Trang chủ --> Gương sáng --> Quảng Nam: Vượt lên số phận
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Quảng Nam: Vượt lên số phận

Rất nhiều người khuyết tật với ý chí và nghị lực phi thường, đã vượt qua số phận, tự khẳng định mình và hòa nhập với cộng đồng.

1. Anh Trần Văn Giỏi ở thôn Trung Phú 2 (Điện Minh, Điện Bàn) không may mắc bệnh thương hàn năm lên 6 tuổi, suốt ngày chỉ có thể bò lết, đến năm 11 tuổi mới tập đi. Thế nhưng cậu bé Giỏi ngày ấy vẫn một mực đòi được đến trường học chữ như bao bạn bè khác trong xóm. Tốt nghiệp cấp 3, anh xin vào đội thông tin tuyên truyền Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Điện Minh để kiếm sống, lúc đó đàn hát được tính bằng công điểm quy ra lúa. Thời bao cấp quá khó khăn, nhiều lúc vợ chồng anh và hai con phải mót lúa, ăn khoai sắn thay cơm. Khi đội thông tin tuyên truyền không hoạt động nữa, anh làm kế toán trưởng rồi làm chủ nhiệm HTX tín dụng xã Điện Minh nhưng vẫn tranh thủ làm thêm nghề bán cà rem, kẹo kéo.

 

Ông Trần Văn Giỏi đúc chậu kiểng.
Ông Trần Văn Giỏi đúc chậu kiểng.

Trên những nẻo đường xuôi ngược, nghề nào, việc nào anh cũng đều tự học. Nghỉ làm ở HTX, anh chuyển sang nghề gò hàn, buôn phế liệu, làm MC trong đám cưới. Trong những lần rong ruổi tận Đại Lộc, Quế Sơn, thấy nghề trồng cây cảnh phù hợp với sức khỏe cũng như niềm yêu thích, anh bắt đầu tự tập đúc chậu kiểng, trồng cây vào năm 2008. Ngoài lượng khách hàng tìm đến nhà, anh còn đem bán cây kiểng ở Tam Kỳ và các huyện lân cận, nguồn thu nhập đủ nuôi mẹ già, đầu tư cho hai con ăn học. Cạnh đó, anh còn học thêm nghề vàng mã do Hội Người khuyết tật và Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức, hiện anh cùng hai người bạn khuyết tật mở một cơ sở nhỏ làm vàng mã để cung cấp ra thị trường.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh là người rất yêu văn nghệ, tự học đàn nhị và sử dụng thành thạo nhạc cụ này. Khi nghe Trung tâm Văn hóa  thông tin huyện khai giảng lớp đàn hát dân ca, anh mang cây đàn nhị đến xin học và được chọn đi biểu diễn tại TP.Tam Kỳ. Hiện anh là Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Điện Minh. Anh tâm sự: “Chính sự lạc quan, yêu đời sẽ giúp người khuyết tật khắc phục mọi khó khăn để lo bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội”.

 

Ông Cảnh tỉ mẫn với công việc làm chả.
Ông Cảnh tỉ mẫn với công việc làm chả.

2. Một tấm gương tiêu biểu nữa cho sự nỗ lực vượt qua mặc cảm vươn lên trong cuộc sống là anh Trương Thế Cảnh ở khối 5 thị trấn Vĩnh Điện. Sau cơn sốt bại liệt từ nhỏ cộng với cha mất sớm, mẹ làm ruộng nuôi 4 người con nên anh không có cơ hội được đến trường. Bắt đầu từ việc bán vé số, bơm quẹt ga bất kể nắng mưa, anh đã tự nuôi sống bản thân để mẹ già bớt đi gánh nặng. Chứng kiến hằng ngày anh lê từng bước chân nặng nhọc, người hàng xóm tốt bụng Võ Văn Sao đã giúp anh bằng cách cho vào học nghề làm chả. Gần 20 năm theo nghề, hiện nay anh đã gầy dựng được cơ sở làm chả, tạo công ăn việc làm cho hai thợ, trung bình mỗi ngày tiêu thụ từ 18 - 20kg thịt để bỏ mối tại Vĩnh Điện, Cầu Mống và cả huyện Thăng Bình, Quế Sơn. Công việc của anh bắt đầu từ 1 giờ sáng, nhóm lò, lọc và xay thịt, gói chả, đem nấu, đúng 3 giờ là có sản phẩm đem bỏ mối tại các chợ. Theo nghề gần 20 năm, hiện nay anh đã tạo dựng cuộc sống ổn định. Và một điều đáng trân trọng là trong từng bước đi của anh đều có bóng dáng người vợ đảm đang. Bởi với anh, chị là hậu phương vững chắc, là động lực vươn lên trong cuộc sống.  

3. Chúng tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Phương ở thôn 8, xã Điện Hồng lúc chị loay hoay giữa bộn bề áo quần may dở. Tôi đã viết về hoàn cảnh tận cùng bi đát của gia đình chị cách đây 5 năm và không thể ngờ chừng đó thời gian chị đã một tay chèo chống gia đình vượt qua bão tố cuộc đời và thực sự hồi sinh. Ngày ấy, trong căn nhà dột nát, 4 con người là 4 số phận vá víu bám vào nhau. Chị tật nguyền ôm đứa con bé nhỏ, cha mẹ chị đều mắc bệnh ung thư, ngoài mấy chiếc giường cũ kỹ không hề có vật dụng nào khác. Không thể ngồi chờ phép màu, chị xin phụ may cho một người thợ lành nghề. Khó có thể kể hết nỗi cơ cực của chị trong quãng thời gian vừa lo làm kiếm tiền, vừa chăm sóc con nhỏ, vừa lo cho cha mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, từng bước đi phải dựa vào đôi nạng gỗ. Nhưng rồi những nỗ lực phi thường của chị đã được đền đáp. Chị đã có tiệm may riêng, căn nhà xiêu vẹo ngày nào được thay bằng ngôi nhà xây khang trang, chị mua được xe máy và sắm các vật dụng trong nhà đầy đủ, nuôi con ăn học.

Hiện nay, các anh chị đều là hội viên sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật huyện Điện Bàn, sẵn sàng giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh gặp khó khăn. Ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Điện Bàn chia sẻ: “Người khuyết tật thường mặc cảm, ít có cơ hội khẳng định bản thân, sự ra đời của hội phần nào đã giúp họ tự tin hơn. Hội như một mái nhà chung để anh chị tìm thấy niềm vui, cùng chung tay hỗ trợ họ vươn lên trong cuộc sống”.

HUYỀN CHI 

 

Hoàng Kim (theo Báo Quảng Nam Online)
 

Lượt xem : 30229 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo