Trang chủ --> Giáo dục trẻ khuyết tật --> Nguyên tắc dạy học trẻ khuyết tật
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Nguyên tắc dạy học trẻ khuyết tật

1.3. Nguyên tắc dạy học trẻ khuyết tật

            Dạy học và đặc biệt là dạy học trẻ khuyết tật đòi hỏi cần phải có những nguyên tắc đảm bảo cho toàn bộ quá trình này đi đúng hướng và đạt được mục đích, hiệu quả cao.

            Nguyên tắc dạy học trẻ khuyết tật bao gồm sự kế thừa và tuân thủ theo các nguyên tắc dạy học nói chung và một số những nguyên tắc đặc thù nhưng cũng có thể áp dụng cho mọi trẻ em bình thường khác, đặc biệt là sự vận dụng các thành tựu của các ngành khoa học có liên quan trực tiếp như tâm bệnh học, thần kinh học, điều khiển học…

            Sau đây là hệ thống các nguyên tắc của quá trình dạy học trẻ khuyết tật:

1.3.1. Đảm bảo các nguyên tắc chung của quá trình dạy học.

            Các nguyên tắcchung của quá trình dạy học đã được các tài liệu của các nhà khoa học giáo dục đề cập đến một cách hết sức có hệ thống và đầy đủ. Có thể kể đến các nguyên tắc sau:

1.3.1.1. Nguyên tắc thống nhất biện chứng giữa tính khoa học và tính giáo dục trong dạy học.

            Tính khoa học trong dạy học trẻ khuyết tật được thể hiện ở nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và điều kiện phương tiện tổ chức quá trình dạy học trẻ khuyết tật. Kiến thức và kĩ năng trang bị cho trẻ khuyết tật không chỉ được lựa chọn từ kiến thức chung dành cho trẻ ở những độ tuổi khác nhau mà còn được thiết kế, sắp xếp, điều chỉnh cho phù hợp với trình độ nhận thức, khả năng lĩnh hội, hứng thú đối với học tập… của trẻ khuyết tật. Việc truyền đạt những kiến thức và kĩ năng này cho trẻ khuyết tật đòi hỏi sự lựa chọn phương pháp, hình thức và phương tiện dạy học phù hợp, thống nhất và đồng bộ tạo thành một chỉnh thể hoạt động thống nhất giữa giáo viên và trẻ khuyết tật.

            Những đặc điểm hành vi, đặc điểm trong giao tiếp là những nét hết sức đặc trưng của trẻ khuyết tật mà giáo viên trong quá trình dạy học cần phải chú ý đến, phát triển cho trẻ những hành vi phù hợp, biết sử dụng các kĩ năng giao tiếp phù hợp trong những hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Quá trình dạy học trẻ khuyết tật không chỉ nhằm vào việc phát triển khả năng nhận thức, trình độ trí tuệ mà còn nhằm mục đích giáo dục những kĩ năng sống cơ bản, hết sức cần thiết cho trẻ khuyết tật.

            Quá trình dạy học trẻ khuyết tật cần đảm bảo có sự thống nhất và đồng bộ giữa tính khoa học và tính giáo dục nêu trên.

1.3.1.2. Nguyên tắc thống nhất giữa dạy lí thuyết với dạy thực hành          

            Trẻ khuyết tật có những đặc điểm hết sức đặc trưng về nhận thức, giao tiếp, hành vi. Dạy lí thuyết đồng nghĩa với việc dạy thực hành cho trẻ. Những kiến thức văn hóa được dạy thông qua những đồ vật, sự vật, hình ảnh, mô hình… hoàn toàn mang tính hiện diện cụ thể trong đời sống hàng ngày của trẻ. Đối với từng dạng và mức độ khuyết tật khác nhau của trẻ mà mức độ dạy lí thuyết và thực hành có khác nhau, tuy nhiên không thể tách rời việc dạy lí thuyết và dạy thực hành cho trẻ khuyết tật thậm chí ngay trong từng bài dạy, từng tiết dạy. Sự thống nhất này đảm bảo cho trẻ khuyết tật không chỉ có được kiến thức cơ bản mà quan trọng hơn còn có được kĩ năng thực hành trực tiếp đồng thời ngay trong một khoảng thời gian nhất định. Có thể nói, đây là nguyên tắc có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của quá trình dạy học trẻ khuyết tật.

1.3.1.3. Nguyên tắc thống nhất giữa dạy tập thể với dạy cá nhân.

            Có hai hình thức dạy học trẻ khuyết tật là hình thức dạy theo nhóm đối tựng có cùng dạng khuyết tật (học chuyên biệt) và hình thức dạy học mà trẻ khuyết tật học chung với trẻ bình thường trong các trường, lớp phổ thông (học hòa nhập). Dù là hình thức dạy nào thì cần phải đảm bảo nguyên tắc này.

            Yêu cầu của nguyên tắc này đối với dạy học trẻ khuyết tật là giáo viên cần kết hợp thống nhất, đồng bộ và linh hoạt giữa việc truyền đạt những kiến thức bắt buộc mọi trẻ trong lớp phải tiếp thu đồng thời với việc truyền đạt kiến thức đã lựa chọn cho trẻ khuyết tật, dành sự hỗ trợ phù hợp về thời gian, tần suất và mức độ đảm bảo cho từng đối tượng trẻ khuyết tật được lĩnh hội một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần sử dụng một cách có hiệu quả sự giúp đỡ của nhóm bạ cũng như tổ chức các hoạt động học tập theo nhóm để những trẻ khác có cơ hội được hỗ trợ trẻ khuyết tật học tập.

Đồng thời, cần có những tiết dạy cá nhân cho trẻ khuyết tật (một thầy một trò) để bổ trợ cho trẻ khuyết tật những kiến thức, kỹ năng giáo viên còn chưa có điều kiện truyền đạt cho trẻ trong thời gian học chung với các bạn khác trong lớp.

1.3.1.4. Nguyên tắc dạy học đi trước sự phát triển

Nguyên tắc này dựa trên cơ sở của Học thuyết "Vùng phát triển gần" do nhà tâm lý học người Nga, L.S. Vư-gốt-xki nêu ra với tư tưởng "Dạy học đón đầu và đi trước sự phát triển". Những nội dung cơ bản liên quan đến dạy học của Học thuyết bao gồm:

Tại mỗi thời điểm nào đó trong sự phát triển của trẻ đều có hai trình độ: Trình độ phát triển hiện tại và trình độ phát triển gần nhất.

- Trình độ hiện tại được thể hiện ở sự chín muồi, sự kết thúc của chu trình phát triển cho tới thời điểm đó. Nếu giao nhiệm vụ trong trình độ này đứa trẻ có thể độc lập giải quyết nhiệm vụ đặt ra.

- Trình độ phát triển gần nhất bao hàm cả các quá trình chín muồi, đang hình thành và phát triển, được gọi là "vùng phát triển gần". Nếu giao nhiệm vụ ở trình độ này đứa trẻ chưa thể độc lập giải quyết được. Nhưng nếu có gợi mở hướng dẫn của người lớn thì chúng có thể hoàn thành được nhiệm vụ giao cho.

Như vậy, căn cứ vào "Vùng phát triển gần" của trẻ giúp chúng ta xác định tương lai của trẻ, xác định sự tương hỗ giữa quá trình dạy học và sự phát triển của trẻ, giúp chúng ta định hướng phát triển xa hơn không chỉ dừng lại ở những gì mà trẻ đạt được.

L.S. Vư-gốt-xki phê phán quan điểm dạy học cũ được định hướng theo trình độ hiện tại của trẻ, do đó chỉ giới hạn ở mức không vượt ra khỏi phạm vi của trình độ đó. Dạy học định hướng theo các chu kỳ phát triển đã chín muồi thì không có tác dụng gì đối với sự phát triển của trẻ, không tạo ra quá trình phát triển, chỉ bám theo sau sự phát triển.

Dấu hiệu cơ bản của dạy học là tạo ra được vùng phát triển gần nhất - tức là thức tỉnh đứa trẻ, kích thích và đưa ra một loạt các quá trình bên trong của sự phát triển đi vào chuyển động (những quá trình này bây giờ còn là những khả năng của trẻ trong phạm vi các mối quan hệ bạn bè, người xung quanh), trải qua quá trình phát triển sau này sẽ trở thành những thành quả bên trong của đứa trẻ.

Đối với dạy học trẻ khuyết tật nói chung, đặc biệt là đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ, ông cho rằng: "... Như chúng ta đã biết, trẻ chậm phát triển trí tuệ thì khả năng tư duy trừu tượng rất hạn chế. Từ đây các nhà sư phạm đã đưa ra kết luận về toàn bộ việc dạy học cho trẻ chậm phát triển trí tuệ phải dựa vào tính trực quan. Như vậy, chúng ta đã loại bỏ việc dạy học tất cả những gì có liên quan đến khả năng tư duy trừu tượng của trẻ. Chẳng những chúng ta không giúp trẻ khắc phục dược những khuyết tậ bẩm sinh mà còn tăng cường khuyết tật ấy, làm cho trẻ hoàn toàn quen với việc tư duy trực quan, làm tắt mất những mầm mống yếu ớt của tư duy trừu tượng ít hay nhiều cũng có ở trẻ này".

L.S. Vư-gốt-xki cho rằng, tư duy cụ thể là tính chất chung của mỗi trẻ khuyết tật. Sự kém phát triển hình thức tư duy bậc cao là trở ngại đầu tiên xuất hiện như Hội chứng thứ hai của khuyết tật. Đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể học được cách khái quát nhưng đây là quá trình diễn ra chậm hơn so với trẻ bình thường khác.

Trong quá trình dạy học trẻ khuyết tật, giáo viên phải nắm bắt được sự phát triển của trẻ, vốn hiểu biết, kỹ năng vận dụng, ... của trẻ để phán đoán những gì nằm trong "Vùng phát triển gần" có khả năng phát triển tiếp theo thông qua giao nhiệm vụ cụ thể ở từng môn học, bài viết, tiết học ... Từ đó, qua các môn học hình thành cho trẻ các biểu tượng, khái niệm ở xung quanh và trên cơ sở đó phát triển tư duy logic, khái quát trừu tượng.

Học thuyết "Vùng phát triển gần" cho phép đưa ra một cách dạy học mới đó là: Chỉ có cách hạy học nào đi trước sự phát triển mới là cách dạy học tốt, có hiệu quả và mới có thể phát triển trí tuệ của trẻ.

1.3.2. Một số các nguyên tắc dạy học ở trẻ khuyết tật khác

1.3.2.1. Nguyên tắc dạy học dựa vào những điểm mạnh của trẻ

Theo nhà tâm lý học người Mỹ Howard Garner, với Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn ở con người nổi tiếng (Theory of Multiple Intelligences), cho rằng con người có nhiều dạng trí khôn khác nhau, cơ cấu trí khôn hay trí tuệ của con người bao gồm: trí khôn tri giác cơ thể - tri giác vận động, trí khôn cá nhân, ... Những dạng trí khôn này không nhất thiết được bộc lộ hết ở mỗi con người. Không phải tất cả các trí khôn này đều phát triển đồng đều ở một con người, có những trí không phát triển mạnh và cũng có những trí khôn bị hạn chết và không thể được bộc lộ ra bên ngoài được. Con người nói chung có thể đạt tới nhiều thành tựu khi chỉ cần phát huy được một hay nhiều thành phần trí khôn. Hay nói cách ngược lại thì con người nếu bị khuyết khuyết hay mất đi một hay một số dạng trí khôn nào đó con người vẫn có thể đạt được những thành tựu không thấp.

Trẻ khuyết tật là những trẻ mà do khiếm khuyết về mặt thực thể đã dẫn đến sự suy giảm chức năng cơ thể và chức năng trí tuệ, chức năng nhận thức. Mỗi trẻ khuyết tậ là một bức tranh hết sức đa dạng và phong phú về tâm lý, tình cảm, nhận thức, hành vi, thái độ song mỗi trẻ có những điểm mạnh và những hạn chế nhất định trong nhân cách của mình. Không có trẻ khuyết tật nào là mất hết khả năng nhận thức hay mất hết trí khôn của mình.

Nguyên tắc này đưa ra yêu cầu trong quá trình dạy học trẻ khuyết tật là phải phát hiện dược mặt mạnh trong cấu trúc trí tuệ của trẻ khuyết tật, đó là công việc hết sức quan trọng của nhà giáo dục nói chung cũng như của người giáo viên. Trên cơ sở điểm mạnh đó, giáo viên có thể thiết kế mục đích, nội dung, phương pháp và hình thức dạy học phù hợp để phát huy những điểm mạnh của trẻ khuyết tật. Đồng thời giáo viên cũng cần phải hiểu rằng khó có thể đòi hỏi những điểm hạn chế của trẻ mà dù có cố gắng tác động thế nào đi chăng nữa cũng khó có thể đạt tới trình độ như những điểm mạnh khác trong chính bản thân đứa trẻ cũng như so với những trẻ em bình thường khác.

Do đó, nếu các hoạt động dạy học được thiết kế và tổ chức dựa trên mặt mạnh của trẻ thì sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.  Những khiếm khuyết về thể chất, tinh thần hay giác quan đã làm hạn chế năng lực học tập của trẻ. Giáo viên cần phải nhìn thấy điểm mạnh, chỉ ra cơ chế, khả năng thay thế bù trừ chức năng trong quá trình học tập của học sinh, từ đó tổ chức, tạo cơ hội cho chọ sinh sử dụng tối đa những năng lực còn lại như là điểm mạnh để tiến hành các hoạt động học tập. Có như vậy quá trình dạy học trẻ khuyết tậ mới có thể đạt chất lượng và hiệu quả cao được.

1.3.2.2. Nguyên tắc cá biệt hoá

Cá biệt hoá hay còn gọi là cá thể hoá trong quá trình dạy học đã được UNESCO đề cập đến với định nghĩa là "sự giáo dục mà nội dung quá trình học tập và giảng dạy được xác định bởi các nhu cầu, mong muốn của người học và họ tham gia tích cực vào việc hình thành và kiểm soát; sự giáo dục này huy động những nguồn lực và kinh nghiệm của người học".

Cá biệt hoá trong quá trình dạy học cũng chính là việc thực hiện quan điểm "Dạy học lấy học sinh là trung tâm", tức là dạy học cần phải hướng vào người học, vào việc hình thành và phát triển nhân các cho người học. Dạy học phải dựa vào chính đối tượng đồng thời là chủ thể của quá trình dạy học, bao gồm:

- Kinh nghiệm, trình độ hiện có của trẻ.

- Đặc điểm nhận thức hiện có của trẻ

- Khả năng và những điều kiện dạy và học cụ thể của trường, lớp, gia đình, địa phương, cộng đồng ...

Trên cơ sở đó, các tác giả K. Barry và L. King (1993), đã đề cao nhu cầu, lợi ích của người học, đề xuất việc thiết kế chương trình, nội dung học tập lấy lợi ích, nhu cầu của người học làm trung tâm.

Quá trình dạy học trẻ khuyết tật ở Việt Nam trong những năm qua có thể được coi là "thước đo" của việc thực hiện quan điểm trên. Mỗi trẻ khuyết tật như đã đề cập ở trên là một bức tranh hết sức đa dạng phong phú về trình độ, nhận thức, tình cảm, hành vi, ... Mỗi trẻ cần một chương trình giáo dục riêng, mỗi bài soạn giáo án hay kế hoạch dạy học của giáo viên cần có mục tiêu, nội dung, hoạt động dành cho trẻ nằm trong tổng thể chung của lớp học. Trên cơ sở đó, những hoạt động dạy học của giáo viên trong lớp sẽ được "hoà quyện" vào nhau nhưng vẫn nhằm vào từng đối tượng khác nhau của lớp học.

Cũng cần tranh quan điểm sai lầm trong thực tiễn các nhà trường hiện nay, cá biệt hoá tức là dành cho những học sinh cá biệt (chẳng hạn như học sinh hay nghịch ngợm, lười học, học kém, ...) hay những học sinh thuộc diện năng khiếu, chỉ những trẻ này mới áp dụng nguyên tắc cá biệt hoá.

Tất cả mọi trẻ em không trẻ nào giống trẻ nào về tất cả các lĩnh vực phát triển. Cá thể hoá tức là việc dạy học và giáo dục cần phải căn cứ vào đặc điểm của từng trẻ, vào khả năng, nhu cầu và hứng thú của từng em. Dạy học phát triển đến trình độ cao là dạy học thực hiện nguyên tắc cá biệt hoá một cách triệt để.

1.3.2.3. Nguyên tắc can thiệp giáo dục sớm trong dạy học

Can thiệp giáo dục sớm là những tác động mang tính giáo dục trong giai đoạn trước khi hoạt động dạy học đối với trẻ khuyết tật thực sự được diễn ra. Nó thể hiện mối quan hệ giữa quá trình giáo dục và dạy học thông qua việc trẻ được làm quen vá trang bị  trước một số kiến thức và kỹ năng nhất định để có thể tiếp thu, lĩnh hội kiến thức trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Can thiệp giáo dục sớm được diễn ra trong một giai đoạn học tập của trẻ khuyết tật đặc biệt là giai đoạn tiền học đường, tức là độ tuổi mẫu giáo. Đây là giai đoạn nhà trường mầm non phải có sự chuyển bị về mọi mặt, đặc biệt là tâm thế học tập, kiến thức cơ bản về tự nhiên, xã hội, về nhận biết các con số, con chữ, màu sắc, hình dáng đồ vật ...

Giáo viên cũng cần phát hiện trước những nguy cơ khuyết tật mới "tật thứ phát" có thể phát sinh nhằm có biện pháp ngăn ngừa cũng như khắc phục kịp thời. Từ đó, sẽ làm giảm thiểu những khó khăn do khuyết tật gây nên, làm cho nhiều mặt phát triển của trẻ bị trì trệ hoặc phát triển lệch hướng. Nếu để kéo dài không can thiệp, sự trì trệ hay phát triển lệch hướng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.

Nguyên tắc này còn đòi hỏi giáo viên trong toàn bộ quá trình dạy học của mình phải có sự chuẩn bị trước một số kiến thức và kỹ năng cơ bản của bài học tiếp theo, cung cấp trước cho trẻ khuyết tật thông qua các tiết học cá nhân vào cuối buổi học tiếp theo.

Nguyên tắc này cho thấy can thiệp giáo dục sớm là sự can thiệp giáo dục có chủ đích, có kế hoạch, có phương pháp của giáo viên nhằm tạo ra những tiền đề, điều kiện tốt nhất cho trẻ khuyết tật có đủ khả năng để tham gia các hoạt động học tập tiếp theo đạt hiệu quả tốt nhất.

 

Lượt xem : 7849 Người đăng : Kim Phiến

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo