Trang chủ --> Giáo dục trẻ khuyết tật --> Một số kĩ năng dạy học trẻ khuyết tật đặc thù
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Một số kĩ năng dạy học trẻ khuyết tật đặc thù

2.3. Một số kĩ năng dạy học trẻ khuyết tật đặc thù

2.3.1. Kĩ năng dạy học trẻ khiếm thị

2.3.1.1. Những khó khăn giáo viên thường gặp phải trong dạy học trẻ khiếm thị

Những đặc điểm cá nhân như: Mức độ thị lực, tuổi, nguyên nhân tật thị giác, cá tính, tật khác và yếu tố văn hoá xã hội có ảnh hưởng quan trọng tới các đặc điểm, nhu cầu học tập của trẻ khiếm thị và ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình dạy học của giáo viên.

a. Về đặc điểm thị giác:Không phải mọi trẻ khiếm thị đều có cùng một đặc điểm thị giác giống nhau để giáo viên có thể dễ dàng áp dụng một phương pháp tiếp cập dạy học đặc thù phù hợp.

Một số trẻ mù hoàn toàn không còn khả năng nhìn thấy sáng tối, nhưng số khác vẫn có thể cảm nhận và có sự phân biệt giữa sáng và tối, vì vậy, có những trẻ mù khi dạy học không cần quan tâm đến yếu tố ánh sáng trong môi trường nhưng có những trẻ yếu tố này có ý nghĩa cho quá trình thu nhận, xử lý và đoán biết được các dấu hiệu của môi trường.

Một số trẻ chỉ còn một phần thị lực ít ỏi phải áp dụng cách tiếp cận kép trong sử dụng 2 giác quan xúc giác và thị giác để đọc, viết và thu nhận những thông tin khác từ môi trường để học tập.

Các đặc điểm của trẻ nhìn kém cũng không có sự đồng nhất về nhu cầu thị lực trong quá trình tri giác. Trẻ nhìn kém có thị trường hình ống cần đọc và tri giác đồ dùng học tập có kích cỡ phóng to. Một số trẻ nhìn tốt trong môi trường ánh sáng mạnh nhưng  một số lại chỉ có thể nhìn được trong môi trường ánh sáng yếu. Có những trẻ có khả năng nhận diện đồ vật khi nó chuyển động nhưng có những trẻ lại nhận diện đồ vật trong trạng thái yên tĩnh...

Những vấn đề trên đòi hỏi người giáo viên phải có sự am hiểu về đặc điểm tật khiếm thị và khả năng thị giác của từng trẻ khuyết tật để có thể xác định cách tiếp cận phù hợp nhất trong dạy trẻ này.

b. Tiếp nhận thông tin hạn chế:Ở trẻ mù hoàn toàn kênh thu nhận thông tin từ thế giới bên ngoài bằng thị giác được thay thế bằng xúc giác. Hình ảnh của sự vật và hiện tượng được xác định trong khoảng cách một sải tay, có nhiều sự vật hiện tượng khám phá bằng xúc giác không thể thay thế được, vì vậy biểu tượng về sự vật, hiện tượng thường không rõ ràng, thiếu chính xác, đôi khi sai lệch, có nhiều biểu tượng không có hoặc khó hình dung như màu sắc, núi, sông, con hổ, đám mây, tranh, ảnh, hình vẽ, ... ảnh hưởng tới khả năng phân tích, so sánh và tưởng tượng của trẻ.

c. Khái niệm rỗng nghĩa:Nhiều từ ngữ được trẻ sử dụng không phù hợp với ngữ cảnh và không hiểu được bản chất. Giáo viên khó tìm những đặc điểm liên kết làm rõ nghĩa và giúp trẻ nắm khái niệm trừu tượng, rõ ràng.

d. Chất lượng và số lượng trải nghiệm ở trẻ khiếm thị giới hạn hơn so với trẻ sáng nên trẻ khiếm thị hạn chế sự tham gia vào môi trường, giải thích và hiểu được các mối quan hệ giữa sự vật, hiện tượng và nhận thức được những kích thích từ môi trường khó khăn. Trẻ mù có thể dùng tay sờ để thay mắt, tuy nhiên, tay quan sát chậm và kém hơn so với mắt cả về số lượng, chất lượng và không gian của đối tượng cần quan sát.

e. Những phản ứng và nhận biết các dấu hiệu trog giao tiếp và tương tác xã hội của trẻ mù thường chậm trễ. Trẻ mù cũng khó thể hiện cách biểu cảm bằng ngôn ngữ không lời như ánh mắt, nét mặt, tư thế, dáng điệu như trẻ khác nên khó khăn cho giáo viên tổ chức và duy trì các hoạt động tương tác giữa các thành viên trong lớp học. Một số hành vi điển hình của trẻ khiếm thị ảnh hưởng đến lớp học, và khả năng điều phối hoạt động chung và quản lý hành vi của trẻ.

f. Mặc dù có phương tiện giao tiếp là hệ thống chữ nổi Braille. Tuy nhiên, chữ nổi không phổ biến và nghèo nàn về tài liệu nên gây khó khăn đáng kể trong việc làm quen với chữ cái của trẻ mù. Đặc điểm của người mù là đọc chữ qua tri giác sờ, còn người sáng thì sử dụng tri giác nhìn, vì vậy, sự hướng dẫn các kĩ năng sờ đọc chữ nổi của giác viên cho trẻ mù cũng không đạt được hiệu quả như người sử dụng xúc giác.

Dù có một số khó khăn nêu trên song trẻ khiếm thị, do không bị phá huỷ chức năng của não bộ, ngôn ngữ  và tư duy vẫn phát triển bình thường, vẫn có thể tham gia các hoạt động học tập, vui chơi, sinh hoạt và các hoạt động xã hội khác nếu tổ chức giáo dục tốt và vận dụng các phương pháp giáo dục phù hợp với trẻ.

2.3.1.2. Một số yêu cầu trong dạy học trẻ khiếm thị

* Phối hợp giữa sự hướng dẫn của giáo viên và tăng cường sự chủ động của trẻ  khiếm thị:

Việc chủ động quan sát, tìm hiểu và khám phá môi trường giúp trẻ em linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong thu nhận thông tin và tăng cường sự hiểu biết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng sức nhìn của mắt nên khả năng phát hiện đối tượng và có hứng thú tìm tòi khám phá môi trường của trẻ khiếm thị lại hạn chế đáng kể, vì vậy, có nhiều trẻ hoàn toàn thụ động. Cách hướng dẫn phối hợp giữa giáo viên và khuyến khích sự chủ động của trẻ là cần thiết. Nguyên tắc cơ bản đó là không làm thay trẻ, chỉ giúp đỡ và hướng dẫn trẻ khi cần thiết. Khi hướng dẫn giáo viên có thể sử dụng lời nói kết hợp cầm lấy tay trẻ hoặc cổ tay trẻ (chủ yếu từ phía sau) cùng làm với trẻ. Chẳng hạn dạy trẻ nhận biết khối hình, ban đầu giáo viên có thể đứng phía sau trẻ và cầm cổ tay trẻ di chuyển tay trên mô hình từ trái qua phải, sau đó thả tay để trẻ chủ động sờ khám phá khối hình, Để trẻ khiếm thị có cơ hội lựa chọn các phương án thực hiện nhiệm vụ của mình. Khuyến khích trẻ tự nói những gì chúng định làm.

* Làm rõ những nội dung/dấu hiệu cơ bản làm cơ sở dẫn dắt quá trình học tập của trẻ và đưa ra những hướng dẫn hợp lý:

Trong lớp học hoà nhập, nhiều nội dung/dấu hiệu trẻ khiếm thị không được làm rõ trẻ sẽ khó nắm bắt được cùng với bạn khác. Vì vậy giáo viên cần dành thời gian để giới thiệu, làm rõ hoặc chỉ dẫn cho trẻ nắm bắt những thông tin cơ bản làm định hướng trước khi tham gia vào hoạt động chính thức. Các cách chỉ dẫn của giáo viên phải thật tỉ mỉ, chính xác. Tránh dùng những từ ngữ gây khó hiểu cho trẻ như các từ: "Hãy làm như thế này", "ở trên đây", "đằng kia" ... Nêu tổng thể công việc cần phải làm trước khi nêu chi tiết từng bước (Hôm nay em sẽ hoàn thành công việc được giao bằng tay/ Viết tên em lên đầu trang giấy, góc bên phải ở tất cả các trang/ Ghim các trang lại với nhau ở đầu trang, góc bên trái/ Đặt những gì em vừa làm xong vào chiếc hộp trên bàn cạnh cửa ra vào).

* Dẫn dắt các kiến thức và liên kết, tổng hợp, sâu chuỗi các kiến thức đơn lẻ thành bản chất sự việc:

Thị lực ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng quan sát, sâu chuỗi các đặc tính gần giống nhau của các sự vật hiện tượng. Trẻ khiếm thị thường có sự hiểu biết sai lầm khi so sánh hoặc tổng hợp các nhóm sự vật hiện tượng. Chẳng hạn nhiều trẻ khiếm thị hiểu bất cứ cái gì có "cánh" nghĩa là thuộc loài "chim", vì vậy có trẻ đã tư tuy theo cách "Thuyền có cánh buồm; máy bay có cánh; diều có cánh nên đều thuộc loài chim". Nguyên nhân là trẻ khiếm thị chưa được quan sát, chỉ nghe nhắc đến tên nên trẻ quy nạp từ một dấu hiệu cho tất cả các ý nghĩa khác. Trẻ khiếm thị cần được học thông qua ví dụ thực tiễn, trẻ được trải nghiệm và được hướng dẫn phân tích, so sánh các dấu hiệu giống nhau và khác nhau của các sự vật hiện tượng để cuối cùng có thể sâu chuỗi các thuộc tính đơn lẻ thành bản chất có ý nghĩa chính xác nhất cho khái niệm hoặc nhóm sự vật hiện tượng.

* Chú ý các dấu hiệu thuận lợi và phù hợp với trẻ khiếm thị:

Tạo ra dấu mốc, điểm nhấn nhằm thu hút sự chú ý của trẻ khiếm thị và có ý nghĩa tác động tới khả năng phân biệt, xác định nét đặc trưng, dễ phát hiện nhất (điểm nhấn) của bài tập để trẻ có thể dùng giác quan (thị giác hoặc xúc giác) tìm ra các dấu hiệu đó, ghi nhớ và hoàn thành công việc dễ dàng hơn. Ví dụ có thể sử dụng ghim cài hoặc hồ dán để giúp trẻ đánh dấu những trang quan trọng viết bằng chữ nổi, trẻ nhanh chóng phát hiện dấu hiệu đó bằng xúc giác để tìm hiểu thông tin trang sách.

Để đảm bảo công việc theo trình tự và giảm những khó khăn trong việc thực hiện, các đồ vật có thể được cố định để trẻ dễ dàng quan sát hoặc thực hiện nhiệm vụ (gắn chiếc cốc vào bàn bằng giấy dính để tránh việc cốc bị lăn đi hoặc trẻ mù dễ đổ nước hoặc không rót tràn nước ra ngoài).

Thực hiện lại chuyển động cơ học để khuyến khích trẻ nhớ một kĩ năng, không chỉ nhắc lại bằng lời mà dùng các thao tác vận động cơ thể của trẻ (Khi học các chữ cái, trẻ học các khuôn chữ bằng cách đưa cánh tay trong không khí theo hình dạng chữ trước khi sửdụng tay và các ngón tay để viết).

 

Lượt xem : 6312 Người đăng : Kim Phiến

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo