Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Trung tâm đào tạo – dạy nghề cho người mù thực trạng và giải pháp
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Trung tâm đào tạo – dạy nghề cho người mù thực trạng và giải pháp

Đào tạo- Giáo dục - Dạy nghề và tạo việc làm là những nội dung quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia để hướng tới sự phát triển bền vững. Đây cũng là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sự ra đời của Luật Lao động và Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề …là căn cứ pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển hệ thống trung tâm đào tạo, dạy nghề nói chung và Hội Người mù nói riêng.

 

 Hội Người mù Việt Nam với định hướng đào tạo, học chữ, dạy nghề và giải quyết việc làm luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội trong cả nước. Việc tổ chức thực hiện luôn được triển khai bằng nhiều cách thức khác nhau phù hợp với thực tế, nhu cầu ở các tỉnh thành hội, tuy còn không ít khó khăn, hạn chế nhưng tổ chức Hội luôn nỗ lực tìm kiếm, đổi mới các hoạt động mong muốn đáp ứng nhu cầu chính đáng của hội viên, người mù. Hoạt động của trung tâm đào tạo, dạy nghề và các tỉnh, thành hội chưa thành lập trung tâm nhưng vẫn tổ chức các lớp đào tạo, dạy chữ, dạy nghề đã đóng góp tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức Hội và các cơ sở sản xuất kinh doanh của người mù góp phần không nhỏ trong hiệu quả hoạt động hội, nâng cao dân trí, có nghề nghiệp ổn định việc làm cải thiện nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững cho nhiều người mù góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động.

 

1/ Kết quả thực hiện

 

          Được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, UBND và các sở ngành quản lý Nhà nước địa phương về công tác đào tạo, giáo dục, dạy nghề cùng với sự nỗ lực, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo và quản lý ở từ Trung ương đến tỉnh thành hội và hội cơ sở, sự phấn đấu rèn luyện của học viên đã tạo ra được kết quả khả quan công tác đào tạo tập huấn cán bộ, học hòa nhập và tiền hoà nhập, dạy nghề và tạo việc làm. Tính đến tháng 6/2014 toàn Hội đã có 15 trung tâm đào tạo giáo dục dạy nghề có quyết định thành lập và bộ máy quản lý được hỗ trợ kinh phí thường xuyên, có chỉ tiêu cán bộ quản lý, giáo viên …Trung tâm đào tạo và PHCN của TW Hội, Trung tâm đào tạo các tỉnh, thành hội: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Tp Hồ Chí Minh, Bến Tre, trong đó có 4 Trung tâm cán bộ quản lý giáo viên được huởng phụ cấp 70% lương theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ  đó là Trung tâm Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thanh Hoá, Hà Tĩnh. Trung tâm đào tạo của TW Hội cũng đã có ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý cho thực hiện hưởng phụ cấp. Các Trung tâm đào tạo hiện nay chủ yếu được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh 12/15, 1 trung tâm do TW ra quyết định, 2 trung tâm do tỉnh hội ra quyết định. Một số trung tâm đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trang thiết bị dạy học tương đối đảm bảo như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bến Tre.... Do khó khăn chung của ngân sách Nhà nước nên sau năm 2010 chỉ có Trung tâm đào tạo Hội Người mù Thanh Hóa được xây dựng mới gồm một khu nhà 3 tầng, diện tích sàn 1.086m2, diện tích sử dụng 945 m2 với các phòng: hội trường, phòng học chữ, phòng học nghề, phòng thực tập, nhà nội trú, phòng ăn với chỉ tiêu đào tạo hàng năm từ 220-250 học viên… và Trung tâm dạy nghề tỉnh hội Thừa Thiên Huế đang xúc tiến các thủ tục đầu tư với khái toán khoảng 53 tỷ đồng trên diện tích hơn 7.500 m2. Cùng với nhiều tỉnh hội chưa thành lập được Trung tâm nhưng cũng đã làm thủ tục để  được cấp giấy phép đào tạo nghề ngắn hạn, được hỗ trợ kinh phí và tổ chức thực hiện hiệu quả: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Đắk Lắk, Phú Thọ …sự nỗ lực của các tỉnh, thành hội đã cho thấy việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, dạy chữ, dạy nghề trong Hội đã có bước phát triển về cả mạng lưới và quy mô đào tạo, hoạt động này từng bước được củng cố và phát triển.

 

          Chức năng nhiệm vụ của các Trung tâm hiện nay được thực hiện với 3 mảng công việc chủ yếu: Đào tạo cán bộ cho các cấp hội, nuôi dạy trẻ em mù học hoà nhập,  tiền hoà nhập và dạy nghề, kết quả đào tạo của 15 trung tâm cụ thể như sau:

 

          Tổng số: 409 lớp,  8.185 học viên, tổng số tiền 20.406.863.000đ

          Trong đó:

          Đào tạo và tập huấn cán bộ: 78 lớp, 2.032 học viên, với số tiền 4.891.091.000đ chiếm 23,9 % ( trong đó Trung tâm của TW Hội  chiếm 17,6%).

 

          Dạy trẻ học hoà nhập và tiền hoà nhập: 29 lớp, 505 trẻ em, với số tiền 2.044.596.000đ chiếm 10%.

 

          Dạy nghề : 302 lớp, 5.648 học viên, với số tiền 13.471.176.000đ chiếm 66,1% ( trong đó thủ công  chiếm  15,4 %, xoa bóp bấm huyệt, tin học chiếm  38,5% ), còn lại các ngành nghề khác như: dạy nhạc, đàn ca tài tử, kỹ thuật viên tổng đài, tiếng anh, nâng cao kỹ năng sống…..

          Ngoài ra các tỉnh, thành hội không có trung tâm đào tạo nhưng vẫn tổ chức mở được lớp dạy nghề: 119 lớp, 1.738 học viên, với số tiền 4.578.616.000đ ( theo báo cáo của 12 tỉnh, thành hội).

 

Tổng cộng các loại hình đào tạo của 15 trung tâm dạy nghề và 12 tỉnh, thành hội không có trung tâm dạy nghề đã mở được 528 lớp, 9.923 học viên, tổng số tiền 24.985.479.000đ

 

          Ngoài các ngành nghề đào tạo truyền thống Trung tâm dạy nghề Tp Đà Nẵng đã tổ chức các nghề mới như

: Lớp bồi dưỡng kiến thức đông y, lớp châm cứu bấm huyệt chữa trị thông thường theo thời sinh học, Trung tâm dạy nghề tỉnh Lâm Đồng tổ chức lớp làm trà Actiso. Riêng Trung tâm đào tạo tỉnh Bến Tre được sở Lao động Thương binh Xã hội giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho đối tượng không phải là người mù như may công nghiệp, dệt thảm.

 

2/Đánh giá chung

 

 Trong những năm qua, nhất là sau hội nghị đánh giá kết quả hoạt động dạy nghề tổ chức năm 2010 tại Nghệ An. Công tác đào tạo tập huấn, học văn hoá, học nghề cho cán bộ hội viên, người mù tiếp tục được các cấp hội chú trọng quan tâm, thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước và sự ủng hộ từ thiện, tài trợ của các dự án nên chương trình đã đạt hiệu quả cao, các ngành nghề đào tạo đều gắn với phương hướng, nội dung hoạt động của Hội phù hợp với nhu cầu học của cán bộ hội viên, phần lớn người qua đào tạo được trang bị kiến thức phù hợp với công tác quản lý, số học viên học nghề phát huy được nghề đã học để có việc làm ổn định, thu nhập tăng nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong hội. Số lượng và chất lượng đào tạo tăng đều hàng năm, nguồn kinh phí đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học sử dụng hiệu quả đúng mục đích.

 

2.1 Những ưu điểm chính

 

Có thể khẳng định hiệu quả của công tác đào tạo, tập huấn cán bộ, dạy chữ, học nghề là rất lớn về chính trị, xã hội kinh tế, là những hoạt động cụ thể nâng cao vai trò vị thế của tổ chức Hội, của người mù trong đánh giá của các cơ quan quản lý và xã hội.

 

Có nguồn kinh phí hỗ trợ thường xuyên của Nhà nước, Hội có điều kiện thực hiện chương trình đào tạo ổn định và lâu dài đáp ứng yêu cầu học tập của người mù, nếu các trung tâm và các tỉnh, thành hội không triển khai công tác này thì người mù không thể tiếp cận chương trình vì các cơ sở đào tạo, học nghề bên ngoài hầu như không phù hợp với đặc thù sinh hoạt, học tập của người mù. Công tác xã hội hóa hoạt động thể hiện rõ nét qua các khoá học tập trung cũng là một địa chỉ để thu hút nguồn hỗ trợ từ thiện nhân đạo công tác này các tỉnh phía nam làm hiệu quả hơn các tỉnh phía bắc và miền trung như Bình Thuận, Bạc Liêu, Lâm Đồng… và là tiền đề để được sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước qua các dự án nhỏ.

 

Qua các khoá đào tạo cán bộ hội viên được trang bị thêm kiến thức về quản lý, kiến thức về văn hoá xã hội, có thêm một nghề phù hợp, người mù tự tin hơn dám nghĩ dám làm vượt lên để tự khẳng định bản thân mình và cũng tạo ra đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên năng động, trách nhiệm, trình độ ngày được nâng cao có một số đã hoàn thành chương trình cao học, giáo viên các Trung tâm cơ bản đáp ứng được yêu cầu về giảng dạy, hướng dẫn hạn chế tối đa việc thuê mướn giảng viên bên ngoài. Trẻ em học hòa nhập cơ bản có kết quả học lực khá kiến thức xã hội, giao tiếp được nâng lên.

 

Một số Trung tâm đào tạo được tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, nâng cấp phòng làm việc, phòng học, phòng thực hành, nhà nội trú và trang thiết bị giảng dạy ngày càng khang trang đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo. Đội ngũ  giáo viên được tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và học tập để nâng cao trình độ, một số trung tâm đã được hưởng tiền phụ cấp theo Nghị định số 61/2006/NĐ- CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ hoặc tạo nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho cán bộ, công nhân viên.

 

Các khoá học được sự phối hợp chặt chẽ với các trường chuyên môn có uy tín nên việc dạy-học theo đúng các quy định của Nhà nước như giờ lên lớp, giờ thực hành, thực tập và thi kiểm tra cuối kỳ để cấp chứng chỉ đào tạo. Tổng số học viên sau khoá học được cấp chứng chỉ đạt 95% trong đó khoảng 10% đạt loại giỏi, 40% đạt loại khá. Riêng các lớp học nghề đáp ứng cơ bản nhu cầu học nghề của địa phương, các nghề học phù hợp với sức khoẻ, trình độ và đảm bảo việc hành nghề cho người mù sau khi học xong với khoảng 75% người có việc làm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh của hội (nghề xoa bóp bấm huyệt đạt xấp xỉ 90%, thủ công hơn 50%). Thu nhập của kỹ thuật viên xoa bóp trung bình 1,9 triệu đồng / người/tháng, người tay nghề cao thu nhập 4,5-5triệu/tháng, thu nhập của nghề thủ công khoảng 1,1 triệu đồng/người/ tháng.

 

Qua triển khai chương trình đào tạo, học nghề đã góp phần rất lớn vào thành công của các hoạt động hội như phát triển và củng cố tổ chức, thu hút hội viên, nâng cao dân trí, các chương trình quốc gia mà Hội tham gia như xoá đói giảm nghèo,vay vốn hỗ trợ việc làm (nguồn vốn thu hồi luôn đạt gần 100%), truyền thông DS-KHHGĐ …đã nâng cao vị thế tổ chức hội, đời sống người mù được thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm đều hàng năm. Luôn được Nhà nước, Chính phủ các cơ quan quản lý và xã hội đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Hội.

 

2.2  Một số tồn tại hạn chế

 

Nhận thức về mục đích và tính chất đào tạo, dạy chữ học nghề chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa thấy hết vai trò, ý nghĩa của công tác đào tạo - học nghề.

 

Chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác  còn bất cập, chưa được chuẩn hóa giáo viên chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu năng động, chậm đổi mới, ít thực tế chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu quản lý giảng dạy, trong dạy nghề hầu như không có giáo viên cơ hữu, sự gắn kết giữa các trung tâm, các tỉnh thành hội còn chưa chặt chẽ.

 

Cơ sở vật chất: ít có kinh phí đầu tư nên thiếu phòng học, phòng nội trú…trang thiết bị, mô hình giảng dạy thiếu, chưa đồng bộ và nếu có cũng đã bị hư hỏng nhiều do thời gian sử dụng đã lâu. Giáo trình giảng dạy chủ yếu do trung tâm biên soạn riêng chưa có sự thống nhất trong toàn Hội. Số ít trung tâm đào tạo chưa sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất gây lãng phí.

 

Các số liệu về điều tra khảo sát về hội viên tuy đã có nhưng độ chính xác chưa cao và ít có sự cập nhập thường xuyên nên ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch đào tạo, dạy nghề hàng năm hoặc nhiệm kỳ của đơn vị.

 

Các cơ chế chính sách chưa phù hợp hoặc đã lạc hậu so với thực tiễn như: tiền ăn chỉ hỗ trợ theo ngày làm việc (không tính thứ bảy, chủ nhật), mức ăn quá thấp so với mặt bằng chung, không có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất mua sắm trang thiết bị …để mở rộng và nâng cao năng lực đào tạo. Một số nghề đào tạo nhưng chưa phù hợp với thực tế nên không phát huy được hiệu quả.

 

Kế hoạch đào tạo thường bị động do không tự chủ được về kinh phí, phụ thuộc vào nguồn tiền hỗ trợ hàng năm của Nhà nước hoặc mở lớp khi có nguồn kinh phí dự án hoặc vận động từ thiện.

 

Đối với người học: Học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, trình độ văn hóa thấp chủ yếu là phổ thông cơ sở hoặc xoá mù chữ, có những trường hợp không biết chữ nên rất hạn chế trong việc ghi chép, tiếp thu bài giảng, nghiên cứu tài liệu … do vậy phải thêm thời gian phục hồi chức năng, bổ túc văn hoá, giảm thời gian học chuyên môn. Một số học viên trong đó có cán bộ quản lý ý thức học tập chưa cao còn trông chờ ỷ lại, chưa nhận thức đúng về việc học tập chỉ đơn giản nghĩ Hội cử đi học là đi chứ chưa xác định việc học là để nâng cao trình độ, có tay nghề …để khẳng định bản thân mình.

 

3/Một số kinh nghiệm nhằm thực hiện hiệu quả của công tác đào tạo, dạy nghề

 

Phải nắm chắc và kịp thời các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này để chủ động làm việc trực tiếp với các cơ quan quản lý bộ ngành Trung ương, UBND, sở ngành địa phương để có sự hướng dẫn cụ thể để Hội được tham gia chương trình.

 

Tổ chức đào tạo và dạy các nghề phù hợp với sức khỏe và khả năng tiếp thu, khả năng có việc làm sau đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của Hội và xã hội.

 

Coi trọng việc bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ các cấp hội nhất là cán bộ làm việc trực tiếp, giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác này. Thường xuyên tổ chức các hội nghị sơ kết, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm.

 

Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những bất cập về chính sách, cơ chế quản lý để có những đề xuất bổ xung phù hợp với thực tiễn.

 

Mở rộng quan hệ với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nhân đạo, các trường trong và ngoài nước để có sự hợp tác giúp đỡ về kinh nghiệm đào tạo giảng dạy, tài chính, dụng cụ chuyên biệt…

 

4/Một số định hướng trong thời gian tới

 

Để công tác đào tạo, dạy văn hoá, dạy nghề của tổ chức Hội ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn các đơn vị cần tập trung làm tốt một số công tác sau:

 

Một là: Tiếp tục nghiên cứu nắm vững và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo. Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề đáp ứng yêu cầu của Hội. Bổ xung, cập nhập, hoàn chỉnh các số liệu điều tra về tình hình đời sống việc làm, nhu cầu học… để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp.

 

Hai là: Sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị giảng dạy và đội ngũ cán bộ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học, hoàn thiện các nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy cho từng môn học, nghề học, gắn đào tạo, dạy nghề với việc làm sau đào tạo, tham gia các đề án đào tạo, dạy nghề cho lao động là người tàn tật.

 

Ba là: Xây dựng quy hoạch các trung tâm theo vùng miền để có điều kiện tập trung nguồn lực và đào tạo hết công suất năng lực, không nên thành lập trung tâm ở các tỉnh ít hội viên, nơi nhiều người mù có độ tuổi cao. Công tác đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của Hội.

 

Bốn là: Tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập để thi đỗ vào các trường Đại học, Cao Đẳng, Trung cấp…. Duy trì và phát huy các ngành nghề truyền thống, mang lại hiệu quả cao đồng thời tích cực tìm nghề mới phù hợp đáp ứng yêu cầu của Hội và xã hội.

 

5/Một số đề xuất và kiến nghị

 

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục dạy nghề và các bộ ngành liên quan cầm sớm ban hành quy chế điều hành, định mức tài chính …cho các Trung tâm đào tạo và các lớp học chữ, học nghề theo đề án 1019 /QĐ-TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020.

 

Nguồn kinh phí dạy nghề: trên cơ sở kế hoạch hàng năm của Hội, Tổng cục Dạy nghề cấp qua một đầu mối là Trung ương Hội, sau đó Trung ương Hội sẽ trực tiếp ký hợp đồng với các Trung tâm dạy nghề Hội địa phương về nghề đào tạo, số người, số tiền, thanh quyết toán dưới sự quản lý giám sát, kiểm tra của Tổng cục Dạy nghề.

 

Hội được phép dạy một số nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của người mù mà nghề đó chưa có trong danh mục nghề của Tổng cục quy định.

 

Tổng cục dạy nghề tiếp tục hỗ trợ kinh phí nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo để các Trung tâm có điều kiện xây sửa phòng học, mua sắm trang thiết bị giảng dạy …và tham gia các lớp đào tạo kỹ năng quản lý trung tâm cho cán bộ giáo viên trong Hội.

 

Các trung tâm đào tạo làm việc với UBND và các sở ban ngành liên quan để được xem xét hưởng chế độ phụ cấp theo nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ.

Lượt xem : 39812 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo