Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Người mẹ khiếm thị và ước mơ con vào đại học
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Người mẹ khiếm thị và ước mơ con vào đại học

altTrong căn nhà xiêu vẹo ven đường sắt thuộc tổ 1, Cầu Vượt, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, có một bà mẹ khiếm thị đang vật lộn mưu sinh bằng với đôi bàn tay chai sần đầy những vết thẹo.

Khi ánh sáng tắt đi

 

Bà tên là Vân, quê gốc ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. Bà là con thứ hai trong gia đình có 7 anh chị em. Lên 4 tuổi, sau một trận sởi, đôi mắt bà thị lực giảm dần. Cho tới bây giờ, bà Vân chỉ có 3 năm đôi mắt ngập ánh mặt trời; 39 năm với một đôi mắt kém và 7 năm nay, đôi mắt ấy chẳng còn nhìn thấy gì nữa. “Ánh sáng tắt đi trong đôi mắt, những tưởng còn đôi tai để cảm nhận cuộc sống nhưng giờ đôi tai cũng lạc mất âm thanh. Nếu không có đôi bàn tay dù là xấu xí này để bấu víu cuộc đời, có lẽ tôi đã chẳng còn sống được”, bà Vân nghẹn ngào.

 

Trong suốt cuộc nói chuyện, nhiều lần bà Vân nói “sông có khúc, người có lúc”, vậy mà sao suốt cuộc đời bà lúc nào cũng ngập đầy nước mắt . Năm 19 tuổi, kẻ tình nhân phụ bạc trốn tránh để bà mang tiếng “không chồng mà chửa”. Suốt thời gian sau đó, bà phải sống trong sự ghẻ lạnh của gia đình cùng những lời dị nghị. Sinh đứa con đầu, bà đặt tên là Nguyễn Đình Kiên. Một mình bà nuôi đứa bé đến 2 tuổi rưỡi, thì một người đàn ông làm nghề đóng gạch tìm đến. Danh nghĩa là vợ chồng 16 năm, nhưng người đàn ông này chỉ chung sống với bà đâu được hơn 1 năm trời.

 

Người đàn ông ấy bỏ đi, bà chỉ biết ôm con ngồi khóc vì trong bụng lúc này đã hình hài đứa thứ hai. Không chịu nổi những lời đàm tiếu, bà đành dắt con “trốn” đến chợ Diễn. Bà Vân nhớ lại: “Ở đây, không ai thân thích, hai mẹ con phải vật vã khắp các lán lều chợ Diễn để lấy chỗ đặt lưng. Để mưu sinh và có tiền mua thuốc khi con ốm, tôi phải làm thuê đủ thứ việc. Nhiều lúc chỉ muốn gieo mình xuống dòng sông chảy qua đất Kiều Mai, Phú Diễn để kết thúc đoạn đời đau thương, nhưng nghĩ đến con tôi đành gượng sống...”.

 

Gom được mấy đồng bạc từ việc làm thuê, bà ôm con xuống chợ Phùng mua mía về chặt tấm, ngồi bán ở trước cổng nhà máy Z57 trên đường 32 kiếm miếng cơm. Ngày ngồi bán hàng, tối đến hai mẹ con lại bồng bế nhau vạ vật khắp các lán lều chợ Diễn. Nhiều đêm trời mưa, hai mẹ con phủ nilon lên người ôm nhau nằm co rúm nơi góc chợ. Mãi đến cuối năm 1990, hai mẹ con bà mới tấp vào cái góc cầu mép đường sắt để nương náu đến bây giờ.

 

Nhọc nhằn mưu sinh

 

Ngày sinh đứa con thứ hai, bà Vân vừa mừng vừa lo. Mừng là có thêm con, nhưng lo từ nay một mình bà phải ẵm bồng, nuôi nấng hai đứa con thơ. Bà phải lao động quần quật cả ngày dù đôi mắt đã mờ hẳn. Sinh con được hai tuần, bà lại lọ mọ ra chợ Diễn mưu sinh. Cuộc sống khốn khó, nên chưa bao giờ bà có nổi cái nhà. “Căn nhà” đang ở cũng là do hàng xóm góp tiền dựng tạm giúp bà có chỗ trú mưa nắng. Từ ngày đó đến giờ chưa một lần sửa lại.

 

alt

 

Bà kể, năm 1997, bà nhận chẻ tăm cho Hội Người mù rồi mang đi bán. Những ngày đầu, vì mắt không nhìn thấy nên toàn chẻ dao vào tay, khiến hai bàn tay của bà chi chít những vết thẹo. Sau đó, bà không dám làm nữa. Lần mò bà học cách làm chổi đót bằng cách mua chổi về tháo ra kết lại. Cứ như vậy nhiều lần, bà học cách làm được chổi. Từ lúc cả ngày vật lộn với đống nguyên liệu mới làm được 1 cái, giờ bà đã có thể làm 6 - 7 cái mỗi ngày, rồi mang khắp ngõ ngách Hà Nội để bán.

 

Con trai đầu của bà Vân đã lập gia đình, cũng nghèo khó như mẹ. Đứa thứ hai tên là Nguyễn Thị Thanh Quý, thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ nên rất ngoan và học rất giỏi. Các năm học, Quý đều đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi vượt khó. Ngoài giờ lên lớp, hàng ngày em dắt mẹ đi hàng chục cây số với bó chổi trên vai để kiếm tiền đong gạo, mua rau. “Ngày nắng cũng như mưa, Quý phải lăn lộn cùng mẹ mưu sinh. Gần chuẩn bị đến kỳ thi đại học, bắt mãi nó mới chịu ở nhà ôn vì sợ tôi vất vả”- bà Vân nói.

 

“Cậu con trai của bà đâu, sao không đỡ đần bà?”- tôi hỏi. Bà Vân nói trong nước mắt: “Nó lập gia đình và sinh được một đứa con gái. Nhà chúng sát ngay góc chân cầu. Nó cũng khổ lắm, lo cho vợ con còn không nổi thì lấy gì đỡ mẹ, đỡ em. Nhiều lúc, hai vợ chồng túng thiếu tôi lại phải vét nốt mấy đồng đưa cho nó”.

 

Bà Vân cho biết, thu nhập từ làm chổi mỗi tháng được 100.000 - 150.000 đồng. Đi bán thì hôm bán được hôm không. Có lúc còn bị kẻ xấu lừa mất tiền. “Trước kia còn trẻ, hai bàn tay còn nhạy cảm thì chỉ cầm tiền là biết mệnh giá bao nhiêu; Bây giờ luống tuổi, tai và tay không còn tốt như xưa, nên hay bị kẻ xấu lừa. Những lúc như vậy tôi chỉ khóc, vì thương đứa con không có gì lót bụng để có sức học” - bà Vân nói.

 

Quý vừa trải qua kỳ thi vào Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Bà Vân đã gửi gắm bao niềm tin vào em và cả giấc mơ giản dị đời em sẽ đổi khác để rồi có một căn nhà đàng hoàng mà ở.

 

Mong rằng ước mơ của bà Vân sẽ trở thành hiện thực.

 

Phương Thuận

 

Nguồn: Gia Đình

Theo ý kiến chung của cộng đồng người khuyết tật, chúng tôi mạn phép đổi một số thuật ngữ về khuyết tật sử dụng trong bài viết thành những thuật ngữ có tính tôn trọng NKT hơn, mong tác giả thông cảm.

  

Lượt xem : 29907 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo