Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Người khiếm thị và nghề massage
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người khiếm thị và nghề massage

 

 

Nhiều năm qua, việc dạy nghề và tạo việc làm cho người khiếm thị đã được chính quyền và Hội người mù các cấp trong tỉnh quan tâm, phối hợp thực hiện. Bên cạnh các nghề mà người khiếm thị có tham gia như: xe nhang, bó chổi, đan giỏ xách nhựa, quay chỉ xơ dừa… thì massage (xoa bóp) hiện được xem là một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập khá cho người khiếm thị. Tuy nhiên, để “sống với nghề”, các kỹ thuật viên (KTV) massage khiếm thị cũng gặp không ít gian nan…

 

 

Tạo thu nhập cho nhiều người khiếm thị

Nhằm góp phần tạo việc làm cho người khiếm thị, Hội Người mù tỉnh được hỗ trợ thành lập một Cơ sở massage ở khu phố 6 - phường Phú Khương (TP. Bến Tre), đến nay đã đi vào hoạt động hơn 5 năm. Ban đầu khi mới thành lập, Cơ sở rất vắng khách vì người dân còn nhiều e ngại… Nhờ báo, đài đưa tin giới thiệu, kỹ thuật viên (KTV) làm tốt, dần dần Cơ sở được nhiều người biết đến. Cuối năm 2011, Hội thành lập thêm Cơ sở 2 tại phường 7 - TP. Bến Tre (đối diện khu dân cư Sao Mai).

Các KTV làm việc tại các Cơ sở massage của Tỉnh Hội Người mù đều đã qua đào tạo và có chứng chỉ về kỹ thuật xoa bóp theo y học. Từ những lớp đào tạo KTV xoa bóp đầu tiên, nhiều em có tay nghề và có đủ điều kiện đã ra mở các cơ sở tư nhân. Hiện nay, trên địa bàn TP. Bến Tre có 3 cơ sở massage tư nhân do người khiếm thị làm chủ. Số khác, đi làm thuê cho các cơ sở massage ở các tỉnh lân cận. Riêng hai Cơ sở của Tỉnh Hội Người mù có hơn 10 KTV (phần nhiều là nam) làm việc tại đây.

Ông Lê Văn Năm - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Bến Tre cho biết, hàng tháng, Tỉnh Hội đều có tổ chức họp các KTV để rút kinh nghiệm và cũng để kịp thời nắm bắt tình hình làm việc của các KTV. Hội có thành lập Ban quản lý Cơ sở và có quy định đối với các KTV làm việc tại các Cơ sở của Hội, như: chỉ phục vụ massage tại Cơ sở chứ không nhận đưa KTV đến massage tại nhà. Mục đích là nhằm đảm bảo tính an toàn cho các KTV, nhất là các KTV nữ. Mặt khác, KTV ở tại Cơ sở để đảm bảo đủ số lượng KTV phục vụ khi khách đến đông. Ở tại các Cơ sở của Hội thì luôn có bảo vệ, người trực để coi quản, xử lý các vấn đề khi cần thiết. Khi có vấn đề gì xảy ra, bảo vệ sẽ báo về Ban Quản lý của Tỉnh Hội để có hướng giải quyết kịp thời.

Một suất massage có giá từ 45 đến 60 nghìn đồng (massage từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ). Các KTV hưởng lương theo suất và đóng lại cho Ban Quản lý một nửa để trang trải các chi phí của Cơ sở (điện, nước, bảo vệ, vật dụng làm nghề…). Ban Quản lý Cơ sở đã thường xuyên tổ chức kiểm tra và bồi dưỡng thêm tay nghề cho các KTV, trang bị công cụ, dụng cụ cần thiết để phục vụ. Từ đó, lượng khách đến ủng hộ ngày một đông. Thu nhập bình quân mỗi KTV là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các KTV đều có mong muốn gắn bó với nghề.

Tâm tình “người thợ”

Chúng tôi tìm đến Cơ sở 2 của Hội tại phường 7 vào một buổi chiều ngày giữa tuần, lúc này, Cơ sở cũng đang có vài vị khách đến xoa bóp. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự ngăn nắp, sạch sẽ và không khí sống, làm việc của các KTV tại đây rất vui vẻ, chan hòa.

Cơ sở 2 hiện có 5 KTV (4 nam, 1 nữ), mở cửa từ 8 giờ sáng đến 20 giờ đêm. Anh em tại đây cho biết, thành phần khách cũng rất đa dạng, từ cán bộ, công chức, doanh nghiệp… đến buôn bán, lao động, lái xe… Trong đó, khách nam là chiếm đa số (khoảng 70%). Khách đến yêu cầu nhiều nhất là dịch vụ xoa bóp, ngoài ra còn có các dịch vụ khác như: xông hơi, giác hơi, cạo gió… Mục đích của việc massage - xoa bóp là giúp người được phục vụ cảm thấy thư giãn, cơ thể được lưu thông máu huyết, phục hồi sức khỏe sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Anh Lê Đức Phong (quê Châu Thành) là một trong những KTV gắn bó khá lâu tại đây bộc bạch: Khách đã đến Cơ sở ủng hộ tức là đã có lòng giúp cho chúng tôi có thêm thu nhập ổn định cuộc sống, nên chúng tôi rất vui và rất trân trọng. Vì thế, mỗi lần khách đến là anh em đều cố gắng làm thật tốt để khách được hài lòng, và để khách không chỉ đến một lần mà còn đến nhiều lần nữa.

Thăm dò nhiều khách, chúng tôi ghi nhận hầu hết khách đến đây đều bày tỏ sự thoải mái, hài lòng và nhiều vị còn rộng rãi gửi thêm tiền bo cho anh em KTV. Anh Phạm Văn Lượng (ngụ Tân Hội - Mỏ Cày Nam) làm nghề tiếp thị hàng tạp hóa, thường xuyên chạy xe gắn máy nhiều nơi trong tỉnh để chào hàng, giao hàng. Anh cho biết: Chạy xe cả ngày mệt mỏi lắm nên anh thường ghé đây xoa bóp để thư giãn “gân cốt”.

Cũng không ít lần, các KTV gặp các vị khách gây khó khăn, đó là các vị khách say xỉn, hoặc yêu cầu làm massage “không lành mạnh”. Những lúc đó, các KTV cũng phải nhẹ nhàng nói rõ mục đích làm việc của Cơ sở. Để tránh tình trạng trên, Hội cũng đưa vào quy chế làm việc của Cơ sở là nếu người say xỉn quá thì KTV sẽ không nhận làm. Hoặc nếu khách có hành động “sai mục đích dịch vụ” thì KTV sẽ báo bảo vệ, người trực để can thiệp kịp thời.

Tất cả các KTV ở đây đều là thợ lành nghề. Được vậy, họ đã trải qua thời gian đầu khá vất vả để làm quen công việc. Anh Lê Hoàng Mẫn (ngụ phường 8), là người có gần một năm làm việc tại đây, anh cho biết, lúc đầu học cũng rất khó, phải tập nhớ, xác định chính xác từng vị trí huyệt đạo trên cơ thể người để xoa bóp đúng huyệt, đúng cách.

Hiện nay, điều kiện quảng bá dịch vụ các Cơ sở của Hội còn nhiều hạn chế nên để “đánh tiếng” gần xa, các KTV chỉ dựa vào việc cố gắng phục vụ thật tốt cho mỗi lượt khách đến massage tại Cơ sở. Có thể nói, dù là người khiếm thị, nhưng họ vẫn đang miệt mài làm việc bằng đôi tay, sức lực chân chính để mưu sinh hàng ngày, điều đó thật đáng trân trọng.

 

Hiện nay, trong danh mục các nghề (dành cho người khiếm thị) cần được đào tạo của tỉnh vẫn chưa có nghề massage. Tỉnh Hội đang kiến nghị về Sở Lao động - Thương binh  và  Xã hội đề nghị về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục dạy nghề cho nghề massage tại Bến Tre vào danh mục cần được đào tạo (dành cho người khiếm thị). Như thế, ngoài các nghề như: xe nhang, bó chổi, xe chỉ xơ dừa… thì nghề massage cũng sẽ được đầu tư dạy nghề tại tỉnh.

(Ông Lê Văn Năm - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Bến Tre).

 

 

 
  • Ánh Nguyệt
 
 

Hoàng Kim (theo báo Đồng Khởi)

Lượt xem : 33124 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo