Trang chủ --> Giáo dục trẻ khuyết tật --> . Nhiệm vụ dạy học trẻ khuyết tật
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

. Nhiệm vụ dạy học trẻ khuyết tật

1.2.2. Nhiệm vụ dạy học trẻ khuyết tật

            Có thể coi quá trình dạy học trẻ khuyết tật mặc dù có những đặc điểm riêng song thực chất vẫn là quá trình dạy học nói chung. Do đó, quá trình dạy học trẻ khuyết tật cũng có các nhiệm vụ dạy học cơ bản như quá trình dạy học nói chung.

1.2.2.1. Nhiệm vụ dạy học chung

            Theo GS.TS Phạm Việt Vương, quá trình dạy học có 3 nhiệm vụ cơ bản gắn bó chặt chẽ và tác động biện chứng với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển, gồm:

            - Cung cấp cho học sinh một hệ thống kiến thức khoa học toàn diện về tự nhiên, xã hội, tư duy, về kĩ thuật và nghệ thuật… cùng với nó là hệ thống kĩ năng thực hành và phương pháp tư duy sáng tạo;

            - Trên cơ sở cung cấp kiến thức khoa học, rèn luyện kĩ năng thực hành, với các mức độ khó khác nhau, "đi trước", "đón đầu" để hướng dẫn phát triển trí tuệ cho người học. Trong học tập, học sinh luôn phải có những cố gắng, nỗ lực, phải vươn lên để nắm vững kiến thức, rèn luyện phương pháp tư duy sáng tạo.

            - Dạy học là một bộ phận của quá trình sư phạm, là một hoạt động có mục đích, có kế hoạch. Mục đích cuối cùng là hình thành các phẩm chất nhân cách cho học sinh.

            Trong quá trình dạy học trẻ khuyết tật, ba nhiệm vụ trên được cụ thể hóa thành những nhiệm vụ hay mục tiêu cụ thể hơn và tùy vào từng dạng trẻ khuyết tật mà những nhiệm vụ này có thể được áp dụng cho phù hợp.

1.2.2.2. Những nhiệm vụ dạy học trẻ khuyết tật cụ thể

·                      Cơ sở xác định nhiệm vụ dạy học trẻ khuyết tật cụ thể:

            Nhiệm vụ dạy học trẻ khuyết tật được xác định dựa trên những căn cứ cơ bản sau:

            - Ba nhiệm vụ dạy học phổ thông đã được xác định rõ trong mục tiêu dạy học của hệ thống giáo dục quốc dân nước ta (như trên).

            - Cơ sở về đặc điểm nhận thức, giao tiếp, hành vi cũng như nhu cầu phát triển của trẻ khuyết tật.

            - Điều kiện kinh tế, môi trường và hoàn cảnh sống của gia đình và bản thân trẻ khuyết tật, điều kiện phương tiện, cơ sở vật chất của nhà trường, lớp học nơi trẻ khuyết tật theo học.

·                      Những nhiệm vụ dạy học trẻ khuyết tật cụ thể:

            - Cung cấp cho trẻ khuyết tật những kiến thức và kĩ năng văn hóa cơ bản phù hợp với trình độ và khả năng nhận thức của trẻ có các dạng khuyết tật khác nhau, đạt trình độ phổ cập tương đương với trẻ bình thường có thể trong cùng thời gian và môi trường giáo dục.

            - Trang bị một hệ thống kĩ năng xã hội đảm bảo cho trẻ khuyết tật có thể hoạt động và sinh hoạt một cách càng bình thường càng tốt trong các môi trường khác nhau tại gia đình, cộng đồng, nhà trường. Hệ thống kĩ năng này trước hết cũng là hệ thống kĩ năng dành cho trẻ bình thường cùng độ tuổi song cũng cần phải phù hợp với khả năng lĩnh hội và sử dụng của từng dạng trẻ khuyết tật.

            - Nhờ hệ thống kiến thức và kĩ năng trẻ khuyết tật được cung cấp góp phần cải thiện tình trạng giảm sút các chức năng do khuyết tật gây nên, đồng thời tạo cơ hội cho việc tận dụng và phát huy một cách tối đa những năng lực còn lại của trẻ khuyết tật.

            - Nhiệm vụ hướng nghiệp và dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Đây là một nhiệm vụ quan trọng vì mục đích cuối cùng của dạy học là phát triển nhân cách và trẻ khuyết tật có thể sống một cách càng độc lập, càng tự lập càng tốt bằng một nghề hay một công việc có thu nhập đảm bảo cuộc sống của trẻ.

            Như vậy, nhiệm vụ dạy học trẻ khuyết tật cơ bản được xác định là những nhiệm vụ dạy học nói chung song được cụ thể, chi tiết hóa hơn giúp giáo viên xác định được những công việc cần phải tiến hành nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trên trong dạy học trẻ khuyết tật.

1.2.3. Động lực của quá trình dạy học trẻ khuyết tật.

            Theo quan điểm triết học, dạy học trẻ khuyết tật là một quá trình vận động, biến đổi và phát triển không ngừng. Cả hai chủ thể trong quá trình dạy học đều có những sự biến đổi to lớn về chất được xác định bằng sự phát triển ở trẻ thông qua quá trình lĩnh hội những kiến thức, kĩ năng, sự thay đổi trong hành vi và việc hình thành các phẩm chất trong nhân cách của trẻ khuyết tật.

            Sự phát triển của quá trình dạy học là quá trình nảy sinh và giải quyết liên tục các mâu thuẫn của nó. Quá trình dạy học trẻ khuyết tật là một quá trình hết sức phức tạp, có nhiều mâu thuẫn luôn phát sinh và đòi hỏi phải được giáo viên và trẻ khuyết tật nỗ lực giải quyết. Những mâu thuẫn xuất hiện trong quá trình này có thể kể đến như:

            - Mâu thuẫn giữa toàn bộ quá trình dạy học trẻ khuyết tật trong môi trường dạy học phổ thông mà chủ yếu là dành cho đối tượng trẻ em bình thường về nhận thức, tâm lí, hành vi…

            - Mâu thuẫn giữa mục đích, nội dung dạy học phổ thông đòi hỏi được điều chỉnh để áp dụng cho mục đích dạy học trẻ khuyết tật.

            - Mâu thuẫn giữa sử dụng các phương phap dạy học trong lớp phổ thông bình thường với việc áp dụng các phương pháp đặc thù dành riêng cho trẻ khuyết tật.

            - Mâu thuẫn giữa yêu cầu về nội dung, thời gian của chương trình, môn học, bài học, tiết học với trình độ nhận thức hết sức hạn chết và đòi hỏi nhiều thời gian để tiếp thu, lĩnh hội của trẻ khuyết tật cũng như sự nỗ lực hết sức mình của giáo viên. Đây chính là mâu thuẫn cơ bản nhất, giải quyết được mâu thuẫn này sẽ trở thành động lực của quá trình dạy học trẻ khuyết tật.

            Tuy nhiên, bên cạnh động lực do yêu cầu khách quan bên ngoài và trình độ hiện tại của trẻ khuyết tật, còn có một yếu tố không kém phần quan trọng để thúc đẩy quá trình dạy học phát triển đó chính là bản thân đứa trẻ khuyết tật. Theo quan điểm của giáo dục trẻ khuyết tật hiện tại thì trẻ khuyết tật với những hạn chế do khuyết tật gây nên chúng phát triển theo chiều hướng mà mỗi cá nhân trẻ cảm nhận được từ chính khuyết tật của mình. Mặc dù khuyết tật gây những trở ngại nhất định cho trẻ trong hoạt động nhận thức, học tập cũng như giao tiếp, song cũng chính điều này lại là yếu tốt kích thích trẻ khuyết tật vươn lên phía trước, làm xuất hiện xu hướng mong muốn và sức mạnh vượt qua trở ngại khuyết tật: "Đứa trẻ sẽ muốn nhìn tất cả nếu như nó bị cận thị; muốn nghe tất cả nếu như tai nó bị khiếm khuyết; muốn nói nếu như nó gặp khó khăn trong việc thể hiện ngôn ngữ hay bị nói lắp". (Theo A.Adler, bác sĩ tâm thần người Áo).

            Như vậy, động lực của quá trình dạy học mặc dù vẫn tuân theo quy luật chung của quá trình dạy học tức là quá trình chuyển yêu cầu, nội dung dạy học thành nhu cầu nhận thức của bản thân nhưng quá trình dạy học mà trực tiếp là người giáo viên cần biết khai thác và tác động làm sao cho xu hướng vươn lên và khát vọng vượt qua khuyết tật của trẻ trở thành sức mạnh của chính đứa trẻ khuyết tật, từ đó tạo động lực bên trong, trực tiếp để trẻ khuyết tật không ngừng học tập, vượt qua mặc cảm, tận dụng những khả năng dù không toàn diện, trọn vẹn còn lại để tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, kĩ năng, bù đắp lại những thiếu hụt do khuyết tật gây ra. Trong dạy học trẻ khuyết tật, chính nỗ lực ý chí của trẻ khuyết tật đôi khi quyết định sự thành bại của quá trình dạy học cũng như sự thành bại của chính bản thân trẻ khuyết tật trong cuộc sống hiện tại và tương lại.

            Do đó, quá trình dạy học trẻ khuyết tật không chỉ là việc giải quyết các mâu thuẫn đã nêu ở trên mà cần phải tạo động lực, phát huy ý chí, nghị lực của trẻ khuyết tật trong học tập tạo nên động lực tổng thể thúc đẩy quá trình dạy học trẻ khuyết tật không ngừng phát triển.

 

Lượt xem : 2479 Người đăng : Kim Phiến

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo