Trang chủ --> Gương sáng --> Chuyện cổ tích của chàng khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Chuyện cổ tích của chàng khiếm thị

 

- Trải qua biết bao thử thách, chàng trai khiếm thị Nguyễn Huy Việt (32 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) đã viết lên câu chuyện cổ tích có hậu của đời mình.

Tai nạn kinh hoàng

Sinh ra với đôi mắt sáng như ai, nhưng tai nạn kinh hoàng năm 6 tuổi đã làm thay đổi cuộc đời anh.

Hôm ấy, Việt dại dột đem mìn đánh cá ra nghịch cùng một số bạn bè. Vô ý mìn phát nổ, cậu bé 6 tuổi bị cướp đi một con mắt.

Đau đớn, hoảng sợ, nhưng cậu bé Việt khi ấy còn quá nhỏ, chưa ý thức và cảm nhận được sự thay đổi và những thiệt thòi mà từ đây mình sẽ phải đối mặt.

Việt thậm chí vẫn tiếp tục những trò đùa nghịch cùng chúng bạn cho đến khi mắt còn lại của anh do chạy nhảy nhiều nên gây chấn động làm bong võng mạc. 

Anh Nguyễn Huy Việt hạnh phúc bên con nhỏ.

“Một ngày, khi bố tôi về mà tôi không nhận diện được nữa, tôi mới biết là mắt mình đã kém hẳn...!” – anh Việt nhớ lại.

Trong tâm hồn non nớt của một cậu bé, chỉ buồn vì không thể đến trường, không thể cùng bè bạn tham gia những trò nghịch ngợm.

“Chắc chỉ có bố mẹ tôi là đau khổ tuyệt vọng hơn cả nhưng mãi sau này tôi mới hiểu được. Nhưng dù có “giá như” thì số phận mình cũng không thể thay đổi” – anh Việt chia sẻ

Năm 1991, anh bắt đầu đến trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Ở đây anh cùng với những người bạn khiếm thị không chỉ được học văn hóa bằng chữ nổi mà còn được học rất nhiều kỹ năng khác trong cuộc sống như kỹ năng định hướng di chuyển, kỹ năng trong sinh hoạt hàng ngày.

Đối với một đứa trẻ khiếm thị như Việt, lúc đó mỗi kỹ năng cần phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thành thục bởi mỗi hoạt động dù nhỏ nhất cũng chỉ có thể được thực hiện dựa vào những giác quan còn lại.

Ngoài ra, tùy theo năng khiếu của từng người mà các thầy cô cho học các loại nhạc cụ khác nhau như ghi ta, đàn organ, đàn bầu, sáo trúc và học nghề xoa bóp, bấm huyệt. Anh Việt cũng mê mải học.

“Khi đó tôi chỉ nghĩ rằng, sau khi học xong thì về nhà mang nghề xoa bóp học được ra để kiếm sống, không phụ thuộc vào gia đình. Nếu có thể xa hơn là lập gia đình..”.

Ước muốn ấy thật giản dị song cũng chẳng dễ dàng.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp cấp III, Việt thi và thi đỗ vào khoa Báo chí của ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, phần vì tò mò, phần vì thú vị trước nghề báo.

Những tháng ngày nỗ lực

Để có thể trang trải cho việc học và cuộc sống hằng ngày, anh phải làm thêm nghề Mat-xa tại cơ sở của hội người mù quận Tây Hô (Hà Nội).

Tất bật tối ngày, anh còn đi tập thể thao tại Trung tâm thể thao người khuyết tật Khúc Hạo – 1B Lê Hồng Phong và trở thành một VĐV tích cực, đạt được nhiều huy chương trong các giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc.

Anh nhớ lại thời gian biểu lúc ấy của mình: Cứ 5h sáng đã phải dậy để ra sân tập, tập xong lại bắt xe buýt xuống tận Đền Lừ – Hoàng Mai để làm cho khách quen.

12h trưa mới đi xe buýt trở về tới hội, có lúc chưa kịp ăn lại có khách đến mat-xa rồi cứ thế làm đến chiều tối thì lại đi học.

Chính anh cũng tâm sự: “Nhiều khi nghĩ lại tôi không hiểu hồi đó mình lấy đâu ra sức lực mà có thể làm được một lúc nhiều việc như vậy!”.

Tháng 9/2009, anh được mọi người động viên tham gia vào ban cháp hành của huyện hộ̣i người mù Hoài Đức vì Việt thực sự là nhân tố vừa trẻ lại vừa tiêu biểu và anh đã tiếp tục được BCH bầu làm chủ tịch để có điều kiện góp phần thúc đẩy phong trao hoạt động của huyện hội.

Về công tác ở Hoài Đức, anh Việt mới bắt đầu xây dựng dự án và mua sắm trang thiết bị cho trung tâm mát-xa. Sau này, trung tâm hoạt động khá hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho nhiều những hội viên cùng cảnh ngộ.

Tìm thấy ánh bình minh

Năm 2010, anh Việt cùng bạn bè cho ra mắt CLB báo chí của người khiếm thị. Từ đây, anh say sưa với con đường làm báo của mình.

Là người đã có rất nhiều trải nghiệm, Việt quan niệm: “Quả thực, sẽ không dễ dàng để mỗi người khiếm thị có thể hòa nhập vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù vậy mỗi người khiếm thị vẫn luôn cần phải có sự quyết tâm trong mọi công việc, mọi lúc, mọi nơi để có thể đảm bảo hoàn thành tốt được mọi việc tùy theo điều kiện của mình.

Hãy tin khi hòa nhập vào cộng đồng, không được e dè, sợ sệt, ngại ngùng bất cứ điều gì, có thể chúng ta vấp ngã nhưng đừng sợ, phải tiếp tục đứng lên”.

Sau nhiều năm phấn đấu, khi đã ổn định công việc, đến lúc này Việt mới có đủ tự tin để tìm cho mình hạnh phúc lứa đôi.

Nhờ bạn bè giới thiệu, anh và người bạn gái từng học cùng từ hồi... lớp 1 trở nên thân thiết rồi tình yêu đến thật giản dị. Hai người cùng quê, từng cùng học nên cũng dễ cảm thông, chia sẻ với nhau. Đặc biệt, chị hiểu và luôn đồng cảm với anh.

Tìm được tình yêu, anh hạnh phúc. Nhưng anh vẫn băn khoăn bởi hiểu rất rõ những thiệt thòi của người phụ nữ đã đồng ý gắn bó cả cuộc đời với người khiếm thị như mình.

“Điều mà tôi thấy may mắn và hạnh phúc nhất là khi đem những băn khoăn của mình trao đổi thẳng thắn với cô ấy thì cô ấy cười mà nói rằng em đã xác định cả rồi...”, anh Việt thành thực chia sẻ.

Bây giờ, tổ ấm nhỏ của anh chị đã có thêm một thành viên nữa đó là bé Minh Anh.

Tuy không nhìn thấy con, nhưng anh cũng dành rất nhiều thời gian chơi đùa với con. Đến nay bé đã được 9 tháng, anh không ngần ngại cùng con tập những bước đi đầu tiên.

Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của anh...

Khánh Vân

Lượt xem : 18244 Người đăng : admin

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo