Trang chủ --> Giáo dục trẻ khuyết tật --> Đặc điểm hoạt động nhận thức của trẻ chậm phát triển trí tuệ.
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Đặc điểm hoạt động nhận thức của trẻ chậm phát triển trí tuệ.

c) Đặc điểm hoạt động nhận thức của trẻ chậm phát triển trí tuệ.

          Hầu hết trẻ chậm phát triển trí tuệ được xác định nguyên nhân do tổn thương thực thể não bộ vì vậy ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hoạt động của hệ thần kinh cấp cao và hoạt động ngôn ngữ. Những đặc điểm hoạt động nhận thức của trẻ chậm phát triển trí tuệ là hệ quả tất yếu của sự ảnh hưởng này, do đó nó là điển hình và rõ nét nhất trong số các dạng trẻ khuyết tật khác.

·                     Nhận thức cảm tính của trẻ chậm phát triển trí tuệ:

          Nhiều công trình nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu quá trình tri giác của trẻ chậm phát triển trí tuệ và đã chỉ ra 3 đặc điểm sau đây:

          - Tốc độ của sự tri giác chậm chạp, khối lượng tri giác hạn chế.

          Người ta đã thực hiện một bài trắc nghiệm sau: Đưa ra 2 nhóm trẻ (bình thường và chậm phát triển trí tuệ) 2 bộ tranh trong đó vẽ 25 đối tượng khác nhau như: chó, mèo, lợn, gà… Yêu cầu các em nhận biết các bức tranh đó trong thời gian nhất định. Kết quả trắc nghiệm này đạt được như sau:

Nhóm

Thời gian

Số lượng đối tượng nhận biết lần thứ 1 (%)

Số lượng đối tượng nhận biết lần thứ 2 (%)

Nhóm chậm phát triển trí tuệ (6 - 7 tuổi)

20 giây

12%

55%

Nhóm trẻ bình thường

(6 tuổi)

20 giây

57%

95%

 

          Trắc nghiệm thứ 2: Yêu cầu các em đứng trên tầng nhà quan sát phong cảnh thiên nhiên, con người và các phương tiện giao thông đang chuyển động và chỉ ra những gì các em trông thấy. Kết quả cho thấy số lượng con người, sự vật và hiện tượng trẻ chậm phát triển trí tuệ quan sát được chỉ bằng 30% so với trẻ bình thường. Điều này cho thấy một cách rõ ràng khả năng nhìn vật động của trẻ chậm phát triển trí tuệ kém xa so với trẻ em bình thường. những trẻ này khi đi trên đường thường khó khăn hơn trong việc nhận biết được sự thay đổi xung quanh, ít đưa ra được lời nhận xét như trẻ bình thường. Do sự tri giác hẹp, nghèo nàn nên đã cản trở sự định lượng của các em trong hoàn cảnh mới lạ, khó khăn khi xem xét các mối liên hệ, quan hệ giữa các đối tượng.   

          - Khó khăn trong phân biệt các sự vật hiện tượng.  

          Sự khó khăn này của trẻ chậm phát triển trí tuệ được thể hiện rất rõ trong phân biệt màu sắc, những nét tạo nên sự khác nhau hay giống nhau giữa các sự vật hiện tượng, kích cỡ, hình dáng, cấu trúc của sự vật và cao hơn là những đặc điểm đặc thù của đối tượng.

          - Thiếu tính tích cực trong quá trình nhận thức.

          Một đặc điểm hết sức quan trọng trong nhận thức cảm tính của trẻ chậm phát triển trí tuệ và có liên quan trực tiếp đến quá trình tâm lí và trạng thái chú ý là khi quan sát một đối tượng hay một bức tranh trẻ thường quan sát qua loa, không quan sát các chi tiết, không hiểu được rõ nội dung và thường chỉ quan sát trong một thời gian ngắn sau đó lại chuyển sang hoạt động khác.

          Tri giác xúc giác của trẻ chậm phát triển trí tuệ kém xa với trẻ bình thường. Cảm giác về nhiệt độ yếu, chẳng hạn như trẻ khó nhận biết được thời tiết nóng hay lạnh, thường có những phản ứng chậm với sự tác động thậm chí là trực tiếp của các tác nhân về nhiệt độ và điều này thường dẫn đến những tổn thương cơ thể do tác động của nhiệt độ gây ra với trẻ. Cảm giác về vận động cơ thể đồng thời cũng là một hạn chế rất lớn ở trẻ. Điều này được thể hiện ở sự vận động của trẻ rất vụng về, chậm chạp, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan vận động (cơ thể, tay, mắt…), thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan dẫn đến sự vận động cơ thể của trẻ thường có nhiều động tác thừa và gây khó khăn cho sự định hướng trong môi trường xung quanh của trẻ.

          Phản ứng với lời nói âm thanh chậm cũng là một đặc điểm quan trọng cảu trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ dường như "nghe mà như không nghe thấy, nhìn mà như không nhìn thấy" điều này đã gây cản trở rất lớn cho trẻ trong học đọc, học nói cũng như trong một lĩnh vực hoạt động nhận thức nói chung.

·                     Đặc điểm trí nhớ của trẻ chậm phát triển trí tuệ:

          Chậm nhớ - nhanh quên: Hiện tượng này là một đặc điểm trí nhớ nổi bật của trẻ chậm phát triển trí tuệ. So với trẻ bình thường, số lượng đối tượng khác nhau trong trí nhớ ngắn hạn (hay bộ nhớ hoạt động) của trẻ này ít hơn hẳn; trẻ rất khó nhớ được các thông tin mang tính trừu tượng và khi cần hồi tưởng (lấy lại thông tin trong bộ nhớ dài hạn) thì trẻ thường nhớ không chính xác hoặc quên thậm chí trong một thời gian rất ngắn…

          Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng tất cả trẻ chậm phát triển trí tuệ đều gặp khó khăn và chậm chạp trong vấn dề lĩnh hội các kiến thức mới. Nếu các mối quan hệ mới có được hình thành thì cũng phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần trẻ mới nhớ được. Hầu hết trẻ chậm phát triển trí tuệ thường hay quên những gì mà không liên quan đến nhu cầu và mong đợi của bản thân. Vì thế các môn học như toán, ngữ pháp là rất khó khăn với trẻ và rất chóng quên. Nguyên nhân của hiện tượng tiếp thu cái mới chậm chạp, ghi nhớ có khó khăn, theo Páplốp là do yếu chức năng khép kín của vỏ não, yếu ức chế tích cực bên trong nên đã gây ra hiện tựng khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ có điều kiện, thiếu tập trung của các vùng kích thích dẫn tới tình trạng nhớ tài liệu mới không chính xác. Chống quên cho trẻ chậm phát triển trí tuệ là một vấn đề khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của giáo viên trong việc sử dụng các phương pháp sư phạm hợp lí, trước hết phải có kế hoạch luyện tập thường xuyên, ôn luyện tại nhà trường kết hợp ôn tập tại nhà. Ôn tập kết hợp với quan sát trực quan cụ thể các sự vật hiện tượng. Có những kiến thức cần ôn tập trong điều kiện hoạt động vui chơi tham quan, quan sát… Thời gian dành cho hoạt động trí tuệ phải hợp lí, không làm cho các em quá căng thẳng thần kinh, luân phiên ôn tập xen kẽ giữa các môn học, luân phiên giữa nghỉ ngơi, thư giãn và học tập..

          Ghi nhớ máy móc tốt hơn ghi nhớ có ý nghĩa: Trẻ chậm phát triển trí tuệ thực hiện cách ghi nhớ thứ nhất là ghi nhớ máy móc (nhớ nhưng chưa hiểu). Ví dụ, khi quan sát con chim, trẻ chú ý một đặc điểm là chim thì bay được, sau đó giáo viên cho trẻ quan sát về côn trùng hay con bướm đang bay thì trẻ nói côn trùng và bướm đều là chim (vì bay được). Điều đó để nói lên rằng trẻ chậm phát triển trí tuệ chỉ ghi nhớ những dấu hiệu bên ngoài, còn ghi nhớ có ý nghĩa hay ghi nhớ logíc đối với các em cực kì khó khăn.

·                     Nhận thức lí tính của trẻ chậm phát triển trí tuệ:

          Nhiều nhà khoa học cũng như các công trình nghiên cứu cho rằng, tư duy của trẻ chậm phát triển trí tuệ  chỉ dừng ở mức độ tư duy hành động cụ thể và không thể đạt đến trình độ của tư duy trừu tượng. Tuy nhiên, theo nhà tâm lí học người Nga L.X. Vư-gốt-xki thì tư duy của trẻ chậm phát triển trí tuệ vẫn còn có những mầm mống của tư duy trừu tượng, nếu như giáo viên có những biện pháp dạy học phù hợp trong đó cần chú ý lược bỏ dần việc lặp đi lặp lại việc sử dụng những đồ dùng dùng trực quan và dần thay thế chúng bằng những khái niệm đơn giản thì tư duy chậm phát triển trí tuệ hoàn toàn có thể đạt đến trình độ của tư duy trừu tượng ở mức độ thấp .

          Tư duy cụ thể:Tư duy của trẻ chậm phát triển trí tuệ mang tính cụ thể, trực quan. Trẻ thường quan sát đối tượng bằng vật thật, bằng hành động cụ thể như sờ, nắm, ngửi, nếm… đồng thời trẻ chỉ có thể nhận biết từng phần, từng bộ phận riêng biệt, không nắm được cấu trúc cũng như đặc điểm chung của sự vật, hiện tượng, không nắm được nét cơ bản cho mọi đối tượng. Cao hơn, trẻ khó hiểu được các chỉ dẫn bằng lời trong các hoạt động nhận thức, trong các trò chơi,… Chẳng hạn, khi trẻ có 2 con gấu  và xếp số 2 bên cạnh thì trẻ có thể nói là 2 con gấu và số 2. Nhưng khi bỏ 2 con gấu ra chỉ cong số 2 thì trẻ không nhận biết và không đọc được số 2. Với đặc điểm này thì rất khó khăn cho việc phát triển tư duy trừu tượng đối với trẻ này.

          Tư duy khái quát: Điều này được thể hiện ở chỗ trẻ chậm phát triển trí tuệ rất khó khăn trong việc nắm các quy tắc và khái niệm. Trẻ có thể học thuộc lòng được các quy tắc nhưng không hiểu hết ý nghĩa, không biết sử dụng các quy tắc đó vào thời điểm nào, lúc nào, vì vậy, trẻ học toán và ngữ pháp là hết sức khó khăn.

          Tuy nhiên, những trẻ chậm phát triển trí tuệ ở lớp trên, những trẻ đã được đến trường học tập bao giờ cũng thực hiện các thao tác tư duy tốt hơn những trẻ học lớp dưới hoặc chưa được đi học bao giờ. Điều đó chứng tỏ nhà trường đã dạy cho trẻ cách suy nghĩ, cách tư duy L.X. Vư-gốt-xki cho rằng tư duy cụ thể trực quan mang tính chất chung cho mọi trẻ chậm phát triển trí tuệ. Sự kém phát triển tư duy bậc cao là trở ngại đầu tiên xuất hiện như hội chứng thứ hai của loại trẻ này. Nhưng trở ngại đó không nhất thiết bao giờ cũng xuất hiện. Theo Vư-gốt-xki thì trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể học được khái quát nhưng đây là quá trình diễn ra chậm hơn rất nhiều so với trẻ bình thường.

          Phát triển tư duy cho trẻ chậm phát triển trí tuệ là việc làm khó khưn, lâu dài nhưng có thể thực hiện được nếu giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Phương pháp trực quan rất cần thiết trong quá trình giáo dục nhưng không được dừng lại tại đây. Nhiệm vụ của giáo viên là phải tìm phương pháp tốt nhất, giúp đỡ trẻ dứt bỏ dần các biểu tượng cụ thể, riêng lẻ, tiến đến mức độ nhận thức cao hơn đó là sự khái quát tư duy bằng lời.

          Tính liên tục trong tư duy: Thể hiện tính không liên tục trong tư duy của trẻ và biểu hiện đầu tiên ở những trẻ này là khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ thì thường có kết quả đúng nhưng càng về sau thì sai sót càng nhiều, tư duy rối loạn, thiếu sự tập trung chú ý. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do trương lực thần kinh yếu, tâm vận động không đều dẫn đến sự mệt mỏi nhanh của hệ thần kinh đồng thời do tác động từ môi trường lớp học của những học sinh bình thường khác dễ gây căng thẳng cho trẻ. Cần có chế độ nghỉ ngơi học tập vừa sức, tránh những kích thích mạnh làm cho trẻ chóng mệt mỏi.

          Tư duy logic kém: Trẻ thường không vận dụng được các thao tác tư duy đối với các hành động trí tuệ. Không định hướng được trình tự trước khi thực hiện nhiệm vụ, khi thực hiện thì lẫn lộn giữa các bước. Trẻ khó vận dụng những kiến thức học được vào việc giải quyết các tình huống thực hiện.

          Tính phê phán, nhận xét: Tư duy trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng thường biểu hiện tính thiếu phê phán, nhận xét. Trong các hoạt động hay thực hiện nhiệm vụ trẻ thường khó xác định cái gì là đúng hay sai nên không điều khiển được hành vi của mình.

Lượt xem : 11966 Người đăng : Kim Phiến

Bình luận

Lưu Thị Kim Vàng

em đang tìm hiểu đặc điểm nhận thức tư duy và tưởng tượng của trẻ chậm phát triển ạ, em đã thử tìm nhiều tài liệu nhưng chỉ thấy nói về đặc điểm nhận thức tư duy chứ không có tưởng tượng. anh chị có thể cung cấp cho em thêm thông tin về đặc điểm tưởng tượng của trẻ chậm phát triển được không ạ. em cảm ơn ạ.

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo