Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Phụ nữ mù Việt Nam từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Phụ nữ mù Việt Nam từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng

Phụ nữ và trẻ em mù là những đối tượng khó khăn đặc biệt, luôn cần được ưu tiên, giúp đỡ để có thể vươn lên hòa nhập cộng đồng. Điều đáng mừng là trong những năm qua, công tác chăm sóc phụ nữ trẻ em mù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao đời sống vật chất của các chị và trẻ em trong Hội người mù.

 

Thời gian qua Hội người mù luôn chú trọng việc củng cố, kiện toàn Ban Công tác phụ nữ mù từ trung ương đến địa phương để hoạt động trong lĩnh vực này được thông suốt và hiệu quả. Nhiều chị em được đào tạo, bồi dưỡng đều đảm nhận trọng trách trong các cấp Hội người mù: 7 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Tỉnh, Thành hội; gần 20 chị là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh hội và rất  nhiều chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Thành, Huyện, Thị hội. Điển hình như ở Nghệ An có 21 chị đảm nhận các cương vị này. trong những năm gần đây, có gần 50 chị đã được tham gia lớp tập huấn về công tác phụ nữ mù tại Trung tâm Đào tạo - PHCN nhằm đẩy mạnh hoạt động trên lĩnh vực này rộng khắp trong toàn Hội.

 

Ban Công tác Phụ nữ mù đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Hội, phối hợp với các ban chuyên môn để chị em nữ luôn được ưu tiên trong tất cả các lĩnh vực hoạt động như cho vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc đời sống, tuyên truyền, văn hóa, giáo dục… Nhiều cấp Hội đã xây dựng quỹ dành cho phụ nữ mù từ những ngày công lao động và sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước  nhằm chăm sóc, giúp đỡ phụ nữ mù khó khăn trong cuộc sống, cho các chị có nhu cầu và khả năng vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó và đôi bàn tay khéo léo các chị đã trở thành lực lượng lao động quan trọng trong các nghề từ chăn nuôi, trồng trọt, thủ công truyền thống và xoa bóp bấm huyệt. Nhờ được học chữ học nghề, có việc làm thu nhập và tự đứng vững trên đôi chân của mình, nhiều chị em đã xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện quyền làm mẹ, con cái khỏe mạnh, khôn lớn trưởng thành. 

 Em Hồng Vân - Kỹ thuật viên tiêu biểu của  tẩm quất người mù Hoàng Kim

trong những năm gần đây, hàng trăm ngôi nhà tình thương được Hội vận động xây dựng, sửa chữa đã xua bớt nỗi lo trong những ngày bão lụt, đông giá, hàng chục đám cưới nồng ấm nghĩa tình được Hội đứng ra tổ chức đã nhân thêm niềm vui, niềm hạnh phúc của hội viên. Những buổi gặp mặt giao lưu, những món quà khi Tết đến, xuân về, lúc ốm đau, hoạn nạn đã giúp chị em thêm ấm áp vì sự quan tâm của Hội người mùvà cả cộng đồng. 

 

Nét mới trong những năm qua là bên cạnh những câu lạc bộ đã được thành lập, các câu lạc bộ Bếp hồng hạnh phúc, Phụ nữ - niềm tin… với những hình thức sinh hoạt phong phú đã ra đời ở một số cấp Hội, tạo điều kiện để chị em không chỉ được giao lưu, chia sẻ lẫn nhau mà còn là nơi nâng cao kiến thức, hiểu biết và những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Nhiều cuộc hội thảo như: Việc làm cho chị em phụ nữ mù, Phụ nữ mù cần làm gì để nâng cao vị thế của Hội; Chống lạm dụng tình dục trong các cơ sở xoa bóp; Bình đẳng giới trong cộng đồng người khiếm thị... đã được tổ chức ở Quảng Ninh, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng… giúp hội viên nữ mở rộng tầm hiểu biết, tạo thêm tính tích cực, chủ động hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

 

       Chương trình phối hợp giữa Hội Người mù Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về chăm sóc, giúp đỡ phụ nữ mù ngày càng được đẩy mạnh. Một số cấp Hội đã thường xuyên giao ban với Hội phụ nữ để nắm được chủ trương, kế hoạch của Hội phụ nữ cấp trên, đồng thời bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của chị em phụ nữ mù. Các cấp Hội Phụ nữ cũng đã phối hợp, giúp đỡ các cấp Hội Người mù về chuyên môn, kinh phí, tiêu thụ sản phẩm … Năm 2008, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí để Hội chuyển đổi, in ấn 800 quyển Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình sang chữ Braille cung cấp cho các địa phương. Mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa hai Hội không chỉ tạo điều kiện giúp đời sống vật chất của chị em trong hội được cải thiện mà qua đó giúp chị em có cơ hội hòa nhập với những phụ nữ khác trong xã hội.

 

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ còn quan tâm hỗ trợ các hoạt động chung của Hội như: Đại hội các cấp, Liên hoan Tiếng hát từ trái tim, dịp kỷ niệm ngày 8/3, 20/10… Ngoài ra, Hội đã mở rộng mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân hảo tâm khác để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, năm 2012 Trung ương Hội đã sản xuất tài liệu Hướng dẫn nấu ăn bằng chữ Braille và audio với tổng số 500 bộ, giúp chị em có thêm kiến thức, kĩ năng chăm lo đời sống gia đình.

 

Cùng với việc quan tâm, giúp đỡ  chị em phụ nữ, Hội cũng đã hết sức chú trọng chăm sóc trẻ em mù và con của Hội viên, giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn, động viên khen thưởng các cháu có thành tích trong học tập. Năm 2012, Trung ương Hội đã tặng quà và phần thưởng cho 60 cháu tại các Tỉnh, Thành hội: Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định và Thanh Hóa với số tiền 22 triệu đồng. Các cấp Hội tại địa phương cũng đã tích cực xây dựng quỹ khuyến học, trao học bổng, tặng quà, triển khai các hoạt động có ý nghĩa nhân các ngày Tết Thiếu nhi, Trung thu, tháng hành động vì trẻ em, điển hình như ở Hải Dương, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bình Dương… Những việc làm đó đã thật sự góp phần động viên trẻ em mù trên bước đường học tập, vươn lên, xây đắp tương lai tốt đẹp.

 

Trong tình yêu thương của Hội và cộng đồng nhiều tấm gương chị em phụ nữ, trẻ em mù đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập, công tác, xây dựng gia đình hạnh phúc, giành giải cao trong các cuộc thi Onkyo, văn nghệ, thể thao người khuyết tật … Một số phụ nữ, trẻ em mù đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, động viên, khen ngợi như chị Đinh Việt Anh, Đào Thu Hương… Những tấm gương đó đã góp phần giúp cộng đồng xã hội hiểu hơn về khả năng của người mù nói chung và phụ nữ mù nói riêng, đồng thời khích lệ những người đồng tật thêm tự tin, cố gắng khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, hòa nhịp với sự phát triển chung của xã hội.

 

         Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc sống của phụ nữ, trẻ em mù nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ cán bộ nữ và  trình độ, năng lực của chị em còn hạn chế, điều kiện học tập của trẻ em mù, nhất là ở nông thôn và vùng núi vẫn còn nhiều bất cập… Tất cả những điều đó là nỗi trăn trở đối với lãnh đạo và Ban Công tác Phụ nữ mù các cấp Hội.

 

         trong những năm tới công tác chăm sóc phụ nữ, trẻ em  mù cần tiếp tục được đẩy mạnh. Trước hết, Ban Công tác Phụ nữ mù cần tiếp tục được kiện toàn, đặc biệt ở những Tỉnh hội mới thành lập và nơi hoạt động còn yếu. Nội dung, hình thức hoạt động của Ban cũng cần được đổi mới rõ nét hơn, không chỉ phối hợp, lồng ghép với các hoạt động của các ban chuyên môn khác mà cán bộ làm công tác này cần năng động, tích cực chủ động lập kế hoạch, đề ra giải pháp tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tìm hiểu các chương trình, mục tiêu của Nhà nước, liên quan đến phụ nữ, trẻ em, huy động các nguồn lực, để có điều kiện tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả góp phần giúp phụ nữ, trẻ em mù từng bước giảm bớt khó khăn, phát triển trí tuệ, năng lực, tự tin vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

 

Hoàng Kim (Theo HNM) 

Lượt xem : 21937 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo