Trang chủ --> Giáo dục trẻ khuyết tật --> CÁC NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC TRẺ KHUYẾT TẬT
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CÁC NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC TRẺ KHUYẾT TẬT

II. CÁC NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC TRẺ KHUYẾT TẬT

          Nguyên tắc giáo dục có tính quy định để mọi người lấy cơ sở để chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ giáo dục theo đúng tiến trình và đạt mục đích. Nguyên tắc giáo dục trẻ khuyết tật là những tư tưởng chỉ đạo, phương hướng cơ bản, quy định nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức quá trình giáo dục trẻ khuyết tật, bao gồm :

2.1. Đảm bảo các nguyên tắc giáo dục chung

          Là bộ phận của khoa học giáo dục, giáo dục trẻ khuyết tật cũng phải tuân theo những nguyên tắc chung của giáo dục đại cương. Những nguyên tắc chủ yếu đó là:

          - Nguyên tắc thống nhất giữa trình độ học vấn và quá trình giáo dục;

          - Nguyên tắc đảm bảo tính khoa học của nội dung giáo dục và dạy học;

          - Đảm bảo tính vừa sức đối với trẻ;

          - Phù hợp với độ tuổi;

          - Đảm bảo tính hệ thống và kế thừa;

          - Đảm bảo tính phát triển;

2.2. Nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt

          Con người khi được sinh ra đều mang những đặc tính chung của loài người nhưng cũng mang những đặc điểm riêng của từng cá nhân. Chúng ta nhận ra nhau nhờ những đặc điểm riêng biệt đó. Chúng ta khác nhau về nhiều mặt: Hình thức bề ngoài, năng lực nhận thức, năng lực vận động… sở thích, tình cảm, thái độ…

          Trẻ khuyết tật cũng có những năng lực, trình độ, tình cảm… như những người khác và các em cũng có những đặc điểm riêng biệt. Chúng ta có thể chấp nhận những đặc điểm khác biệt của nhau thì chúng ta cũng có thể chấp nhận những khác biệt ở trẻ khuyết tật. Những đặc điểm riêng ấy ở trẻ khuyết tật cũng cần được tôn trọng như những sự khác biệt khác.

          Như vậy, cơ sở của nguyên tắc này dựa trên quy luạt đa dạng và khác biệt của mỗi người trong xã hội. Trong giáo dục trẻ khuyết tật, nguyên tắc tôn trọng những khác biệt ở trẻ khuyết tật nói riêng cũng như ở mọi trẻ em khác nói chung. Nguyên tắc giáo dục này cũng giúp trẻ khuyết tật hiểu rõ về những khác biệt của bản thân, từ đó có ý thức trách nhiệm với bản thân, có phương pháp hòa nhập xã hội. Giáo dục trẻ khuyết tật phải tuân theo nguyên tắc này để trẻ khuyết tật trở nên tự tin thể hiện mình trong các hoạt động.

           Nguyên tắc giáo dục tôn trọng sự khác biệt đảm bảo rằng mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục trẻ khuyết tật cần phải thích ứng với những khác biệt của cá nhân trẻ và đảm bảo cho sự tôn trọng những khác biệt ấy.

2.3. Nguyên tắc giáo dục trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng

          Cũng như những trẻ em bình thường khác, trẻ khuyết tật, trong quá trình phát triển luôn chịu những tác động từ các yếu tố của cộng đồng, nơi các em đang sinh sống. Những yếu tố tác dộng đó có thể là những yếu tố tự nhiên như: Vị trí địa lý, địa hình, môi trường, khí hậu, đường giao thông… Đó là những yếu tố xã hội như: Phong tục tập quán, trình độ dân trí, nhận thức của cộng đồng đối với trẻ khuyết tật, sự phát triển của y tế, giáo dục, sự quan tâm của chính quyền địa phương và các đoàn thể… Đó là các yếu tố kinh tế như tình trạng kinh tế của gia đình, của địa phương, các phương tiện, tiện ích xã hội của cộng đồng… Như vậy, cộng đồng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ khuyết tật.

          Nguyên tắc giáo dục dựa vào cộng đồng đảm bảo rằng, trẻ khuyết tật được học tập tại nơi trẻ sinh sống. Môi trường giáo dục cộng đồng sẽ giúp trẻ có những cơ hội tốt nhất để thích ứng, được chấp nhận và hòa nhập. Nguyên tắc giáo dục này đòi hỏi những nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục trẻ khuyết tật phải dựa trên nền tảng cơ sở của cộng đồng.

          Nguyên tắc này cũng chỉ ra mối liên hệ, sự ảnh hưởng của văn hóa làng xã, quê hương đối với mỗi cá nhân. Trẻ khuyết tật sẽ dễ dàng hiểu biết hơn về cộng đồng, chấp nhận và tuân theo những quy ước làng xã ở chính nơi các em được sinh ra (yếu tố tác động văn hóa), do vậy, các em sẽ hòa nhập tốt hơn vào cuộc sống cộng đồng. Bà con, hàng xóm là những người hiểu, dễ chia sẻ với trẻ và gia đình trẻ. Họ có thể dành thời gian, công sức và có trách nhiệm thường xuyên đối với trẻ khuyết tật. Huy động mọi thành phần xã hội, đặc biệt là gia đình trẻ khuyết tật tích cực tham gia giáo dục để tăng tối đa khả năng hòa nhập cộng đồng là ý nghĩa quan trọng của nguyên tắc này.

2.4. Nguyên tắc tổ chức hoạt động giáo dục linh hoạt, phù hợp và dựa vào mặt mạnh của trẻ.

          Trẻ khuyết tật có khả năng, nhu cầu sở thích riêng. Giáo dục trẻ khuyết tật không thể thành công nếu tổ chức các hoạt động giáo dục một cách đồng loạt, đại trà. Phải dựa vào trẻ và những đặc điểm riêng để hướng các hoạt động đạt hiệu quả cao nhất. Trong giáo dục trẻ khuyết tật, mỗi trẻ em là rất khác nhau và có những cách tiếp cận khác nhau. Trẻ tăng động giảm tập tủng (ADHD - Attention Deficits/ Hyperactivity Disorders) không có khả năng tập trung chú ý cao, nếu hoạt động dạy học kéo dài trên lớp mà không có sự thay đổi hình thức tổ chức thì chắc chắn trẻ sẽ không thể tiếp tục tham gia vào quá trình học tập. Trẻ mù hoàn toàn nếu đưa ra yêu cầu quan sát tranh để mô tả các hoạt động đang diễn ra trong bức tranh thì trẻ sẽ không bao giờ hoàn thành được nhiệm vụ. Để tăng cường hiệu quả học tập, các hoạt động được thiết kế có thể tính tới hoạt động tĩnh và động, những hoạt động trò chơi, thi đua, giao nhiệm vụ được đan kết hợp lí, chú ý đến những thay đổi tâm lý và hành vi của trẻ ADHD để xử lí linh hoạt sẽ gắn kết trẻ vào các hoạt động học tập tích cực hơn. Giáo viên có thể chú ý tới khả năng xúc giác của trẻ mù để đưa ra nội dung quan sát có sử dụng xúc giác và các giác quan còn lại để nhận biết, hoặc có thể dựa trên những trải nghiệm thực tiễn của trẻ kết hợp với hình thức học nhóm, cách đưa ra câu hỏi để giúp trẻ hoàn thành tốt hơn nội dung bài học.

          Mỗi loại trẻ khuyết tật những nhu cầu đặc trưng, đồng thời mỗi trẻ đều có đặc điểm, nhu cầu cá nhân. Việc tính đến đặc điểm đó cho phép thu hút học sinh khuyết tật tham gia tích cực hơn vào quá trình học tập.

          Việc tổ chức các hoạt động học tập cho trẻ khuyết tật dựa trên mặt mạnh của trẻ để tạo điều kiện cho các em thành công hơn trong học tập. Những khiếm khuyết về thể chất, tinh thần hay giác quan đã làm hạn chế năng lực tiến hành học tập của trẻ. Nhà giáo dục không chỉ nhìn vào đặc điểm khiếm khuyết của trẻ mà phải chỉ ra cơ thể, khả năng thay thế bù trừ chức năng trong quá trình học tập của học sinh. Quá trình giáo dục trẻ khuyết tật phải nhận ra những năng lực bù trừ đó và tổ chức, tạo cơ hội cho học sinh sử dụng tối đa những năng lực còn lại như là điểm mạnh để tiến hành các hoạt động học tập. Ví dụ: Trẻ mù thường có cảm giác xúc giác và thính giác nhạy bén hơn nên chúng học được chữ nổi Braille dễ dàng hơn và nhận biết các vấn đề của cuộc sống chủ yếu bằng xúc giác và thính giác.

          Những người làm công tác giáo dục trẻ khuyết tật cần hiểu rõ đặc điểm của mỗi học sinh, những tác động có thể ảnh hưởng tới khả năng tiếp nhận thông tin của các em, từ đó đưa ra những hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với từng trẻ khuyết tật. Nếu các hoạt động học tập không được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với mỗi cá nhân trẻ thì sẽ không mang lại kết quả hoặc thậm chí cho kết quả tiêu cực.

2.5. Nguyên tắc can thiệp giáo dục sớm.

          Nguyên tắc này chỉ ra mỗi giai đoạn phát triển được gọi là" giai đoạn phát triển nhạy cảm" ở trẻ nhỏ. Những năm tháng đầu tiên là rất cần thiết để học hỏi. Đây là giai đoạn trẻ học hỏi thông qua các mối quan hệ với sự vật hiện tượng. Đặc biệt sự ảnh hưởng quan trọng từ mối quan hệ gắn bó giữa trẻ và người chăm sóc đối với sự phát triển tâm lí và nhận thức sau này của trẻ. Can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật giúp các em hình thành những kĩ năng thích nghi, kĩ năng xã hội và giao tiếp. Trải nghiệm sớm và kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống sẽ giúp trẻ khuyết tật giảm bớt những rào cản cho cuộc sống độc lập và hòa nhập sau này.

          Can thiệp sớm sẽ làm giảm thiểu những khó khăn do khuyết tật gây nên, đồng thời, tăng cường những mặt phát triển của trẻ bị trì trệ, giúp cho quá trình phát triển đúng hướng. Nếu để kéo dài không can thiệp, sự trì trệ hay phát triển lệch hướng sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.

          Nguyên tắc này cho thấy sự can thiệp giáo dục sớm là sự can thiệp giáo dục ngay sau khi phát triển khuyết tật càng sớm càng tốt. Đây là những tác động có chủ đích, có kế hoạch, có phương pháp của nhà giáo dục nhằm tạo ra những cơ hội thuận lợi để trẻ khuyết tật không bị phát triển gián đoạn hoặc bị phát triển lệch hướng. Thông thường quá trình can thiệp sớm được tiến hành cho trẻ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là hiệu quả nhát. Trẻ khuyết tật càng được phát triển sớm, can thiệp sớm thì quá trình giáo dục càng đạt hiệu quả cao.

 

Lượt xem : 26235 Người đăng : Kim Phiến

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo