Người khuyết tật nào cũng có xuất phát điểm tự ti nên gia đình và xã hội có vai trò không nhỏ trong sự vươn lên cởi bỏ mặc cảm của họ. Những người không may mắn mang khiếm khuyết trên cơ thể đã và đang nỗ lực vượt qua cám dỗ mà kẻ xấu rắp tâm lợi dụng.
Người khuyết tật sinh ra đã chịu nhiều bất hạnh và bất ổn tâm lý từ sự kỳ thị, coi thường của xã hội. Vận động viên khuyết tật Nguyễn Thị Sari, Trung tâm khuyết tật Mùa Xuân (TP.HCM), đoạt 18 huy chương vàng trong nước và quốc tế trên “đường đua xanh” chia sẻ: “Khi đi học, tôi thường bị bạn bè nhìn với ánh mắt tò mò, soi mói thường chê nhiều hơn đồng cảm. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi có tìm đến một số trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật để học. Tuy nhiên, tôi cầm tấm bằng tốt nghiệp nghề đến các công ty xin việc thì đều nhận được những cái lắc đầu lạnh nhạt. Lúc đó, tôi cảm giác mình thật vô dụng và gần như ngã quỵ, đầu hàng trước số phận. Và nếu không có sự giúp đỡ, hướng dẫn của thầy Minh ở trung tâm Mùa Xuân, tôi nghĩ mình không có được ngày hôm nay. Có khi, tôi đã làm việc trái pháp luật để kiếm tiền mưu sinh, trụ lại mảnh đất TP.HCM nhiều cám dỗ”.
Bên cạnh sự thành công và vươn lên của một người khuyết tật luôn có tình yêu thương và quan tâm của gia đình và cộng đồng. Trường hợp của bạn Nguyễn Lê Hoàng Trung, sinh viên năm 3 của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM bị cha bạo lực dẫn đến bại liệt được ông ngoại yêu thương che chở khiến nhiều người cảm động. 4 tuổi, chứng kiến cảnh cha giết mẹ rồi chém lên cơ thể non nớt mình nhiều nhát dao oan nghiệt, Trung vẫn không bất cần đời. Ngược lại, Trung luôn nỗ lực vượt lên số phận để đạt danh hiệu học sinh giỏi trong suốt nhiều năm liền và đỗ đại học với số điểm rất cao. Trung chia sẻ: “Những ám ảnh tuổi thơ đã đeo đuổi em, ý niệm bất cần đời cứ vây lấy. Thế nhưng, mỗi lần muốn nghịch phá cho quên đời buồn, em lại nghĩ về ông ngoại. Ông thương em vô bờ, em là lẽ sống của ông nên em tự nhủ phải sống tốt, ngoan ngoãn để thành người có ích”.
Tuy nhiên, khi xã hội công nhận năng lực của người khuyết tật bình đẳng với những cơ thể khỏe mạnh, không ít người khuyết tật tự cho mình quyền làm cao, đề cao cá nhân ích kỷ. Những bản tính này rất dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng, mua chuộc vào các đường dây buôn bán ma túy, trộm cắp...
Đó là những cám dỗ mà em Trần Văn Linh (SN 1994, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã đối mặt. Bại liệt, chỉ có thể cử động được hai ngón chân cái, Linh vẫn dùng hai ngón chân thần kỳ ấy mưu sinh và thực hiện niềm đam mê của mình với âm nhạc. Ông Trần Văn Lộc, cha của Linh cho biết: “Gia đình cũng rất lo lắng khi cho Linh đi bán vé số. Nhiều kẻ xấu luôn muốn lợi dụng hoàn cảnh bại liệt của con tôi để làm điều trái pháp luật. Tuy nhiên, Linh nhất quyết muốn tự đi làm kiếm tiền, nuôi sống bản thân và thực hiện ước mơ chơi đàn. Để con sống vui và có ích, bản thân người làm cha như tôi và gia đình luôn bên cạnh và bảo vệ cháu”.
“Sinh ra mang những khiếm khuyết không đáng có, em cũng có những uất ức và tự ti. Đã có khoảng thời gian, em ganh tỵ với hạnh phúc của những người bạn cùng trang lứa. Họ khỏe mạnh, được đi nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động, trong khi em lúc nào cũng đối mặt với một không gian bức bối của ngôi nhà. Thế nhưng, em có một gia đình ấm áp, mọi người cho em niềm tin, cứ sống tốt dù khuyết tật thân thể chứ đừng khiếm khuyết lòng tự trọng và sứt mẻ lương tâm” – Linh chia sẻ.
HÀ NGUYỄN
Bình luận
Đinh Thị Kim Cúc