Trang chủ --> Gương sáng --> Thắp lửa cuộc đời
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Thắp lửa cuộc đời

Vợ chồng Ly - Thái cùng con xem lại ảnh cưới.

Ở tỉnh Phú Yên, có khá nhiều câu chuyện cảm động về những người khuyết tật mà vẫn nỗ lực vươn lên, thể hiện niềm khát khao cuộc sống. Dường như, trong cuộc đời của những người khuyết tật luôn có những điều bất ngờ, kỳ diệu khi họ đã nỗ lực hết mình. Bằng nội lực bản thân, họ đã vượt qua những trở ngại trong cuộc sống, làm cho gia đình và cộng đồng thấy được niềm tin trong chính những con người khiếm khuyết ấy.

Ðiểm tựa cho gia đình

Trưa đứng bóng. Trong ngôi nhà cũ kỹ còn trơ gạch bên quốc lộ 25 đoạn qua thôn Phú Hữu (xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa), cô gái 29 tuổi Lê Thị Loan lặng lẽ ngồi cắt may. Bất ngờ tiếp khách lạ, Loan có chút ngại ngùng.

Hẳn một ngày của cô thợ may có khuôn mặt sáng, làn da trắng mịn này sẽ qua đi rất nhanh nếu như cô được ngủ giấc trưa hay xem một chương trình nào đó trên máy thu hình. Loan bảo: "Ai may đồ cũng thích lấy nhanh. Nếu mình không đáp ứng thì họ mất vui rồi bỏ mình, tới nơi khác may thì lấy gì mà sống".

Vất vả là vậy, nhưng thu nhập của Loan không đáng là bao. Loan lấy tiền công may chiếc áo chỉ bằng một nửa hoặc ít hơn so với các tiệm ở phố. "Ở quê, phần lớn người dân còn khó khăn. Mình khuyết tật mà có việc làm là tốt lắm rồi. Thu nhập ít thì ăn uống tằn tiện cũng được", Loan thổ lộ.

Bà Lê Thị Hạnh, mẹ Loan, kể trong nghẹn ngào: "Lúc mới sinh ra, nó cũng cứng cáp như bao đứa trẻ khác. Nhưng sau lần sốt cao, người nó mềm nhũn; chân bị liệt dần, không cử động được. Lúc ấy nhà nghèo, chúng tôi vay mượn, chạy chọt cứu chữa nhưng đứa con gái đầu lòng vẫn bị liệt chân phải".

Họa vô đơn chí. Gia cảnh khó khăn, bà Hạnh cùng chồng làm thuê làm mướn, giật gấu vá vai để nuôi bảy miệng ăn trong gia đình. Ðến giờ, người đàn bà này cũng chưa hiểu rõ vì bà hay đau ốm hay vì sợ một tương lai xám xịt đeo bám gia đình mà chồng bà, cha của năm đứa con đã bỏ đi biền biệt. Lúc ấy, Loan 18 tuổi, cái tuổi đã biết suy nghĩ, lo toan cho nên tinh thần suy sụp. Là chị cả của bốn đứa em, mẹ lại hay bệnh tật, cô bé tật nguyền nhiều đêm khóc thầm, hy vọng một ngày nào đó người cha sẽ quay về. Nhưng điều mong mỏi ấy đã trở nên vô vọng.


Tất cả các công đoạn để hoàn thành sản phẩm, đều chỉ tự mình Loan làm.

Có lẽ ông trời cũng không lấy hết của ai tất cả. Vài năm sau, Loan được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (thông qua Chương trình Phát triển toàn diện người khuyết tật ở Phú Yên) tài trợ kinh phí học nghề rồi cấp tiền mua máy may, máy vắt sổ. Ðể giữ chân nhiều khách hàng và thu hút thêm khách ở xa, Loan chịu khó đón xe buýt đi đó đây xem thêm kiểu quần áo, nắm bắt xu hướng thời trang và tự mày mò sáng tạo. Loan kể: "Có được nghề ổn định trong mấy năm qua, em thấy yên lòng. Nhờ nghề may, em giúp được nhiều cho mẹ và các em; bản thân mình không còn thấy mặc cảm". Với một người cơ thể không vẹn toàn như Loan, lại mang nhiều chứng bệnh trong người, thì những gì cô làm được thật đáng khâm phục!

Hạnh phúc đong đầy

Trưa một ngày cuối tháng 7, Ðoàn Thị Bích Ly hớn hở đón chồng từ Hà Nội về mang theo tấm Huy chương đồng Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc 2013 ở môn chạy cự ly 400 m. Ðứa con gái ba tuổi lúc ôm chầm lấy ba, lúc thì đeo Huy chương chạy tung tăng khắp nhà. Vậy là hơn ba năm nay, anh Phạm Ðình Thái luôn gặt hái thành công trên đường đua, đoạt nhiều Huy chương từ cấp huyện, tỉnh đến toàn quốc. Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Ðông Phước (Hòa An, Phú Hòa, Phú Yên) ngập tràn tiếng cười, Ly kể cho tôi nghe về cái "duyên trời định".

Hơn bốn năm trước, qua hai tuần giao lưu đặc biệt dành cho thanh, thiếu niên khuyết tật ở Phú Yên, trái tim Thái đã hướng về Ly, cô bạn hơn mình năm tuổi. Ðêm đến, chàng trai bị cụt cánh tay trái bẩm sinh lặn lội đạp xe hơn mười cây số để tới nhà cô gái tật nguyền, bị mất chân phải do tai nạn lao động. Rồi những câu chuyện cuộc đời, niềm ao ước, khát khao của hai con người cùng cảnh ngộ như gặp được sợi dây kết nối vô hình khiến họ xích gần nhau hơn, khát khao được che chở, chăm sóc cho nhau. Ðám cưới của Thái và Ly diễn ra chỉ sau một tháng gặp và yêu nhau. Ðám cưới đặc biệt ấy đong đầy nụ cười, nước mắt của gia đình và người thân. Ngày cưới, Ly cũng lộng lẫy váy áo. Dù bước đi khó khăn nhưng lòng cô ngập tràn hạnh phúc.

Tốt nghiệp trung cấp ngành điện, Thái đi xin việc, nhưng đến đâu cũng đều nhận được những cái lắc đầu. Hiểu lý do, anh quyết tâm làm nghề tại nhà. Còn Ly, vừa làm kế toán cho Hội Người khuyết tật xã Hòa Thắng, vừa cùng chồng chăm sóc luống rau sau nhà để tăng thêm thu nhập. Từ ngày có con, ngôi nhà của hai người lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười đùa. "Vất vả nhưng nhìn thấy con khỏe mạnh, vợ chồng nhường nhịn, động viên nhau sống là hạnh phúc rồi", Ly thổ lộ.

Khoảng nửa năm sau ngày cưới của Thái và Ly, cặp đôi Hồ Ngọc Hội và Nguyễn Thị Nước (cùng xã Hòa Thắng) cũng tổ chức đám cưới trong niềm xúc động của người thân, bạn bè. Cả hai đều bị teo đôi chân do di chứng của cơn sốt bại liệt. Số phận đã đưa họ đến với nhau để viết nên câu chuyện tình cảm động.

Tình yêu của hai người không suôn sẻ như các bạn của mình. Quyết định tiến tới hôn nhân, họ vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình bên nhà gái. Mẹ Nước sợ con gái yếu ớt đôi chân mà gặp phải người chồng còn bệnh nặng hơn thì sẽ rất khó khăn trong mọi sinh hoạt, chưa kể những khi trái gió trở trời.

Xây dựng hạnh phúc gia đình là mong ước của tất cả mọi người, nhưng với những người khuyết tật thì khát khao đó càng mạnh mẽ hơn. Bởi vậy, Hội và Nước đều quyết tâm thuyết phục gia đình hai bên bằng suy nghĩ chín chắn: "Quan trọng là vợ chồng thương yêu nhau. Về sống cùng, chúng con sẽ nỗ lực gấp nhiều lần những người bình thường khác".

Chấp thuận ý con nhưng mẹ Nước không khỏi lo lắng. Bà cho miếng đất để các con sống gần bên mà tiện giúp đỡ. Trong ngôi nhà ấm áp ấy không chỉ có tiếng cười và sự trìu mến của cặp vợ chồng trẻ mà còn có cả niềm vui, sự hân hoan khi cháu Hồ Anh Hào, đứa con đầu lòng khỏe mạnh ra đời. Vừa đi làm về từ UBND xã, Hội cười hạnh phúc, lết tới ôm con vào lòng. Thấy vậy, người vợ chân thấp chân cao cũng đến bên vui đùa với hai bố con. "Ngày con tập đi, tôi cầm tay dắt con đi những bước đầu tiên trong đời. Sau này bố ngã thì sẽ có con nâng", Hội nói trong niềm vui đong đầy nơi khóe mắt.

Người thợ đi lại bằng... hai tay

Chiếc xe lắc và chủ nhân của nó dừng trước ngõ nhà bà Hoa  ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng (Phú Hòa, Phú Yên). Giọng anh chàng đang ngồi lọt thỏm trên xe vọng ra: "Con sửa quạt xong rồi nè, cô ra nhận đi. Giờ con phải xuống chợ Tuy Hòa mua thêm ít phụ tùng". Giao hàng xong, anh Ðặng Hữu Dũng cùng chiếc xe lắc đi dần về hướng thành phố dưới cái nắng như đổ lửa của trưa hè trên quãng đường hơn 12 cây số. Người đi đường nhìn thấy anh, với những ánh mắt không khỏi ái ngại. Ngôi nhà nhỏ của anh nằm kề bên nhà bố mẹ ở thôn Phú Lộc vừa được xây xong. Ngoài chiếc máy thu hình và bộ loa còn khá mới, trong nhà có nhiều vật dụng cũ kỹ như: quạt máy, nồi cơm điện, máy bơm nước, bàn ủi... Anh Dũng tâm sự mà như giải thích: "Tôi làm nghề sửa chữa điện gia dụng, mấy chục năm rồi. Trong nhà mà thiếu những thứ này thì buồn lắm!".

Anh Dũng bị khuyết tật bẩm sinh. Vừa lọt lòng, mẹ anh càng bàng hoàng phát hiện đứa con trai thứ của mình có cục bướu ở ngay đốt cuối xương sống. Bây giờ, cục bướu ấy to bằng cái tô khiến anh Dũng rất vướng víu khi di chuyển... Bà Ngô Thị Thiệp,  mẹ anh thở dài: "Năm nay 42 tuổi rồi mà Dũng chỉ nặng khoảng 30 kg, chỉ có cục bướu thì cứ lớn mãi". Hai chân Dũng teo nhỏ và quắp chéo vào nhau khiến anh còn không sử dụng được nạng để đi lại. Dũng chỉ biết lết trong nhà bằng hai tay. Anh thổ lộ: "Khi tôi 17 tuổi, cục bướu hành hạ, rút gân làm tê liệt các bộ phận từ bướu trở xuống. Cũng từ đó, tôi mất hết cảm giác ở vùng dưới. Việc tiểu tiện và vệ sinh không tự chủ được khiến tôi gặp nhiều trở ngại khi ra khỏi nhà".  Dũng khao khát được đi đó đây để hiểu về cuộc sống bên ngoài. Và như một cơ duyên, chiếc xe lắc anh nhận từ một nhà hảo tâm đã cùng anh đồng hành khắp làng quê, phố xá. Tuy không biết chữ nhưng anh Dũng nói năng khá lưu loát, thuyết phục người nghe. Dũng kể, trước đây, anh luôn cảm thấy chán nản, mặc cảm khi mọi việc đều phụ thuộc vào mẹ và những người thân trong gia đình. Sau nhiều ngày trăn trở, anh xác định, không có sức khỏe để làm những công việc nặng thì phải biết tư duy, biết dùng trí não. Thế là Dũng gắn bó với nghề sửa chữa điện gia dụng suốt 23 năm nay. Trước kia, hễ đồ điện bị hư là người dân trong vùng mang đến tận nhà cho "bác sĩ điện cơ" Ðặng Hữu Dũng. Sau này, đời sống nông thôn khá dần, dịch vụ được cung cấp tận nơi, để cạnh tranh, anh Dũng cố gắng đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng cách liên lạc qua điện thoại và đến tận nơi để nhận - giao hàng.

Năm anh chị em đều đã lập gia đình riêng, chỉ còn anh Dũng sống cùng cha mẹ. Muốn có nhà ở riêng để tiện làm nghề, anh Dũng đã dùng số tiền dành dụm được rồi vay thêm sáu triệu đồng từ quỹ của Hội Người khuyết tật xã Hòa Thắng để thực hiện ước mơ. Chàng trai khuyết tật luôn cần mẫn làm việc, những lúc rảnh rỗi, anh bật máy thu hình để giải trí. Anh Dũng cho biết, anh thích xem phim ảnh, ca nhạc, nhất là các chương trình nói về những người có cùng cảnh ngộ. Những câu chuyện của chàng trai khuyết tật người Ô-xtrây-li-a Nick Vujicic trong chuyến thăm Việt Nam mới đây làm anh rất cảm kích. Anh thấy lạc quan hơn rất nhiều... 

Hoa nở giữa đời

Khó có ai nghĩ rằng, chủ cơ sở Năm Thịnh chuyên sản xuất chậu cảnh, ghế đá, lam trụ... đoạn qua quốc lộ 25 (thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, Phú Hòa) là một người từng bị tổn thương cột sống nặng.

Tai nạn bất ngờ ập đến vào năm 1995, anh Ðàm Văn Thịnh bị ngã từ giàn giáo xuống khi đang làm thợ xây ở tận nước Lào. Trong lúc điều trị, Thịnh đau cho bản thân mình thì ít mà luôn nhói tim khi biết người mẹ già quặn lòng xót xa cho hoàn cảnh con trai. Vậy là anh gắng gượng tập ngồi xe lăn, tập di chuyển trên "đôi chân" ấy. Sức khỏe có phần ổn định, anh nghĩ phải làm gì đó để trở thành chỗ dựa cho mẹ, biến những giọt nước mắt của người thân trong gia đình thành những nụ cười. Anh quyết tâm tìm kế sinh nhai bằng một nghề mang tính ổn định lâu dài.

Bắt tay vào nghề đúc chậu cảnh, anh Thịnh gặp rất nhiều khó khăn khi nghề này đòi hỏi khả năng, sức khỏe phù hợp. Sau bốn năm kể từ ngày bị tai nạn, anh tự tay cho ra đời những chiếc chậu cảnh bắt mắt. Vui mừng khôn xiết khi loạt sản phẩm đầu tiên đến tay người tiêu dùng, anh Thịnh nghĩ phải cố gắng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðiều đáng khâm phục là anh không được học nghề mà tự mày mò, nghiên cứu, sáng tạo. Những dụng cụ để tạo ra những chiếc chậu cảnh tinh xảo đều do "kỹ sư không bằng cấp" này tự chế. Anh di chuyển bằng xe lăn để tìm mua sắt về "độ" dụng cụ, nghiên cứu cách pha mầu tạo sản phẩm bắt mắt.

Hôm tôi đến, anh Thịnh cùng những người làm công đang miệt mài quay chậu cây cảnh. Mỗi người một việc, trong đó anh Thịnh đóng vai trò thợ cả. Người lao động vào làm việc ở cơ sở của anh là những người khuyết tật nhẹ, những phụ nữ nhàn rỗi. Chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Phong Niên thổ lộ: "Thấy cơ sở sản xuất của anh Thịnh phát triển, tôi đến đây xin làm công. Tôi đã làm được ba năm, mỗi tháng nhận hơn hai triệu đồng tiền công. Làm ở đây gần nhà, tôi lại chăm sóc được con cái, công việc cũng không nặng nhọc gì mà lại ổn định".

Từ sản xuất quy mô gia đình, đến nay cơ sở của anh đã có tên tuổi và thu hút từ năm đến bảy lao động làm việc thường xuyên. Thông qua Hội Người khuyết tật xã Hòa Thắng, anh Thịnh được vay vốn mở rộng sản xuất, rồi được đi Ðác Lắc, Hà Nội để tham quan và giới thiệu sản phẩm của mình, nhờ vậy mà cái tên Năm Thịnh được nhiều người biết đến.

Trưởng đại diện Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tại miền trung Hồ Sỹ Quảng, cho rằng: Ðể được hòa nhập, tham gia bình đẳng vào mọi lĩnh vực, người khuyết tật phải vượt qua biết bao rào cản... Một sự giúp đỡ về vật chất hay tinh thần sẽ là cơ hội để người khuyết tật phát triển những năng lực sẵn có, từ đó trở thành những lao động tốt, những tài năng sáng tạo. Và họ sẽ giúp lại cho những người đồng cảnh ngộ, góp phần cùng cộng đồng phát triển xã hội.

Ðứng ngoài "cộng đồng" người khuyết tật, chúng ta thường nghĩ họ khó hòa nhập với xã hội hiện đại. Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy, nhưng nay thì đã có cái nhìn khác. Họ tật nguyền nhưng có thể tự tin bước về phía trước bằng đôi chân không lành lặn. Và hơn thế, họ còn dang tay dìu những người đồng cảnh ngộ, những người khốn khó cùng vào đời. Hầu hết người khuyết tật đều biết yêu thương con người, chăm chỉ lao động và sống lương thiện. Ðó là biểu hiện của ý chí, là nghị lực sống bền bỉ không ngừng khi họ được yêu thương, được động viên, khích lệ từ gia đình và xã hội.

Lượt xem : 31188 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo