Trang chủ --> Chính trị trong quản lý công --> Đối tượng và phương pháp nghiên cứu môn học chính trị trong quản lý công
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu môn học chính trị trong quản lý công

CHƯƠNG I: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 MÔN HỌC CHÍNH TRỊ TRONG QUẢN LÝ CÔNG (3 TIẾT)

Lý thuyết: 2 tiết

Thảo luận: 1 tiết

 

I.ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

1. Khái niệm Chính trị

Chính trị là một lĩnh vực của đời sống xã hội, xuất hiện cùng với sự phân chia xã hội thành giai cấp.

Đã có nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc nghiên cứu những khía cạnh khác nhau của lĩnh vực chính trị:

- Platon:Chính trị là nghệ thuật cung đình liên kết trực tiếp các chuẩn mực của người anh hùng với sự thông minh, sự liên kết cuộc sống của họ được thực hiện bằng sự thống nhất và tinh thần hữu ái.

- Giới học giả tư sản:Chính trị là một “nhà hát”, trong đó có vở diễn, nghệ sĩ, khán giả, sự bài trí sân khấu...Trong nhà hát đó, mỗi người dù vô tình hay hữu ý đều đóng một vai trò nhất định. Nhưng sự tồn tại của nhà hát lại không phụ thuộc vào cá nhân ấy. Trong “nhà hát chính trị” ấy, mặc dù có đạo diễn nhưng lại có nhiều ngẫu hứng trong quá trình biểu diễn, làm cho chính trị có đời sống riêng, rất phong phú. 

- Mac Vaybe:Xem chính trị là khát vọng tham gia vào quyền lực hay ảnh hưởng đến sự phân chia quyền lực, định rõ vị thế của từng cá nhân trong một trật tự nhất định.

- Lênin:Cái căn bản nhất của chính trị là tổ chức chính quyền nhà nước. Chính trị là sự tham gia vào các công việc nhà nước, định hướng nhà nước, xác định hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước. Bất kỳ hoạt động xã hội nào cũng có tính chất chính trị nếu như việc giải quyết nó trực tiếp hay gián tiếp gắn với lợi ích giai cấp.

Kết luận:Chính trị là một lĩnh vực của đời sống xã hội, thể hiện mối quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các quốc gia trong việc giành, giữ, sử dụng hoặc chi phối quyền lực nhà nước.

2. Khái niệm Quản lý công

* Khái niệm về quản lý

"Quản lý là gì?" là câu hỏi mà bất cứ người học quản lý ban đầu nào cũng cần hiểu và mong muốn lý giải. Nó liên quan đến định nghĩa về quản lý.

Quản lý được định nghĩa là một công việc mà một người lãnh đạo học suốt đời không thấy chán và cũng là sự khởi đầu của những gì họ nghiên cứu. Quản lý được giải thích như là nhiệm vụ của một nhà lãnh đạo thực thụ, nhưng không phải là sự khởi đầu để họ triển khai công việc. Như vậy, có bao nhiêu nhà lãnh đạo tài ba thì có bấy nhiêu kiểu định nghĩa và giải thích về quản lý.

Vậy suy cho cùng quản lý là gì?Định nghĩa quản lý là yêu cầu tối thiểu nhất của việc lý giải vấn đề quản lý dựa trên lí luận và thực tiễn. Xét trên phương diện nghĩa của từ, quản lý thường được hiểu là chủ trì hay phụ trách một công việc nào đó.

Bản thân khái niệm quản lý có tính đa nghĩa nên có sự khác biệt giữa nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Hơn nữa, do sự khác biệt về thời đại, xã hội, chế độ, nghề nghiệp nên quản lý cũng có nhiều giải thích, lý giải khác nhau. Cùng với sự phát triển của phương thức xã hội hoá sản xuất và sự mở rộng trong nhận thức của con người thì sự khác biệt về nhận thức và lý giải khái niệm quản lý càng trở nên rõ rệt.

Xuất phát từ những góc độ nghiên cứu khác nhau, rất nhiều học giả trong và ngoài nước đã đưa ra giải thích không giống nhau về quản lý. Cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về quản lý. Đặc biệt là kể từ thế kỷ 21, các quan niệm về quản lý lại càng phong phú. Các trường phái quản lý học đã đưa ra những định nghĩa về quản lý như sau:

- Tailor:"Làm quản lý là bạn phải biết rõ: muốn người khác làm việc gì và hãy chú ý đến cách tốt nhất, kinh tế nhất mà họ làm " .

- Fayel:"Quản lý là một hoạt động mà mọi tổ chức (gia đình, doanh nghiệp, chính phủ) đều có, nó gồm 5 yếu tố tạo thành là: kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, điều chỉnh và kiểm soát. Quản lý chính là thực hiện kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo điều chỉnh và kiểm soát”.

- Hard Koont:"Quản lý là xây dựng và duy trì một môi trường tốt giúp con người hoàn thành một cách hiệu quả mục tiêu đã định".

- Peter F Druker: "Suy cho cùng, quản lý là thực tiễn. Bản chất của nó không nằm ở nhận thức mà là ở hành động; kiểm chứng nó không nằm ở sự logic mà ở thành quả; quyền uy duy nhất của nó là thành tích".

Có thể thấy, quản lý là quan niệm chứ không phải kỹ thuật, là tự do chứ không phải bị khống chế, là nhiệm vụ thực tế chứ không phải lý luận; là thành tích chứ không phải tiềm năng, là trách nhiệm chứ không phải quyền lực; là cống hiến chứ không phải thăng hến; là cơ hội chứ không phải chướng ngại; là đơn giản chứ không phải phức tạp.

Vậy: Quản lý là hoạt động chủ trì hay phụ trách một công việc nhất định của chủ thể với các biện pháp như lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo thực hiện và kiểm soát.

Yếu tố cấu thành hoạt động quản lý

- Chủ thể quản lý, trả lời câu hỏi: do ai quản lý?

- Khách thể quản lý, trả lời câu hỏi: quản lý cái gì?

- Mục đích quản lý, trả lời câu hỏi: quản lý vì cái gì?

- Môi trường và điều kiện tổ chức, trả lời câu hỏi: quản lý trong hoàn cảnh nào?

* Khái niệm Quản lý công (public management)

Trong nhiều tài liệu, hành chính công (public administration), quản lí công (public management), quản trị quốc gia (governance) có sự đồng nhất với nhau và trong nhiều trường hợp, được sử dụng thay thế cho nhau.

Theo cách hiểu chung, hành chính công là thiết chế thực hiện quyền hành pháp, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Theo cách tiếp cận rộng, hành chính công là nền hành chính (cũng là public administration). Nền hành chính là khái niệm tổng quát, bao gồm các yếu tố: hệ thống thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính nhà nước các cấp; đội ngũ cán bộ, công chức; nguồn lực tài chính, công sản và các điều kiện vật chất, kỹ thuật đảm bảo thực thi công vụ hiệu quả. Đặc trưng và ranh giới của hành chính công hay nền hành chính phụ thuộc vào loại hình và quy mô của mỗi nhà nước.

Cung ứng dịch vụ công là một trong những chức năng cơ bản mà các nhà nước giao cho nền hành chính đảm trách. Trong quá trình phát triển của nền hành chính, dịch vụ công được mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, với yêu cầu về chất lượng ngày càng cao. Nền hành chính phát triển phải phối hợp và điều hoà các nguyện vọng cá nhân với lợi ích của cộng đồng, của đất nước, hướng tới các mục tiêu của một xã hội dân chủ. Nhà nước không ôm đồm, tự mình giải quyết tất cả các vấn đề xã hội mà đẩy mạnh dân chủ hoá gắn với xã hội hoá nhằm tập trung thực hiện tốt vai trò “lái thuyền”. Nhiều hoạt động cung ứng dịch vụ công được chuyển cho các khu vực ngoài nhà nước thực hiện. Theo cách tiếp cận này, hành chính công được coi là quản lí công hay mô hình quản lí công mới (New Management).

Như vậy, quản lý công là hoạt động điều hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát của các chủ thể khác nhau trong xã hội nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu, lợi ích chung của toàn xã hội.

Có thể nói, quản lí công là cách tiếp cận mới đối với hành chính công truyền thống, nhằm cải cách chất lượng quản lí nhà nước, hướng tới một nền hành chính năng động, linh hoạt hơn. Quản lí công quan tâm đến hiệu quả tác động, mức độ ảnh hưởng của nền hành chính đối với xã hội. Quản lí công đặc biệt nhấn mạnh đến chức năng phục vụ, đến yếu tố chuyên nghiệp của nền hành chính và các nội dung về hợp tác công - tư. Trong đó, nhiều nguyên tắc và cách thức quản lí hiện đại của khu vực tư được các nhà nước vận dụng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Nhiều cơ quan đã áp dụng mô hình chi phí - kết quả trong quản lý, cung ứng dịch vụ công nhằm thoả mãn nhu cầu của xã hội trong điều kiện hạn chế về nguồn lực. Thuật ngữ “khách hàng là thượng đế” được nhiều nước sử dụng để đổi mới mối quan hệ giữa các cơ quan công quyền với công dân.

Theo cách tiếp cận quản lí công, nền hành chính hiện đại không đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống quy chế nghiêm ngặt, cứng nhắc mà thay vào đó là những cơ chế mềm dẻo, linh hoạt, thích nghi với những biến đổi của tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

3. Đối tượng nghiên cứu của môn học Chính trị trong Quản lý công

Môn học Chính trị trong Quản lý công nghiên cứu sự tác động, mối quan hệ giữa các yếu tố chính trị với quản lý công, nghiên cứu vai trò, ảnh hưởng của đời sống chính trị trong quốc gia và đời sống chính trị quốc tế đến quản lý công trong mỗi nhà nước.

  • Môn học Chính trị trong Quản lý công nghiên cứu sự tác động của yếu tố quyền lực chính trị đến quản lý công;
  • Nghiên cứu sự tác động của yếu tố Đảng chính trị và quyết sách của Đảng chính trị đến quản lý công;
  • Nghiên cứu sự tác động của yếu tố văn hóa chính trị đến quản lý công;
  • Nghiên cứu sự tác động của đời sống chính trị quốc tế đến quản lý công.

4. Nhiệm vụ của môn học Chính trị trong Quản lý công

Môn học Chính trị trong Quản lý công làm rõ những vấn đề lý luận về vị trí, vai trò của yếu tố chính trị trong sự tác động đến quản lý công của mỗi quốc gia. Từ đó, khẳng định sự tác động qua lại giữa đời sống chính trị với quản lý công, muốn nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của quản lý công, cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố chính trị, trong đó các quyết sách chính trị, chủ thể chính trị là những yếu tố cơ bản có thể thúc đẩy hoặc thậm chí kìm hãm sự phát triển của quản lý công.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Phương pháp luận

Sử dụng phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác Lênin trong việc nghiên cứu môn học. Sự tác động qua lại giữa yếu tố chính trị với quản lý công cần được nghiên cứu trên cơ sở biện chứng, đa dạng, nhiều chiều.

2. Phương pháp cụ thể:

- Phương pháp so sánh;

- Phương pháp phân tích, tổng hợp...

Câu hỏi ôn tập chương I:

Câu 1: Đối tượng nghiên cứu của môn học Chính trị trong Quản lý công?

Câu 2: Nhiệm vụ nghiên cứu của môn học Chính trị trong Quản lý công?

Câu 3: Phương pháp nghiên cứu?

 

 

 

 

 

  

Lượt xem : 2877 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo