Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Người mù: Thật giả lẫn lộn
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người mù: Thật giả lẫn lộn

                    Không ai muốn mình bị mù lòa, thế nhưng giờ đây nhiều người sáng mắt lại tự nhận mình là mù lòa, hoặc lợi dụng người mù để trục lợi, thật trớ trêu thay.

                  Tẩm quất cổ truyền từ lâu đã trở thành nghề kiếm sống của bộ phận người mù, người khiếm thị, được các tổ chức hội người mù đưa vào hoạt động nhằm nâng cao đời sống hội viên. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh tràn lan, nhập nhoạng của các cơ sở tẩm quất hiện nay khiến con đường mưu sinh của những "mảnh đời không ánh sáng" dường như trở nên "tối" hơn  
 
Chủ tịch Hội Người mù T.P Phạm Văn Quyết cho biết hiện nay ngoài 1 cơ sở  làm tăm tre và chẻ đũa, hội có 6 cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất cổ truyền. Lao động là người mù làm việc tại đây được hưởng chế độ theo quy định chung, phần lợi nhuận còn lại được sử dụng chi cho các chính sách hỗ trợ những hội viên không có khả năng tự nuôi sống.
 
Nói về nghề tẩm quất của người mù, có người cho đó là "nghề sáng trong bóng tối". Nhất là trong khi hoạt động kinh doanh massage mại dâm núp bóng, trá hình đang diễn ra khá phổ biến, thì các cơ sở do hội người mù thành lập góp phần mang lại cái nhìn đúng đắn hơn về liệu pháp chữa bệnh từ y học cổ truyền dân tộc.
 
Cạnh tranh kinh doanh: Cuộc chiến có cân sức?
 
Hàng năm, hội người mù địa phương được cấp một khoản ngân sách nhất định để đào tạo nghề tẩm quất cho hội viên. Trung bình, mỗi suất học là 540 nghìn đồng/người/tháng bao gồm tiền ăn, tiền thuê giáo viên, tiền thuê địa điểm mở lớp…
 
Tuy vậy, đi vào hoạt động như một hình thức kinh doanh bình thường, các cơ sở tẩm quất người mù cũng chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh thị trường. Bởi tẩm quất, xông hơi không chỉ là nghề dành riêng cho đối tượng lao động mù, các cơ sở tư nhân, khách sạn, nhà nghỉ, thẩm mỹ viện… cũng tận dụng triệt để hiệu quả kinh tế từ dịch vụ ăn khách này. Những cụm từ: "Massage - Xông hơi", "Tẩm quất cổ truyền"… trên các biển quảng cáo xuất hiện với mật độ dày đã trở thành thuật ngữ quen thuộc với người dân.
 
Cạnh tranh lành mạnh đã là một điều khó với những con người thua thiệt về thị lực, nhưng còn những cuộc cạnh tranh khác ẩn mình trong bóng tối. Trên thực tế, tình trạng mại dâm trá hình, núp bóng massage, tẩm quất, xông hơi diễn ra ở hầu khắp các địa phương, đã đưa đến những quan điểm không mấy thiện cảm. Nhất là khi một số cơ sở tư nhân sử dụng lao động là người mù hoặc hội viên đang hoạt động tại các hội người mù. Chủ tịch Hội Phạm Văn Quyết cũng thừa nhận tình trạng lôi kéo, dụ dỗ lao động là người mù của thành hội và các huyện hội xung quanh sang làm việc cho các chủ tư nhân đang diễn ra khá nhiều. Theo ông, điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu tổ chức và tình hình kinh doanh của hội.
 
Đáng nói hơn, việc một số cơ sở tư nhân không hiểu do vô tình hay cố ý đã gắn thêm cái mác "người mù", khiến nhiều khách hàng hiểu nhầm đây là cơ sở do hội người mù thành lập và quản lý. Qua khảo sát, tại địa chỉ 220 Trần Hưng Đạo (phường Nam Ngạn) tấm biển in rõ hàng chữ "Người mù Thanh Hóa" được đặt ngay mặt tiền. Hay ở một cơ sở hành nghề tẩm quất khác trên đường Lê Lai (phường Đông Sơn) cũng quảng cáo với chiêu thức như vậy.
 
Có nơi còn "treo đầu dê bán thịt chó" bằng cách gắn mác tẩm quất người mù, nhưng thực chất nhân viên toàn người sáng. Anh Lê Đình Đức (23 tuổi, sinh viên Trường ĐH Hồng Đức) người từng sử dụng dịch vụ này cho biết: "Tẩm quất thì nhân viên là người mù hay người bình thường cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng, miễn là họ có tay nghề, được đào tạo. Thế nhưng, có lần tôi vào quán "tẩm quất người mù" mà không phải người mù, thì thấy lạ. Thực tế, hoạt động của ngành nghề này hiện khá phức tạp, nên khó tránh khỏi tâm lý lo ngại hay nghi ngờ".
 
Việc lấy danh nghĩa người mù để hành nghề nhất là với các cơ sở không có chứng chỉ, giấy phép kinh doanh, đã gây nên sự lộn xộn trên thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của các hội người mù và chính các hội viên.
 
Con đường tìm ánh sáng
 

Các văn bản kiến nghị của Hội Người mù TP Thanh Hóa đến cơ quan chức năng .
 
Để bảo vệ quyền lợi của hội viên, thời gian qua Hội Người mù T.P Thanh Hóa đã tự khảo sát, tổng hợp danh sách những cơ sở tẩm quất sử dụng lao động là hội viên các hội người mù thuộc các hội huyện, thị trong tỉnh mà không có chứng chỉ, giấy phép kinh doanh, phát hiện có dấu hiệu nảy sinh tệ nạn xã hội, gây lộn xộn trong hoạt động các hội. Văn bản kiến nghị được gửi tới các cơ quan chức năng như: Hội Người mù tỉnh, UBND các phường có cơ sở kinh doanh vi phạm. Sau khi tiếp nhận, Tỉnh Hội đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh xem xét vào 22/4/2013. Về phía các phường, Thành Hội Người mù cho biết có 2/3 phường đã phúc đáp lại. Trừ phường Đông Sơn chưa có thông tin trở lại về hoạt động của cơ sở tẩm quất trên đường Lê Lai, còn phường Ngọc Trạo và Nam Ngạn đã tiến hành các thủ tục cần thiết và hồi âm. Phường Ngọc Trạo sau khi thành lập đoàn kiểm tra cơ sở tẩm quất cổ truyền số 65 Quang Trung phát hiện có sự vi phạm về giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận ANTT, phòng cháy chữa cháy. Vì thế đã yêu cầu chủ kinh doanh phải ngừng mọi hoạt động để hoàn thành thủ tục. Riêng trường hợp của  cơ sở tẩm quất 220 Trần Hưng Đạo, sau khi có công văn kiến nghị tới chính quyền phường Nam Ngạn, Hội Người mù thành phố nhận lại được một loạt giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy ủy quyền, bằng cấp và giấy chứng nhận chuyên môn mang tính hợp lệ của chủ cơ sở là anh Nguyễn Xuân Toàn không kèm theo biên bản hay văn bản giải thích nào. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Quyết thì dù các giấy tờ này không sai phạm, nhưng mâu thuẫn nằm ở chỗ: Cơ sở kinh doanh này được sự ủy quyền của HTX Thủ công mỹ nghệ Bình Minh trực thuộc Tỉnh hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Thanh Hóa, nhưng lại hành nghề tẩm quất cổ truyền. Mặt khác, trên biển quảng cáo của cơ sở có ghi "Người mù Thanh Hóa" thì có phần liên quan đến Hội Người mù hơn là Hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật. Vì lẽ đó, câu trả lời chưa thực sự giải quyết được băn khoăn của Hội Người mù T.P Thanh Hóa, và cơ sở này vẫn đang hoạt động bình thường.
 
Ông Phạm Văn Quyết cùng với những lao động làm công ăn lương tại cơ sở tẩm quất của hội bày tỏ mong muốn có được một môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hội viên, là việc cần thiết. Một nghề tốt về bản chất nhưng lại đang bị làm xấu đi vì các hoạt động trá hình. Nếu chỉ có người mù đơn độc trong cuộc chiến này thì quả thực không cân sức!
 
 
 
 
 
 
Mai Nguyên

Hoàng Kim (theo Báo Văn Hóa & Đời sống Thanh Hóa)
 

Lượt xem : 41522 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo