Trang chủ --> Tin cộng đồng --> HỘI NGƯỜI MÙ TP HỒ CHÍ MINH VỚI HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ CHO NGƯỜI MÙ VÀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TIỀN HOÀ NHẬP CHO THIẾU NIÊN MÙ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

HỘI NGƯỜI MÙ TP HỒ CHÍ MINH VỚI HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ CHO NGƯỜI MÙ VÀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TIỀN HOÀ NHẬP CHO THIẾU NIÊN MÙ

 

Nhằm giúp Trung ương Hội Người mù Việt Nam đánh giá hoạt động và xem xét hiệu quả, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các trung tâm đào tạo cán bộ, dạy chữ, dạy nghề cho người mù trên toàn quốc. Hội Người mù thành phố Hồ Chí Minh có một số ý kiến tham luận như sau:

 

       I/ Về hoạt động của Trung tâm dạy nghề cho người mù tại TPHCM

 

          Hội Người mù thành phố Hồ Chí Minh thành lập năm 1979. Hiện Hội phát triển được 21 cơ sở Hội quận, huyện và 2 chi Hội trực thuộc với 1.381 hội viên, trong đó 599 hội viên nữ. Hội hoạt động nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, dạy chữ, dạy nghề cho người mù nhằm giúp họ có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tìm được việc làm, ổn định đời sống, hoà nhập cộng đồng xã hội.

 

          Năm 1996, tình hình kinh tế xã hội của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước đã có những bước phát triển. Với xu hướng đi lên của toàn xã hội và trước nhu cầu cần thiết được học tập, học nghề, được làm việc của người mù, Hội Người mù thành phố đã mạnh dạn đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc xin thành lập Trung tâm dạy nghề cho người mù và đã được chấp thuận giao 1500m2 đất tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức theo quyết định số 5743/QĐUB ngày 10 tháng 12 năm 1996. Tiếp theo thành công bước đầu, bằng sự nỗ lực phấn đấu của Ban thường vụ, cán bộ, hội viên, Hội đã tiến hành xây dựng công trình Trung tâm dạy nghề cho người mù với diện tích xây dựng là 446 m2 bằng nguồn vốn tích lũy của Hội. Đến năm 2007, Hội tiếp tục đầu tư giai đoạn hai, xây thêm tầng hai tòa nhà Trung tâm dạy nghề nâng diện tích sử dụng công trình lên gần 905m2 với tổng vốn đầu tư là 1,7 tỉ đồng.

 

          Trung tâm dạy nghề cho người mù được thành lập theo quyết định số: 1472/QĐ-UBND ngày 04 tháng 04 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố và đã được đưa vào hoạt động đến nay. Trung tâm thành lập theo hình thức ngoài công lập do Hội Người mù thành phố quản lý có nhiệm vụ đào tạo cho hội viên, người mù trên địa bàn TP.HCM và hỗ trợ các tỉnh lân cận phía Nam đào tạo một số nghề như:

          1/ Tin học dành cho người mù.

          2/ Tiếng Anh dành cho người mù.

          3/ Điện thoại viên.

          4/ Nghề thủ công.

Riêng về nghề xoa bóp tẩm quất, mặc dù chưa được cấp phép để đào tạo, nhưng trong những năm qua, Hội Người mù thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn thử nghiệm đào tạo nhiều kỷ thuật viên người mù có được tay nghề thành thục, khi làm việc tại các cơ sở dịch vụ xoa bóp đã được đánh giá cao bởi sự cần mẫn, nhiệt tình cũng như sự khát khao được lao động, được phục vụ. Đa số học viên  sau khi hoàn thành khoá học đều tìm được việc làm tại các cơ sở trên thành phố, hoặc tự túc làm nghề ở khu dân cư. Đặc biệt các học viên ở các tỉnh, thành bạn tham gia các khoá học sau khi trở về địa phương cũng phát huy rất tốt nghề nghiệp của mình.

 

          Về tổ chức, Trung tâm dạy nghề cho người mù được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Hội Người mù TPHCM. Chức danh giám đốc trung tâm do lãnh đạo Thành Hội kiêm nhiệm, một cán bộ phòng hành chính, hai giáo viên cơ hữu dạy tin học dành cho người mù và một số giáo viên hợp đồng thỉnh giảng các ngành học về xoa bóp-tẩm quất, Tiếng Anh, điện thoại viên, định hướng di chuyển …

 

          Về kinh phí, Trung tâm hoạt động từ kinh phí được chuyển từ nguồn do TƯ Hội cấp, nguồn kinh phí tài trợ thông qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như SIDA Thụy Điển, tổ chức ABILIS Phần Lan và kinh phí do hoạt động dịch vụ của Thành Hội cung cấp..

 

          Quá trình hoạt động từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đào tạo vi tính cho 158 người mù trong đó có một khoá tin học văn phòng được tổ chức cho 20 cán bộ  lãnh đạo quận, huyện Hội do tổ chức ABILIS tài trợ, 20 nữ giáo viên mù địa phương, 30 hội viên được học khóa điện thoại viên ngắn hạn và 76 người mù được đào tạo nghề xoa bóp, tẩm quất. Các khóa học tại trung tâm được đào tạo theo hình thức tập trung, học viên ăn ở miễn phí tại trung tâm, sau khóa học, học viên hội đủ điều kiện được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề theo quy định của Luật dạy nghề.

         

       Thuận lợi:

 

          Năm 2005, Trung tâm được tổ chức SIDA Thụy Điển tài trợ trang bị một phòng học vi tính gồm 12 máy vi tính, máy in, máy scanner, máy photocopy, máy in chử nổi, máy lạnh, máy hút bụi v.v.. tổng giá trị  là 19.000 USD. Đó là nền tảng cơ sở vật chất cần thiết để trung tâm có thể tổ chức ngay các khóa dạy vi tính dành cho người mù.

 

        TW Hội Người mù Việt Nam quan tâm phân bổ kinh phí, chuyển tặng sách giáo khoa, mô hình cơ thể người tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy các khóa xoa bóp, tẩm quất.

          Các cấp, các ngành, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố quan tâm, động viên, hướng dẫn tạo điều kiện giúp đỡ cho hoạt động dạy nghề của Trung tâm.

 

          Các Tỉnh Hội phía Nam hưởng ứng tích cực gửi học viên tham gia các khóa học tại Trung tâm.

 

          Khó khăn:

          Nguồn kinh phí dạy nghề không ổn định: Việc xin tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ cho các dự án dạy nghề trở nên khó khăn. Kinh phí dạy nghề không được phân bổ nên trong năm 2011, 2013 và đến nay 2014 vẫn chưa có kinh phí để tổ chức dạy nghề.

 

          Là cơ sở dạy nghề dân lập phải tự chủ tài chính nên việc trả lương cho giáo viên, nhân viên, Hội phải tự trang trải nên gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí.

 

          II/ Chương trình giáo dục tiền hoà nhập cho thanh thiếu niên mù tại Thành Hội

 

       Chương trình giáo dục tiền hoà nhập cho thanh thiếu niên mù  là một điểm sáng trong quá trình hoạt động của Hội Người mù TPHCM thể hiện sự quan tâm hàng đầu của  Ban chấp hành Thành hội trong việc giúp cho trẻ em mù được dạy chữ Braile, được học văn hoá trình độ tiểu học trong môi trường của Hội, được trang bị kiến thức và kỷ năng cần thiết trước khi bước vào học hoà nhập với cộng đồng tại các trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố.

 

          Năm 1992, Hội Người mù thành phố bắt đầu nhận các em mù từ 9 – 16 tuổi trong thành phố và các tỉnh bạn phía Nam. Từ các lớp xoá mù chữ ban đầu, thành Hội đã tiến hành mở các lớp giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Các em được ăn ở miễn phí, được học văn hoá và những kỷ năng khác như âm nhạc, định hướng di chuyển, kỷ năng sinh hoạt hằng ngày, thể dục thể thao .v.v.       Các lớp học văn hoá theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo do giáo viên mù phụ trách đứng lớp. Riêng học sinh lớp cuối cấp được học đánh máy chữ và học nghề xoa bóp theo chương trình hướng nghiệp của Hội.

 

          Đến nay đã có trên 120 em đã học tại chương trình giáo dục tiền hoà nhập của Hội. Các em sau khi hoàn thành bậc tiểu học còn được Hội tiếp tục nuôi dưỡng, tạo mọi điều kiện để tiếp tục học hoà nhập tại trung tâm giáo dục thường xuyên quận I với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nhờ sự quan tâm định hướng nghề nghiệp của Hội, các em học sinh trưởng thành còn được bố trí làm việc tại 2 cơ sở dịch vụ của Thành hội đã mang lại cuộc sống ổn định phấn khởi hạnh phúc cho các em.

 

          Từ chương trình giáo dục tiền hoà nhập, đã có 4 em tốt nghiệp đại học và quay trở lại làm giáo viên tại Hội. Hiện có 2 em là sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Hiện Thành Hội duy trì 5 lớp học tiền hoà nhập cho các em thanh thiếu niên mù với tổng số học sinh hàng năm là 30 em.

 

          Về kinh phí, tổ chức Tuổi thơ và Hy vọng Enfane Esfoir Pháp hỗ trợ về tiền ăn cho các em từ khi thành lập đến năm 2010, ngoài ra kinh phí phục vụ chương trình dạy học cho các em chủ yếu từ nguồn thu của 2 cơ sở dịch vụ của Thành Hội và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm như hỗ trợ lương thực, gạo thóc .v.v….Từ năm 2011 các em học sinh mù tại Thành Hội còn được nhận học bổng Ánh Sen của Thư viện sách nói mỗi em là 1.000.000 đồng và hiện nay mỗi suất học bổng là 1.500.000 đồng.

 

          Năm 2010, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản có tài trợ cho Hội 5 bộ máy in chữ nổi Nippon Telesoft để phục vụ công tác in ấn sách giáo khoa và các văn bản khác.

 

       III/  Một số giải pháp và đề nghị

 

1. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục xây dựng kế hoạch dạy nghề và xin kinh phí nhà nước, trên cơ sở bám sát quyết định 1029/QĐ-UBND ngày 05/3/2014 của Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2014 – 2020 với các nội dung: Nhà nước trợ giúp người khuyết tật tiếp cận giáo dục và đẩy mạnh hoạt động dạy nghề và tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật có cơ hội tiếp cận việc làm nhằm đảm bảo cuộc sống và hòa nhập cộng đồng; tư vấn học nghề, việc làm theo khả năng của người khuyết tật; kinh phí dạy nghề cho người khuyết tật được bố trí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề với mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học.

 

       2. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hoá lớn của cả nước, khi xây dựng Trung tâm dạy nghề cho người mù, Ban Thường vụ Hội cũng có tâm ý ngoài chăm lo đào tạo nghề nghiệp cho hội viên, người mù sinh sống trên địa bàn thành phố Hố Chí Minh, Hội còn giúp đỡ đào tào nghề cho người mù các tỉnh phía Nam và trên thực tiễn đã dạy chữ, dạy nghề cho một số lớn hội viên các tỉnh bạn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với lợi thế về giao thông, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, Hội mong muốn các cơ quan nhà nước, Trung ương Hội quan tâm đầu tư, quy hoạch đào tạo nghề cho người mù vùng phía Nam mà trung tâm là thành phố Hồ Chí Minh, từ đó xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí dạy nghề địa phương để Thành Hội thực hiện tập trung nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.

 

          3. Nghiên cứu các dự án dạy nghề khác phù hợp với người mù như âm nhạc cổ truyền dân tộc, đào tạo nhạc công phục vụ nhà hàng, quán ăn..v.v…khảo sát thực tế nghề phù hợp với người mù, quan hệ, tham vấn các cơ sở có nhu cầu sử dụng lao động để làm  sao giúp người mù sau khi học nghề có cơ hội tìm được việc làm thích hợp với khả năng của mình. 

 

          4. Tiếp tục vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp đỡ kinh phí tổ chức các khóa dạy nghề vì mục tiêu chung trong chương trình phát triển của Hội.

Lượt xem : 125141 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo