Trang chủ --> Giáo dục trẻ khuyết tật --> Đặc điểm hành vi trẻ chậm phát triển trí tuệ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Đặc điểm hành vi trẻ chậm phát triển trí tuệ

1.1.4.3. Đặc điểm hành vi trẻ chậm phát triển trí tuệ

          Hành vi trẻ chậm phát triển trí tuệ được các nhà khoa học biết đến như là một thách thức lớn không chỉ cho người giáo viên trực tiếp dạy học cho đối tượng này trong lớp học mà còn cho cả các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Trong tổng số trẻ chậm phát triển trí tuệ thì có tới 40% trẻ có những biểu hiện hành vi lệch chuẩn (hành vi bất thường). Đặc điểm hành vi của trẻ chậm phát triển trí tuệ được thể hiện trên 3 cấp độ: tự ý thức, tự nhận thức và tự ý thức về mặt xã hội và các kĩ năng xã hội.

·                     Tự ý thức:

          Tự ý thức được hiểu như là khả năng tự nhận thức mặt tình cảm, xã hội về chính bản thân cũng như về những người xung quanh có được qua việc ghi nhớ và trải nghiệm những tương tác trong đời sống thực của một cá nhân. Liên quan đến trẻ chậm phát triển trí tuệ thì điều này rất có giá trị vì chỉ cần một trong các yếu tố của tự ý thức bị hạn chế sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến các yếu tố còn lại.

          Theo Lí thuyết phát triển nhận thức thì sự phát triển tự ý thức phụ thuộc vào sự hoàn thiện của quá trình nhận thức. Một cách rõ ràng là có những trẻ sẽ bị trì hoãn sự phát triển nhận thức và có thể sẽ không đạt được sự phát triển tự ý thức của giai đoạn tiếp theo. Đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ, khả năng nhận thức hạn chế sẽ kéo theo tự ý thức của trẻ chỉ đạt đến một giai đoạn nhất định trong các giai đoạn phát triển mà thôi.

          Như vậy, hành vi của trẻ chậm phát triển trí tuệ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những đặc điểm phát triển đặc trưng về nhận thức của mỗi giai đoạn. Nếu trẻ chậm phát triển trí tuệ khó phản ảnh, nhận thức được những cảm nhận của chính bản thân mình, trẻ sẽ khó kiềm chế nổi những hành vi tự phát, không mong đợi của chính bản thân mình xuất hiện, trẻ cũng khó xác định và khó có khả năng tự ý thức điều chỉnh, điều khiển các hành vi đó trở nên bình thường. Khi tương tác với môi trường xã hội xung quanh, trẻ CPTTT khó phát hiện những hành vi không hợp chuẩn của mình hoặc cớ sự khác biệt so với mọi người. Mức độ tự nhận thức, phát hiện, so sánh và điều chỉnh hành vi phù hợp với trẻ có hạn chế đáng kể. Trẻ cũng khó khăn trong nhận diện, xác định cách thể hiện hành vi phù hợp với tình huống, bối cảnh khác nhau và đặc biệt trong việc phân định vị trí, vai trò của mối quan hệ thứ bậc trong gia đình và cộng đồng.

·                     Tự nhận thức:

          Tự nhận thức bao gồm khả năng liên kết giữa các phản ứng mang tính tự ý thức, khả năng tự nhận thức được tình cảm và nhu cầu của người khác và khả năng giữ cân bằng, duy trì nội tâm bền vững và những vấn đề đã trải nghiệm.

          Như đã đề cập, tự nhận thức của trẻ chậm phát triển trí tuệ chỉ phát triển đến một mức độ hay giai đoạn nhất định và thường không đạt đến giai đoạn phát triển cao hơn. Trẻ thường khó có thể phát huy được khả năng tự nhận thức do thiếu khả năng kiểm soát hành vi trong việc thể hiện mức độ liên kết phù hợp giữa sự biểu đạt nhu cầu và khả năng bản thân phù hợp với mong đợi của giáo viên, bạn bè và những người xung quanh.

·                     Tự ý thức về mặt xã hội và các kĩ năng xã hội:

          Tất cả mọi người: cha mẹ, giáo viên, bạn bè, đều nhận thấy trẻ chậm phát triển trí tuệ bị thiếu hụt những kĩ năng xã hội là do những nguyên nhân :

          - Không hiểu vấn đề do thiếu tập trung chú ý đối với những dấu hiệu và chi tiết của thông tin.

          - Không lựa chọn sử dụng được thông tin một cách phù hợp.

          - Không liên kết các thông tin với thông tin đã thu lượm được từ trước.

          - Không đưa ra được những phản hồi phù hợp với bối cảnh đòi hỏi nhiều giải pháp.

          Không có khả năng kiểm soát được thông tin.

          Những thất bại trong quá trình xử lí thông tin làm cho trẻ CPTTT có cảm giác: không được tự tin trong các tình huống: có cảm giác vô dung, không làm được gì, lệ thuộc vào người khác và thấy mình không có ý nghĩa gì.

          Cảm giác vô dụng được đề cập đến như là việc một cá nhân luôn luôn gặp thất bại trong các tình huống nhiều sức ép dẫn đến việc giảm nhiệt huyết để hoàn thành một công việc nào đó.

          Việc "gắn mác, gọi tên, coi thường và không tôn trọng" của giáo viên và những người xung quanh đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ sẽ là những nguyên nhân làm cho trẻ có cái nhìn tiêu cực về chính bản thân mình.

          Những trải nghiệm thất bại ở trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể sẽ làm giảm lòng tự trọng và thậm chí xuất hiện trầm cảm ở cá nhân: trẻ tự nhận thức mang tính tiêu cực, kinh nghiệm tiêu cực, nhìn nhận tương lai tiêu cực.

          Cảm giác vô dụng của trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể có những liên quan đến trầm cảm. Về phương diện này, rất nhiều ý kiến cho rằng rối loạn về trầm cảm có liên quan chủ yếu tới sự thiếu hụt trong học tập và nhận thức. Tuy nhiên, không thể khẳng định giữa tính trầm cảm và chậm phát triển trí tuệ có mối liên hệ nhân quả. Song những người chăm sóc và giáo viên cần ý thức được vấn đề là tính trầm cảm có thể đóng một vai trò quan trọng đối với việc làm tăng sự trì trệ trong hoạt động nhận thức của trẻ chậm phát triển trí tuệ.

          Trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng thường gặp những khó khăn về khả năng tự diễn đạt nhu cầu và các suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của bản thân. Được nhận và cảm nhận được sự quan tâm tích cực vô điều kiện là cơ sở quan trọng để phát triển tình cảm lành mạnh. Trong môi trường giáo dục thì những kết quả đạt được về học tập, nhất là trong việc giao tiếp bằng ngôn ngữ nói và viết có ý nghĩa quan trọng đối với việc khuyến khích học sinh tự diễn đạt. Tuy nhiên, những nỗ lực tích cực của trẻ chậm phát triển trí tuệ thì thường lại không được đánh giá cao về các mặt như không có tính phê phán, trực tiếp hướng cuộc giao tiếp vào chủ đề; không có khả năng trong quá trình điều đình và đưa ra quyết định; thường không hiểu được chi tiết hay ý nghĩa của giao tiếp. Do đó ở trẻ thường xuất hiện:

          - Cảm giác xấu hổ về khả năng hạn chế của bản thân.

          - Có thể dẫn đến việc nói dối, tạo ra một thế giới riêng cho bản thân.

          - Khó khăn trong việc tự diễn đạt trong quá trình giao tiếp.

          - Cảm giác không an toàn khi mắc lỗi.

          Đây chính là những nguyên nhân làm xuất hiện hành vi không phù hợp của trẻ chậm phát triển trí tuệ  trong các tình huống xã hội. Đa số các trẻ chậm phát triển trí tuệ xuất hiện hành vi điển hình để chống lại cảm giác vô dụng, bối rối của mình. Hành vi trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể xuất hiện dưới kiểu hành vi sau:

          - Hành vi hướng nội: Trầm cảm, sợ hãi, bối rối, thu mình lại, tự làm tổn thương mình…

          - Hành vi hướng ngoại: Hung hăng, làm tổn thương hay tấn công người khác, tăng động/ giảm tập trung, quấy rối…      

          Trong dạy học và giáo dục, hiểu được những tác động từ môi trường xã hội, các trải nghiệm của trẻ và những cảm giác của trẻ về nhận thức xã hội có ý nghĩa quan trọng trong xác định và điều chỉnh hành vi không phù hợp của trẻ chậm phát triển trí tuệ. Giáo viên cần:

          - Tiếp xúc ngay từ đầu và không nên gây áp lực đối với những trẻ chậm phát triển trí tuệ.

          - Tạo các cơ hội bình đẳng về tự diễn đạt.

          - Tạo cơ hội để diễn đạt tình cảm thực và hiểu biết mặc dù có thể không biết chính xác những tình cảm thực và hiểu biết đó cụ thể là gì.

          - Được thừa nhận giá trị về tự khẳng định.

          Hành vi trẻ chậm phát triển trí tuệ rất phong phú, đa dạng và phức tạp. Những biểu hiện hành vi trẻ chậm phát triển trí tuệ phụ thuộc rất nhiều vào những tương tác xã hội sớm để có được cách thể hiện những mong muốn bản thân, nhận thấy mình có ý nghĩa và mong muốn được tương tác với những người khác… giáo viên cần hết sức lưu ý khi dạy học đối tượng này trong lớp học. Tuy nhiên, hành vi trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng tương tự như những trẻ bình thường khác mặc dù có sự khác biệt về chất lượng.

          Có thể thấy, hành vi của trẻ khuyết tật là một trong những đặc trưng hết sức cơ bản liên quan trực tiếp đến toàn bộ quá trình dạy học và quá trình nhận thức của trẻ. Hiểu được những đặc điểm hành vi của từng dạng trẻ khuyết tật sẽ giúp cho giáo viên có được những phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp, mang lại hiệu quả cao của quá trình dạy học.

          Tóm lại: Từ phân tích trên đây về đặc điểm của trẻ khuyết tật liên quan đến quá trình dạy học, người giáo viên cần chú ý đến những vấn đề chủ yếu sau:

          1. Mọi trẻ đều có thể học được, tất cả mọi trẻ khuyết tật cũng đều có thể học được. Trẻ khuyết tật, do những hạn chế khuyết tật gây nên có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn trong việc lĩnh hội một đơn vị kiến thức, số lượng đơn vị kiến thức ít hơn và mức độ khó của kiến thức sẽ thấp hơn so với trẻ bình thường, những vẫn có thể học được.

          2. Bên cạnh việc học các kiến thức thì trẻ khuyết tật ũng cần phải học tất cả các kĩ năng xã hội khác mà trẻ bình thường học và sử dụng đặc biệt là những kĩ năng tự phục vụ, kĩ năng giao tiếp ứng xử, kĩ năng nghề nghiệp… Điều này nhằm giúp trẻ đạt được mức độ cao nhất của sự độc lập trong hoạt động cá thể, cộng đồng và là thành viên tích cực của xã hội sau này.

          3. Quá trình nhận thức của trẻ khuyết tật cũng tuân theo quy luật nhận thức chung của con người. Vì vậy, ngay sau khi trẻ được phát hiện có khuyết tật, cần tiến hành ngay công tác lập kế hoạch hỗ trợ dạy học và giáo dục đặc biệt nhằm hạn chế đến mức tối đa những ảnh hưởng tiêu cực do khuyết tật gây nên và phát huy điểm tích cực trong các lĩnh vực phát triển của trẻ. Công việc này được tiến hành càng sớm càng tốt.

          4. Việc dạy học cho trẻ khuyết tật không chỉ đơn thuần là công việc của người giáo viên với các giờ học ở nhà trường, trong lớp học. Dạy học cho trẻ khuyết tật còn do những "thầy giáo" quan trọng khác thực hiện ở những môi trường khác nhau như cha mẹ hay những người trực tiếp chăm sóc trẻ tại gia đình, bạn bè tại khu vực cộng đồng nơi trẻ khuyết tật sống…

          5. Mỗi trẻ khuyết tật khác nhau về tất cả các lĩnh vực phát triển như nhận thức, tâm lí - tình cảm, ngôn ngữ và giao tiếp, hành vi… Dạy học và giáo dục trẻ khuyết tật phải luôn luôn gắn liền và thống nhất với nhau. Việc dạy học cần phải dựa vào chương trình giáo dục cá nhân. Chương trình này cần được xây dựng trên cơ sở nhu cầu, khả năng của trẻ, phù hợp với ý kiến về giáo dục của cha mẹ, nhu cầu và khả năng của gia đình trẻ. Kế hoạch dạy học cho từng trẻ khuyết tật được xây dựng và thực hiện dựa trên chương trình giáo dục cá nhận này.

 

Lượt xem : 15392 Người đăng : Kim Phiến

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo