Trang chủ --> Chia sẻ --> Xin hãy cho con một gia đình êm ấm!
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Xin hãy cho con một gia đình êm ấm!

 

      Trong cuộc sống, có rất nhiều câu hỏi tôi đã tự đặt ra cho mình và cố gắng đi tìm lời giải thích, nhưng những câu hỏi về gia đình thì đến tận bây giờ tôi vẫn không thể tự trả lời!

Ngày ấy, khi tôi còn học tiểu học, câu hỏi đầu tiên hiện ra trong đầu kể từ khi tôi biết cảm nhận về cuộc sống, đó là: “Tại sao bố mẹ lại cãi nhau?”. Kí ức về tuổi thơ của tôi không phải màu hồng như các bạn cùng trang lứa. Đó là những lần cãi vã, những trận đòn roi mà bố dành cho mẹ. Mỗi lần tôi hỏi, thì: “Bố mẹ chỉ tranh luận chút thôi, không có gì đâu” là câu nói mà tôi phải nghe đến phát chán. Đồng ý là tranh luận, nhưng có nhất thiết phải to tiếng với nhau đến vậy? Rồi có nhất thiết mẹ phải bỏ về bà ngoại? Có những đêm đang ngủ, đùng đùng bố bỏ ra ngoài rồi đóng cửa đánh…sầm. Và tôi hiểu bố mẹ lại vừa… “tranh luận thôi”. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ được rằng, rồi ngày mai sẽ không có ai lo bữa sáng cho tôi, cũng chẳng ai quan tâm tôi đi học lúc nào…

Còn nhớ, có lần bố đuổi đánh mẹ chạy khắp xóm. Lúc ấy tôi chỉ biết co rúm vào góc nhà như chú gà con tránh bão. Rồi mấy hôm ấy mẹ sợ không về nhà. Tôi biết mẹ đã về bà ngoại, vừa yên tâm lại vừa lo lắng, không biết mẹ ra sao. Không dám ra khỏi nhà vì bố cấm, nhưng thật ra là tôi xấu hổ với mọi người. Mỗi lần sang nhà các bạn cùng lớp chơi, tôi lại ghen tỵ với chúng. Rồi những câu hỏi cứ thế hiện lên trong đầu. Tôi không hiểu sao bố mẹ chúng bạn lại sống vui vẻ đến vậy? Tại sao chúng bạn lại được sinh ra trong gia đình hạnh phúc như thế?... Bố mẹ thường bảo “việc của con bây giờ là phải học cho thật tốt, còn những việc khác con không phải bận tâm”. Nhưng không bận tâm làm sao được khi mà hàng ngày phải chứng kiến những điều ấy?
 
Xin hãy cho con một gia đình êm ấm! 1

Tôi đã tìm đọc rất nhiều sách, nhưng không phải những cuốn sách phục vụ cho việc học như bố mẹ mong muốn, mà đó là những cuốn sách gia đình. Có lẽ chúng được xuất bản ra không phải để dành cho lứa tuổi của tôi, nhưng tôi vẫn đọc để tìm lời khuyên cho mình và chỉ thấy người ta nói về trách nhiệm của bố mẹ. Không ai cho tôi biết mình phải làm gì? Mà có lẽ tôi cũng chẳng thể làm được gì ngoài việc im lặng…

Những cuộc cãi vã của bố mẹ cứ thế diễn ra triền miên ngày này qua tháng khác. Tôi câm lặng sống và cảm thấy ngột ngạt ngay chính trong gia đình của mình. Cho đến một ngày, sau trận cãi vã rất lớn phải ra tòa; tôi không hiểu bố mẹ và ông bà đã nói chuyện gì với nhau, nhưng cuối cùng bố mẹ đã quyết định tiếp tục sống chung với 2 chữ “trách nhiệm”, bằng cách: mỗi người tự biết nhẫn nhịn!
 
Rồi những ngày tiếp theo đó, tôi không còn phải nghe tiếng cãi vã, thay vào đó là sự tĩnh lặng đến phát sợ. Những bữa cơm không có tiếng nói, cười; không có hơi ấm của một gia đình mặc dù có đầy đủ các thành viên. Tôi tự hỏi, sao cũng là cơm, canh mẹ nấu, giờ đây tôi cứ thấy thiếu thiếu vị gì đó. Tôi lơ mơ nhận ra hình như đó là “vị ngọt” của tỉnh yêu gia đình…

Cứ như vậy cho đến một ngày cuối năm cấp III, tôi vô tình nghe được cuộc cãi vã của bố mẹ trong một lần tan học sớm. Tôi đã sốc, khi nhận ra rằng, thực tế mình nhìn thấy thời gian vừa qua chỉ là vỏ bọc. Thật ra, những cơn sóng trái chiều giữa bố và mẹ chưa bao giờ dừng mà ngày càng nguy hiểm hơn, “sóng ngầm!”. Tôi sụp đổ và đã thi trượt tốt nghiệp trước sự ngỡ ngàng của thầy cô, bạn bè, trong đó có cả những lời trách móc từ bố mẹ: “Có mỗi việc lo ăn với học thôi mà cũng không xong, con làm bố mẹ thất vọng quá!”

Không tìm được sự cảm thông, chia sẻ từ bất cứ ai, tôi đã muốn giải thoát cho mình. Đứng trước sự sống và cái chết, tôi mới thấy hết giá trị của cuộc sống và bà ngoại là người giúp tôi nhận ra điều đó. Bà nói: “Bố mẹ đã sinh ra con và cho con một cuộc đời, con phải tự có trách nhiệm với cuộc đời ấy. Trong suốt chặng đường đi, có những nỗi đau, những lần vấp ngã, sẽ có những vết thương về thể xác rồi sẽ lành da, nhưng những vết thương lòng thì sẽ theo ta đến hết cuộc đời. Con phải chấp nhận như chấp nhận sống chung với những khiếm khuyết trên cơ thể mình. Dù thế nào, con vẫn hạnh phúc hơn nhiều đứa trẻ khác vì còn có một gia đình, có bố mẹ, ông bà và người thân…”. Hiểu ý bà, tôi đã lựa chon cách sống và con đường đi cho mình.

Sau 12 năm đèn sách, giờ đây tôi vinh dự khi đặt bước chân vào giảng đường đại học, những tưởng đã đủ lớn để nhìn nhận mọi việc đúng, sai ra sao. Nhưng khi bắt đầu bước ra ngoài xã hội, đứng trước ngã ba của cuộc đời, giữa những sự lựa chọn mang tính quyết định là lúc tôi nhận ra, hơn bao giờ hết tôi cần có “bàn tay” yêu thương của bố mẹ… Xin bố mẹ, và tất cả những người đã và đang làm bố, làm mẹ, hãy lắng nghe suy nghĩ, tâm tư của con trẻ: “Gia đình không phải là một công thức hóa học, không phải cứ có một mái nhà đủ đầy, có bố, có mẹ là sẽ có hạnh phúc. Hãy cho con một gia đình đúng nghĩa với những giá trị thật sự của “hạnh phúc gia đình”.
 
Hà Linh
Lượt xem : 6987 Người đăng : admin
Tags :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo