Trang chủ --> Gương sáng --> Thế giới qua ảnh của những “nhiếp ảnh gia” mù
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Thế giới qua ảnh của những “nhiếp ảnh gia” mù

Dù cả đời không bao giờ nhìn thấy ánh sáng nhưng họ có thể cho ra đời những bức ảnh vừa đẹp đẽ vừa có hồn khiến những người có đôi mắt sáng không khỏi ngạc nhiên, ngỡ ngàng.

Khi người mù chụp ảnh

Từng có một tương lai rộng mở sau khi tốt nghiệp ngành công an của một trường đại học có tiếng và ra trường được nhận vào làm công tác tại Sở Công an tỉnh Bình Dương, thế nhưng một tai nạn xe bất ngờ ập đến khiến chàng thiếu úy Hồ Thanh Tùng bị tai biến và cướp mất khả năng quan sát cuộc sống.

Ông Hồ Thanh Tùng vui mừng khi biết mình có thể chụp được hình. Ảnh TN

Với nghị lực sống, chàng thiếu úy ngày nào giờ không chỉ giúp ích cho gia đình mà còn giúp đỡ cho nhiều người khiếm thị khi giữ chức Chủ tịch Hội người mù thị xã Thuận An, Bình Dương. Song điều khiến mọi người phải ngưỡng mộ khi không còn nhìn thấy ánh sáng, ông lại làm một điều mà ai cũng nghĩ là không thể: Chụp ảnh.

Ông tâm sự: “Ban đầu, tôi cũng ái ngại lắm và luôn phải nhờ người cài chế độ tự động cho chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Rồi ngay sau đó, tôi phải lắng nghe tiếng nói của người cần chụp để chọn thời điểm bấm máy.

Trước đây khi đôi mắt còn sáng và làm trong ngành công an, tôi đã từng chụp hình, thấy chuyện này chẳng có gì to tát cả. Nhưng kể từ khi, tai nạn cướp đi đôi mắt, di chuyển hay làm mọi việc đều khó khăn chứ đừng nói đến việc tôi có thể chụp được những tấm hình và sắp được mang đi triển lãm nữa, khiến tôi mừng phát điên”.

Đàn heo con đang bú mẹ - Một trong những bức hình của ông Tùng. Ảnh TN

Theo ông Tùng, ông chỉ được học 2 buổi dưới sự hướng dẫn của một tiến sĩ Nhân học hình ảnh của Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cùng một nhóm 4 sinh viên Trường Đại học Ngoại thương TP.HCM, ông đã có thể chụp được những cảnh vật, con người và cảm nhận cuộc sống qua âm thanh, xúc giác, trí nhớ để tạo nên ảnh.

“Khó nhất vẫn là chụp những bức hình về động vật vì chúng lúc nào cũng chuyển động, không chịu đứng yên một chỗ cho mình chụp. Bới vậy mà để có được tấm hình heo mẹ đang cho đàn heo con bú tôi phải chạy hết góc này đến góc khác chụp để có tấm hình ứng ý nhất. Và mấy lần bị con heo mẹ ủi vào thành tường. Khi chụp xong, bà xã tôi chỉ trong ảnh có tất cả 10 con heo con và còn khen đẹp nữa”, ông Tùng cười khà khà nhớ lại.

Đôi mắt trong tâm hồn

Không giống như ông Hùng, anh Trần Văn Thân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, ngay từ khi sinh ra anh đã không bao giờ nhìn thấy ánh sáng và màu sắc của vạn vật. Tuy cả hai mắt không nhìn thấy gì đi chăng nữa nhưng anh Thân vẫn luôn cố gắng để chụp được những bức hình đẹp đẽ và có hồn.

Anh Trần Văn Thân bên những tấm hình mình chụp được khi đưa lên máy tính. Ảnh TN

Kỉ niệm vui nhất với anh chính là những ngày đầu cầm máy đi chụp hình. Hôm đầu tiên anh tập chụp chân dung những người xung quanh mình mà tay vẫn còn run. Do đôi mắt không nhìn thấy gì nên ảnh chụp theo phản xạ tự nhiên. Đến khi đưa ảnh cho mọi người xem, ai cũng phá lên cười vì người thì mất đầu, người mất chân.

Song, bức ảnh khiến anh Thân tâm đắc nhất đó là khi anh chụp về chính người vợ đã chung sống với anh suốt 23 năm trời. “Cảm giác khi chụp vợ mình thấy khác lạ hơn so với người khác lắm. Nó đem lại cho tôi cảm giác hạnh phúc, ấm áp. Trước khi chụp tôi phải nói: Đông ơi, em đang ngồi ở đâu đó và khi bà xã cất tiếng, tôi bắt đầu hướng máy ảnh ra phía đó rồi đứng lùi xa 3m, bắt đầu chụp. Bất ngờ hơn khi vợ xem hình và nói: Em không bao giờ có thể ngờ chồng mình chụp được em”, anh Thân vui vẻ nói.

Bức ảnh người vợ thân thương do chính anh Thân chụp. Ảnh TN

Là trưởng nhóm trong 4 sinh viên tình nguyện Trường Đại học Ngoại thương TP.HCM tham gia hướng dẫn và giúp đỡ những người mù có thể chụp được những bức ảnh, Trần Nguyễn Linh Thùy chia sẻ: Ý tưởng này bắt nguồn khi Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức chương trình photo voice 2013 với chủ đề “Cuộc sống của tôi đã thay đổi như thế nào” thông qua những bức ảnh, câu chuyện, đoạn phim. Nhóm của Thùy quyết định tham gia và đối tượng là những người bị mù.

Khi người mù chụp ảnh. Ảnh TN

“Với tâm nguyện khi đã chụp được hình nó sẽ giúp những người không may mắn như họ có thể nhìn thế giới tươi đẹp hơn, nhiều màu sắc hơn và chúng ngày càng hiện ra rõ nét. Những bức hình này sẽ được chọn lọc và sẽ đưa vào triển lãm trong tháng 9 năm nay”, Thùy cho biết thêm.

Thúy Ngà

Hoàng Kim (theo Infonet)

Lượt xem : 44036 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo