng vợ chồng tôi sẽ cố gắng nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay, tôi chỉ mong có được bộ máy vi tính để dạy các em tại nhà, tiện cho việc đi lại của tôi và chăm sóc mẹ già. Ngoài ra, tôi cũng đang có kế hoạch mở xưởng làm nhang tại địa phương nhằm tạo điều kiện cho anh em hội viên có việc làm, kiếm thêm thu nhập nhưng vốn liếng vẫn còn nhiều khó khăn”.

Minh Vân 

Lượt xem : 48167 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo