Trang chủ --> Gương sáng --> Ước mơ xưởng nghề của người đàn ông liệt nửa người
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Ước mơ xưởng nghề của người đàn ông liệt nửa người

Sau tai nạn giao thông kinh hoàng khiến nửa người bị liệt, từng nghĩ đến cái chết nhưng bằng ý chí, nghị lực của bản thân, anh đã vượt lên tất cả. Hiện anh là người thầy ươm mầm trên mọi nẻo đường tìm kiếm những mảnh đời bất hạnh.

Người đàn ông mà tôi đang nói đến là anh Lê Văn Hóa (1973) ở xóm 12, thôn Phúc Từ Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Giữa cái nắng hè như thiêu như đốt ở mảnh đất cát trắng, gió Lào Quảng Bình, khuôn mặt ai cũng lấm lem mồ hôi, chiếc áo đẫm ướt từ lúc nào nhưng anh Hóa cùng những người học trò của mình vẫn say sưa, tỉ mỉ ngồi trên chiếc xe lăn để tạo ra những sản phẩm thủ công làm bằng tăm tre.

Hura-1-1376987677.jpg

Bằng sự sáng tạo và đức tính cần mẫn, những vật liệu rất đơn sơ đó là que kem và tăm tre, anh đã biến những tích lịch sử như lăng Bác Hồ, cổng Bình Quan, chùa Một Cột, Văn Miếu hay đó là những khung ảnh, ngôi nhà sàn, nhà rông… thành đồ thủ công mỹ nghệ xinh xắn. Những sản phẩm anh và học trò làm ra rất đẹp và khéo léo. Một toà lâu đài bằng tăm tre sau bao ngày hì hục giờ đã ra lò, trên môi luôn ánh lên nụ cười rạng rỡ và anh bắt đầu câu chuyện của mình.

Anh là con út trong một gia đình nông thôn nghèo có 5 anh em. Ngay từ nhỏ, anh đã gặp nhiều bất hạnh. Năm 1996, anh lấy vợ rồi sinh 2 đứa con. Cuộc sống khó khăn, quanh năm chỉ bám vào 3 sào ruộng, làm thuê, làm mướn khắp nơi, với đủ nghề cũng không đủ ăn. Trong nhà lại còn phải nuôi thêm mẹ già và một chị gái bị khuyết tật bẩm sinh. Cuộc sống gia đình biết bao điều lo toan, qua nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh quyết định đi xuất khẩu lao động để mong được "đổi đời".

Tuy nhiên, sắp đến ngày bay đi Quata thì tai họa ập đến, anh Hóa bị tai nạn giao thông phải nằm viện suốt một tháng. Vì nhà nghèo, nên số tiền 60 triệu đồng cho một cuộc phẫu thuật là quá lớn và anh đành phải nuốt nước mắt khăn gói ra về để chấp nhận cuộc đời tàn phế. Anh chia sẻ: "Thời gian sau tai nạn chẳng khác gì là địa ngục, nằm một chỗ thấy vợ con vất vả khi chăm sóc mình, nhiều lần tôi đã tìm đến cái chết. Tuy nhiên khi nằm xem TV, đọc báo, thấy nhiều người cũng tàn tật, bi đát hơn mà họ vẫn vui sống, vẫn lạc quan, nên tôi đã quên đi ý nghĩ tiêu cực đó. Đổi lại, tôi nghĩ mình phải tìm ra một công việc gì đó làm ra tiền để vơi bớt phần nào gánh nặng cho vợ con".

Thế rồi, năm 2008, trong một lần xem TV, anh thấy có người chiến sĩ tặng bạn gái một món quà lưu niệm hình trái tim kết lại bằng tăm tre rất đẹp. Ý tưởng bắt đầu lóe lên từ đó, anh tập làm từ những sản phẩm đơn giản nhất rồi đến những sản phẩm phức tạp hơn. Ròng rã trong suốt một năm, anh Hóa đã tạo nên những sản phẩm khá bắt mắt. Để tìm thị trường tiêu thụ, anh tìm cách liên lạc với Hội người khuyết tật Việt Nam ở Hà Nội, trao đổi về những sản phẩm của mình, mong muốn những sản phẩm của mình đến với mọi người.

Trời không phụ lòng người, không lâu sau đó, anh nhận được cuộc điện thoại báo tin mừng, sản phẩm của anh đã có người mua. Họ bắt đầu đặt hàng cho anh làm, nhờ sự nhanh nhạy cũng như giúp đỡ của mọi người, những sản phẩm anh làm ra được nhiều người biết đến. Một người tàn tật để có việc làm quả thật là khó và việc làm đó tạo nên một nguồn thu nhập thì thật đáng quý. Tuy nhiên, điều đáng quý hơn là sự say mê, sáng tạo trong công việc và ước muốn sẻ chia, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Thấu hiểu được những khó khăn, mặc cảm, tự ti của những người khuyết tật, anh Hóa luôn chủ động liên lạc, tâm sự, chia sẻ với họ giúp họ sớm hoà nhập vào cộng đồng. Dù 2 chân anh đã bị liệt, sức khoẻ đau ốm thường xuyên, nhưng trên chiếc xe lăn không quản ngại đường xá xa xôi hay những ngày mưa nắng, anh đã tìm đến từng nhà để động viên những người đồng cảnh. Cũng có nhiều người mỉa mai "thân mình còn chưa lo nổi lại còn đèo bòng", nhưng anh cũng mặc kệ. Dù gia đình anh chẳng khấm khá gì, nhưng anh vẫn mong muốn tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật.

Đối với những người ở xa không thể đến tận nhà học việc, anh đã gửi sản phẩm, hướng dẫn cách làm, kinh nghiệm nghề qua email, facebook, điện thoại… Những người ở trong tỉnh đã tìm đến nhà anh xin học. Từ đó, anh trở thành người thầy dạy nghề thủ công mỹ nghệ bằng những que tăm, que kem đã qua tái chế, một phần giảm bớt chi phí nguyên liệu, một phần góp phần bảo vệ môi trường. Hiện anh dạy nghề miễn phí cho 4 người khuyết tật tại nhà.

Hura-2-1376987677.jpg

Đồng cảm trước phận đời trớ trêu và cảm phục trước ý chí phi thường của anh Hoá, cứ mỗi dịp hè, sinh viên tình nguyện ở các trường Hà Nội lại đi vớt que kem ở hồ Hoàn Kiếm, xiên nướng vứt bừa bãi ở bên vỉa hè, mang xử lý sạch và gửi vào cho anh. Một số sản phẩm được anh gửi bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ cho trẻ em khuyết tật. Hiện tại anh đã sáng tạo trên 40 mẫu. Những sản phẩm anh làm ra đều được mọi người đánh giá cao, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Anh Hóa mong muốn có điều kiện để mở một xưởng nghề vừa dạy vừa làm đồ lưu niệm cho nhiều người khuyết tật. Từ đó anh có thể giúp họ sớm hoà nhập vào cộng đồng cũng như tạo công ăn việc làm, để họ thấy được mình vẫn là người có ích cho xã hội.

Rời miền đất Quảng Bình nắng cháy, tôi hy vọng rằng trong một ngày không xa ước mơ của anh sẽ trở thành hiện thực.

                                                                                              Theo:VnExpress

Lượt xem : 18204 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo