Trang chủ --> Gương sáng --> Hai "chuyến đò" sứt mẻ của lãng tử mù trên Cao nguyên
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Hai "chuyến đò" sứt mẻ của lãng tử mù trên Cao nguyên

 

 

Ông mù lòa, nghèo kiết xác từ thủa còn nằm nôi, dung nhan nham nhở với khuôn mặt lỗ chỗ tàn nhang, dáng người thô cộc thế mà lại được hai người phụ nữ yêu tha thiết.

 

 

Tất cả đều thừa nhận đem lòng yêu ông bởi khí chất nam tử sống sòng phẳng với đời, bởi sức hút ghê gớm, mãnh liệt trong chất giọng rặc miền biển Bình Định có chứa hồn, chứa tình trong đó.

Hai người phụ nữ, một mù lòa, một thong manh thề sống thề chết theo ông đi cùng trời cuối đất, sống dật dờ với kiếp ăn xin, hát rong, vé số. Chuyện tình của lãng tử mù Nguyễn Nghề đã khiến hàng triệu con tim dạt dào nức nở.

Kiếp cầm ca "nhặt vợ" giữa chợ đời

Ngõ nhỏ nằm chênh vênh trên triền dốc, cụ ông Nguyễn Nghề 75 tuổi (ngụ khối 7, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) loạng choạng chống gậy bước từ con dốc lên nhà thở dốc liên hồi. Người đàn ông ấy, tôi cứ nghĩ phải đẹp trai, phong độ lắm khi nghe người khác rỉ tai về chất tài tử, đào hoa. Nhưng, ông hoàn toàn khác với trí tưởng tượng của tôi.

Hai con mắt ông mù tịt, xung quanh vầng đen xám xịt, gỉ mắt tèm nhem. Khuôn mặt ông rạm rổ tàn nhang nâu xám thế mà một thời, hai người đàn bà "sinh tử" với nhau để chiếm lĩnh trái tim ông, tranh nhau sinh cho ông những đứa con khỏe mạnh, lúc nhúc một bầy.

Ngồi trong mái nhà nhỏ lợp tôn nóng chát chúa trên đầu, nghe chuyện tình của lãng tử mù Nguyễn Nghề khiến tôi quên luôn cảm giác oi nồng, bức bối của cái nắng giữa trưa.

Quê ông ở một làng chài ven biển Bình Định. Không may mắn như 8 anh em trong gia đình, ba tuổi, một căn bệnh lạ ập xuống, cậu bé Nguyễn Nghề bị mù cả hai mắt. 4 người anh thoát ly đi theo Cách mạng, các anh chị em còn lại đều có nơi có chốn để đi.

Riêng cậu bé mù, mặc dù được cha mẹ, anh chị dành nhiều tình thương nhưng mặc cảm với thân phận, Nghề tự cô lập mình. Nghề lặng lẽ bấu víu vạt áo cha mẹ đi hát rong dọc dài vùng quê Bình Định. Học được ngón nghề bài chòi, hò ví dặm, đánh trống khua chiêng từ gánh hát ấy mà Nghề có được một kinh nghiệm kiếm sống ngoài đời.

Trong những ngày lang thang kiếm sống bằng lời ca ai oán, não nề, Nghề quen được người đàn bà cùng hoàn cảnh, cùng nghiệp mưu sinh bằng kiếp cầm ca tên Phạm Thị Liên. Hai tâm hồn "rách nát" tả tơi xích lại gần nhau.

Đến một ngày, mặc dù biết người đàn bà ấy đang một nách hai con nhỏ nhưng lỡ yêu rồi nên Nguyễn Nghề không suy tính thiệt hơn. Hai mảnh ghép khập khiễng thế nhưng bằng tình yêu thương, sự cảm thông của người đàn ông, mảnh ghép ấy đã xây dựng thành một gia đình nhỏ, nghèo nàn nhưng ấm áp.

Con riêng bà Phạm Thị Liên chưa kịp lớn thì con chung ra đời. Căn chòi tạm bợ, liêu xiêu lọt thỏm trong vườn chuối để tránh gió biển càng trở nên tù túng, chật chội. Hai con chung, hai con riêng của cặp vợ chồng mù lúc nhúc như bầy chim đói ăn. Chồng bế, vợ địu, tay đàn, miệng hát kéo nhau đi khắp nơi có khi "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường".

Một ngày của năm 1980, gánh hát tả tơi, đói khổ của họ vô tình lọt vào tầm ngắm của người đàn bà "đứt gánh" Phạm Thị Diệu. Từ quê hương Quảng Ngãi, bà Diệu bế hai con vào Bình Định rửa chén thuê.

 

Bà Diệu.

 

Mỗi lần, khi gánh hát của người đàn ông mù đi qua, bà Diệu lại dừng tay, lặng người đi để nghe cho đến khi tiếng hát nhỏ dần rồi khuất hẳn. Bà rướn con mắt thong manh, nhập nhòe còn lại để ngắm nhìn thật lâu người đàn ông ôm đàn, dắt con đi hát.

Thời gian không lâu, gia đình người chủ bà Diệu làm thuê chuyển đi nơi khác. Bà Diệu mất việc làm, bà chuyển sang nghề: Ai thuê gì làm đấy. Bất giác bà nghĩ đến người đàn ông mù, từ đáy lòng bà cảm phục giọng ca "nứt trời, lở đất" của ông.

Bà đem lòng thương ông và thương luôn người vợ mù lòa cùng lũ con nheo nhóc của họ. Bà bất chấp đạo lý, bất chấp dị nghị, định kiến của người đời bởi bà nhận ra, mình đã yêu người đàn ông ấy thật rồi.

Tuy không nhìn thấy nhan sắc của bà Diệu nhưng qua đôi lần tiếp xúc, trò chuyện, ông Nghề cũng thấy mến mến. Họ bắt đầu sẻ chia cùng nhau từng miếng bánh, từng chén cơm cho con cái của nhau. Những đêm trằn trọc khó ngủ, ông Nghề nghĩ tới người đàn bà tốt bụng cũng thấy nhớ.

Ông Nghề mạnh dạn đưa ra sáng kiến: "Diệu à, hay là mình góp gạo thổi cơm chung với gia đình tôi đi. Dù sao mình cũng đều cùng cảnh ngộ về sống với nhau sẽ tốt". Chỉ chờ có thế, bà Diệu gật đầu luôn.

Gánh gát rong của vợ chồng ông Nghề từ nay có thêm thành viên mới. Một người đàn ông mù, một người phụ nữ mù và một thong manh cùng 6 đứa con đủ các thành phần. Con anh, con em, con chúng ta.

Mảnh ghép "sứt mẻ" của ba người mù

Từ khi bà Diệu gia nhập "đoàn văn công hát rong", cuộc sống của đại gia đình bắt đầu có "linh hồn". Bà Diệu còn một con mắt lòe nhòe nên chịu trách nhiệm trông nom lũ trẻ và cơm nước.

Hàng ngày, ông Nghề và người vợ chính đi hát, tối về được đồng bạc lẻ nào thì đưa hết cho bà Diệu cầm để trang trải chi phí cuộc sống. Người dẫn đường mù lòa, người mắt sáng tèm nhem nên một ngày của năm 1986, gánh hát của họ trôi dạt vào tận Bến xe Đắk Lắk.

Không biết hướng đi, không thể định hình ở vùng đất mới, họ bị lạc vào trong một khu rừng rậm rạp. Lũ trẻ đói khát kêu khóc khàn cổ, người lớn mệt mỏi nằm vật vã.

Nhớ lại ngày đó, ông Nghề vẫn chưa hết bàng hoàng: "Cách đây gần 30 năm còn gì, lúc đó Đắk Lắk nhiều rừng lắm, dân cư còn thưa thớt. Mà lạ ghê, chúng tôi ngủ qua đêm trong rừng không đụng thú dữ".

Chìa tay lọ mọ rót ly nước trà nóng, ông Nghề chợt tươi tỉnh hẳn lên, ông kể tiếp: "Thật ra cũng định quay về Bình Định nhưng nghe bà Diệu nói ở đây đất đai rộng rãi, khí hậu mát mẻ. Biết đâu sẽ kiếm được mảnh đất làm nhà cho các con có chỗ trốn mưa nắng. Tôi nghe có lý nên quyết định dừng chân luôn. Mấy hôm sau, có người đi làm rừng, họ thấy gia cảnh chúng tôi nên hướng dẫn cho ra phía ngoài, rồi lại cho gỗ phụ dựng túp lều nhỏ".

Từ khi có nhà, vợ chồng ông Nghề tiếp tục cuộc mưu sinh bằng kiếp cầm ca. Nói cầm ca cho oai một tí chứ thực ra, ông Nghề bảo: "Nói cho chính xác là đi ăn xin. Mình đem giọng hát ra để khi người ta móc ví cho tiền cũng cảm thấy vui".

Quay trở lại mối lương duyên với người đàn bà gốc Quảng, 4 năm kể từ ngày bà Diệu về sống chung nhà, mặc dù cả hai đều có tình cảm với nhau nhưng vẫn còn rất e dè chuyện thổ lộ. Bà Diệu cố gắng làm tròn bổn phận của người "sáng mắt" với đàn con nhỏ phụ giúp bà Liên. Tối đến, bà Diệu lặng lẽ ôm con ngủ ở một xó nhà để dành chiếc giường duy nhất cho vợ chồng ông Nghề có không gian riêng.

 

Ngày ngày, ông Nghề bấu vai bà Diệu đi bán vé số.

 

Thế rồi, "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", suốt 4 năm "tình trong như đã mặt ngoài còn e", ông Nghề quyết định  làm cái việc táo bạo. Khi các con đã chìm sâu vào giấc ngủ, khi người vợ mệt mỏi thiếp đi thì ông khẽ khàng lôi bà Diệu ra một góc. Ông mạnh dạn vét cạn tấm chân tình với bà.

Cảm xúc của trái tim đang yêu ở tuổi 45 của ông Nghề trỗi dậy, ông khẽ khàng đặt một nụ hôn đầu tiên cho người đàn bà đã gắn bó, chăm sóc gia đình ông suốt 4 năm trời. Tình yêu nào phân biệt tuổi tác, hoàn cảnh, từ ngày đó, bà Diệu như trẻ ra mấy tuổi.

Rồi, không thể tránh khỏi quy luật tất yếu của cuộc sống chung chạ, bà Diệu có thai. Bà Diệu và ông Nghề biết như vậy là có lỗi với bà Liên nhưng cũng không thể giấu mãi được. Bà Liên biết chuyện đã "nổi loạn" lên, người đàn bà mù lòa không còn đủ sức để ra đòn đánh ghen với tình địch.

Mặt khác, bà Liên là người phụ nữ sống có tình nghĩa, hiểu được cái ơn của bà Diệu với những đứa con mình. Bà Diệu cũng lựa lời chân thành tâm sự với bà Liên: "Chị cũng hiểu hoàn cảnh của chúng ta rồi, bây giờ phải bấu víu vào nhau để sống thôi. Con nào chả là con chứ". Bà Liên dần dần nguôi ngoai cơn phẫn nộ chấp nhận sống cảnh một ông hai bà.

Ông Nghề chia sẻ: "Chưa khi nào tôi thấy hai bà lời qua tiếng lại với nhau. Việc ai người đấy làm, nhưng tiền kiếm được là của chung, để nuôi con chung". Ông cười hóm hỉnh để hở hai cái răng còn sót lại nói tiếp: "Thời gian bà cả ốm, bà ấy cứ đuổi tôi sang giường bà hai, nhưng tôi đâu làm thế được. Dù sao tình nghĩa vợ chồng bao năm rồi, nay bà đau bệnh mình phải là người bên cạnh".

Năm 2008, bà Phạm Thị Liên qua đời, một tay bà Diệu chạy đôn chạy đáo lo ma chay. Bà Diệu cho biết: "Trước khi qua đời bà Liên đã tâm sự với tôi là muốn đám ma có kèn trống, có lời ca tiếng hát. Bà ấy nhắn tôi phải chăm sóc ông Nghề thật chu đáo. Tôi đã thực hiện đúng như mong mỏi của bà Liên, đám ma của bà có kèn trống suốt ba ngày, bà được “mặc” áo quan đẹp, có lẽ bà ấy sẽ rất thanh thản".

Từ ngày bà Liên mất, ông Nghề từ bỏ kiếp cầm ca chuyển sang nghề bán vé số. Lần này, người dắt ông đi là bà Diệu. Hỏi sao ông lại bỏ nghiệp hát rong vốn dĩ đã theo ông gần hết cuộc đời. Ông Nghề hất hàm sang bà Diệu.

Bà Diệu trả lời: "Bây giờ mình có dâu có rể hết rồi, đi như vậy lỡ gặp ông bà sui ngại lắm, con cái cũng không muốn như vậy". Mỗi ngày hai cuốc xe ôm ra thành phố Buôn Mê Thuột, bà thong manh dẫn ông mù lòa đi bán vé số.

Ở cái tuổi "gần đất xa trời", cách đây 3 tháng, khi đứa con gái út của ông bà về làm dâu nhà người ta thì ông bà mới chính thức rũ bỏ được gánh nặng con cái. Nhưng ở vào cái tuổi ấy, cuộc mưu sinh vật lội với miếng cơm manh áo vẫn đeo bám hai mảnh đời "sứt mẻ" chưa thôi.

 

Như là cổ tích

Trong gia đình ấy có tổng cộng 9 đứa con. Họ đều là cha, mẹ của cả 9 đứa con mà tuyệt nhiên không phân biệt con ông con bà. Ai cũng có những đứa con của quá khứ và hiện tại. Có lẽ ông Nghề là người đàn ông hạnh phúc nhất.

Hơn 30 năm ông sống với hai bà trong một căn nhà. Có thời gian, nhà dột, vậy là ông ngủ với cả hai bà trên cùng một giường. Bà Diệu sinh con, bà Liên nghỉ ở nhà để chăm sóc, giặt giũ cho mẹ con bà Diệu. Cứ thế, bà Diệu đã sinh với ông Nghề ba người con, hai gái một trai.

 

 

Ngọc Thiện
 

Hoàng Kim (theo CAND

Lượt xem : 16485 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo