Trang chủ --> Y học --> Miếng dán thải độc có giải được độc?
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Miếng dán thải độc có giải được độc?

 

Chỉ cần dán vào lòng bàn chân là các chất độc trong cơ thể được hút ra ngoài, từ đó có tác dụng chữa bệnh”. Những miếng dán thải độc trên thị trường với nhiều nhãn hiệu khác nhau được quảng cáo như thế.

Thực hư thế nào?

Những miếng dán thải độc hiện nay trên thị trường được quảng cáo “là một giải pháp khoa học thú vị để thải độc tố trong cơ thể”.

Chỉ cần dán là... khỏe?

Hầu hết sản phẩm miếng dán thải độc đều đưa ra lý thuyết: “Chăm sóc bàn chân cũng là chăm sóc sức khỏe cho toàn thân”. Vì vậy muốn chữa hết bệnh cần “hút chất độc ra khỏi người qua gan bàn chân. Những miếng dán thải độc sẽ tác động lên các huyệt đạo ở bàn chân, từ đó hút hết các chất độc từ cơ thể. Sau 8 tiếng dán vào lòng gan bàn chân miếng dán sẽ chuyển qua màu đen, điều đó chứng tỏ chất độc đã được miếng dán hút ra”.

Thậm chí có loại miếng dán thải độc còn đưa ra những quảng cáo chi tiết: “Nếu có bệnh về gan thì miếng dán chuyển qua màu xanh lá cây, bệnh về tim và ruột non chuyển qua màu đỏ, bệnh về lá lách, dạ dày sẽ chuyển qua màu vàng, bệnh về phổi, ruột già chuyển qua màu trắng, bệnh về thận, bàng quang chuyển qua màu đen...”.

Các miếng dán này được quảng cáo có công dụng với hầu hết các bệnh: đái tháo đường, ung thư, tai biến mạch máu não, đau khớp, bệnh ngoài da, hen và thậm chí cả động kinh... Trong hội nghị bán hàng sản phẩm miếng dán K, người thuyết trình còn rao: “K là sản phẩm chăm sóc sức khỏe rất độc đáo ở chỗ không cần ăn, không cần uống, chỉ cần dán bên ngoài thông các huyệt đạo làm tinh sạch máu và các cơ quan nội tạng, nâng cao quá trình trao đổi chất, sức đề kháng...”!

“Chưa được chứng minh”

Những miếng dán thải độc này quảng cáo là được các cơ quan như SIRIM Malaysia, PSB Singapore, FDA Hoa Kỳ chứng nhận chất lượng nhưng chưa nhãn hiệu nào quảng cáo là có giấy phép của cơ quan y tế.

Lời lẽ quảng cáo của các loại miếng dán này nghe rất kêu, sử dụng tiện lợi nhưng hiệu quả vẫn còn là ẩn số. Bà N.T.M.D. (Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương) bị bệnh mề đay mãn tính, uống nhiều loại thuốc vẫn không chữa dứt bệnh. Sau khi được tiếp thị, bà D. liền mua một hộp miếng dán thải độc giá 800.000 đồng. Dùng hết một hộp (10 miếng) bà D. vẫn thấy căn bệnh mề đay không thuyên giảm. Thậm chí những cơn ngứa còn xảy ra dày đặc hơn do trong thời gian sử dụng miếng dán bà D. không uống thuốc bác sĩ đã kê.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Văn Năm, phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc, trong y học cổ truyền chưa có bằng chứng nào công nhận chất độc từ cơ thể có thể đi qua lòng bàn chân ra ngoài. Lòng bàn chân đúng là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, là nơi thể hiện các loại bệnh lý nên trong y học cổ truyền thường có những phương pháp tác động lên gan bàn chân như: day ấn, xoa bóp, bấm huyệt, dùng từ trường... để góp phần chữa bệnh.

Về việc đổi màu của miếng dán, theo bác sĩ Năm, có thể là kết quả của phản ứng giữa mồ hôi vùng da đó bị bít hơi một thời gian dài và một thành phần nào đó của miếng dán chứ không có chuyện chất độc của cơ thể làm miếng dán đổi màu. “Có thể một số người sau khi dùng miếng dán cảm thấy cơ thể nhẹ nhõm hơn nhưng đó là do tác động của tâm lý người bệnh, còn về tác dụng thực tế vẫn chưa được chứng minh” - bác sĩ Năm cho biết.

Việc sử dụng miếng dán thải độc, bác sĩ Năm khuyên người dùng nên cẩn trọng với những sản phẩm chưa được kiểm định và có nguồn gốc không rõ ràng. Không được nghe theo quảng cáo mà bỏ những loại thuốc đặc trị khiến bệnh tình có biến chứng nặng nề hơn.

NGỌC NGA

 

Chưa đăng ký tại Cục Quản lý dược

Ngày 31-5, một lãnh đạo Cục Quản lý dược cho hay qua kiểm tra ban đầu, đến nay chưa có sản phẩm miếng dán giải độc nào đăng ký lưu hành tại Cục Quản lý dược. Theo cơ quan chức năng, đã là miếng dán giải độc thì không thể không đăng ký lưu hành tại cơ quan quản lý dược, tuy nhiên còn phải xem thành phần, cơ chế giải độc, tác dụng dược lý... của sản phẩm, để xem sản phẩm thuộc loại nào trước khi đăng ký lưu hành.

Giám đốc Bệnh viện Châm cứu T.Ư Nghiêm Hữu Thành cho biết đã thấy một số người quen sử dụng miếng dán giải độc, và “theo họ thì cũng có tác dụng nhất định”- ông Thành cho biết. Tuy nhiên không nên dùng liên tục, vì sản phẩm này có tính mài mòn da ghê gớm, có trường hợp khi bóc miếng dán ra đã bị xé rách cả mảng da.

 

Lượt xem : 14604 Người đăng :
Tags :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo