Trang chủ --> Tin cộng đồng --> CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGƯỜI MÙ TRONG XU THẾ HỘI NHẬP
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGƯỜI MÙ TRONG XU THẾ HỘI NHẬP

Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù được chính thức khánh thành và đi vào hoạt động từ năm 1997 với nhiệm vụ là đào tạo và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành hội người mù trong cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các cấp Hội.

 

Ngay từ những ngày đầu hoạt động, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn vì đây là cơ sở đào tạo đầu tiên của Hội Người mù Việt Nam, mô hình đào tạo cũng không giống với các trường học hay những  Trung tâm dành cho người khiếm thị khác nên không có mô hình tương tự ở trong nước để học hỏi, hầu như chưa có giáo trình, tài liệu để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập, kinh nghiệm tổ chức khóa học của Trung tâm, kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên còn hạn chế. Song, Trung tâm luôn thực hiện phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tất cả vì mục tiêu đem lại kiến thức, kĩ năng, giúp người mù Việt Nam vươn lên hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, trên cơ sở sự chỉ đạo của Ban Thường Vụ Trung ương Hội, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các ban chuyên môn và căn cứ vào tình hình thực tế ở các địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với nhu cầu đào tạo, cũng như sự phát triển của Hội và người mù nói chung. Trung tâm đã không ngừng tạo điều kiện nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, đến nay, 100 % anh chị em đều đã tốt nghiệp đại học và có văn bằng/ chứng chỉ sư phạm giáo dục phổ thông, sư phạm nghề; một số người có trình độ thạc sĩ. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp  với các Trường đại học, các Viện nghiên cứu để tổ chức các khóa học. Qua 17 năm hoạt động, Trung tâm, không ngừng mở rộng nội dung và loại hình đào tạo. Cho đến nay, đã tổ chức được 64 khóa học cho hơn 4000 học viên với 20 loại hình lớp như: đào tạo cán bộ các cấp Hội, giáo viên dạy chữ Braille, Phục hồi chức năng, vi tính, xoa bóp bấm huyệt, văn nghệ, thể thao, Cộng tác viên báo chí...  Trung tâm còn tham gia biên soạn, chỉnh lí, in ấn, sản xuất các giáo trình, tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy, học tập của người mù và tổ chức các hội nghị, hội thảo về những vấn đề liên quan đến người mù nói riêng, người khuyết tật nói chung. Trung tâm cũng đã làm tốt công tác hỗ trợ đào tạo cho các Tỉnh, Thành hội như: Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… Đặc biệt, trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu phát triển   của Hội và hòa nhịp với xu hướng phát triển chung của Cộng đồng , Trung tâm đã từng bước đưa thêm những nội dung mới vào chương trình đào tạo như: xoa bóp chân, xoa bóp Nhật Bản, cập nhật kiến thức Tin học, Tiếng Anh, các kĩ năng sống, kĩ năng làm việc như: kĩ năng trình bày, thuyết phục, kĩ năng tổ chức hội nghị, hội thảo… ở đây, học viên được thực hành đóng vai, xử lí những tình huống cụ thể như trong thực tế. Mặt khác, Trung tâm vẫn không ngừng cố gắng để tổ chức các  lớp học ở phía nam nhằm giảm bớt khó khăn cho các Tỉnh, Thành hội ở xa. Có thể nói những hoạt động của Trung tâm đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần vào thành tích chung trong công tác đào tạo của Hội Người mù Việt Nam.

          Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu đào tạo của người mù, từng bước tiếp cận với xu thế hội nhập của khu vực và thế giới, chúng tôi nhận thấy công tác đào tạo của Trung tâm nói riêng và của Hội nói chung cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

 

          -  Một là, tiếp tục mở rộng nội dung và loại hình đào tạo phù hợp với từng đối tượng và vùng miền, đặc biệt, chú ý đưa thêm những nội dung, phương pháp mới nhằm từng bước nâng cao trình độ người học, đảm bảo học đi đôi với hành, áp dụng hiệu quả những kiến thức đã học vào thực tế.

 

          - Hai là, hàng năm, các Tỉnh, Thành hội rà soát, nắm bắt tình hình thực tế về khả năng, nguyện vọng của hội viên để xây dựng mục tiêu, kế hoạch đào tạo cụ thể và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm. Trên thực tế hiện nay, còn có trường hợp Tỉnh, Thành hội đã đăng kí với Trung tâm nhưng sau khi Trung tâm gửi giấy chiêu sinh thì mới đi tìm, lựa chọn học viên, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo và chất lượng đầu vào của các khóa học. Điều này còn dẫn đến tình trạng có những hội viên có khả năng, nhu cầu nhưng chưa được đi học. Việc nắm chắc tình hình hội viên, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể sẽ tránh được những tình trạng nói trên, đảm bảo công tác đào tạo đúng định hướng, hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển của các cấp Hội.

          - Ba là, từng bước xây dựng các giáo trình, tài liệu cho các khóa học phù hợp với trình độ, khả năng tiếp thu và đặc điểm tiếp cận của người mù. Bên cạnh đó, xây dựng các bài giảng ngắn, dễ hiểu  dưới dạng audio hoặc văn bản điện tử về những kiến thức, kinh nghiệm trong chuyên môn đưa lên Website nhằm phổ biến một cách rộng rãi, khuyến khích người mù tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin và chủ động cập nhật kiến thức, rèn luyện kĩ năng của mình.

 

          - Bốn là, các cấp Hội cần tuyên truyền để hội viên nâng cao nhận thức, tích cực trau dồi chuyên môn nghề nghiệp, đảm bảo nguồn lao động có chất lượng. Chẳng hạn, với nghề massage, cần nâng cao tay nghề, tiến tới massage y học chữa bệnh, tránh tình trạng khi đạt trình độ tay nghề và có được mức thu nhập  nhất định thì có xu hướng hài lòng, không muốn tiếp tục trau dồi kiến thức, kĩ năng chuyên môn.   Bên cạnh đó, cần định hướng nghề nghiệp để người mù trẻ được đào tạo những ngành nghề phù hợp với khả năng và nguyện vọng, sau khi tốt nghiệp, có cơ hội làm  việc đúng  với chuyên môn đã học.

 

          - Năm là, đề xuất với cơ quan quản lí nhà nước, cơ quan chức năng nhằm từng bước nâng cấp, chuyển đổi Trung tâm thành trường trung cấp để chính thức hóa nội dung chương trình đào tạo nằm trong danh mục đào tạo nghề quốc gia. Tiếp tục chuẩn hóa, đào tạo chuyên sâu các loại hình nghề nghiệp đang đào tạo để đạt chuẩn trình độ sơ cấp, trung cấp nhằm khẳng định vị trí của người mù và đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng. Trên cơ sở đó, từng bước phân cấp đào tạo để tận dụng lợi thế về cơ sở hạ tầng kĩ thuật, nguyên vật liệu, phù hợp với đặc điểm  của các địa phương, đảm bảo đào tạo hiệu quả và giảm bớt chi phí đi lại.

 

- Sáu là, Trung ương Hội cần làm việc với Tổng Cục dạy nghề, Viện Nghiên cứu nghề nghiệp quốc gia và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để nghiên cứu, khảo sát các ngành nghề mới phù hợp, xây dựng các chương trình đào tạo ở các trình độ khác nhau nhằm tăng thêm cơ hội cho người mù lựa chọn học nghề.

 

          - Bảy là, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo đội ngũ giáo viên cơ hữu có chất lượng cho các Trung tâm, đồng thời, xây dựng giáo trình và tổ chức các khóa học về các chuyên môn khác ở trình độ chuyên sâu. Bên cạnh đó cần kiến nghị với các cơ quan chức năng để các giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục và dạy nghề của hội được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước.

 

- Tám là, tác động với nhà nước và cộng đồng nhằm nâng cao trách nhiệm của các công ti, doanh nghiệp, các cơ quan hành chính sự nghiệp trong việc tiếp nhận người mù vào làm việc. Trong Luật Lao động trước đây quy định: Các doanh nghiệp phải tiếp nhận một tỉ lệ nhất định là người khuyết tật vào làm việc, nếu không nhận đủ số lượng đó thì phải đóng góp một phần kinh phí vào Quỹ Việc làm của người khuyết tật. Tuy nhiên, Luật Lao động năm 2012 thì không còn quy định này mà chuyển từ cơ chế bắt buộc sang cơ chế khuyến khích. Vì vậy, cần thúc đẩy quá trình tuyên truyền và xây dựng chính sách, biện pháp  phù hợp sao cho việc khuyến khích đạt hiệu quả thật sự trên thực tế để ngày càng nhiều người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng được nhận vào làm việc tại các công ti, doanh nghiệp  và các cơ quan Nhà nước.

 

          - Chín là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức và cơ sở đào tạo tại các nước trong khu vực và trên thế giới để tổ chức đào tạo, trao đổi kinh nghiệm  đối với các ngành nghề hiện có và mở rộng thêm các ngành nghề mới mà ở các nước khác đã phát triển như: trực tổng đài, phát thanh viên, phiên dịch viên… Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tham khảo tiêu chuẩn chuyên môn, nghề nghiệp của các nước trong khu vực, xem xét, áp dụng vào hoạt động đào tạo và hành nghề của người mù ở nước ta.

 

           Trên đây là một số vấn đề mà tôi thiết nghĩ nếu được chú trọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển trong công tác đào tạo của các Trung tâm nói riêng và của hội nói chung. Đồng thời từng bước đưa sự nghiệp đào tạo của hội tiến gần với các nước trong khu vực và thế giới.  

Lượt xem : 37877 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo