Trang chủ --> Gương sáng --> Con đường trở thành nhà văn của người hành khất đặc biệt
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Con đường trở thành nhà văn của người hành khất đặc biệt

Trong một lần đi ăn xin, nghe người khác đọc cho một truyện ngắn ông đã tìm ra cách để nuôi cái gia đình 6 miệng ăn.

Chiến tranh đã cướp đi của ông đôi mắt, để khi trở về với đời thường, ông phải đối mặt với bao nhiêu thử thách của cuộc sống mưu sinh. Nhưng giữa dòng đời nghiệt ngã ấy, ông đã đứng dậy và vươn lên để đàng hoàng sống.

Sau bao năm lầm lụi với nghề ăn mày đầy cơ cực, bằng sự chiêm nghiệm và nỗ lực phi thường, ông đã trở thành nhà văn đạt được nhiều giải thưởng cao quý. Người đàn ông đáng kính ấy là Nguyễn Trung Thành (SN 1959), trú tại phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). 

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Trung Thành.

Hạnh phúc nhiệm màu

Trong căn nhà bình dị, bên chén trà xanh, người đàn ông ấy đã kể về những năm tháng đau thương, khiến ông phải vật lộn với cuộc đời. Đó là ngày cuối năm 1967, khi  ông đang ngồi trong căn nhà tồi tàn của mình thì bom Mỹ trút xuống dữ dội.

Do sức ép của bom và bị tổn thương, máu chảy tràn hai mắt, đến 19 tuổi đôi mắt ông trở nên mù hẳn. Đang tuổi thanh xuân mà phải chịu cảnh mù loà, sống trong cảnh đời tối tăm khiến chàng thanh niên đau khổ, tuyệt vọng. Cũng từ đó, ông sống một mình thui thủi, không muốn gặp bạn bè, cô độc trong căn nhà nhỏ.

Ông kể rằng thời gian đó chỉ muốn ngủ một giấc thật sâu và lịm đi không bao giờ tỉnh lại nữa.Nguyễn Trung Thành định tìm đến cái chết để kết liễu cuộc đời đau khổ nhưng trong giây phút đang cố xoay nắp chai thuốc sâu định uống thì người bạn thân chí cốt đã giằng lấy và ném đi. Khóc như mưa trước tấm chân tình của người bạn, Thành gật đầu hứa với bạn là không bao giờ nghĩ đến cái chết nữa.

Từ đó, ông từ bỏ ý định tự tử và lao vào công việc. Không còn ánh sáng, nhưng trong trí nhớ của Thành vẫn hiện lên đường đi lối về của những ao hồ, bờ ruộng. Ông đã đi đến đó để mò cua bắt ốc, tìm cái ăn cho gia đình. Ông còn gác lại những nỗi buồn trong cuộc sống bằng cách tìm đến nghề đan lát.

Gom những đồng tiền ít ỏi, Thành đi mua tre về nhờ người bày cho đan rổ, rá, thúng, mủng. Những ngày đầu gian khó luôn làm ông bị đứt tay, chảy máu. Nhưng lâu dần, Thành cũng quen với nó. Rồi một ngày, Thành vịn tay mẹ già trên vai gồng gánh bao nhiêu là rổ, rá thúng, mủng ra chợ bán. Và từ đây, anh bắt đầu cảm thấy cuộc sống này thật có ý nghĩa. Đặc biệt là từ khi anh gặp được người con gái của cuộc đời. Hai người đã đến với nhau như duyên trời định.

Một ngày nọ, khi cùng mẹ đi chợ về, ông gặp một người phụ nữ ở làng bên đang ngồi nghỉ ven đường bên gánh khoai ế. Thấy vậy, Thành nhanh nhẹn ngỏ lời gánh giúp cụ. Không ngờ khi về nhà, nghĩa cử cao đẹp của Thành đã làm rung động  trái tim cô con gái nhỏ của bà cụ.

Đặc biệt, khi nghe kể về những ý chí và nghị lực của Thành, từ trong đáy lòng Chính (tên cô gái) trào dâng niềm xao xuyến xen lẫn cảm phục.  Vượt qua bao thử thách, bao lời dị nghị của làng xóm, họ đã nên vợ chồng. Sau đám cưới nghèo, hai vợ chồng được ra ở riêng trong một căn nhà mái tranh vách đất chưa đầy 12m2.

Thời gian đầu họ sống với nhau thật hạnh phúc, dù trong cảnh nghèo. Thế nhưng, sự ra đời liên tiếp của 4 người con đã làm cuộc sống trở nên lam lũ, đói kém vạn lần.

Công việc mò cua, bắt ốc của ông không thể nuôi đủ 6 miệng ăn, người vợ tảo tần phải đi lượm ve chai để kiếm thêm thu nhập. Dường như cuộc sống vẫn chưa ngừng thử thách ông.

Năm 1994, tai ương lại một lần nữa ập đến. Vì thiếu ăn, lại sau nhiều nhiều lần sinh nở, bà Chính sinh ra đau yếu, bệnh tật và gần như liệt hẳn. Cô con gái đầu đang học tiểu học phải bỏ học để ở nhà giúp mẹ.

Tủ sách của nhà văn mù với hơn 2000 đầu sách do ông sưu tầm trong vòng 15 năm nay.

Người hành khất đặc biệt

Thế là với hoàn cảnh quá éo le, ông đã phải dắt đứa con đi hành khất khắp nơi. Ông cay đắng bỏ làng, bỏ người thân đi khắp mảnh đất miền Trung để mong sự ban ơn của người đời. Người đàn ông mù lòa, đầu đội nón mê, vai vác loa, một tay cầm micro, một tay đặt trên vai con gái 9 tuổi lang thang đi khắp đó đây.

Với họ, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Trên bước đường khất thực, mỗi khi nghe tiếng trống trường hoặc gặp những đứa trẻ cùng lứa tuổi đi học, con gái ông lại sụt sịt khóc.

Thông thường, để xin được miếng cơm của người đời, người ăn xin phải hát, hay làm bất cứ điều gì để người ta móc túi cho tiền nhưng hai cha con ông lại không làm như thế. Có người gọi cách xin ăn của hai cha con ông bằng một cái từ khá mỹ miều - “Xuất bản miệng” thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết.

Họ vừa đi vừa xuất bản miệng những tác phẩm vang bóng một thời. Cho đến một ngày nọ, vào cuối năm 1994, sau một ngày “xuất bản miệng”, khi hai cha con trú mưa dưới hiên nhà nọ ở Quảng Bình, ông được một người phụ nữ đọc cho nghe truyện ngắn “Em là Xiêm Huệ” của nhà văn Bá Dũng.

Từng chi tiết, nhân vật trong truyện làm ông suy ngẫm thật nhiều. Cô gái Xiêm Huệ với số phận bi đát nhưng đã vượt qua số phận nghiệt ngã và thành công khiến ông bừng tỉnh. Lần đầu tiên, ông mường tượng ra một truyện ngắn mà nhân vật chính là cuộc đời bi thảm và truân chuyên của mình. Nghĩ rằng cuộc đời mình không thể cứ mãi là người ăn mày, ông dắt con gái nhỏ về quê.

Trở về quê, ông tham gia hội người mù và được học chữ nổi braille. Những ngón tay chai sạn vì miếng cơm manh áo đã làm ông rất khó khăn khi tiếp xúc với những con chữ kỳ lạ này. Thế nhưng, không lâu sau ông đã làm quen được với chúng.

Nhờ đọc được những tác phẩm văn học, tạp chí, ông đã mở mang được nhiều kiến thức bổ ích. Ông bắt đầu mạnh dạn tập làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu luận, viết báo. Ông kể, có những lúc mạch cảm xúc tuôn trào, ông viết không kịp nên đành phải nhờ vợ dùng bút ghi lại.

Những đồng nhuận bút còi cọc từ thơ, truyện ngắn... không đủ cho mấy miệng ăn, ông bắt đầu chuyển sang viết kịch bản phát thanh cho chuyên mục “Câu chuyện truyền thanh” của các đài phát thanh.

Những lần ông được nhận nhuận bút tòa soạn gửi về hay nghe đài phát thanh đọc kịch bản, nỗi buồn quá khứ chợt như tan biến. Cũng bởi đau khổ nhiều với cuộc sống nên những tác phẩm của ông đều để lại thông điệp về ý chí, nghị lực vươn lên của những con người không may.

Thương chồng và biết chồng yêu thích sách, bà Chính làm nghề đồng nát nên thường thu mua được nhiều cuốn sách hay và mang về. Đến nay tủ sách gia đình của họ đã có trên hàng trăm cuốn với đủ kim - cổ, đông - tây. 

Thành quả mà người đàn ông giàu nghị lực và ý chí hiện nay có được là hàng trăm bài báo được đăng trên các báo, tạp chí của trung ương và địa phương; 7 đầu sách gồm: Thơ, tiểu luận, truyện ngắn, hơn 10 giải thưởng trong nước và quốc tế cùng một tủ sách gia đình với hơn 2.000 cuốn. 

Giờ đây, ông đã có một mái ấm thật giản dị bên người vợ ân cần luôn chia sẻ, giúp đỡ ông trong công việc viết lách. Với ý chí vươn lên, ông đã trở thành tấm gương sáng để các con học tập noi theo. Cô con gái từng theo ông hành khất năm xưa giờ đã thành cô giáo mầm non, 3 người con khác cũng đã học xong đại học và có việc làm ổn định.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trung Thành

Nhà văn khiếm thị Nguyễn Trung Thành đến nay đã cho ra đời 7 đầu sách gồm thơ, tiểu luận, truyện ngắn: Tiếng lòng, Khúc ru lòng (thơ); Hương đại (tiểu luận); Thủ lĩnh cóc tía (truyện thiếu nhi); Phục thiện, Nẻo Khuất (truyện ngắn)  Ông cũng từng giành được hàng chục giải thưởng quý giá: Giải B truyện ngắn báo Nghệ An (1996); Giải C tạp chí Đời mới - Hội người mù Việt Nam; Giải khuyến khích văn học của Đài TNVN (2005), Tặng thưởng Hồ Xuân Hương lần ba; Giải 3 luận văn của Liên hiệp Hội người mù Onkyo Đông á Thái Bình Dương (2005); Giải khuyến khích Chuyện đời tự kể báo Tuổi trẻ (2006); Giải thưởng đặc biệt truyện ngắn Vượt lên số phận do tạp chí Thanh niên (2010), Giải C UBTQ các hội VNNTVN với tiểu thuyết Nẻo Khuất (2010), Giải đặc biệt cuộc thi Nguồn sáng đời tôi do TƯ Hội người mù tổ chức (2010).

Kim Thoa-  Trần Tâm

Lượt xem : 28301 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo