Trang chủ --> Giáo dục trẻ khuyết tật --> . Kĩ năng dạy trẻ khuyết tật ngôn ngữ và giao tiếp.
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

. Kĩ năng dạy trẻ khuyết tật ngôn ngữ và giao tiếp.

2.3.4. Kĩ năng dạy trẻ khuyết tật ngôn ngữ và giao tiếp.

2.3.4.1 Rèn luyện cấu âm

Rèn luyện cấu âm là thực hiện các thao tác làm mềm mại, linh hoạt, chính xác, hoạt động của các bộ phận tham gia hoạt động phát âm. Rèn luyện cấu âm bao gồm các biện pháp sau:

a) Luyện giọng

Việc luyện giọng phải được bắt đầu từ cơ quan hô hấp, để khi nói cơ quan hô hấp có thể tạo nên sự chênh lệch áp suất giữa không khí được hít vào phổi và bên ngoài, vừa phải điều tiết từ từ lúc thở ra để khi nói dòng ngữ lưu không bị ngắt quãng, vụn vặt do tạo ra những chỗ nghỉ không đúng lúc, đúng chỗ. Yêu cầu của việc luyện thở, không nên chỉ tập một loại nhịp thở, luyện một bộ phận của cơ quan hô hấp mà phải luyện tập hỗn hợp: Tập thể bằng cơ hoành và cơ sườn. Luyện hít vào, thở ra rồi hít vào lại thở ra. Lượng khí hít vào không nên quá lớn gây khó khăn cho việc điều tiết không khí lúc thở ra. Khi thở ra phải từ từ, chậm, nhịp nhàng. Thời gian thở ra phải kéo dài dần dần (vì khi nói thời gian thở ra thường gấp 5 đến 8 lần thời gian hít vào).

Việc luyện giọng cần phải chú ý ở các yếu tố: cao độ, cường độ và trường độ. Thông thường người lớn có 3 cỡ người lớn luyện giọng thì phải luyện đúng cỡ giọng của mình. Giọng của trẻ mẫu giáo và những trẻ ở lớp đầu của bậc tiểu học rất khó phân biệt cỡ, do đó giáo viên không nên cho các em luyện giọng quá cao hoặc quá thấp. Các thực nghiệm đã chứng tỏ rằng bài luyện tập giữa phụ âm vang với các nguyên âm đơn dài có tác dụng rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng giọng của trẻ.

Để âm sắc tiếng nói của trẻ hay hơn, cách nói và diễn đạt của trẻ  hấp dẫn hơn cần chú ý loại bỏ những thói quen xấu khi phát âm như: nheo mắt, nhăn mặt, khịt mũi... và tập cho cơ cổ, cơ hàm, cơ thanh quản mềm mại và linh hoạt.

Để củng cố vững chắc chất lượng giọng đã đạt được, cần luyện tập chuyển tiếp, xen kẽ phối hợp giữa phụ âm vang và phụ âm kêu trên cùng một cao độ và cường độ. Lúc đầu nên luyện trên cao độ trung bình, sau cao dần hoặc theo phương pháp dần để mở rộng dải tần ngôn ngữ của trẻ.

Việc luyện giọng phải mở rộng dần trong trường ngôn ngữ: lúc đầu luyện nguyên âm, sau luyện trọng âm tiết mở, sau đó luyện trong từ, rồi đến mệnh đề và cuối cùng luyện trong lời nói. Không nên kéo dài quá trình luyện giọng, vừa gây căng thẳng mệt mỏi, vừa làm  mất hứng thú của trẻ. Mỗi buổi học chỉ nên cho trẻ luyện giọng từ 5 đến 10 phút.

b. Thể dục cấu âm

Trước mỗi buổi dạy nói, giáo viên cần hướng dẫn trẻ thực hiện các thao tác vận động của bộ máy cấu âm làm cho vận động các bộ phận này trở nên mềm mại, linh hoạt, làm cơ sở cho việc cấu tạo âm vị và âm tiết. Các động tác luyện tập các bộ phận: môi, răng, hàm, lưỡi, ngạc mềm, cơ quan thanh... sẽ được mô tả cụ thể trong phần phụ chương về các bài luyện tập và dạy cấu âm. Các bài luyện thể dục cấu âm cũng không nên kéo dài. Chỉ nên tiến hành 5 - 10 phút mỗi buổi, lâu hơn trẻ sẽ mệt mỏi và ít hiệu quả.

c. Tri giác ngữ âm

Việc sửa lỗi phát âm sai cho trẻ thực chất là xoá bỏ những thói quen phát âm không đúng ở trẻ và hình thành kĩ năng phát âm đúng mà mục đích cuối cùng là hình thành ở trẻ tất cả những kĩ năng ngôn ngữ để trẻ có thể làm chủ toàn bộ hệ thống ngữ âm của tiếng mẹ đẻ. Hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ được cấu thành từ những đơn vị âm thanh nhỏ nhất có giá trị ngữ nghĩa đó là âm vị. Do đó, phải làm sao để diện mạo của mỗi âm vị được ghi lại trên não bộ củ trẻ bằng hình ảnh không gian, hình ảnh âm thanh và hình ảnh cơ giác vận động một cách bền vững. Chính vì vậy mà luyện tri giác ngữ âm là rất cần thiết và không thể thiếu được trong nội dung luyện tập phát âm.

Giáo viên phát âm mẫu chính xác giúp cho trẻ phân biệt được sự khác nhau giữa âm trẻ phát âm sai và âm mẫu do giáo viên nói.

Khi trẻ đã phát âm đúng một âm vị nào đó thì phải phân biệt nó với các âm vị có tiêu chí đối lập. Việc luyện tri giác ngữ âm thường được tiến hành bằng hình thức vui chơi giữa thầy cô với trẻ. Trong các trò chơi do giáo viên tổ chức đòi hỏi trẻ phải nhận ra một âm nào đó hoặc một thanh điệu trong một âm tiết, một từ hay một mệnh đề.

d. Cấu âm âm vị

Nội dung chủ yếu nhất nhằm sửa lỗi phát âm sai của trẻ là luyện tập cấu âm để hình thành kĩ năng phát âm đúng.

Việc sửa lỗi phát âm sai thực chất là xoá bỏ thói quen phát âm không đúng và hình thành những kĩ năng phát âm mới mà mục đích cuối cùng là luyện tập cơ chế tạo âm để trẻ có thể phát âm đúng toàn bộ hệ thống âm vị của tiếng Việt.Căn cứ vào bảng phát âm vị chuẩn để luyện cho trẻ.

2.3.4.2. Khắc phục khiếm khuyết phát âm âm vị

Khắc phục khiếm khuyết phát âm âm vị là phương pháp khắc phục khiếm khuyết về cách phát âm các âm vị trong âm tiết trẻ phát âm không chuẩn. Có thể nói, âm tiết tiếng Việt có bao nhiêu thành phần, trẻ khuyết tật ngôn ngữ có thể nói khong chuẩn bấy nhiêu. Khắc phục khiếm khuyết phát âm âm vị bao gồm các biện pháp sau đây:

a. Tách âm vị

- Khắc phục khiếm khuyết phát âm âm đầu:Với trẻ khuyết tật ngôn ngữ thì trong tiếng Việt có bao nhiêu phụ âm đầu, có thể có bấy nhiêu trường hợp phát âm không chuẩn. Phát âm không chuẩn phụ âm đầu biểu hiện ở ba mức độ khác nhau: Mất hẳn, lẫn lộn đôi chỗ, thay bằng một âm vô định. Quy trình sửa cho mỗi lỗi là khác nhau, nhiệm vụ hình thành kĩ năng phát âm đúng phụ âm đầu cho trẻ là làm cho trẻ phát âm đó đúng như những tiêu chí khu biệt nó với những âm khác trong hệ thống ngữ âm tiếng Việt.

- Khắc phục khiếm khuyết phát âm âm chính (nguyên âm đôi):Do cơ chế cấu âm đơn giản nên trẻ thường không nói sai tất cả các nguyên âm đơn (trừ trường hợp trẻ bị tạt ngôn ngữ). Các trường hợp phát âm sai chính âm chỉ xuất hiện khi chính âm này là nguyên âm đôi. Biểu hiện của lỗi sai này là nguyên âm đôi chuyển thành nguyên âm đơn hay nguyên âm đơn này thành nguyên âm đơn khác.

- Khắc phục khiếm khuyết phát âm âm cuối:Lỗi phát âm sai âm cuối của âm tiết cũng đa dạng và thể hiện ở ba mức độ: Mất hẳn âm cuối, lẫn lộn và hỗn hợp thành âm khó xác định.

b. Sử dụng âm tiết trung gian

-Khắc phục khiếm khuyết phát âm âm đệm: Thông thường trẻ nói ngọng sinh lí, ngọng chức năng thường bỏ mất âm đệm. Để hình thành âm đệm ta biến âm đệm từ nguyên âm thành nguyên âm dài và cấu tạo thành hai âm tiết riêng biệt mà trẻ đã phát âm được.

- Khắc phục khiếm khuyết phát âm âm chính (nguyên âm đôi): Nếu dùng phương pháp khắc phục khiếm khuyết theo cách tách âm vị mà trẻ không khắc phục được thì cũng có thể dùng phương pháp sử dụng âm tiết trung gian.

- Khắc phục khiếm khuyết phát âm âm cuối:Phương pháp sử dụng âm tiết trung gian được vận dụng vào việc hình thành kĩ năng phát âm đúng âm cuối như sau:

+ Coi bán nguyên âm đó như là một nguyên âm đơn dài và chia âm tiết đó ra thành 2 âm tiết.

+ Nếu âm tiết sai là một âm tiết mang thanh hỏi hoặc thanh ngã thì cần phải kết hợp với việc hình thành kĩ năng phát âm đúng thanh điệu.

+ Nếu âm cuối cùng là phụ âm thì cũng chuyển hành dạng quy trình liên tục của hai âm tiết trong đó âm tiết đầu đến hết âm tiết chính còn âm tiết sau là phụ âm cuối cộng thêm nguyên âm ơ.

- Khắc phục khiếm khuyết phát âm thanh điệu: Chuyển những thanh điệu phức tạp mà trẻ phát âm sai về dạng một quy trình liên tục của những thanh đơn tạo nên nó. Thao tác tạo ra âm thanh đơn này trẻ đã nắm được thuần thục vì trẻ đã phát âm đúng.

c. Luyện phát âm

Sau khi đã chuyển thanh hỏi hoặc ngã về dạng hợp thành của những thanh đơn, giáo viên tiến hành sửa lỗi phát âm sai cho trẻ qua các bước.

- Phát âm chậm, rõ để trẻ tri giác được rằng mỗi thanh phức là do 2 thanh đơn tạo nên.

- Cùng trẻ nhắc lại sự phát âm chậm, rõ thành 2 âm tiết.

- Riêng trẻ nhắc lại sự phát âm chậm, rõ thành 2 âm tiết.

- Trẻ nhắc lại nhanh dần, liên kết 2 âm tiết lại để cuối cùng đạt được sự chuyển hoá kĩ năng phát âm hai âm tiết liên tục bằng 2  lần bật hơi thành kĩ năng phát âm một âm tiết mang thanh điệu phức (ngã hoặc hỏi) bằng một lần bật hơi.

Sau khi đã đạt được kĩ năng phát âm đúng cần tiếp tục tiến hành quá trình luyện tập, củng cố trong hình thức ngôn ngữ, ngữ cảnh khác nhau, ngày càng phức tạp dần.

Tóm lại: Để dạy học trẻ khuyết tật có hiệu quả, giáo viên cần có nhiều các kĩ năng khác nhau, đối với từng kĩ năng có những yêu cầu trong quá trình dạy học. Điều quan trọng là giáo viên cần biết lựa chọn và sử dụng phù hợp phối các kĩ năng trong những tình huống học tập nhất định, phù hợp với đặc điểm nhận thức, kĩ năng, ngôn ngữ và giao tiếp cũng như hành vi của từng dạng trẻ khuyết tật. Có như thế, hiệu quả dạy học cũng như giáo dục trẻ khuyết tật mới đạt hiệu quả mong muốn.

2.4. Đánh giá kết quả dạy học trẻ khuyết tật

Đánh giá kết quả dạy học là nội dung chủ yếu của đánh giá kết quả giáo dục trẻ khuyết tật nói chung, với sự tập trung vào việc đánh giá kết quả sự lĩnh hội kiến thừc, kĩ năng nhằm phát triển trí tuệ cho trẻ và sự thay đổi trong hành vi, thái độ, tình cảm của trẻ. Đánh giá kết quả dạy học trẻ khuyết tật là quá trình thu thập thông tin về khả năng tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, kĩ năng cũng như những thay đổi về hành vi, thái độ và tình cảm của trẻ một cách thường xuyên cũng như trong một giai đoạn nhất định nào đó một cách có hệ thống, trên cơ sở đó, giáo viên có thể đưa ra các giải pháp điều chỉnh kịp thời để trẻ khuyết tật tham gia một cách tốt nhất và có hiệu quả vào quá trình học tập. Đánh giá kết quả dạy học trẻ khuyết tật trong các môi trường học tập chuyên biệt hay môi trường phổ thông đều đòi hỏi có quan điểm và cách thức cụ thể. Sau đây là một số vấn đề cơ bản trong đánh giá kết quả dạy học trẻ khuyết tật.

 

Lượt xem : 5713 Người đăng : Kim Phiến

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo