Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Người mù với nghề tẩm quất massage
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người mù với nghề tẩm quất massage

Số phận không may lấy đi của họ đôi mắt, nhưng ngược lại đã bù đắp cho họ đôi bàn tay khéo léo, nhạy cảm để họ làm được công việc: tẩm quất. Từ công việc đó người mù có thể sống bằng sức lao động của chính mình, tự tin vươn lên trong cuộc sống, giúp cho xã hội nhìn và hiểu đúng với từ “tẩm quất cổ truyền”. 

 

Vui buồn nghề tẩm quất
Lặng lẽ đi theo bác cán bộ Hội người mù huyện Kim Động, từ văn phòng hội đến cơ sở tẩm quất cũng khá xa, đường lắt léo khó đi nhưng đoạn đường đó với bác
– một người khiếm thị lại trở nên thân thuộc, dễ dàng. Và với người mắt sáng như tôi còn phải vừa đi vừa chạy mới theo kịp được bước chân bác. Vừa đi vừa
trò chuyện, bỗng có tiếng gọi với của người đi đường: “Bác Nghệ ơi, chiều em đến, bác làm cho em tí tẩm quất nhé!”. “Vâng mời bác đến, chúng tôi sẵn sàng
phục vụ!”. Câu trả lời với theo cũng đủ để người vừa hỏi nghe thấy dù khoảng cách đã khá xa...
Dừng chân trước tấm biển nhỏ “Tẩm quất cổ truyền” ở thị trấn Lương Bằng- là một trong những cơ sở tẩm quất của Hội người mù huyện Kim Động. Dù chưa cất
tiếng hỏi nhưng nghe thấy tiếng rì rầm của chúng tôi ngoài cửa và tiếng bước chân, chị Phạm Thị Điềm, một kỹ thuật viên vội nhanh nhảu: “Mời bác và chị
sang phòng bên đợi, chị em cháu làm cho khách xong rồi sang liền”.

articlefiles/phongsu27042010
Tẩm quất cho khách tại cơ sở tẩm quất thị trấn Lương Bằng (Kim Động)

Ngó vào phòng làm dịch vụ thấy các kỹ thuật viên khiếm thị đang làm tẩm quất cho khách. Những động tác mát-xa, bấm huyệt được các chị làm rất chuyên nghiệp.
Bác Lê Văn Nghệ, Chủ tịch Hội người mù huyện Kim Động vừa rót nước vừa nói với tôi: Nhìn họ làm tẩm quất thì tưởng đơn giản vậy nhưng cái nghề này cũng
tốn công sức, vất vả lắm. Mỗi lần làm tẩm quất cho khách phải mất ít nhất là 45 phút đến 1 tiếng với đầy đủ các bước từ đầu đến chân. Tẩm quất xong cho
một vị khách, kỹ thuật viên cũng toát cả mồ hôi cho dù chưa phải mùa nắng nóng. Nếu người không có sức khỏe, đôi tay không khéo léo, nhạy cảm để sờ, nắn
các huyệt thì khó mà làm được công việc này. Mỗi lần làm tẩm quất cho một lượt khách như vậy được từ 20 – 30 nghìn đồng.
Cơ sở tẩm quất thị trấn Lương Bằng được mở từ năm 2006. Khi mới mở, cơ sở làm tẩm quất khuyến mại 20 ngày để vừa giới thiệu, vừa nhằm thu hút khách. Khách
đến làm tẩm quất thấy hiệu quả, về người nọ giới thiệu với người kia đến. Bây giờ trung bình mỗi ngày cơ sở có từ 8 -10 khách đến làm tẩm quất. Thu nhập
bình quân của một kỹ thuật viên làm tẩm quất từ 650 – 850 nghìn đồng (tùy thuộc vào từng tháng). Tuy nhiên để có được kết quả như ngày hôm nay không phải
là dễ với người khiếm thị bởi không phải ngẫu nhiên mà họ đi làm tẩm quất được. Những người được đi học tẩm quất phải có đủ sức khỏe, đôi tay nhạy cảm.
Và để làm được nghề phải qua 3 tháng đào tạo tẩm quất, bấm huyệt cơ bản. Ngoài ra trong quá trình làm phải thường xuyên học để nâng cao tay nghề. Khi đi
học về rồi, để tiếp cận với khách cũng là một vấn đề khó vì làm tẩm quất, bấm huyệt thì khách không thể mặc nguyên quần áo, mà kỹ thuật viên nữ lại càng
khó khăn để tiếp cận với khách là nam giới. Chị Phạm Thị Điềm nhớ lại những ngày đầu mới làm tẩm quất: “Ngày em học xong, dù đã được những người đi trước
truyền cho “kinh nghiệm” nhưng mãi em mới tiếp cận được với công việc. Khách hàng đến tẩm quất hầu hết là nam giới, có khi chỉ nghe thấy tiếng xe máy dừng
ở cửa là em đã run rồi chứ đừng nói gì đến làm tẩm quất. Rồi hàng ngày em đứng xem người khác làm, một phần cũng do được tiếp xúc, trò chuyện nhiều với
khách nên dần dần em mạnh dạn hơn với công việc”.
Đại đa số những người tới tẩm quất tại cơ sở của Hội người mù với mục đích trong sáng và mong muốn giúp đỡ người mù có thêm thu nhập. Tuy nhiên cũng không
ít người có suy nghĩ không lành mạnh về cơ sở tẩm quất của người mù bởi ngày nay, sự xuất hiện của mại dâm trá hình dưới vỏ bọc tẩm quất, mát-xa thư giãn
đã làm méo mó cụm từ “tẩm quất cổ truyền”. Nhiều người hễ nghe tới “tẩm quất” là nghĩ ngay đến mặt trái và thường nhìn nó với con mắt dè chừng, lảng tránh.
Chị Điềm cho biết thêm: những ngày đầu mới mở cơ sở tẩm quất, có nhà chồng đi tẩm quất, vợ đi cùng để theo dõi chồng, có người vừa đến chưa kịp làm tẩm
quất đã bị vợ sai con đến gọi về... Bên cạnh đó cũng không ít kẻ tới đây với ý đồ xấu. Bác Nguyễn Văn Quy, Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Kim Động cho
biết: đã nhiều lần chị em ở tổ tẩm quất phải mời khách ra ngoài vì họ có những hành vi thiếu văn hóa với người mù. Đặc biệt có ngày cơ sở phải mời tới
3 vị khách về vì thái độ, lời nói không đàng hoàng. Cơ sở chấp nhận không có khách chứ không chấp nhận làm tẩm quất cho những vị khách thiếu ý thức đó...

Góp phần giải quyết việc làm cho người tàn tật
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm cho người tàn tật, cụ thể là giải quyết việc làm cho người khiếm thị, trong hai năm qua
( 2008 – 2009) Hội người mù tỉnh được UBND tỉnh phân bổ kinh phí mỗi năm 100 triệu đồng để dạy nghề ngắn hạn cho hội viên. Mục tiêu của chương trình đào
tạo nhằm giúp hội viên Hội người mù có việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe, tham gia lao động cho thu nhập, cải thiện đời sống, đỡ một phần khó khăn
cho gia đình và xã hội. Do đặc thù, Hội đã lựa chọn dạy nghề tẩm quất xoa bóp vì nghề này phù hợp với người mù và có thu nhập ổn định. Sau khi học nghề,
hội viên có thể làm việc ở các tổ dịch vụ tập trung hoặc tại cộng đồng. Để thực hiện chương trình, mục tiêu được giao, Hội người mù phối hợp với Hội đông
y tỉnh để dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt cho hội viên. Trong hai năm qua, Hội người mù đã mở được 8 lớp tẩm quất cổ truyền ở cơ sở với 120 học viên tham gia.
Mỗi lớp đào tạo trong 3 tháng, các học viên được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về xoa bóp, tẩm quất, nắm được các đường kinh cơ bản trên cơ thể người, vận
dụng để chẩn trị một số bệnh thường gặp bằng xoa bóp, tẩm quất, bấm huyệt. Sau khóa đào tạo, các hội viên được Hội đông y tỉnh cấp giấy chứng nhận học
nghề. Đến nay sau hai năm thực hiện chương trình, khoảng 90% số học viên sau khi học xong có việc làm.
Hiện nay toàn tỉnh có 13 cơ sở tẩm quất của người mù do Hội người mù các cấp trực tiếp quản lý, trong đó nhiều nhất là huyện Kim Động với 3 cơ sở tẩm quất,
huyện Tiên Lữ có 2 cơ sở, huyện Khoái Châu có 2 cơ sở. Các cơ sở tẩm quất đó đã góp phần giải quyết việc làm cho 60 hội viên. Ngoài các cơ sở tẩm quất
do Hội người mù quản lý còn có 6 tổ dịch vụ cá nhân do hội viên tự mở, mỗi tổ dịch vụ cũng tạo việc làm cho từ 3 đến 5 người khiếm thị. Còn những hội viên
đã được đào tạo nhưng không làm tại các cơ sở tẩm quất thì tự làm dịch vụ tại cộng đồng để phục vụ nhân dân.
Ông Phạm Đức Phần, Chủ tịch Hội người mù tỉnh Hưng Yên cho biết: Tẩm quất là một công việc khó, khó từ lúc hội xây dựng chương trình kế hoạch, học nghề
đến việc mở các tổ dịch vụ. Nhưng với quyết tâm và lòng nhiệt tình, tâm huyết với công việc, đến nay các cơ sở tẩm quất của người khiếm thị đã bước đầu
khẳng định và tạo niềm tin với khách hàng. Chương trình này còn có ý nghĩa hơn là người khiếm thị được tham gia lao động bằng chính khả năng của mình,
từ chỗ phải sống dựa vào gia đình đến nay họ trở thành lao động chính, có thu nhập sống bằng chính sức lao động của mình và giúp ích cho xã hội.  

Lượt xem : 31551 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo