Gặp nhau trong bóng đêm
Bóng chiều vàng vọt buông xuống trên miền rừng Tân Lập (xã Cẩm Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cũng là lúc anh Yên và chị Hạnh mò mẫm từng bước dắt nhau về lại mái ấm nhỏ của mình. Anh Yên làm nghề bán tiếng hát, đổi ngón đàn. Chị Hạnh theo chân phụ giúp anh trên từng đường làng, góc phố, mưu sinh nhờ lòng trắc ẩn của người đời. Cuộc sống luôn chật vật, nhưng tình yêu được kết tinh trong khốn khó nên anh chị chưa bao giờ chán nản, bi quan, mà ngược lại luôn hướng tới những ngày tươi sáng và vun đắp tương lai cho đứa con gái bé bỏng của mình. Nhìn mái ấm mong manh nhưng luôn tràn trề hạnh phúc ấy, cả miền núi Trà Lân ở Con Cuông không ai lại không thầm cảm phục.
Chúng tôi tìm đến nhà, cũng là lúc đôi vợ chồng kết thúc một ngày rong ruổi khắp nơi. Anh bảo, buổi đi hát hôm nay cũng không kiếm được bao nhiêu, chỉ đủ cho bữa chiều, vì trời vừa trở lạnh buổi đầu đông, người vắng hẳn so với thường ngày. Anh chị không trách người đời, cũng chẳng than vãn số phận, bởi anh không ngả tay van lạy, cũng chẳng giả danh xin tiền người qua đường. Anh vẫn lao động bằng chính giọng hát và gửi đến người đời những ngón đàn êm dịu của mình. "Người ta mắt sáng thì làm nghề tay chân, trí óc, còn tôi mù lòa, buộc phải lao động bằng giọng hát. Người khen hay nán lại cho tiền thì vợ chồng tôi cảm ơn. Họ quay lưng đi tôi cũng không phiền muộn, vì cái nghiệp của mình". Quan điểm sống của vợ chồng anh bao năm qua vẫn thẳng thắn như thế.
Anh Yên kể, anh là người dân tộc Thái, tên họ đầy đủ là Lương Văn Yên, năm nay đã đến tuổi 32. Sinh ra trong một gia đình cùng cực ở miền núi của huyện Con Cuông, khi được 8 tháng tuổi thì cơn bạo bệnh ập đến làm đôi mắt Yên mờ đục dần. Không tiền chạy chữa, chẳng có thuốc thang, cuối cùng cha mẹ đành nhìn Yên vĩnh viễn không còn được thấy ánh sáng nữa. "Gia đình tôi ngày đó nghèo lắm, đến cái ăn còn không đủ thì tiền đâu mà thuốc thang chạy chữa", anh Yên tâm sự. Tròn 1 tuổi thì Yên mù hẳn, nhiều người nhìn thấy đứa bé chập chững tập đi ngã vập sưng cả mặt mày mà không cầm được nước mắt. Cũng từ đó, đứa trẻ bất hạnh phải tập tành mọi thứ để chung sống với bóng tối cuộc đời.
Cặp vợ chồng mù Yên - Hạnh cùng con gái Ánh Sao tại mái ấm của mình
Tuy mù nhưng bù lại trời phú cho Yên được giọng hát luyến láy truyền cảm, rồi sớm bộc lộ năng khiếu chơi đàn. Khi tiếng đàn của Yên cất lên quyện cùng giọng hát, khiến ai nghe cũng phải lay động. Tiếng đàn hòa cùng tiếng lòng của Yên, đôi lúc là sự trầm lắng như nốt lặng trần ai: "Khi tôi sinh ra đã phải mang tiếng con nhà nghèo...". Lúc lại vút cao như niềm hi vọng một ngày hoàn cảnh sẽ thay đổi: "Dù nghèo nhưng luôn vẫn vui tươi, luôn luôn hé môi cười...". Yên thầm nghĩ, sau này sẽ mưu sinh bằng chính tiếng hát của mình.
Kém hơn 2 tuổi, cô gái Dương Thị Hạnh cũng bất hạnh từ lúc cất tiếng khóc chào đời. Hạnh không bị cơn bạo bệnh tước đi ánh sáng như Yên mà ngay từ lúc trong bào thai cô đã mang trong mình di chứng chất độc Dioxin. Thứ chất độc quái ác đã thấm vào thân thể cha cô trong những tháng năm cầm súng ở chiến trường Quân khu 5. "Mẹ kể, ngày sinh tôi ra mẹ khóc nhiều lắm, còn cha mỗi khi nhìn tôi ông luôn lặng thinh không nói, ôm chặt tôi vào lòng. Được cái, tôi lớn lên trong niềm yêu thương của mọi người", chị Hạnh kể. Không chấp nhận số phận, Hạnh gắng học tập, rồi được đi học chữ nổi Brai dưới TP.Vinh, xong về làm giáo viên dạy chữ nổi cho người mù và khiếm thị tại Trung tâm khuyết tật huyện Con Cuông. Giữa năm 2003, chị gặp Yên, một chàng thanh niên đồng cảnh ngộ, nghèo khó, nhưng hiền lành.
Thời gian qua đi, hai người thầm cảm mến nhau rồi tình yêu nảy nở. Nhưng khi quyết định đến với nhau thì cha mẹ hai bên gia đình không đồng thuận. Bởi, như cha mẹ Hạnh phân bua: "Một người mù đã khổ rồi, hai người mù thì bất hạnh nhân đôi, lỡ sau này con cái sinh ra cũng như vậy thì lấy ai chăm sóc?”. Cha mẹ không muốn các con phải khổ thêm nữa. Hạnh suy nghĩ và đã khóc rất nhiều. Cô khóc không phải vì hờn trách cha mẹ, mà khóc vì thầm tủi cho số phận. Bất hạnh đã không cho cô ánh sáng, nay lại nhẫn tâm khước từ quyền được yêu, được có chồng và được làm mẹ ư? Hạnh bị mù, nhưng có trái tim chan chứa niềm khao khát yêu thương. Hơn thế, khi hai trái tim cùng nhịp, Hạnh còn thấy ở Yên một nửa của đời mình, biết đâu hai sự khiếm khuyết hợp lại sẽ có một phép màu làm nên sự hoàn hảo, Hạnh nghĩ.
Dìu nhau ra ánh sáng
Sau hơn 2 năm ròng thuyết phục bằng chính tình yêu son sắt, đôi trẻ mù đã khiến những người lớn cảm phục, cuối cùng cha mẹ hai bên đồng ý làm lễ cưới. Một đám cưới đạm bạc, mấy mâm cơm, vài ba đĩa kẹo được tổ chức. Mọi người đến dự thầm cầu chúc mọi điều tốt đẹp sẽ đến với đôi vợ chồng mù. Đến được với nhau đã là hạnh phúc, nhưng đó mới chỉ là sự bắt đầu của những chuỗi ngày khốn khó đang chực chờ họ phía trước. "Người ta bảo thế gian được vợ hỏng chồng, còn ở đây vợ chồng tôi thì hỏng luôn cả hai. Chúng tôi tự nhủ phải luôn bên nhau trong những lúc khốn khó. Cả hai lại nghĩ, về lâu về dài phải có cái ăn và tương lai con cái nữa. Cha mẹ đã già không thể cho mãi, cũng chẳng thể ra đường ngả tay ăn xin nuôi nhau, rồi lấy gì phòng những khi đau ốm? Sau nhiều đêm trằn trọc, cuối cùng tôi bàn với vợ mưu sinh bằng nghề hát rong. Chỉ có nghề này vợ chồng tôi mới có điều kiện tương trợ nhau mà thôi", anh Yên nói.
Anh Yên vốn đã có giọng hát, lại biết chơi đàn, chỉ cần sắm thêm chiếc ghi ta nữa là ổn. Anh sẽ là người đàn hát, còn chị Hạnh làm nhiệm vụ dìu dắt, dẫn đường. Anh chị sẽ đến những nơi đông người dưới chợ thị trấn huyện để phục vụ. Từ đó quãng đường từ nhà ra chợ huyện ngày ngày đón bước chân đôi vợ chồng trẻ sáng tối đi về. "Những ngày đầu thật gian nan, vì không quen đường nên từ nhà ra chợ chỉ có 1km thôi, mà chúng tôi phải dò dẫm đến 2 tiếng đồng hồ, chưa kể nhầm đường, lạc lối", anh Yên nhớ lại những ngày đầu làm nghề hát rong.
Sau 3 năm, chị Hạnh mang bầu. Ngày vợ trở dạ, anh Yên thấp thỏm đứng ngồi. Vì trước đó anh vẫn nghĩ, nếu con mà như cha mẹ thì cuộc đời sẽ tăm tối lắm. Cha mẹ khổ rồi, chỉ mong con sau này được lành lặn, được nhìn thấy thấy ánh sáng cuộc đời. Anh chị cầu trời vái Phật, con mình khi sinh ra sẽ không lặp lại một kịch bản tăm tối. Thế rồi sự lo lắng, hồi hộp của mọi người đã vỡ òa trong thở phào nhẹ nhõm. Vợ sinh xong, Yên dò dẫm bước chân đến sờ đứa con đang oa oa khóc, bà đỡ bảo đôi mắt bé tròn xoe, đen láy, khuôn mặt bầu bĩnh nom rất kháu khỉnh. Thế là phép màu đã đến thật rồi, trong lòng Yên dâng trào niềm hạnh phúc khó tả. Trời đã soi tỏ, cha mẹ khiếm khuyết, con cái lành lặn, đó là câu chuyện có hậu, còn với đôi vợ chồng mù Yên - Hạnh thì còn là một câu chuyện cổ tích đang hiển hiện. Anh chị bàn nhau đặt tên bé là Ánh Sao với ý nghĩa là ngôi sao hi vọng, ánh sáng lung linh không bao giờ tắt.
Thời gian thoi đưa, mới đó mà nay Ánh Sao đã được 4 tuổi và đi học lớp mầm. Bé ngoan ngoãn, xinh xắn, đã biết chỉ dẫn những thứ đơn giản cho cha mẹ mình. Và như biết hoàn cảnh gia đình, nên bé cũng sớm có ý thức. Anh chị bảo, bé là niềm động viên, niềm hi vọng để vợ chồng anh chị vượt qua cơn dâu bể cuộc đời. Đôi vợ chồng mù đã chứng minh cho mọi người thấy một chân lý, tình yêu là điều thiêng liêng có thể giúp họ vượt qua mọi rào cản trên đường đời.
Ước mơ mái nhà không dột Hiện tại anh chị đang ở trong ngôi nhà do ông bà ngoại làm cho, nhưng nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngày nắng không sao, khi mưa thì nước dột lỗ chỗ, đến nay anh chị vẫn không có điều kiện để thay. Ông bà ngoại bây giờ cũng đã già yếu, anh chị kiêm thêm trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già. Chị Hạnh chợt nói: "Nghe trên ti vi người ta có chương trình Ngôi nhà ước mơ gì đó, anh chị cũng muốn tham gia mà không biết nên làm thế nào? Nhà thì dột quá rồi, hễ mưa bão, nước chảy vào không ngủ được. Chúng tôi mong có một ngôi nhà nhỏ thôi, ở gần chợ thì tốt để anh tiện đi hát, chứ ngày càng già thì không còn sức mà đi xa nữa. Mong sao ước mơ đó thành hiện thực". |
HẢI ĐĂNG
Theo Nguoiduatin
Bình luận