Trang chủ --> Gương sáng --> Một người phụ nữ khiếm thị giàu nghị lực
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Một người phụ nữ khiếm thị giàu nghị lực

          (Thế giới matxa) - Hạnh phúc, ấm cúng và bình yên, những người đến thăm gia đình chị Phan Thị Hoa ở Hội người mù thành phố Vinh đều có chung nhận xét như vậy.

Sinh năm 1980, trong một gia đình có 6 anh chị em. Thuở nhỏ, , đôi mắt của chị cũng bình thường như mọi người, đôi mắt trong veo của trẻ thơ chứa đựng cả một khung trời mơ ước. Năm lên 6 tuổi, khi chị đang nô nức chuẩn bị sách vở để bước vào lớp một thì căn bệnh viêm màng bồ đào đã làm tan biến bao nhiêu ước mơ và hoài bão của đời chị. Vậy là niềm mong ước được tung tăng cắp sách đến trường cùng các bạn đã vụt tắt. Chị mân mê quyển vở trên tay, mà nước mắt cứ rơi lã chã làm ướt đẫm cả trang giấy trắng. Tiếng trống trường dục dã, tiếng cô giáo giảng bài, từng nét chữ xinh xinh… bây giờ chỉ còn trong những giấc mơ mà thôi. Vẻ ngây thơ, hồn nhiên của một đứa trẻ lên 6 đã biến mất, thay vào đó là nét ưu tư, chứa đầy nỗi tự ti, mặc cảm. Mặc dù gia đình đã đưa chị đi nhiều nơi để chạy chữa nhưng đôi mắt của chị chỉ nhìn thấy sự vật ở mức rất gần. Tuy vậy, nỗi khát khao được đến trường để học chữ luôn âm ỷ cháy trong lòng chị. Tháng 10 năm 1993,chị được nhận vào học tại trung tâm giáo dục dành cho trẻ khuyết tật của tỉnh. Đây là món quà vô cùng quý giá mà người bố thân yêu đã dành tặng cho chị sau bao đêm trăn trở. Vậy là niềm mong ước bấy lâu cuối cùng đã thành hiện thực. Những chấm nổi li ty như muôn ngàn tia sáng soi đường cho chị tiến lên phía trước để thoát khỏi bóng đêm của cuộc đời. Với tố chất thông minh, cộng thêm đức tính siêng năng, chăm chỉ, chị đã tiếp thu bài giảng rất nhanh. Chỉ sau một thời gian ngắn, chị đã trở thành một trong những học sinh dẫn đầu trong phong trào học tập của lớp. Năm 1996, chị làm đơn xin gia nhập hội người mù thành phố Vinh. Chị vừa theo học văn hóa ở trung tâm, vừa tham gia sản xuất tăm tre ở thành hội. Năm 1999, sau khi hoàn tất chương trình học ở trung tâm, chị được hội tạo điều kiện cho đi học lớp đào tạo giáo viên tại trung tâm đào tạo phục hồi chức năng - Hội  Người mù Việt Nam (ở Hà Nội). trong thời gian 3 tháng. Kết thúc khóa học, trở về địa phương, chị hăng hái bắt tay vào công việc. Không chỉ dạy chữ nổi ở Hội người mù thành phố Vinh, chị còn tham gia xóa mù chữ ở các huyện hội: Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn. Chính vì vậy chị đã được nhận giấy khen tại lễ tổng kết 10 năm xóa mù chữ của tỉnh hội. Năm 2002, chị được bầu vào ban chấp hành hội người mù thành phố Vinh. Trong 8 năm qua, với 5 năm giữ chức phó chủ tịch, và hiện tại đang giữ chức vụ chủ tịch thành hội, ủy viên ban thường vụ tỉnh hội, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần giám nghĩ, giám làm, giám chịu trách nhiệm,  chị đã góp phần cùng ban chấp hành đưa Hội người mù Thành phố trở thành lá cờ đầu của toàn tỉnh hội trong tất cả các mặt hoạt động. Điều đó được ghi nhận qua những tấm bằng khen, giấy khen mà cá nhân chị và tập thể Hội người mù thành phố đã được Đảng,  chính quyền và các cấp hội trao tặng.

 

  Đằng sau những thành công của chị luôn có sự hậu thuẫn và dõi theo của một gia đình bé nhỏ. Chồng của chị là anh Trương Thế Trung, quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, một người bạn thân của chị hồi còn đi học. Trải qua vô vàn khó khăn, thử thách, họ đã đến được với nhau và bây giờ tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái. Năm 2007, lễ cưới của anh chị đã diễn ra trong sự xúc động,mừng vui vô hạn  của người thân và bạn bè. Niềm hạnh phúc càng được nhân lên gấp bội khi  Bé Vinh đã cất tiếng khóc chào đời vào tháng 9 năm 2008. Cứ mỗi khi đi làm về, tiếng bi bô của con trẻ, sự động viên khích lệ của chồng như liều thuốc thần kỳ xua tan sự mệt nhọc, căng thẳng trong chị. Mặc dù rất bận với công việc ở Hội, công việc nhà, chị vẫn giúp chồng quản lý tốt cơ sở tẩm quất cổ truyền do anh thành lập để anh yên tâm đi tiếp thị sản phẩm tăm tre của hội  ở các tỉnh phía nam. Cơ sở hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 kỹ thuật viên với mức lương bình quân từ 800.000  đồng đến1 triệu  đồng một người một tháng. Sau hơn 1 năm tích lũy,cộng thêm sự ủng hộ của mặt trận tổ quốc tỉnh, các nhà hảo tâm, sự giúp đỡ của gia đình và vay mượn một số bạn bè; anh chị đã xây dựng được một ngôi nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

  Mặc dù chặng đường khó khăn vẫn còn rất dài nhưng với sự đồng lòng của đôi vợ chồng trẻ, sự năng động của anh, sự chịu thương chịu khó của chị; tôi tin rằng họ sẽ vượt qua tất cả. Hội người mù thành phố Vinh nói riêng và toàn tỉnh hội người mù Nghệ An nói chung sẽ ngày càng phát triển hơn nữa nhờ có những người cán bộ đầy tâm huyết và nhiệt tình như chị.

        Thương Hoài

Hội người mù huyện Tân Kỳ tỉnh nghệ An.   

Lượt xem : 44414 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo