Chúng tôi gặp vợ chồng anh Dũng lần đầu trong phiên tòa xét xử lưu động của TAND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu ngày 13.6, tại Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng thị trấn Phước Bửu. Tại đây, chúng tôi đã thực sự tìm thấy một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, thời hiện đại, câu chuyện về tình thương yêu của con người, điều đã làm chúng tôi đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Bất ngờ vì sức sống mãnh liệt của người đàn ông bị chọc thủng đôi mắt, xuyên qua não và càng bất ngờ hơn vì tình cảm của một người phụ nữ tự nguyện đến với anh Dũng để chăm sóc anh, làm vợ danh chính ngôn thuận của anh, bất chấp hoàn cảnh éo le mà anh đang phải gánh chịu.
Trong một lần nhậu, anh Dũng bị bạn nhậu đâm đôi đũa vào mắt, đũa gãy sâu nằm trong não. Sau ca phẫu thuật mở hộp sọ để gắp đũa ra ngoài, tưởng chừng anh sẽ chết, nhưng có lẽ ông trời thương nên vẫn cho anh sống, chỉ có điều hai mắt chỉ còn lại một màu đen, liệt nửa người. Trong phiên toà xét xử, tôi thấy anh Dũng ngồi cạnh một người con gái, giữa vòng vây của những người dân hiếu kỳ. Hỏi chuyện, tôi mới biết chị là Dung, vợ anh Dũng. Điều bất ngờ là trước đây chị và anh không hề biết nhau, chỉ sau khi anh bị mù, thông tin được đăng trên báo chí, chị vô tình đọc được, đã chủ động đến với anh. Cuộc sống dù khó khăn vất vả, nhưng tay chị và tay anh vẫn luôn nắm chặt nhau.
Qua “thập tử nhất sinh”, được vợ hiền
Vì tinh thần bị cáo không ổn định, tự đập đầu vào vành móng ngựa, phiên tòa bị hoãn lại. Chị Dung dắt anh Dũng từng bước lần mò ra về trong ánh mắt đầy ái ngại và những cái lắc đầu xót thương của người dân.
Phải rất vất vả chúng tôi mới tìm được phòng trọ của vợ chồng anh Dũng, nhìn xung quanh, đồ đạc trong phòng hầu như không có gì, vài bộ quần áo, thùng mì tôm, bát đũa, vài ký gạo và thứ trị giá nhất có lẽ là chiếc nồi cơm điện đã cũ. Hàng xóm xung quanh nhà Dũng thấy chúng tôi đến cũng sang phòng của Dũng chơi, một số người mang theo cả mì gói và dầu ăn cho Dũng.
Rót nước mời chúng tôi, chị Dung kể: "Em tên là Nguyễn Huỳnh Phương Dung, 29 tuổi, nhà ở phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Gia đình có 4 anh chị em, em là chị cả trong nhà và là công nhân của công ty giày da. Trước đây, em không hề biết anh Dũng, không biết mặt mũi, hình dáng, tính cách anh ấy như thế nào. Chỉ khi anh ấy “gặp nạn”, báo chí đăng tải thông tin, em đọc mới biết về vụ án khiến Dũng bị mù hai mắt, bỗng nhiên em thấy thương anh ấy vô cùng. Em chủ động liên lạc với anh Dũng, nhắn tin thăm hỏi động viên và nhờ người thân anh ấy đọc giúp tin nhắn của em cho anh ấy nghe. “Dần dần, em thấy mến anh ấy hơn, muốn đến chăm sóc anh ấy”.
Cuối tháng 1, chị khăn gói lên đường chăm sóc anh ở bệnh viện. Từ đó, tình cảm thêm gắn bó hơn. Chị trở về nhà xin phép bố mẹ. Bố mẹ chị không đồng ý, thậm chí còn la mắng, cấm cửa chị nếu tiếp tục theo anh. "Đây cũng là điều dễ hiểu, chẳng ai lại cho con mình đi lấy một người vừa mù vừa liệt cả", chị phân trần. Nhưng bằng tình yêu thương chân thành, chị vẫn cương quyết tìm đến với anh, theo tiếng nhịp con tim. Ngày ra đi, trên người vỏn vẹn một bộ quần áo, không dép guốc, không tiền bạc. Chị quyết định theo anh - một người mà trước đó chị không hề quen biết, một người mà người ta thường nói là "có cho cả tỉ bạc cũng chẳng lấy".
Không lễ vật cưới hỏi, không đám cưới linh đình, chị vẫn chăm sóc anh chu đáo, từ ăn uống đến việc vệ sinh và chuyện đi lại, một tay chị lo hết. Ở nhà chồng được mươi bữa, do sự khắc nghiệt của mẹ chồng, anh chị đã dắt tay nhau ra ngoài thuê trọ. Chị nói: “Lúc đó như đi trốn ấy anh ạ, chúng em không muốn mẹ biết ở đâu, sợ sẽ bị tìm đến la rầy đánh đập”. Trong người không có tiền, cả hai đi thuê trọ “chịu”, sống dựa vào những thứ người dân cho, phần nhiều là mì gói. Chị nói cũng muốn tìm công việc, nhưng lúc ra đi không mang giấy tờ, giờ quay về sợ ba mẹ bắt lại ở nhà nên không dám về, phần nữa là chị đi làm thì sẽ không có ai chăm sóc anh. Hai vợ chồng đã tính đi bán vé số để kiếm tiền nuôi nhau, nhưng anh Dũng què quặt, đi lại không được.
Quay lại phía Dũng, đôi mắt vô hồn ngơ ngác hướng ra ngoài cửa, anh rít một hơi thuốc thật dài và nói về đêm định mệnh đó. Vốn là một chàng trai khỏe mạnh, vạm vỡ, anh làm nghề bốc vác thuê. Trước khi bị mù, với vẻ ngoài điển trai, giọng hát hay nên Dũng cũng có khá nhiều bóng hồng vây quanh. Nhắc tới đây, cổ anh nghẹn ứ lại, có gì đó long lanh trong mắt. Anh kể tiếp, vào cái ngày đó, anh đã chần chừ không muốn đi, nhưng vì nể nang bạn bè nên vẫn tới. Trong lúc nhậu, thấy hình xăm trên cổ bạn, anh nói lời chân thành khuyên bạn xóa hình xăm. Đâu ngờ câu nói đó khiến anh trở thành người mù và liệt. Anh cũng cho biết, trên bàn tiệc trong "đêm định mệnh" đó có rất nhiều chuyện hy hữu xảy ra, một người bạn chết vì tai nạn giao thông, anh bị mù, còn người kia vô tù.
Bù lại, anh có một thứ vô cùng quý giá, đó chính là “vợ”, một người vợ hiền thục đảm đang và quan trọng hơn cả là tình cảm anh chị dành cho nhau - điều quý giá không gì đánh đổi được. Nếu không có vợ chắc anh không đủ sức khỏe và tinh thần để sống tới ngày hôm nay. Khi hỏi tại sao chị yêu và chấp nhận theo anh, chị Dung khẽ nghiêng đầu về phía chồng mình, cười hiền hậu và nói: “Có lẽ do duyên nợ anh ạ, nợ từ kiếp trước".
Tình người sau vành móng ngựa
Sau chuyến ghé thăm đó, một nhà báo thường trú tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu chứng kiến sự việc đã trăn trở rất nhiều. Rồi chị chia sẻ với nhiều đồng nghiệp và những "Mạnh Thường Quân" về hoàn cảnh của đôi bạn trẻ để tìm sự giúp đỡ. Với suy nghĩ cho tiền bao nhiêu cũng tiêu hết, chị muốn tạo dựng cho họ công ăn việc làm để tự mưu sinh. Sau 2 tháng vận động, chị đã cùng một số nhà hảo tâm tại Vũng Tàu trao tặng chiếc máy xay nước mía cùng bàn ghế và ô dù và một chút vốn làm ăn. Ngày được trao tặng chiếc xe nước mía, anh Dũng - chị Dung vui mừng khôn xiết, chị đã dắt anh từng bước ra ngoài ngõ để tiếp đón chúng tôi, được tận tay sờ vào chiếc xe xay nước mía mà anh chị mơ ước. "Có máy nước mía, tụi em sẽ chịu khó kiếm tiền, em và anh ấy cũng có thể bên nhau và chăm sóc cho nhau", chị Dung nói.
Nhìn đôi uyên ương vui cười bên nhau, tình cảm ấm nồng, chúng tôi phần nào cũng thấy vui lây, nhiều người trong đoàn từ thiện đã khóc vì xúc động. Trước khi ra về, một người trong đoàn từ thiện nói: “Tối nay, hai vợ chồng mua chút thịt hay cá về ăn nhé, đừng ăn mì gói nữa, ăn suốt hai tháng rồi còn gì”. Chia tay đôi vợ chồng, tôi thầm chúc cho họ luôn hạnh phúc và có nhiều điều tốt đẹp.
Bình luận