Trang chủ --> Gương sáng --> Đôi vợ chồng khiếm thị và câu chuyện tình yêu cảm động
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Đôi vợ chồng khiếm thị và câu chuyện tình yêu cảm động

altChị khiếm thị bẩm sinh, anh khiếm thị từ nhỏ, cuộc đời họ tưởng sẽ vô định trong tăm tối. Nhưng số phận đã cho họ gặp rồi yêu nhau, xây một cuộc sống hạnh phúc, dựng một sự nghiệp mà nhiều người sáng mắt phải mơ ước.

Những nỗi đau riêng

Chị sinh năm 1980, mang một cái tên thật nam tính: Nguyễn Nhật Quang. Mẹ chị bị bệnh phù người khi mang thai chị. Bà uống quá nhiều thuốc khiến chị bị dị tật từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, lúc chào đời thì đã là người khiếm thị.

 

Sáu tuổi, chị được gửi vào học tại Trường khuyết tật tại thành phố Long Xuyên (An Giang). Năm 1991, chị tiếp tục được đưa lên Trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu (TP Hồ Chí Minh) để học tiếp lớp 6. Xa nhà, cô độc, chị bỏ về. Nhà gửi chị vào Trường khuyết tật Cần Thơ, chị lại trốn học về nhà. Mười ba tuổi, gia đình gửi chị vào chùa, được 2 năm, chị lại tìm đường về nhà.

 

Cha mẹ rầu rĩ gọi chị là trái sâu trên cây lành, nhà có năm đứa con, bốn người đều lành lặn và rất thành đạt, duy chỉ có chị là như thế. Chị chạnh lòng khóc mãi. Vài đêm thức trắng, chị tạm biệt cha mẹ vào lại Trường khuyết tật Cần Thơ, ở hẳn trong đó.

 

Anh lớn hơn chị một tuổi, quê ở tận Phụng Hiệp (Hậu Giang), là con cả trong một gia đình nghèo với tài sản lớn nhất là… bộ xoong nồi. Cha mẹ giữ ruộng thuê cho người khác, sống trong một cái chòi lá giữa đồng. Năm 1979, họ sinh ra anh ở đó, kháu khỉnh và khỏe mạnh, đặt tên là Bùi Văn Tuấn.

 

Ba tuổi, anh bị một trận sốt thừa sống thiếu chết, đôi mắt cứ mờ dần rồi đến một ngày nọ không thấy gì nữa. Từ căn chòi lá đó sau này tiếp tục ra đời thêm bốn người con nữa.

 

Tuấn là anh cả trong nhà, hàng ngày phải giữ em để cha mẹ đi kiếm cái ăn. Tối tăm, mò mẫm, anh buộc từng đứa em vào người mình, chờ cha mẹ. Đứa nào cũng đã từng “ị” đầy người anh. Chúng khóc ré lên, anh cũng ôm lấy các em mà khóc theo.

 

Mười ba tuổi, nhà anh chưa ăn bữa trưa đã lo bữa tối, anh Tuấn phải mò cua bắt ốc phụ giúp cha mẹ. Lớn tí nữa, anh cùng cha mẹ đi gặt lúa mướn. Anh bị mù nhưng sức vóc lắm, cha mẹ cắt xong là anh vác lúa chất lên bờ. “Người sáng mắt vác bó lúa đầu tiên để sẵn, mình vác lúa đi thẳng, chừng nào vấp vào bó lúa đó thì hạ xuống” - anh kể lại. Người sáng vác lúa đã vất vả, người tối như anh phải tốn gấp đôi sức lực vì phải dò đường. Vậy mà tuổi thanh niên của anh cũng như trang lứa, làm lụng không khác gì.

 

Năm 1998, cha mẹ già, các em đã khôn lớn, có thể làm lụng sinh sống. Thương Tuấn, họ gửi anh vào Trường khuyết tật Cần Thơ để anh được chăm sóc học hành. Ở trường, ngoài việc được ăn uống, anh còn được cấp 30 ngàn đồng mỗi tháng, anh tiêu 10 ngàn cho mình, 20 ngàn để dành gửi về. Đêm đến, Tuấn mò mẫm trèo tường ra ngoài bán vé số để kiếm tiền gửi về nhà. Trèo mãi, rách áo mãi nên vá chằng vá đụp, bị bắt phạt mãi nên… nổi tiếng. Được một thời gian, gia đình anh 6 người kéo nhau lên Bình Dương làm mướn rồi ở luôn trên đó hiếm khi về thăm. Anh Tuấn trở nên cô đơn, lầm lũi.

 

Tình yêu mãnh liệt

 

Ở cùng trường, anh chị quen nhau trong một ngày hội văn nghệ - thể thao của người khuyết tật. Lần ấy chị “chết điếng” giọng ca cổ trong vút của anh. Mới gặp mà như thân thiết. Vài lần, chuyện ngày một dài ra, nhiều hơn những nỗi niềm, tâm sự. Lần nọ chị cứ thắc mắc mãi vì sao anh không thấy gì mà vẫn vác lúa được, vẫn bắt cá tôm được? Anh đùa: “Ấy có muốn theo mình để “nhìn thấy” không? Mình bắt thật nhiêu tôm cá cho ấy ăn nhé”. Chỉ thế thôi mà chị xao xuyến mãi. Thế rồi họ yêu nhau.

 

Bốn năm sau, tình yêu vào độ chín, họ muốn thành chồng vợ. Gia đình hai bên tiếp nhận “hung tin”, thi nhau ngăn cản. Họ bảo nhà đã có một người mù rồi, rước thêm một người nữa thì chỉ làm khổ nhau. “Tụi chị có cần ai chăm sóc đâu, mù mắt nhưng bọn chị còn đôi tay, vẫn nuôi nhau được em ạ”- chị Quang kể lại.

 

Lời vào lời ra, tiếng đời dị nghị, anh Tuấn tức mình dắt tay chị đi. “Ngày ấy chị chẳng biết anh đưa đi đâu nữa, nhưng chị không sợ vì có anh bên cạnh em ạ. Bây giờ nghĩ lại, nếu không có ngày ấy, cuộc đời của anh chị chẳng bao giờ còn ý nghĩa”, chị ngậm ngùi.

alt

 

Cơ sở Chẩn trị y học cổ truyền Nhật Tân của đôi vợ chồng mù và những người cùng cảnh ngộ

 

Anh Tuấn kể lại rằng thời gian đầu rời trường là lúc cuộc sống khắc nghiệt nhất, nhưng anh chị quyết không nản. Anh quyết tâm cho mọi người thấy anh chị có thể xây dựng cuộc sống hạnh phúc bằng đôi tay của mình. Họ thuê một căn phòng nhỏ ẩm thấp giá 180 ngàn đồng/tháng tại một con phố ở Cần Thơ rồi đi bán vé số kiếm sống. “Lúc đầu không có tiền thuê nhà, tụi anh phải trả góp mỗi ngày 3 ngàn đồng”, anh nhớ lại.

 

Hàng ngày anh chị dắt tay nhau đi từ 6 giờ sáng đến giữa khuya, tất cả các con đường của thành phố, từ chợ đến quán nhậu nơi nào cũng tới. Nghề bán vé số phải chịu nhiều tủi nhục, có chủ quán thương tình thì cho bán, có người thì xua đuổi. Có lúc anh chị không thấy nên vấp phải ly chén của quán, phải bồi thường đến vài chục ngàn, vậy là phải ăn cháo trắng buổi trưa mỗi tô 1 ngàn đồng để bù vào số tiền đã mất. Cũng có lúc người ta lừa anh chị dùng tiền giả mua vé số, rồi bị côn đồ giật mất vé, người ngã lăn ra đường. Anh đỡ chị đứng dậy và đi tiếp.

 

Mỗi ngày bán vé số được khoảng 30 ngàn, hai vợ chồng dành ra 10 ngàn để ăn uống, sinh hoạt, còn lại 20 ngàn đồng để dành dụm. Ba năm vật lộn, họ đã có một số vốn 16 triệu đồng để lo tính tương lai.

 

Năm 2005, từ một lần bán vé số, nghe được mẩu quảng cáo trên báo, anh chị xin vào làm tại cơ sở massage khiếm thị Vạn Thọ tại Long Xuyên (An Giang). Nơi đây, anh chị được ăn ở, làm việc trong những điều kiện đảm bảo, ổn định. Hai người rủ thêm 7 người khác cùng cảnh ngộ như mình vào làm tại cơ sở. Họ được chủ cơ sở đưa đi học một khóa massage, châm cứu cổ truyền tại Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, được cấp chứng chỉ hành nghề và về làm việc tại Cơ sở Vạn Thọ 2 tại Cần Thơ, có thu nhập ổn định.

 

Ánh sáng của cuộc đời

 

Khi tôi đến thăm, anh Tuấn và chị Quang đã là ông bà chủ của Cơ sở Chẩn trị y học cổ truyền Nhật Tân, chuyên xông hơi, massage trị liệu do người khiếm thị đảm nhận. Ông chủ Tuấn tiếp chuyện khách khi tay vẫn thoăn thoắt các động tác xoa bóp cho khách. Anh cười: “Chủ tớ gì đâu, anh chị và mấy anh em thân lập nên cơ sở này, cùng làm việc, chia sẻ với nhau em ạ”.

 

Cơ sở Nhật Tân rộng chừng 120 m2 nằm tại số 12/11A đường Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) chia làm 2 tầng. Tầng trệt là phòng lễ tân rồi dẫn vào một phòng tắm hơi nhỏ, bên trong là phòng rộng hơn bố trí 5 giường. Tầng trên cũng có một phòng xoa bóp tương tự, phía trước là nơi để anh em nhân viên nghỉ ngơi và một căn phòng nhỏ dành cho tổ ấm của anh chị. Tất cả căn phòng đều ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ. Những chiếc giường nhỏ được trải ra trắng toát, ánh sáng dịu dàng. Khách đến với cơ sở có cả người trong nước lẫn nước ngoài, phần vì thư giãn sức khỏe, phần vì khâm phục nghị lực của những người không may mắn.

 

“Cơ sở mới lập nên chưa đông khách, tụi anh phải chịu lỗ thời gian đầu em ạ” - anh Tuấn tâm sự. Hiện chi phí cho cơ sở quá cao, gần 10 triệu đồng/tháng nhưng khách đến chưa nhiều vì ngoài lượng khách thân thiết, cơ sở vẫn chưa có nhiều người biết. Cơ sở được anh chị lập nên với số vốn 40 triệu đồng từ những ngày bán vé số và làm nhân viên massage cộng thêm ngần ấy nữa tiền vay mượn. Thu nhập thấp nên cuộc sống của anh em còn khó khăn nhưng ai cũng đoàn kết vui vẻ, không nản chí. Ai cũng tin rằng cơ sở sẽ thành công vì nó không chỉ là miếng cơm manh áo mà còn là khao khát khẳng định mình của những người như anh.

 

Nhật Tân là tên đứa con trai đầu lòng của anh chị. Cậu bé một tuổi, kháu khỉnh và hiếu động. Anh đặt tên con với hy vọng cuộc đời con sẽ đổi mới, mãn nguyện, không bất hạnh như cha mẹ.

 

Chị kể lại: “Những ngày đầu mang thai, chị lại gặp phải sự phản kháng của hai gia đình, sự dị nghị của nhiều người. Họ bảo chị nghèo lại mù làm sao mà nuôi nổi con. Nhưng chị kệ, anh chị quyết tâm sinh ra nó, quyết cho nó một cuộc đời tử tế em ạ”. Chị nghỉ sinh, anh vẫn làm việc suốt ngày đêm để lo cho hai mẹ con. Ngày sinh con khỏe mạnh chị đã khóc thật nhiều vì vui sướng, anh bỏ việc tất tả chạy về để được sờ đứa con cho thỏa.

 

Nhờ sự giúp đỡ của người thân, bè bạn, chị cũng qua được những ngày đầu sau khi sinh cháu. “Một tháng đầu mắt cháu cứ khép lại em ạ. Anh chị lo sợ không ngủ được. Sờ mãi, sờ mãi mới nhận thấy con mở mắt, anh chị ôm nhau khóc vì sung sướng”. Lần đó chị khóc mãi, khóc gào lên thành tiếng vì hạnh phúc. “Cu cậu bây giờ lớn rồi, nghịch lắm, đêm nào cũng quậy không cho cha mẹ ngủ”, chị vừa nói vừa ôm thằng bé vào lòng, âu yếm vuốt ve khuôn mặt con. Thằng bé cười tinh nghịch theo từng ngón tay mẹ “chạy” trên mặt.

 

Mọi người đều khen thằng bé kháu khỉnh, không nhìn thấy nhưng anh chị tin, tin lắm. Vì đó là món quà trời ban cho anh chị để bù đắp lại nhưng bất hạnh, thiệt thòi. Anh chị vẫn bảo con là ánh sáng của cuộc đời, là mục đích sống của anh chị, giúp anh chị vượt qua những khó khăn trước mắt.

 

“Mai này cháu sẽ được học hành tử tế, có chỗ đứng trong xã hội, cháu sẽ là niềm tự hào của cha mẹ. Nghĩ thế thôi là chị rơi nước mắt” - chị nghẹn ngào tâm sự. Anh chị cho con cuộc đời, còn con cho anh chị một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống: Rằng hạnh phúc luôn đến với những người biết sống yêu thương và biết khao khát.

 

Nhật Trường

 

Nguồn : PWD 

Lượt xem : 52938 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo