Trang chủ --> Gương sáng --> Chuyện tình cổ tích của đôi vợ chồng mù vượt qua “bóng đêm số phận”
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Chuyện tình cổ tích của đôi vợ chồng mù vượt qua “bóng đêm số phận”

Từ nhiều năm nay, bất kể ngày mưa giông hay nắng cháy, người ta vẫn thấy đôi vợ chồng mù ấy ôm chiếc đàn ghi ta cũ kỹ dò dẫm những bước chậm chạp qua từng con phố nhỏ của thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) để hát dạo. Những đôi chân đi nhiều thành quen lối, chồng dìu vợ, vợ dắt chồng, cả hai người mù cứ dắt díu nhau đi qua từng quán nhỏ, cất giọng hát đã khản đặc để mua vui cho đời, đổi lấy những đồng tiền lẻ về chăm chút cho gia đình bé nhỏ.

 

Ở nơi đó, họ còn có cô con gái nhỏ mắt sáng, kết tinh có hậu của một tình yêu đầy giông bão mà hai người đã phải đấu tranh bằng cả lý trí và trái tim để đến được với nhau.Nỗi đau ngọt ngào

Trong một lần công tác tại tỉnh Nghệ An, khi đi qua thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông) tôi tình cờ chứng kiến một cảnh tượng đau lòng. Trước mắt tôi, người đàn ông khắc khổ, gầy guộc, đen đúa với đôi mắt mù lòa, lủng lẳng đeo trên mình cây đàn ghi ta cũ kỹ đang bấu chặt vào vai của một người phụ nữ phía trước, dò dẫm từng bước chậm chạp trên con đường ngổn ngang đá sỏi bởi các công trình xây dựng còn đang dang dở.

Chẳng phải người đàn ông tật nguyền đó làm tôi lạ, trong những chuyến đi của mình, tôi thậm chí đã chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng hơn, nhưng cái cách người tài xế nhường đường cho người cặp vợ chồng khốn khổ, cùng ánh mắt ái ngại của anh ta khiến tôi cảm thấy có điều gì đặc biệt nơi vợ chồng nọ. Nhìn kỹ, tôi chợt nghẹn lòng khi nhận ra, người phụ nữ đi trước cũng là một người khiếm thị, đôi mắt của chị, thậm chí không còn mở ra được nữa.

Hai vợ chồng người hát dạo nay khoảng gần 40 tuổi, gương mặt nhăn nhúm đã sạm lại vì nắng gió. Người chồng vận một chiếc áo bay cũ kĩ rộng thùng thình. Người vợ mặc một chiếc áo đen sờn rách quê mùa, trước cổ người vợ đeo một chiếc rổ nhỏ cũ nát, trong rổ có ít tiền lẻ, số tiền có lẽ vợ chồng họ vừa xin được sau một ngày rong ruổi trên khắp các tuyến đường bụi bặm. Hỏi ra tôi được biết, ở thị trấn Con Cuông bé nhỏ này, chẳng ai lạ lẫm hoàn cảnh đáng thương của hai vợ chồng người hát rong. Người chồng tên Lương Văn Yên, người vợ là Lương Thị Hạnh. Hai vợ chồng mù lòa và một cô con gái nhỏ cưu mang nương tựa nhau trong một căn nhà xập xệ nằm sát cạnh dòng sông Lam.

Thấy tôi tỏ ý quan tâm, người tài xế giọng thương cảm cho biết, đã từ lâu lắm, bất kể ngày nắng hay mưa, bất chấp tiết trời lạnh giá hay oi bức, hai vợ chồng anh Yên vẫn rảo bước khắp các ngả đường quanh thị trấn để hát rong kiếm tiền. Số tiền xin được không chỉ là miếng cơm manh áo cho gia đình nhỏ bé, nó còn là sự chắt chiu cho tương lai của cô con gái bé bỏng của họ, người duy nhất trong nhà được lành lặn. Bấy nhiêu lời chia sẻ cũng đủ làm lòng tôi như nghẹn lại, sự tò mò lạ lẫm chùng xuống, thế chỗ cho một nỗi xót xa... Tôi lên đường tìm đến thôn Tân Lập, xã Cẩm Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An, nơi có tổ ấm hạnh phúc của hai vợ chồng tật nguyền.

Chẳng khó gì để tìm ra căn nhà tàn tạ của gia đình vợ chồng hát dạo giữa vùng đồi núi bạt ngàn một màu đất đỏ cằn cỗi. Đó là một căn nhà thấp lè tè, dột nát và có lẽ từ lâu lắm rồi không được sửa chữa, được che chắn tạm bợ bằng vải bạt thủng lỗ chỗ và lá cọ. Ngồi trong nhà nhưng gió ngoài sông vẫn thổi vào thông thống. Trong cảnh thiếu thốn u tối đó, bé Lương Ánh Sao giống như một điểm sáng, như tên gọi của bé vậy. Thấy có khách lạ đến thăm nhà, bé Ánh Sao tíu tít gọi bố mẹ, hướng đôi mắt đen láy trong vắt về phía tôi lạ lẫm. Có lẽ từ lâu lắm, bế Sao mới thấy khách lạ đến thăm nhà.

Biết tôi là nhà báo, đến để thăm hỏi gia cảnh vợ chồng, anh Yên vui lắm. Anh nhanh nhẹn mời tôi ngồi xuống chiếc phản sờn bạc đặt trang trọng giữa nhà. Trên chiếc phản, đầy đủ các vật dụng cần có của gia đình anh được xếp gọn ngay ngắn. Có lẽ đó vừa và giường ngủ, vừa là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của gia đình 3 người.

Anh Yên cất giọng nói đã khản đặc, chậm rãi mở đầu câu chuyện: “Vợ chồng tôi mù từ nhỏ, người này chẳng biết mặt mũi người kia. Từ lâu lắm rồi tôi không còn được nhìn thấy mặt trời. Lạy trời là con gái chúng tôi được lành lặn, chúng tôi quyết định đặt tên cháu là Ánh Sao, mong sao sau này đời cháu tươi sáng hơn”. Nói đoạn anh Yên lấy tay day day vào cổ rồi khò khè giải thích, rất thật: “Ngày nào tôi cũng hát, từ sáng sớm đến tối mịt nên giọng nói không còn được trong trẻo nữa. Tiếng tôi khàn lại thành đặc trưng rồi, hơi khó nghe một chút mong nhà báo thông cảm”.

Vượt qua bóng đêm số phận

 

Anh Lương Văn Yên và chị Lương Thị Hạnh cùng con gái.

 

Theo lời kể của người đàn ông mù lòa, năm 8 tuổi, anh bị mù sau một trận ốm nặng do biến chứng thương hàn. Từ một cậu bé khỏe mạnh hiếu động, Yên bỗng trở nên lầm lỳ sống thu mình. Bố mẹ nghèo quá, quần quật ngoài đồng cả ngày cũng không đủ cơm cho mấy đứa con nói gì đến việc chăm bẵm cho Yên. Cô đơn, buồn tủi, Yên càng sống khép kín hơn. Rồi Yên được một đoàn cán bộ tỉnh về thăm và đưa xuống một trung tâm dành cho người khuyết tật ở TP Vinh. Và từ đây, cuộc sống của Yên có bước ngoặt lớn. Được sự yêu thương của các thầy cô giáo và có các bạn cùng cảnh ngộ, Yên dần tìm lại chính mình. Cũng tại đây, Yên tìm được tình yêu lớn nhất của đời mình.

Ngồi cạnh chồng mình trên chiếc phản cũ, bên cạnh cô con gái nhỏ luôn miệng hát líu lo bằng giọng hát ngọng ngịu, chị Lương Thị Hạnh nở nụ cười ngại ngùng khi tôi tỏ ý muốn nghe chị kể về tình yêu của hai người. Mất một hồi lâu, chị Hạnh mới ngại ngần mở lời: “Chúng tôi học cùng trường với nhau nhưng chưa quen nhau. Nhưng trong nhiều lần diễn văn nghệ, tôi đặc biệt ấn tượng với giọng hát nam trầm ấm của một người. Hỏi ra tôi được biết đó chính là giọng hát của nhà tôi bây giờ. Tôi đã chủ động làm quen với anh, ban đầu chỉ đơn giản để bày tỏ sự ngưỡng mộ, sau dần tôi yêu nhà tôi tự bao giờ không biết”. Rồi với một cử chỉ vô cùng nữ tính, chị Hạnh khẽ che miệng cười khúc khích, gạt mái tóc đen nhánh ra sau tai rồi điệu đà nói: “Chính tôi tán nhà tôi đấy chứ”.

Rồi tình yêu đến với hai con người ấy nhẹ nhàng và chân thành. Anh yêu chị và chị cũng hết lòng yêu anh, hai người nguyện sẽ ở bên nhau đến cuối cuộc đời, mặc dù bao khó khăn vẫn chờ đón đôi trẻ phía trước. Khó khăn đầu tiên cần vượt qua chính là sự phản đối gay gắt của hai bên gia đình, ai cũng nói rằng hai người mù lấy nhau, biết lấy gì mà ăn. Hoặc khủng khiếp hơn, họ còn nói rằng nếu đẻ con ra, cháu bé sẽ mù theo thì không những bố mẹ khổ còn làm khổ con trẻ. Nhưng với tình yêu cháy bỏng, anh chị nhất định không chịu bỏ cuộc và càng ra sức thuyết phục. Thế rồi hai bên gia đình cũng miễn cưỡng đồng ý, mặc dù vẫn không ngớt những lời đàm tiếu chĩa vào phía họ trước và cả ngay sau khi đám cưới diễn ra.

Vượt qua sự ngăn cấm quyết liệt của hai bên gia đình, họ quyết gắn bó với nhau và chấp nhận cùng nhau vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, dẫu biết trước sẽ nhiều chông gai. Đám cưới của họ không có mâm cao cỗ đầy, không nhận được sự chúc phúc của hai bên gia đình nhưng vẫn ngập tràn hạnh phúc với sự tham dự của các thầy cô giáo và các bạn đồng cảnh ngộ. Nên vợ nên chồng, hai người quyết định rời trung tâm dành cho người khuyết tật về quê Yên ở thôn Tân Lập, xã Bồng Khê, Con Cuông sinh sống với hành trang là tình yêu và nghề chẻ tăm tre học được trong thời gian ở trung tâm, cùng chiếc đàn ghi ta cũ kỹ - quà cưới của những người bạn tại trung tâm.

Thế nhưng ở nơi thị trấn miền núi này, nghề chẻ tăm tre chẳng thể phát huy được. Nghĩ đến chiếc đàn cũ kỹ và khả năng văn nghệ thời còn ở trong trường khiếm thị, anh Yên bàn bạc để 2 vợ chồng dắt díu nhau đi hát rong kiếm sống qua ngày. Nhớ lại quãng thời gian đầu tiên bước xuống đường mưu sinh, anh Yên giọng rầu rầu kể: “Thời ấy chưa quen đường sá, hai vợ chồng tôi cứ lọ mọ đi khắp nơi, thấy chỗ nào có tiếng người ồn ào thì dừng lại hát. Có chủ quán thương thì cho hát, có chủ quán không thương thì chửi bới xua đuổi. Có lần đi còn va cả vào nồi nước đổ ra bỏng rát đôi chân, có lần thì làm vỡ đống chén bát. Tiền hát cả ngày người ta cho cũng không đủ tiền đền, đêm về hai vợ chồng lại phải ăn tạm cái bánh mì lót dạ. Cũng có ngày hai vợ chồng về lại đi lạc đường, may mà có người tốt bụng họ chỉ đường và dẫn về cho”.

Thế rồi qua những ngày đầu cực khổ, hai vợ chồng đã quen từng đường đi lối lại, thuộc từng ngã rẽ trong thị trấn Con Cuông. Họ cứ dắt díu nhau đi và hát, từ sáng sớm đến tối mịt, giọng khản đặc lại vẫn hát, miễn là có chút tiền rau cháo qua ngày. Thế rồi đến khi những đôi dép đã mòn vẹt, họ đón nhận tin mừng – chị Hạnh đã mang trong mình một sinh linh bé nhỏ. “Đón nhận tin đó, hai vợ chồng tôi đã mừng vui khôn xiết. Chúng tôi đi sớm hơn và về muộn hơn, mong để dành chút ít chờ ngày cháu bé ra đời. Thế nhưng thiên hạ vẫn nhiều người độc mồm độc miệng, họ nói con chúng tôi sẽ lại bị mù, cuộc đời chúng tôi sẽ còn khổ nữa. Và chúng tôi làm sao nuôi được cháu”, chị Hạnh tủi thân nói, hai hàng nước mắt rỉ ra từ hai hố mắt trũng sâu của chị, chảy dài trên gò má đen sạm.

Rồi bao nhiêu phấp phỏng hy vọng và đợi chờ, năm 2008 anh chị sinh được một bé gái xinh xắn, bụ bẫm, khỏe mạnh. Và quan trọng hơn tất thảy, ông trời đã thấu hiểu nỗi khổ cực của hai vợ chồng tật nguyền, bé Sao có đôi mắt trong sáng và hoàn toàn bình thường.

Trước đây hai vợ chồng nuôi nhau, cuộc sống đã khốn khổ. Nay có thêm một đứa bé nữa, trăm thứ phải lo, nỗi vất vả càng nhân lên gấp bội. Hai vợ chồng lại động viên nhau cố gắng nhiều hơn. Mệt mỏi nhưng chỉ cần cảm nhận con yêu lớn nhanh từng ngày, mọi vất vả dường như tan biến. Bé Sao nay đã được 4 tuổi, vô cùng khỏe mạnh, hoạt bát và biết tự lập rất sớm. Hằng ngày bố mẹ đi hát dạo, bé Sao tự đi bộ 2km đến trường mầm non. Bé cũng là niềm vui lớn nhất của hai vợ chồng anh Yên chị Hạnh. Cứ đêm về, cả nhà quay quần bên mâm cơm, tuy thiếu thốn mà ngập tràn tiếng cười. Ngẫm lại thấy ôi hạnh phúc sao mà giản dị thế!

 

 

Lượt xem : 32836 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo