Trang chủ --> Gương sáng --> Nghị lực của cô gái khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Nghị lực của cô gái khiếm thị

Căn bệnh viêm giác mạc biến chứng đã cướp đi đôi mắt của Đỗ Thị Nguyệt, thôn Tam Hợp, xã Hương Mai (Việt Yên) cùng biết bao ước mơ khi mới ở tuổi 12. Bố mẹ Nguyệt tìm mọi cách mong cứu lại đôi mắt cho con gái nhưng tất cả chỉ chìm trong vô vọng...
Trong lúc bạn bè cùng trang lứa háo hức cắp sách đến lớp thì Nguyệt phải rời xa mái trường, suốt ngày ngồi trên giường im lặng. Đó là những tháng ngày khủng khiếp nhất trong cuộc đời của chị khi phải chấp nhận nỗi đau vĩnh viễn thiếu đi ánh sáng của đôi mắt. Mặc cảm về mình, nhiều lần chị đã định buông xuôi tất cả...

Được sự chăm sóc, yêu thương của gia đình, quan tâm giúp đỡ của địa phương, đặc biệt là Hội Người mù huyện Việt Yên, năm 1995 Đỗ Thị Nguyệt được kết nạp là hội viên Hội Người mù huyện. Sinh hoạt trong tổ chức Hội, những mặc cảm về bệnh tật dần được khỏa lấp. Nguyệt nhận thấy bản thân còn may mắn hơn nhiều người khác vì trước đây đã từng được thấy ánh sáng và cắp sách đến trường. Từ suy nghĩ đó, Nguyệt luôn nhủ lòng mình: "Phải cố gắng rèn luyện, có thể không bằng người bình thường nhưng sẽ phấn đấu hết khả năng của bản thân để trở thành người "tàn nhưng không phế". Mò mẫm, cần cù học tập, theo thời gian, chữ Brai đã giúp Nguyệt tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Với kết quả xuất sắc trong học tập, năm 1996 chị được bầu vào Ban chấp hành Hội Người mù huyện Việt Yên. Năm 2000, chị được Hội cử đi học lớp giáo viên rồi về dạy chữ Brai cho thanh, thiếu niên khiếm thị trong huyện. Cùng cảnh ngộ nên chị rất hiểu, thông cảm nỗi nhọc nhằn trong sinh hoạt thường ngày cũng như những mặc cảm với xã hội của học viên. Từ mong muốn tìm được một công việc phù hợp với bản thân và có thể tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ, chị đã quyết định đi học lớp xoa bóp, bấm huyệt do Hội Người mù các cấp phối hợp tổ chức.

Hiện nay, Đỗ Thị Nguyệt là giáo viên dạy chữ Brai giỏi và đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng tổ dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt của Hội Người mù huyện. Không những vậy, chị còn hướng dẫn kỹ năng xoa bóp, bấm huyệt cho hàng chục chị em khác trong tổ, góp phần giúp họ có việc làm, thu nhập nuôi sống bản thân. Với những kết quả đạt được trong công tác và cuộc sống, Đỗ Thị Nguyệt vinh dự là một trong những đại biểu được đi dự Đại hội đại biểu Hội Người mù Việt Nam tổ chức trong thời gian tới.


vn.devil
 
Lượt xem : 18878 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo