Trang chủ --> Gương sáng --> Hành trình vượt bóng đêm của một người mù viết sách
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Hành trình vượt bóng đêm của một người mù viết sách

         Người đàn ông với đôi mắt mù lòa cùng đứa con gái 9 tuổi đã rong ruổi trên khắp nẻo đường miền Trung để kiếm lấy miếng ăn này đã trở thành nhà văn nổi tiếng với nhiều giải thưởng lớn. Nhắc đến câu chuyện cổ tích thời hiện đại này không ngươi dân xứ Nghệ nào mà không biết.

Tuổi thơ bất hạnh

Nguyễn Trung Thành sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Nghi Xuân huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Từ nhỏ Thành đã là một cậu bé hiếu học, đặc biệt cậu rất mê đọc truyện ngắn, tiểu thuyết của các nhà văn trong nước và nước ngoài, đặc biệt là tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm”. Ước mơ của Thành là trở thành một nhà văn nổi tiếng.

Nhưng đời đâu ai biết trước được chữ ngờ. Một ngày cuối năm 1967, trong một lần bị giặc Mỹ thả bom, căn nhà gia đình Thành bị ảnh hưởng. Tuy không bị thiệt hại về mạng người nhưng do sức ép của bom và bị tổn thương, máu chảy tràn hai mắt. Gia đình đưa đi cứu chữa nhiều nơi, rốt cuộc nó vẫn bị mù, đó là thảm kịch mở đầu cho cuộc đời tăm tối của cậu bé.

Thời gian đầu mới bị, Thành đã khóc rất nhiều, mọi khát vọng cho tương lai bỗng chốc bị dập tắt. Thành nghĩ tới những ngày tháng sống trong bóng tối không biết làm sao mà sống hay chỉ là gánh nặng cho gia đình mà thôi. Nghĩ quẩn, Thành đã nhiều lần định tìm đến cái chết để giải thoát cho mình.

Một hôm, Thành ngồi thần trước cửa nhà, mọi người đi vắng cả, cậu lò mò tìm chai thuốc sâu treo ở gốc cây cạnh nhà đang định ngửa cổ uống tự tử. Rất may, đúng lúc đó có đứa bạn hàng xóm sang thấy liền giật lấy chai thuốc sâu quẳng đi.

Người bạn ngồi tỉ tê với Thành: “Sao Thành lại làm vậy? Đui, què là do bom đạn chiến tranh gây ra, ai cũng có một số phận riêng. Trên đời này đâu phải mình bạn bị mù đâu, ai cũng hành động như bạn thì cả thế giới này chắc không có người tàn tật sống?

Có phải mù là cuộc đời chấm dứt đâu? Xung quanh bạn còn bao nhiêu người thân thích, bạn bè luôn ở bên cạnh chia sẻ, giúp đỡ bạn. Cái quan trọng là bản thân mình có ý chí vượt qua, vươn lên sống có ích cho đời hay không?”

Những lời tâm huyết của người bạn làm cho Thành bừng tỉnh, dù không thể đến trường được nữa nhưng Thành nghĩ mình phải kiếm việc gì làm để đỡ đần cho gia đình. Thế là, lần theo ký ức, trí nhớ trước đó về địa bàn nơi mình sinh sống, Thành hàng ngày xách giỏ đi mò cua bắt ốc rồi đem ra chợ bán kiếm ít đồng phụ thêm vào cho bố mẹ.

Không những thế, Thành còn tìm đến nghề đan lát để giải tỏa nỗi buồn của mình. Gom những đồng tiền ít ỏi, anh đi mua tre về nhờ người bày cho đan rổ, rá, thúng, mủng. Những ngày đầu gian khó luôn làm ông bị đứt tay, chảy máu. Nhưng lâu dần, Thành cũng quen với nó. Hàng ngày, Thành vịn tay mẹ già trên vai gồng gánh bao nhiêu là rổ, rá thúng, mủng ra chợ bán.

Tuổi thơ của Nguyễn Trung Thành cứ lặng lẽ trôi qua như thế cho đến một ngày anh gặp được người phụ nữ của đời mình.

Hạnh phúc giản đơn

Một lần, Thành theo mẹ gánh rổ, rá ra chợ Vinh cách nhà gần 20km để bán. Đến lúc trở về do mệt, đói, hai mẹ con dìu nhau vào ngồi nghỉ tạm ở một gốc cây bên đường. Tình cờ, có một bà cụ cũng đi chợ bán khoai lang nhưng vì bị ế nên gánh trở về vào nghỉ chân tại đây. Nghe mẹ và cụ bà kia nói chuyện, Thành tỏ vẻ thông cảm và tình nguyện gánh rổ khoai lang ế về tận nhà cho bà già.

Thành đâu có ngờ, chỉ với nghĩa cử nhỏ nhoi nhưng cao đẹp ấy đã làm cho con gái của cụ già xao xuyến, trái tim rung động, đem lòng yêu thương chàng mù giàu nghị lực, có tấm lòng nhân đạo. Người con gái đó là cô Nguyễn Thị Chính, người vợ và người mẹ của 4 đứa con hiện tại của ông.

Từ đó, hai người thường qua lại, nói chuyện thân mật với nhau. Cũng chính qua những lần trò chuyện như vậy, cô Chính mới hiểu được con người của chàng trai mù Nguyễn Trung Thành nhiều hơn. Và khi hiểu rồi lại càng khâm phục hơn. Tình yêu giữa đôi bạn trẻ cứ thế lớn dần.

Hành trình vượt bóng đêm của một người mù viết sách

“Thời đó cũng có nhiều người dèm pha, bạn bè nói ra nói vào nhưng tôi vẫn quyết tâm lấy anh Thành. Bạn tôi có đứa nói: mi có phải đui què, mẻ, sứt chi mà đi lấy thằng cha mù nghèo rớt mồng tơi ấy. Người như mi có khối thằng đẹp trai lành lặn theo sao không lấy, lại cứ tự làm khổ mình. Lấy rồi sau này mi sẽ hối hận cho mà xem? Tặc lưỡi, tôi mặc kệ tất cả, phía gia đình thì lúc đầu cũng tỏ ra ái ngại nhưng dần rồi mọi người đồng ý, tác hợp cho đôi chúng tôi”, cô Chính tâm sự.

Một đám cưới nghèo đơn sơ diễn ra. Thế là từ đó anh chị chính thức trở thành vợ chồng. Cưới nhau về một thời gian hai người được cho ra ở riêng trong một túp lều tranh nhỏ rìa làng. Hằng ngày anh Thành ở nhà đan lát, ngày nắng thuận lợi thì mò cua, bắt ốc kiếm sống, còn chị Chính lao vào nghề đạp xe đi thu mua sắt vụn, ve chai, giấy loại kiếm lời.

Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ cứ thế bình lặng trôi đi, mỗi người mỗi việc, hiếm khi họ được nghỉ ngơi ngồi bên nhau, chỉ trừ những ngày mưa gió không đi làm được. Những lần như thế, anh lại được nghe chị đọc cho nghe những bài báo, truyện ngắn mà chị xin được sách cũ của người khác...

Qua những truyện ngắn, những bài thơ mà vợ đọc cho ông nghe, trong sâu thẳm tâm hồn ông khát vọng viết văn lại một lần nữa trỗi dậy. Thế nhưng, bữa ăn cho gia đình còn lo chưa no thì lấy đâu thời gian, tâm trí mà sáng tác văn chương. Cứ như thế, khát vọng vẫn cháy bỏng, cuộc sống bình yên vợ chồng trôi đi, lần lượt những đứa con ra đời, căn nhà mái tranh vách đất chưa đầy 12m2 luông rộn rã tiếng cười.

Người hành khất "đặc biệt"

Công việc mò cua, bắt ốc của ông cùng công việc đồng nát của vợ cũng không thể nào nuôi đủ 6 miệng ăn. Dường như cuộc sống vẫn chưa ngừng thử thách ông.

Tai họa ập đến với gia đình, một trận ốm thừa sống thiếu chết đã làm ông yếu đi nhiều, tiền bạc cũng theo đó đội nón ra đi. Chưa dừng ở đó, năm 1994, tai ương lại một lần nữa ập đến. Vì thiếu ăn, lại sau nhiều nhiều lần sinh nở, bà Chính sinh ra đau yếu, bệnh tật và gần như liệt hẳn. Cô con gái đầu đang học tiểu học phải bỏ học để ở nhà giúp mẹ.

Thế là với hoàn cảnh quá éo le, ông đã phải dắt đứa con đi hành khất khắp nơi. Ông cay đắng bỏ làng, bỏ người thân đi khắp mảnh đất miền Trung để mong sự ban ơn của người đời. Người đàn ông mù lòa, đầu đội nón mê, vai vác loa, một tay cầm micro, một tay đặt trên vai con gái 9 tuổi lang thang đi khắp đó đây.

Cứ thế, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, cha con ông đã đi không biết bao nhiêu cây số 1 ngày, đến bao nhiêu tỉnh để khất thực, xin ăn. Người ta muốn xin thì phải hát, nhưng với ông thì không biết hát mà xin ăn bằng cách “xuất bản miệng” như ngâm thơ, đọc truyện ngắn, tiểu thuyết; những tác phẩm “một thời vang bóng”.

Bước chân của hai cha con ông Thành mù đã đặt đến rất nhiều nơi như Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, thậm chí là Huế. Bước đi của họ không mệt mỏi vì người vợ, người mẹ đang nằm điều trị ở nhà. Tội nghiệp và tủi thân nhất là cô con gái của ông, mỗi lần đi ngang qua nghe tiếng trống hoặc nhìn thấy bạn cùng trang lứa cắp sách tới trường là em lại lại sụt sịt khóc. Những lúc đó, ruột gan của ông lại như bị cắt ra từng khúc, đau đớn nghe tiếng khóc của con mà không làm được gì hơn.

Hành trình vượt bóng đêm của một người mù viết sách

Ngày định mệnh

Cuộc đời của người hành khất mù bắt đầu rẽ sang một hướng mới vào một ngày mưa gió cuối năm 1994. Lúc đi hành khất ở tỉnh Quảng Bình, ông và cô con gái gặp phải một trận mưa lớn nên ghé vào trú chân dưới mái hiên nhà nọ. Lúc ấy, nữ chủ nhân đã đọc cho ông nghe một truyện ngắn rất hay. "Thấy tôi chăm chú nghe chuyện bà đọc, hơn nữa bà nói bà cũng từng nghe tôi đọc truyện, ngâm thơ nhiều lần ở các quán nên bà chủ ngỏ ý tặng tôi một cuốn sách. Đứa con gái tôi thay mặt cha nhận lấy cuốn sách và không quên cảm ơn người đàn bà tốt bụng.

Lần đầu tiên được tặng sách, tôi giục con gái đọc tiếp cho nghe mới biết đó là tác phẩm “Em là Xiêm Huệ”, truyện ngắn của nhà văn Bá Dũng."

Câu chuyện về cô bé Xiêm Huệ làm ông liên tưởng đến cuộc đời của mình. Ông mường tượng ra một tác phẩm mà nội dung chính là cuộc đời bi thảm của mình. “Cuộc đời không thể là kẻ ăn mày mãi. Con mình cũng không thể theo cha đi ăn xin cả đời, nó phải được học hành tử tế để có tương lai sướng hơn. Gia đình, người thân vẫn đang đợi mình ở nhà, mình vẫn cón khả năng làm việc cơ mà”.

Tự vấn mình vô vàn câu hỏi rồi ông đột ngột dắt con trở về làng không đi ăn xin nữa. Ông nói với mọi người sẽ trở về làm việc mới: Viết văn kiếm sống.

Nhà văn mù và những trang viết đậm chất đời thực

Trở về quê, ông tham gia hội người mù và được học chữ nổi braille. Những ngón tay chai sạn vì miếng cơm manh áo đã làm ông rất khó khăn khi tiếp xúc với những con chữ kỳ lạ này. Thế nhưng, không lâu sau ông đã làm quen được với chúng.

Nhờ đọc được những tác phẩm văn học, tạp chí, ông đã mở mang được nhiều kiến thức bổ ích. Ông bắt đầu mạnh dạn tập làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu luận, viết báo. Ông kể, có những lúc mạch cảm xúc tuôn trào, ông viết không kịp nên đành phải nhờ vợ dùng bút ghi lại.

Có ít đồng nhuận bút, ông lại đầu tư mua sách vở, tích cóp để nuôi con ăn học. Dần dần ông lấn sân sang lĩnh vực viết câu chuyện truyền thanh cho Đài tiếng nói Việt Nam. Những lần ông được nhận nhuận bút tòa soạn gửi về hay nghe đài phát thanh đọc kịch bản, nỗi buồn quá khứ chợt như tan biến. Cũng bởi đau khổ nhiều với cuộc sống nên những tác phẩm của ông đều để lại thông điệp về ý chí, nghị lực vươn lên của những con người không may.

Thương chồng và biết chồng yêu thích sách, bà Chính làm nghề đồng nát nên thường thu mua được nhiều cuốn sách hay và mang về. Đến nay tủ sách gia đình của họ đã có trên hàng trăm cuốn với đủ kim - cổ, đông - tây.

Hành trình vượt bóng đêm của một người mù viết sách

Thành quả mà người đàn ông giàu nghị lực và ý chí hiện nay có được là hàng trăm bài báo được đăng trên các báo, tạp chí của trung ương và địa phương; 7 đầu sách gồm: Thơ, tiểu luận, truyện ngắn, hơn 10 giải thưởng trong nước và quốc tế cùng một tủ sách gia đình với hơn 2.000 cuốn.

Các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Trung Thành phải kể đến như: Tiếng lòng (thơ), Hương đại (tiểu luận), Thủ lĩnh cóc tía (truyện thiếu nhi), Phục thiện (tập truyện ngắn), Khúc ru lòng (thơ), Nẻo khuất (tiểu thuyết). Bên cạnh đó còn nhiều tác phẩm sắp xuất bản như tập truyện ngắn Muôn nẻo đường đời...

Ông cũng giành được hàng chục giải thưởng, như: giải B truyện ngắn báo Nghệ An (1996); giải C tạp chí Đời mới, Hội người mù Việt Nam; giải khuyến khích văn học của Đài TNVN (2005), tặng thưởng Hồ Xuân Hương lần ba; giải 3 luận văn của Liên hiệp Hội người mù Onkyo Đông Á Thái Bình Dương (2005); giải khuyến khích chuyện đời tự kể báo Tuổi trẻ năm (2006); giải thưởng đặc biệt vượt lên số phận do tạp chí Thanh niên tổ chức năm 2010...

Giờ đây, ông đã có một mái ấm thật giản dị bên người vợ ân cần luôn chia sẻ, giúp đỡ ông trong công việc viết lách. Với ý chí vươn lên, ông đã trở thành tấm gương sáng để các con học tập noi theo. Cô con gái từng theo ông hành khất năm xưa giờ đã thành cô giáo mầm non, 3 người con khác cũng đã học xong đại học và có việc làm ổn định.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn vất vả phía trước, nhưng với Nguyễn Trung Thành thì được như ngày hôm nay đã là một kỳ tích: một nghề viết lách đúng sở thích, một người vợ hiền đảm đang, một đàn con hiếu thảo và hơn hết đó là một mái ấm hạnh phúc; tất cả điều đó ông xứng đáng được hưởng so với nghị lực vươn lên và khát vọng sống cháy bỏng luôn tiềm tàng trong con người ấy.

Lượt xem : 72705 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo