Trang chủ --> PHCN --> Louis Braille người thắp sáng thế giới bóng đêm
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Louis Braille người thắp sáng thế giới bóng đêm


Đầu năm 2009, hàng trăm thành phố và địa phương trên thế giới đã tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Louis Braille (1809-1852), người khai sinh hệ thống chữ nổi Braille. Phát minh của ông đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của hàng chục triệu người khiếm thị trên thế giới. Ông đã được toàn thế giới vinh danh là “Người thắp sáng thế giới bóng đêm” hay “Người đem lại ánh sáng cho bóng tối”.
Cuộc đời
Louis Braille sinh ngày 4.1.1809 tại Coupvray, một làng nhỏ cách Paris khoảng 30 cây số về phía Đông. Không ai nghĩ là một ngày nào đó Louis Braille sẽ được yên nghỉ ở điện Panthéon - nơi chôn cất những nhân vật lịch sử đã làm rạng danh nước Pháp. Cha ông là một thợ làm đồ da và Braille là con út trong một gia đình có 4 người con. Năm 1812, khi mới lên 3, Braille đã bị một vật nhọn trong xưởng làm việc của cha đâm vào mắt làm hỏng mắt trái. Lúc bấy giờ người ta chưa có nhiều hiểu biết về sơ cứu và vệ sinh vết thương nên ít lâu sau, con mắt còn lại của ông cũng bị nhiễm trùng và phải múc bỏ. Từ đó, ông sống trong thế giới tối tăm. Hai mắt không còn ánh sáng, nhưng Louis Braille tỏ ra là một cậu bé khéo tay, có óc sáng tạo. Cha mẹ của Braille đã cho ông vào học ở trường dành cho người khuyết tật. Năm 1819, khi Braille được 10 tuổi, cha mẹ ông đã xin được học bổng cho ông vào Trường Hoàng gia dành cho người khiếm thị trẻ (Institution Royale des Jeunes Aveugles) tại Paris, một trong những trường đầu tiên trên thế giới dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên, điều kiện học tập và sinh hoạt rất khó khăn, môi trường lại ẩm thấp, thiếu ánh sáng và không khí trong lành nên ông đã nhuốm bệnh lao và mất vì căn bệnh này 33 năm sau.
Trong trường, ông và các bạn đồng học được dạy các kỹ năng cơ bản của người khiếm thị và còn được học nhạc, học làm một số vật dụng thủ công. Braille đã tỏ ra là một học sinh thông minh và có năng khiếu. Ông cũng là một tay đàn cello và piano nổi tiếng ở trường, đã đi trình diễn tại nhiều nhà thờ ở Pháp.
Các học sinh khiếm thị được thầy giáo là bác sĩ Guillié dạy đọc. Lúc bấy giờ, người ta vẫn dùng mẫu tự viết nổi để dạy cho những người khiếm thị. Trường của Braille chỉ có 14 quyển sách và Braille đã đọc hết trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên mẫu tự viết nổi rất khó đọc đối với người khiếm thị và đặc biệt là rất khó viết. Người ta nói rằng ở Paris chỉ có 3 hay 4 người khiếm thị có thể đọc thông thạo các mẫu tự viết nổi.
Năm 1821, khi mới 12 tuổi, Braille bắt đầu nghĩ đến việc sáng tạo ra một loại chữ viết mới cho người khiếm thị. Ông đã hoàn thiện loại chữ mới này vào năm 1824, khi vừa tròn 15 tuổi: đó là chữ nổi Braille. Năm 1828, Braille làm trợ giảng rồi sau đó được bổ nhiệm làm giáo viên thực thụ của trường. Ông dạy đủ các môn như văn phạm, lịch sử, địa lý, đại số, hình học, nhạc, nhanh chóng trở thành một thầy giáo giỏi như đã từng là một học sinh giỏi được bạn bè kính trọng.
Từ năm 1830, ông bắt đầu có những triệu chứng của bệnh lao phổi nên bớt dần giờ lên lớp. Đến năm 1840, ông chỉ còn dạy nhạc. Đầu tháng 12.1851, ông bị thổ huyết, sức khỏe yếu dần và qua đời ngày 6.1.1852, khi mới 43 tuổi. Ông được chôn cất ngày 10.1.1852 tại Coupvray theo yêu cầu của gia đình. Năm 1952, đúng một thế kỷ sau, thi hài ông được cải táng ở điện Panthéon tại Paris (tính đến nay chỉ có 65 danh nhân của nước Pháp được vinh dự an táng ở nơi này). Đó là sự ghi nhận những đóng góp của ông đã làm rạng danh nước Pháp.
Hệ thống chữ Braille
Khi Braille còn nhỏ, một hệ thống chữ viết gọi là chữ Barbier đã được sử dụng. Barbier là tên một sĩ quan trong quân đội Pháp đã phát minh loại chữ theo yêu cầu của Napoléon: một hệ thống ký hiệu có thể giúp các binh sĩ giao tiếp trong đêm tối một cách thầm lặng. Chữ Barbier được gọi là “chữ viết của bóng đêm”. Nhưng hệ thống chữ viết của Barbier khá phức tạp nên quân đội không sử dụng. Năm 1821, Barbier có dịp ghé thăm trường của Braille và giới thiệu cho các học sinh khiếm thị chữ Barbier. Braille đã đề nghị với Barbier một số cải tiến nhưng Barbier chẳng mảy may lưu tâm đến những đề xuất của cậu bé Braille lúc bấy giờ mới 12 tuổi. Không nản chí, Louis Braille quyết tâm tự mình sáng chế hệ thống chữ viết phỏng theo hệ thống chữ viết của Barbier. Ông hiểu rằng mỗi chữ cái phải được ghi lại một cách đơn giản, có thể dễ dàng nhận dạng bằng đầu ngón tay. Chữ Braille đã hình thành trên cơ sở các ô hình chữ nhật, mỗi ô gồm 6 chấm xếp thành 3 hàng và hai cột được đánh số thứ tự từ 1 đến 6. Các chữ cái và ký hiệu được tạo ra trên cơ sở này. Ông đã hoàn chỉnh hệ thống chữ nổi năm 1824, khi vừa tròn 15 tuổi.
Sau đó, Braille đã mở rộng hệ thống ký hiệu để thu nạp các ký hiệu toán học và âm nhạc. Ông đã viết quyển sách đầu tiên bằng chữ Braille vào năm 1829 với nhan đề “Phương pháp viết chữ, bài nhạc bằng các dấu chấm dành cho người khiếm thị”. Năm 1839, Braille đã phổ biến hệ thống chữ viết mới và cùng với người bạn tên Pierre Foucault chế tạo một thiết bị hỗ trợ việc viết chữ Braille. Từ năm 1854, hệ thống chữ Braille được chính thức đưa vào giảng dạy ở tất cả các trường khiếm thị ở Pháp trước khi được giảng dạy ở những quốc gia khác trên thế giới.
Chữ Braille tại Việt Nam
Hệ thống chữ Braille đã được người Pháp đưa vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19.
Mẫu chữ Braille nguyên thủy là các chữ cái Latin, không có các chữ cái như Â, Ă, Ê, Ơ nên các trường khiếm thị ở Việt Nam đã sáng tạo những chữ cái đó theo cách riêng của mình. Hệ quả là hệ thống chữ Braille sử dụng cho người khiếm thị ở nước ta trước đây không thống nhất. Người khiếm thị ở các địa phương khác nhau có thể gặp nhiều khó khăn khi đọc chữ viết nên sự giao tiếp bị hạn chế. Hơn nữa, càng học lên cao, các học sinh khiếm thị càng gặp nhiều khó khăn vì hệ thống chữ Braille ở Việt Nam chưa có đủ các ký tự đặc biệt của các môn học có nhiều ký hiệu phức tạp như hóa học, toán học...
Trước tình hình đó, năm 2003, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật thuộc Viện Khoa học giáo dục với sự hỗ trợ của CRS (Tổ chức Cứu trợ và phát triển) đã tổ chức hội thảo, tiến hành việc thống nhất hệ thống ký hiệu Braille cho người khiếm thị Việt Nam.
Trong những cơ sở có nhiều thành tựu trong việc giáo dục người khiếm thị, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ở Sài Gòn được thành lập từ năm 1926, với tên gọi đầu tiên là Trường Mù Sài Gòn, là một trong những trường nổi tiếng nhất. Vừa qua, trường đã tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Braille và 20 năm ngày ra đời bậc giáo dục trung học dành cho người khiếm thị (1989- 2009). Trong dịp này, nhà trường đã giới thiệu bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 bằng chữ Braille đầu tiên ở Việt Nam dành cho học sinh khiếm thị.
Chữ Braille thời kỹ thuật số
Chữ nổi Braille là món quà tuyệt vời cho những người bị mất ánh sáng của đôi mắt. Tuy nhiên việc tiếp cận thông tin với người khiếm thị vẫn có nhiều hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, nhiều thiết bị hỗ trợ đã được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người khiếm thị trong giao tiếp. Một số thiết bị đáng lưu ý là:
- Máy phiên dịch chữ Braille (xem ảnh): Máy phiên dịch chữ Braille giống như chiếc găng tay một ngón. Máy sẽ nhận biết các chữ nổi thông qua đầu dò ở đầu ngón tay trỏ. Sau đó, thông tin sẽ được kiểm soát ở bộ phận dịch của máy nằm trên lưng bàn tay. Thông tin đã sử dụng sẽ được chuyển đổi thành âm thanh và được bluetooth chuyển đến tai nghe, người sử dụng chỉ việc nghe máy dịch và tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng.
- Máy in chữ Braille: Có nhiều loại máy in chữ Braille cho phép chuyển đổi nhanh các văn bản bình thường trên file hay trên mạng intemet thành chữ nổi Braille.
- Màn hình Braille (còn gọi là màn hình xúc giác) là một công nghệ màn hình mới. Loại màn hình xúc giác này làm bằng một loại vật liệu polymer thông minh, sẽ cho phép người khiếm thị sử dụng máy tính, rút tiền từ máy ATM hoặc thậm chí… gửi tin nhắn qua điện thoại di động. Chữ Braille đã làm giảm phần nào nỗi bất hạnh và nâng cao kiến thức cho cộng đồng người khiếm thị. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay, hơn bao giờ hết, chữ Braille tỏ rõ tính ưu việt trong sự tương thích với các kỹ thuật tân tiến, mở ra một chân trời mới cho người khiếm thị trong việc tiếp cận những tri thức của nhân loại và mở ra triển vọng hòa nhập với xã hội.
Từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 6 năm 2009, tại thị trấn Coupvray - quê hương của Louis Braille - Ủy ban quốc tế Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Louis Braille (CINAL) sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế để tôn vinh những đóng góp vô giá của ông cho nhân loại.  

Lượt xem : 42977 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo