Trang chủ --> Gương sáng --> Nghệ sĩ mù xóm núi hành nghề... tẩm quất
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Nghệ sĩ mù xóm núi hành nghề... tẩm quất

Mặc dù bị mù cả hai mắt nhưng anh Triệu Văn Sơn (ở xóm Tân Lập, xã Trung Phúc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) vẫn có thể chế tạo những loại nhạc cụ phức tạp như đàn, sáo...

Học đàn để... tán gái
Người đời vẫn gán cho anh cái biệt danh "Sơn nghệ sĩ" hoặc "nghệ sĩ mù" là bởi mặc dù bị mù lòa nhưng bằng đôi tay khéo léo anh vẫn có thể làm được những cây đàn và sáo rất chuẩn, có người còn liệt anh vào hàng "cao thủ" trong việc chế tạo nhạc cụ dân tộc ở Cao Bằng.
Dù việc chế tạo nhạc cụ không phải là nghề chính, nhưng đi đến đâu anh Sơn cũng đem theo một cây đàn và một cây sáo để mỗi khi nghỉ ngơi anh lại thả mình vào những nốt nhạc nỉ non, trầm bổng.
Anh Sơn kể: "Mình học làm đàn từ năm nào đến nay không còn nhớ nữa, thế nhưng ký ức về cái thời choai choai theo cánh thanh niên bản dò dẫm ra những mỏm đồi chơ vơ đầu làng nghe họ thổi sáo tán gái thì vẫn còn nhớ như in. Nói là tán gái vậy chứ mình không những chẳng tán được em nào, lại còn quay sang thích những bản tình ca bằng sáo trúc của mấy thằng bạn cùng làng".
Đam mê, anh Sơn mượn sáo của đám bạn rồi tự mày mò từng nốt nhạc. Chỉ vài tuần sau khi học hỏi, anh đã tự thổi được những bản nhạc gọi bạn tình giống như những chàng trai xóm núi. Thế rồi, men say âm nhạc cứ thế ngấm vào cơ thể, nhiều đêm, sau khi chếnh choáng men rượu anh lại dò dẫm ra mỏm đồi đầu làng thổi sáo. Anh bảo: "Lúc đó tôi không thổi sáo để tán gái như đám bạn mà để tự động viên, an ủi mình trước những khiếm khuyết cuộc đời".
Mỗi lúc rảnh, anh Sơn lại thả hồn cùng âm nhạc.
Nói rồi, anh Sơn đi lại phía đầu giường lấy cây sáo trúc tự làm ra thổi bản tình ca xưa cũ. Đó là bản nhạc mà anh đã thổi suốt mấy chục năm ròng không chán. Một người bạn của anh tiết lộ, bản tình ca mà anh vừa thổi kể về chuyện tình buồn của một chàng trai nghèo, mồ côi cha mẹ. Chàng trai đó đem lòng yêu cô gái của một gia đình giàu có xinh nhất bản, nhưng hai người không đến được với nhau vì bị gia đình cô gái ngăn cấm. Quá buồn về chuyện tình của mình, cô gái đã gieo mình xuống dòng sông tự vẫn. Biết tin này, chàng trai ngày ngày ra mỏm đá bên dòng sông thổi sáo những mong cô gái từ cõi chết chở về. Chàng đợi cô gái cho đến khi chết rồi hóa thành dòng nước đỏ quện cùng dòng sông mong gặp được cô gái nơi suối vàng.
Không những giỏi thổi sáo mà Sơn cũng rất giỏi đánh đàn, anh ôm cây đàn trên tay và bắt đầu trổ tài với những nốt nhạc tình tang. Sơn học đàn ngay sau khi biết thổi sáo. Với khả năng thiên bẩm của mình, chỉ cần vài ngày học hỏi anh đã tự chơi được những bản nhạc truyền thống trước sự nể phục của mọi người. Anh kể: "Cách đây mấy chục năm ở cái nơi hoang sơ toàn cây rừng núi đá thế này việc kiếm được một lớp học âm nhạc là điều không tưởng, chỉ có lòng đam mê và kinh nghiệm tích cóp qua từng nốt nhạc mới khiến mình bám lấy cây đàn, cây sáo và làm chủ những nhạc cụ này nhanh đến thế". Với sự kéo léo, tài năng của mình, Sơn được mời vào đoàn văn công giá hai (một loại hình kinh kịch giống như tuồng) Trung Phúc và đi biểu diễn cho người dân xem mỗi dịp lễ, Tết.
Anh Sơn không chỉ chế tạo các nhạc cụ rất chuẩn mà còn có thể chạm khắc hoa văn rất đẹp.
Dùng gang tay làm chuẩn
Tất cả các nhạc cụ mà "nghệ sĩ mù" chế tác đều dựa trên cơ sở đo đạc bằng... tay. Nói về điều này, anh Sơn vẫn thường tự hào vì cảm quan của mình khá nhạy cảm.
Anh Sơn cho hay: "Đối với sáo thì phải đo bằng đốt ngón tay, với đàn tính thì phải đo bằng gang tay. Mình sẽ mượn một chiếc sáo chuẩn nhất, sau đó dùng đốt ngón tay để đánh dấu khoảng cách giữa các lỗ. Thông thường mỗi lỗ cách nhau 1 đốt ngón tay, riêng lỗ thứ 3 và thứ 4 cách nhau 1,5 đốt, tiếp đó là dùng chiếc dùi sắt nhọn cắm vào những chỗ đã đánh dấu từ trước. Đối với đàn tính, mình dùng gang tay để đo. Thông thường thì chiều dài của chiếc đàn bằng 4 gang tay, mỗi gang bằng 20cm. Đàn tính có 3 dây, mỗi dây cách nhau nửa đốt ngón tay...".
Bằng cách này, anh Sơn đã chế tác ra rất nhiều nhạc cụ rồi phát miễn phí cho bạn bè, thậm chí có thời điểm anh còn bán được các loại nhạc cụ với giá 3.000đ/1 cây sáo và 25.000đ/1 chiếc đàn...
Theo nghệ sĩ mù Triệu Văn Sơn thì để có được những chiếc đàn tính, anh phải nhờ người lên rừng đi tìm cây mai - loại cây chuyên dùng để làm đàn tính về để đục hộp và làm cần đàn. Nếu có nguyên liệu rồi thì anh chỉ cần bỏ ra 2 ngày liên tục là đã có thể làm xong một cây đàn tính.
Kể đến đây, anh lại lôi ra một cây đàn tính được lau chùi bóng loáng. Đó là sản phẩm đầu tay của anh, cũng là chiếc đàn đã gắn bó với anh từ hồi còn trẻ, cho đến những ngày ca vang tiếng hát cùng Đoàn Văn công Trung Phúc... Nói rồi, anh nâng cây đàn lên và lướt nhẹ những ngón tay trên từng phím đàn. Tiếng đàn tình tang nỉ non phát ra khiến những người xung quanh lặng im chăm chú nghe. Có người bảo, anh là nghệ sĩ nghiệp dư hiếm hoi còn sót lại chốn non cao cùng ải. Còn anh thì vẫn luyến tiếc một điều rằng không thể sống được bằng cái nghề làm đàn để bán. Bởi một lý do đơn giản đó là thời thế đã khác, lớp trẻ bây giờ không còn muốn lang thang bên những mỏm đồi ngồi thả hồn theo từng tiếng sáo vang, không muốn nghe tiếng đàn tính nỉ non. Họ muốn nghe nhạc sàn, nhạc ngoại...
"Để có vật liệu làm đàn, tôi phải nhờ hàng xóm xung quanh khi lên rừng thấy có cây mai thì chặt về giúp. Tôi sẽ trả công họ bằng chén rượu và... lời cảm ơn thế là được. Hiện tại nếu dốc sức làm nhạc cụ thì mỗi ngày tôi có thể kiếm được vài chục nghìn nuôi thân, nhưng mà sản phẩm làm ra không biết bán đi đâu, vì không sống được bằng nghề nên tôi đã ngưng làm nhạc cụ và xin vào một cơ sở tẩm quất người mù ở thị xã Cao Bằng để lấy tiền kiếm sống".
Anh Triệu Văn Sơn


Quách Dương

Hoàng Kim (theo Kienthuc)

Lượt xem : 63363 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo