Trang chủ --> Giáo dục trẻ khuyết tật --> NỘI DUNG GIÁO DỤC TRẺ KHUYẾT TẬT
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

NỘI DUNG GIÁO DỤC TRẺ KHUYẾT TẬT

III. NỘI DUNG GIÁO DỤC TRẺ KHUYẾT TẬT

3.1. Nội dung giáo dục cơ bản

          Nội dung giáo dục cơ bản nhằm đảm bảo cho trẻ khuyết tật  được hưởng những quyền giáo dục cơ bản, quyền không tách biệt và được cụ thể trong từng cấp học. Trường học thực hiện các nội dung giáo dục cho học sinh thông qua các hoạt động chính khóa, ngoại khóa và đặc biệt là hoạt động dạy học.

          Có những cách tiếp cận khác nhau quyết định tới nội dung giáo dục cho trẻ khuyết tật.

3.1.1. Theo cách tiếp cận cá nhân

          Người ta đặt trọng tâm vào khuyết tật của trẻ và những hạn chế mà khuyết tật đó gây nên, vì vậy trẻ khuyết tật sẽ không thể học một chương trình giáo dục chung với các trẻ bình thường. Những kiến thức, kĩ năng văn hóa, xã hội thường bị coi nhẹ mà người ta tập trung chính vào phục hồi chức năng và chăm sóc y tế.

          Với quan điểm về sự thiếu hụt hoặc mất khả ănng do khuyết tật gây nên, nhiều chức năng của trẻ đã không có hoặc không phát triển đạt mức bình thường. Việc thiếu hụt, hạn chế các chức năng làm cho trẻ khuyết tật trở nên khó khăn trong việc tham gia hầu hết các hoạt động của cuộc sống. Những chức năng thiếu hụt đó cần được tác động để phục hồi. Theo quan điểm này, các tác động chức năng tập trung vào khía cạnh y tế: là những đơn thuốc của bác sĩ, những phương pháp rèn luyện để khôi phục, cải thiện hiệu quả tác động của những phần cơ thể bị tật. Nội dung phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật có thể chia thành những phần cơ bản sau:

          - Phục hồi chức năng cho trẻ chậm phát triển trí tuệ: Chủ yếu về phục hồi chăm sóc sức khỏe, thần kinh, trí nhớ…

          - Phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thị: Thị lực;

          - Phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thính: Thính lực;

          - Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật ngôn ngữ: phát âm;

          - Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật vận động: Vận động.

          - Phục hồi chức năng cho trẻ có hành vi xa lạ;

          - Phục hồi chức năng cho trẻ có những tật khác như động kinh, mất cảm giác, hở van tim.

          - Phục hồi chức năng cho trẻ đa tật.

          Với cách tiếp cận này, đứa trẻ chủ yếu được chăm sóc và sử dụng các liệu pháp tác động vào chính cơ thể của trẻ mà ít chú ý tới hiệu quả của giáo dục ảnh hưởng tới khả năng nhận thức, sự nỗ lực cá nhân và điều chỉnh hành vi phù hợp trong cuộc sống với cộng đồng. Trẻ khuyết tật mặc dù được chăm sóc chu đáo nhưng khuyết tật về thể chất sẽ không bao giờ và hơn nữa đứa trẻ trước cộng đồng trở nên lạc lõng và hoàn toàn khác biệt.

3.1.2. Theo cách tiếp cận xã hội

          Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng: Trẻ khuyết tật hoàn toàn có thể tham gia học cùng nội dung giáo dục với trẻ bình thường. Trong môi trường giáo dục bình thường ,các em có khả năng không chỉ học được những kiến thức học đường mà còn học được những kĩ năng xã hội, khả năng thích ứng và hòa nhập trong cộng đồng. Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật đáp ứng được các yêu cầu về mặt kiến thức, kĩ năng, thái độ cần hình thành cho mọi học sinh (trong đó có học sinh khuyết tật) theo cách tiếp cận này.

          Nội dung giáo dục trẻ khuyết tật theo cách tiếp cận xã hội (Giáo dục hòa nhập) được xây dựng dựa trên quan điểm:

          - Mọi trẻ em đều có thể học được, những trải nghiệm của trẻ trong quá trình học tập sẽ giúp trẻ được học hỏi và có những hiểu biết, nhận định sát thực về cuộc sống.

          - Xây dựng nội dung giáo dục cho trẻ khuyết tật không chỉ bó hẹp ở phạm vi sách vở mà phải gắn liền với kiến thức thực tiễn. Nội dung giáo dục phải hướng trẻ vào các hoạt động thực tiễn, tiếp nhận kiến thức thông qua thực hành và trải nghiệm sát thực.

           - Nội dung giáo dục cụ thể cần phải chú ý tới việc cung cấp kiến thức, kĩ năng và hình thành thái độ cho trẻ ở các mặt: Kiến thức, kĩ năng học đường để có thể tiếp tục học lên các cấp học cao hơn; kiến thức và kĩ năng giải quyết các vấn đề sát thực của cuộc sống; thái độ đúng với các vấn đề học tập, mối quan hệ bạn bè, gia đình, cộng đồng và thái độ phù hợp trước những cơ hội hay thách thức, khó khăn.

          - Xây dựng nội dung giáo dục cho trẻ khuyết tật được xác định trên tiêu chí cơ bản đó là: Nội dung đảm bảo tính vừa sức và đảm bảo cho sự phát triển của trẻ sau này; Nội dung kiến thức cần đặc biệt chú ý tới những lĩnh vực thiết yếu của cuộc sống và gắn liền cuộc sống học tập của trẻ với sinh hoạt hòa nhập cộng đồng. Việc tham gia học tập của trẻ có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều ở môi trường tác động giáo dục và sự điều chỉnh nội dung hợp lí cho từng đứa trẻ.

          Định hướng cho cách tiếp cận nội dung giáo dục trẻ khuyết tật đó là:

          - Bình đẳng về cơ hội tham gia các nội dung giáo dục của trẻ khuyết tật trong các trường phổ thông;

          - Đảm bảo yêu cầu nội dung giáo dục của các cấp bậc học;

          - Tính đến năng lực và nhu cầu của trẻ khuyết tật;

          - Xác định điều kiện, cơ hội học tập, nghề nghiệp sau này của trẻ.

          Căn cứ vào đó, ngay từ bậc học đầu tiên, trẻ khuyết tật được tiếp cận với nội dung giáo dục toàn diện, gần gũi với cuộc sống và gắn với nhu cầu thiết thực của các em. Ở phổ thông, nội dung giáo dục cho trẻ khuyết tật tập trung hình thành kiến thức, kĩ năng và thái độ cho trẻ khuyết tật. Nội dung giáo dục cho trẻ khuyết tật được chuyển tải theo những hướng sau:

·                 Kiến thức phải gắn liền với sự hiểu biết và trải nghiệm của trẻ khuyết tật:

          Dựa vào nội dung giáo dục chung, lựa chọn và điều chỉnh để hình thành kiến thức đảm bảo gần gũi, phù hợp với trải nghiệm và khả năng nhận thức của các em. Nội dung được mở rộng theo hướng đồng tâm, đi từ kiến thức cụ thể đến những kiến thức trừu tượng. Nội dung phải tạo cho trẻ có những mối liên hệ sát thực, hấp dẫn… có ý nghĩa tác động đến hứng thú học tập của các em.

          Nội dung giáo dục được thể hiện tích hợp giữa các hoạt động trong và ngoài nhà trường; giữa các hoạt động học tập, sinh hoạt và vui chơi. Đồng thời được thiết kế chú ý tới phát huy tối đa năng lực và định hướng phát triển sau này của trẻ. Đặc điểm tích hợp về nội dung được xác định cụ thể theo hướng: Các kiến thức gần giống nhau được xây dựng theo một hệ thống liên kết, quan hệ hỗ trợ nhau. Học sinh có thể tiếp cận với kiến thức không chỉ trong một môn học đặc thù nào đó mà nó có thể ở những môn học khác nhau. Tích hợp về nội dung có ưu điểm trong dạy học hòa nhập đó là: trẻ khuyết tật cần được hỗ trợ nhiều mặt, hoặc những nội dung kiến thức, kĩ năng mang tính đặc thù, việc tích hợp về nội dung cho phép giải quyết mâu thuẫn giữa việc đảm bảo tăng cường những nội dung mang tính đặc thù, nội dung cần hỗ trợ thêm cho trẻ khuyết tật nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về mặt thời gian theo nội dung giáo dục chung.

          Về yêu cầu nội dung kiến thức, ở một số lĩnh vực trẻ khuyết tật có thể đạt được mức độ cao, nhưng có những mặt trẻ chỉ đạt được mức độ nào đó. Những kiến thức cơ bản được thiết kế cho trẻ khuyết tật không dừng ở khung cố định mà nó có thể thay đổi và điều chỉnh hợp lý. Tính linh hoạt và điều chỉnh nội dung dạy học được xác định dựa theo nguyên tắc phù hợp với khả năng, nhu cầu của trẻ khuyết tật, đảm bảo nội dung vừa sức trong vùng phát triển gần của trẻ… Các nội dung giáo dục được lồng ghép vào trong mọi hoạt động, điều này cho phép thiết kế nội dung giáo dục mang tính linh hoạt, có thể điều chỉnh với nhiều đối tượng khác nhau.

          Bên cạnh đó, nội dung giáo dục trẻ khuyết tật còn quan tâm đặc biệt tới giáo dục khả năng tự nhận thức, tự phục vụ và các mặt khác giúp trẻ có kiến thức cơ bản cho sự phát triển toàn diện.

·                   Hình thành kĩ năng phù hợp với trẻ và trong các tình huống thực:

          Thông qua nội dung giáo dục, các nhóm kĩ năng cơ bản được hình thành đáp ứng được những nhu cầu cần thiết trong hoạt động lao động, vui chơi và học tập của trẻ. Các kĩ năng được rèn luyện và củng cố từng bước từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa đầy đủ đến hoàn thiện, từ không ổn định đến ổn định…

          Yêu cầu về mức độ chính xác, phức tạp và tinh xảo của các kĩ năng ở trẻ khuyết tật đạt được thông qua các nội dung giáo dục ở mỗi lĩnh vực là khác nhau, nó dựa trên cơ chế hoạt động chức năng, năng lực của trẻ. Điều đó chỉ ra sự yêu cầu cao trong nỗ lực hoạt động của trẻ và sự linh hoạt hỗ trợ, khuyến khích trẻ thực hiện.

          Tạo mối liên hệ giữa các kĩ năng và tình huống khác nhau; đẩy mức độ sử dụng của trẻ theo hứng từ những tình huống quen thuộc, mới lạ nhưng gần giống với mẫu, đến nhiều tình huống khác nhau và đòi hỏi sự phối hợp, huy động nhiều kĩ năng phức tạp theo chuỗi hoạt động để giải quyết nhiệm vụ…

·                 Hình thành thái độ cho trẻ khuyết tật

          Thái độ là sự thể tình cảm, sự nhận định về giá trị, ước muốn, sự nỗ lực… của bản thân trẻ trước các vấn đề xảy ra xung quanh và có thể đánh giá được thông qua hành vi hàng ngày của trẻ. Thái độ của trẻ khuyết tật ngày càng được ổn định và xác định theo thời gian và tiến trình học tập. Thái độ của trẻ được hình thành từ chính những mối quan hệ tác động trong quá trình tương tác, cùng học tập với bạn bè, và những người xung quanh; từ việc tự giải quyết những nhiệm vụ học tập và ứng dụng trong các tình huống thực. Quá trình học tập của trẻ trong trường hòa nhập cho trẻ càng nhiếu trải nghiệm khác nhau thì việc hình thành thái độ, niềm tin cho trẻ càng sâu sắc, rõ ràng hơn.

·                Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật:

          Theo cách tiếp cận giáo dục, nội dung này được coi là một bộ phận trong nội dung giáo dục chung nhằm giúp trẻ khuyết tật biết giữ gìn, phục hồi chức năng còn lại của mình và biết cách sử dụng những chức năng khác phối hợp hỗ trợ chức năng đã mất trong quá trình học tập và hoạt động..

          Rèn luyện phục hồi trực tiếp những chức năng thiếu hụt, bao gồm: Sử dụng đúng mức và hợp lí những phần chức năng còn lại; giữ gìn và bảo vệ phần chức năng còn lại; biết sử dụng các phương tiện, dụng cụ để tăng hoạt động chức năng thiếu hụt. Ví dụ: Tận dụng phần thị giác còn lại ở trẻ nhìn kém; sử dụng các phương tiện trợ giúp như đeo kính, dụng cụ trợ thính; hoặc rèn vận động ở những trẻ khuyết tật vận động…

          Sử dụng những cách khác để thực hiện các chức năng thiếu hụt: Ví dụ: trẻ mù sử dụng xúc giác, thính giác, khứu giác… để nhận biết mọi vật; hay trẻ bị tật vận động ở chân có thể dùng tay để di chuyển.

          Về bản chất, nội dung phục hồi chức năng là những hoạt động hay những yêu cầu nhiệm vụ mà trẻ khuyết tật phải thực hiện để cải thiện những chức năng bị mất hoặc bị giảm sút, quy luật bù trừ chức năng có vai trò quan trọng trong nội dung giáo dục này. Nếu nội dung phục hồi chức năng được thiết kế, thực hiện tốt thì kết quả đạt được sẽ là nền tảng có tính đòn bẩy cho hoạt động học tập, nhận thức của trẻ, từ đó tăng nhanh năng lực hòa nhập cộng đồng.

 

Lượt xem : 7257 Người đăng : Kim Phiến

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo