Trang chủ --> Giáo dục trẻ khuyết tật --> DẠY HỌC CÓ HIỆU QUẢ CHO TRẺ KHUYẾT TẬT
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

DẠY HỌC CÓ HIỆU QUẢ CHO TRẺ KHUYẾT TẬT

II. DẠY HỌC CÓ HIỆU QUẢ CHO TRẺ KHUYẾT TẬT

2.1. Nội dung và kế hoạch dạy học trẻ khuyết tật

2.1.1. Nội dung dạy học trẻ khuyết tật

Khi đề cập đến nội dung dạy học cũng như các thành tố khác của quá trình dạy học trẻ khuyết tật thì nội dung dạy học trẻ khuyết tật được điều chỉnh thích ứng từ nội dung dạy học phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và ban hành. Vì vậy, nội dung dạy học trẻ khuyết tật không tách rời khỏi nội dung dạy học phổ thông nhưng lại có tính đặc thù riêng, là những cái mà giáo viên cần phải truyền đạt đến trẻ khuyết tật làm cho trẻ khuyết tật lĩnh hội và chuyển hoá thành kiến thức và kỹ năng của chính mình, phát triển trí tuệ và cao hơn là việc hình thành các phẩm chất nhân cách.

Nội dung dạy học trẻ khuyết tậ đòi hỏi phải được điều chỉnh thích ứng hay nói cách khác là phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm hành vi, giao tiếp cũng như đời sống tâm lý, tình cảm của chính đứa trẻ khuyết tật. Không có nội dung dạy học chung cho trẻ khuyết tật, cho từng dạng trẻ khuyết tật mà nội dung dạy học phải được điều chỉnh thích ứng với cá nhân trẻ khuyết tật.

Từ những phân tích trên, việc xây dựng nội dung dạy học trẻ khuyết tật được xác định trên những tiêu chí cơ bản sau:

- Nội dung dạy học trẻ khuyết tật trước hết được xác định dựa trên mục tiêu và nhiệm vụ dạy học chung cũng như mục tiêu và nhiệm vụ dạy học trẻ khuyết tật cụ thể.

- Nội dung dạy học phải đảm bảo tính vừa sức, tức là phù hợp với trình độ nhận thức của trẻ, là kiến thức nền tảng đảm bảo cho sự tiếp thu, lĩnh hội những kiến thức và kỹ năng cao hơn sau này của trẻ.

- Nội dung dạy học cần đưa vào những kiến thức thuộc các lĩnh vực thiết yếu của cuộc sống, gắn liền với hoạt động học tập, vui chơi, sinh hoạt và nghề nghiệp tương lai của trẻ.

Trên cơ sở của các thành tố hợp thành nội dung dạy học phổ thông (4 yếu tố) nói chung thì nội dung dạy học trẻ khuyết tật bao gồm những vấn đề cơ bản sau:

- Kiến thức cơ bảncó liên quan trực tiếp đến đời sống của trẻ. Ví dụ: Kiến thức về tự nhiên (thời tiết, khí hậu, các mùa; cây cối, con vật; cơ thể con người ...); Kiến thức về xã hội (gia đình, nhà trường, bạn bè, cuộc sống xung quanh, sử dụng các tiện ích công cộng ...); Kiến thức về toán học (các con số, phép tính, tiền tệ, thời gian, các hình, màu sắc ...); Kiến thức về ngôn ngữ và giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết); ...

- Kỹ năng xã hội cơ bản,cần thiết cho từng dạng khuyết tật. Chẳng hạn như: Đối với trẻ khiếm thị có kỹ năng định hướng di chuyển, kỹ năng sờ, viết và đọc chữ nổi Braille, kỹ năng biểu lộ xúc cảm, tình cảm, ...; Đối với trẻ khiếm thính có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cử chỉ điệu bộ, giao tiếp tổng hợp, sử dụng máy trợ thính, ...; Đối với trẻ chậm phát triển trí tụê có kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo, kĩ năng giải quyết những vấn đề hay nhiệm vụ đơn giản, cần thiết trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày...

- Phục hồi chức nănghay nói cách khác là sự tận dụng những năng lực còn sót lại nhằm tránh được sự ảnh hưởng của trẻ khuyết tật đối với chức năng hoạt động cơ thể cũng như nhận thức của trẻ khuyết tật. Liên quan đến nội dung dạy học này là những nội dung phục hồi chức năng cho từng dạng trẻ khuyết tật với tính đặc thù riêng. Chẳng hạn, phục hồi chức năng thị lực cho trẻ khiếm thị, phục hồi chức năng thính giác cho trẻ khiếm thính, phục hồi chức năng vận động cho trẻ khuyết tật vận động, phục hồi chức năng (trí nhớ) cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, ...

- Nội dung hướng nghiệp và dạy nghềcho trẻ khuyết tật. Nội dung bài này bao gồm việc giới thiệu những nghề nghiệp hay công việc làm cụ thể tại địa phương, những công việc có thể phù hợp với từng dạng trẻ khuyết tật, dần dần tạo hứng thú về nghề nghiệp cho trẻ khuyết tật. Dạy học nội dung các môn học như lao động kỹ thuật, thủ công và một số các môn học khác. Đặc biệt đây có thể được coi là con đường nhằm hỗ trợ rất tích cho việc phụ hồi  chức năng của trẻ khuyết tật. Đồng thời, nội dung dạy học này thông thường chú trọng đến những trẻ khuyết tật trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Như vậy, nội dung dạy học trẻ khuyết tật không phải là nội dung được xây dựng một cách riêng rẽ mà nó được dựa trên nội dung dạy học phổ thông và được điều chỉnh thích ứng với trình độ nhận thức, khả năng và nhu cầu trẻ khuyết tật. Nội dung trẻ khuyết tật được xây dựng cần chú trọng đến 04 nội dung đã nêu trên nhằm làm cho quá trình dạy học trẻ khuyết tật đạt hiệu quả cao.

2.1.2. Kế hoạch dạy học trẻ khuyết tật

Dạy học trẻ khuyết tật như đã đề cập ở các nội dung trên tuân theo nội dung, chương trình cũng như kế hoạch dạy học chung đối với mọi trẻ em khác. Những vấn đề như kế hoạch dạy học ở trường phổ thông, chương trình môn học, sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn, ... đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên, kế hoạch dạy học trẻ khuyết tật trong các mô hình khác nhau thì lại tuân theo những chương trình dạy học khác nhau, do đó kế hoạch dạy học ở mỗi mô hình lại khác nhau.

2.1.2.1. Trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt

Kế hoạch dạy học được xây dựng theo chương trình dạy học 9 năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đối với cấp tiểu học. Chương trình này được xây dựng dựa trên chương trình dạy học phổ thông 5 năm của cấp tiểu học và điều chỉnh 9 năm cho tất cả trẻ khuyết tật. Chương trình quy định cụ thể về mục tiêu, nội dung, số lượng các môn học, thời gian dành cho từng môn, thời gian tổng thể của chương trình. Trên cơ sở đó, mỗi trường sẽ xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể cho trường mình. Đây là chương trình dạy học duy nhất được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dành cho dạy học trẻ khuyết tật. Sau khi học xong chương trình 9 năm trẻ khuyết tật sẽ được học tiếp chương trình dạy học cấp học trung học cơ sở và hơn nữa là trung học phổ thông nếu có đủ điều kiện, nhưng chương trình cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ không có sự điều chỉnh mà bắt buộc trẻ khuyết tật phải theo học giống như những trẻ bình thường khác.

Tuy nhiên việc áp dụng chương trình dạy học 9 năm cấp tiểu học cũng hết sức linh hoạt trong thực tiễn của các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Không phải bất cứ trẻ khuyết tật nào cũng phải theo học đầy đủ các môn quy định trong chương trình (chẳng hạn trẻ khuyết tật vận động không thể học môn thể dục, trẻ khiếm thính không thể học môn hát nhạc, ...) và cũng không nhất thiết 9 năm học là bắt buộc, một số trẻ khuyết tật có khi chỉ cần 6 hoặc 7 năm là đã học xong  chương trình, ... Vì vậy, kế hoạch dạy học của bản thân cơ sở giáo dục chuyên biệt đó cũng được và thực hiện hết sức linh hoạt, hoàn toàn tuỳ thuộc vào đối tượng dạy học là trẻ khuyết tật.

2.1.2.2. Trong các trường phổ thông (hoà nhập)

Kế hoạch dạy học trẻ khuyết tậ nằm trong kế hoạch dạy học chung của toàn bộ nhà trường được xây dựng dựa trên kế hoạch dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hàng năm. Thông thường, kế hoạch dạy học trẻ khuyết tậ gắn liền cụ thể hoá của kế hoạch giáo dục cá nhân trẻ khuyết tật cho các mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, phục hồi chức năng, hành vi, thái độ đối với trẻ khuyết tật. Mục tiêu giáo dục trong kế hoạch giáo dục cá nhân trẻ khuyết tậ thường có mục tiêu của năm, mục tiêu học kì, mục tiêu từng tháng. Kế hoạch giáo dục thường chỉ được xây dựng trong 2 tháng tính từ tháng 9 hàng năm và 3 tháng hè là các tháng 6, tháng 7, tháng 8. Do đó, kế hoạch dạy học trẻ khuyết tật cũng tuân theo kế hoạch giáo dục cá nhân về mục tiêu cũng như về nội dung kiến thức, kĩ năng, thái độ và được thể hiện thông qua từng giáo án cụ thể của các môn học.

Kế hoạch dạy học trẻ khuyết tật không có sự điều chỉnh về thời gian dạy học (năm học, học kì, tháng, tuần), tiết học (35 - 40 phút đối với tiểu học. 45 phút đối với trung học), tổng số môn học của cấp học, ... nhưng lại có sự điều chỉnh về mục tiêu dạy học (số lượng và mức độ khó của kiến thức, kĩ năng) cho phù hợp với trẻ khuyết tật, từ đó có sự điều chỉnh về nội dung dạy học và việc tổ chức các hình thức hoạt động nhằm đạt được mục tiêu dạu học đã đề ra.

Như vậy, kế hoạch dạy học trẻ khuyết tật trong trường phổ thông đòi hỏi giáo viên không chỉ có kiến thức sư phạm chung mà còn có những kiến thức sư phạm đối với dạy học và giáo dục trẻ khuyết tật trong môi trường hoà nhập. Trình độ nhận thức, đặc điểm hành vi, giao tiếp cũng như đời sống tâm lý của trẻ khuyết tật hết sức đa dạng, phong phú và phức tạp cho nên kế hoạch dạy học cho trẻ này cũng cần phải được điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp với trẻ nhưng lại đòi hỏi nằm trong tổng thể thống nhất với kế hoạch dạy học chung của nhà trường, lớp học.

Tóm lại, kế hoạch dạy học trẻ khuyết tật là một loại kế hoạch đặc thù, tuỳ từng phương thức giáo dục mà có những kế hoạch dạy học với những quy định phù hợp về mục tiêu dạy học, số lượng môn học, thời gian cho từng môn học, thời gian tổng thể. Dù kế hoạch dạy học trẻ khuyết tật cụ thể có khác nhau về hình thức và phương pháp thực hiện nhưng đều nhằm đến hoàn thành những nhiệm vụ dạy học trẻ khuyết tật.

2.1.3. Giáo án dạy học trẻ khuyết tật

Như đã trình bày, kế hoạch dạy học trẻ khuyết tật được cụ thể hoá thành các bài học, tiết học cụ thể. Nói cách khác, kế hoạch dạy học cần phải được thực hiện thông qua sự chuẩn bị xây dựng giáo án của giáo viên. Giáo án là một bản thiết kế dạy học, là sự cụ thể hoá của kế hoạch dạy học nói chung, cụ thể hoá nội dung kế hoạch giáo dục cá nhân trẻ khuyết tật, nội dung cần thể hiện:

- Mục đích, yêu cầu bài dạy: Mục tiêu kiến thức, kĩ năng, mục tiêu thái độ, hành vi cho trẻ bình thường và trẻ khuyết tật.

- Chuẩn bị đồ dùng, phương tiện thiết bị dạy học chung (nếu ở trường, lớp học phổ thông) và dạy học trẻ khuyết tật.

- Hoạt động của giáo viên, của trẻ bình thường và của trẻ khuyết tật.

- Các bài tập củng cố, thực hành, luyện tập.

- Hướng dẫn học ở nhà (giao nhiệm vụ khi kết thúc bài).

Có hai loại giáo án dạy học trẻ khuyết tật cơ bản, đó là mẫu giáo án dạy trẻ khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt và mẫu giáo án dạy trẻ khuyết tật trong trường phổ thông (hoà nhập).

Giáo án dạy học trẻ khuyết tật sử dụng trong cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho tất cả trẻ khuyết tật trong lớp học đó và có sự điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình lên lớp của giáo viên. Tuy nhiên, từng trẻ khuyết tật lại có kế hoạch giáo dục cá nhân, trên cơ sở đó giáo viên còn thiết kế giáo án tiết dạy cá nhân cho từng trẻ khuyết tật ở cơ sở của mình. Giáo án này hết sức chi tiết và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của một tiết dạy cá nhân. Tuỳ từng trẻ khuyết tật mà tên tiết dạy và các mục tiêu của tiết dạy cá nhân cần phải đạt đến là gì, hoạt động của giáo viên và của trẻ khuyết tật như thế nào? Về hình thức thì giáo án tiết dạy cá nhân cũng tương tự như một giáo án thông thường nhưng nội dung thì được thiết kế cho một đối tượng trẻ khuyết tật cụ thể, hết sức chi tiết, tỉ mỉ, và nhằm vào một nội dung dạy học cụ thể.

Giáo án dạy học trẻ khuyết tật sử dụng trong các trường phổ thông được lồng ghép trong giáo án chung theo quy định. Thứ nhất, mục tiêu bài học hay tiết học gồm có hai mục tiêu là mục tiêu danh cho trẻ bình thường (đa số trẻ trong lớp) và mục tiêu dành cho trẻ khuyết tật (thông thường là 2 trẻ khuyết tật trong một lớp); Thứ hai, phần hoạt động của trẻ (học sinh) được phân chia thành hai phần là hoạt động của trẻ bình thường và hoạt động của trẻ khuyết tật. Đối với những hoạt động chung mà tất cả mọi trẻ có thể tham gia thì không vần phải ghi riêng cho trẻ khuyết tật, chỉ những hoạt động nào đòi hỏi trẻ khuyết tật phải hoạt động riêng và cần sự hỗ trợ hướng dẫn của giáo viên và bạn bè trẻ thì mới ghi rõ vào cột dành cho hoạt động trẻ khuyết tật. Trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, việc phải lồng ghép giáo án dạy học trẻ khuyết tật như trên trong các trường phổ thông là mang tính bắt buộc. Với sự phát triển của khoa học giáo dục, mẫu giáo án này chắc chắn sẽ được thiết kế theo hình thức dành cho mọi học sinh trong lớp với những trình độ nhận thức, đặc điểm hành vi, tình cảm. giao tiếp khác nhau (dạy học phân hoá).

Sau đây là mẫu giáo án dạy học trẻ khuyết tật thiết kế trong cơ sở giáo dục chuyên biệt và trong các trường phổ thông:

Giáo án dạy học trẻ khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt

1. Tên bài dạy:

2. Tiết dạy:

3. Mục đích yêu cầu:

4. Chuẩn bị đồ dùng dạy học:

5. Tiến trình lên lớp:

(Gồm có mở bài, giải quyết vấn đề và kết thúc bài học).

 

Nội dung

Hoạt động của giáo viên

Hoạt động của trẻ khuyết tật

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giáo án dạy học trẻ khuyết tật trong trường phổ thông (hoà nhập)

1. Tên bài dạy:

2. Tiết dạy:

3. Mục đích yêu cầu:

- Mục đích yêu cầu cho trẻ bình thường.

- Mục đích yêu cầu cho trẻ khuyết tật

4. Chuẩn bị đồ dùng dạy học cho lớp (chung) và cho trẻ khuyết tật:

5. Tiến trình lên lớp:

(Gồm có mở bài, giải quyết vấn đề và kết thúc bài học).

Nội dung

Hoạt động của giáo viên

Hoạt động của trẻ

Hoạt động của trẻ bình thường

Hoạt động của trẻ khuyết tật

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Như vậy, dạy học trẻ khuyết tật có những quy định về mẫu giáo án khác nhau và để có thể xây dựng được các giáo án dạy học trẻ khuyết tật, giáo viên cần tuân theo các bước dưới đây.

 

 

Lượt xem : 3594 Người đăng : Kim Phiến

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo