Trang chủ --> Gương sáng --> Cậu học trò khiếm thị và hành trình chinh phục giảng đường đại học
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cậu học trò khiếm thị và hành trình chinh phục giảng đường đại học

Trong thời gian này, mảnh đất nghèo Quảng Trị xôn xao và vui mừng trước tin cậu bé mù đầu tiên của đất Quảng đậu Đại học. Đó là Trần Tuấn Anh (sinh năm 1984) ở làng quê nghèo Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Tuổi thơ nhọc nhằn của cậu bé khiếm thị

Sinh ra trong một gia đình mà cả bà ngoại, rồi mẹ và em đều mù từ nhỏ, Tuấn Anh may mắn hơn có thể nhìn những vật lớn và đường đi trong vòng 7m. Từ lúc mới sinh đến khi Tuấn Anh tròn hai tuổi là quãng thời gian khó khăn nhất đối với chị Nguyễn Thị Vân (mẹ Tuấn Anh). Bà ngoại của Tuấn Anh cũng mù nên không thể giúp gì cho con gái và cháu ngoại, tất cả phải nhờ vào sự trợ giúp của ông ngoại và bà con lối xóm. Chăm sóc con đối với một người bình thường còn khó, huống chi với một người mù. Thế nhưng ngày qua ngày, chị Vân lần mò chăm con, nuôi dạy con khôn lớn. Hiểu hết được sự vất vả của mẹ, Tuấn Anh ít khi đau ốm và rất chăm ngoan ngay từ khi còn bé.

Giọt nước mắt vui mừng của mẹ và bà ngoại rơi Khi Tuấn Anh nhận được giấy báo trúng tuyển đại học

Kinh tế trong nhà chỉ phụ thuộc vào những cây tiêu và ít rau trong vườn nhà. Lại phải thuê người hái giúp tiêu nên số tiền còn lại chẳng còn bao nhiêu. Lên 9 tuổi, Tuấn Anh đã biết cùng mẹ ra chợ bán rau, cứ 3h sáng em lại cùng mẹ và người trong xóm dậy để chuẩn bị đi chợ. Hai mẹ con dắt nhau lần mò đi trong bóng tối, thời gian đầu thật sự rất khó khăn, nhưng đi mãi thành quen, đoạn đường nào có khúc cua hay ổ gà cả hai mẹ con đều nhớ để tránh. Những hôm trời mưa gió, tạo thành những vũng nước to trên đường, thì bà con đi chợ cùng nhắc để mẹ con em tránh.

Cuộc sống bình dị cứ thế trôi qua trong căn nhà nhỏ, cho đến năm 12 tuổi thì Tuấn Anh biết đi xe đạp, đó quả là một điều hết sức may mắn. Năm đó, chị Vân vay tiền của phụ nữ thôn để nuôi lợn, khi biết tin con mình có thể đi được xe đạp, chị liền bán lợn và lấy số tiền lãi mua tặng Tuấn Anh một chiếc xe. Từ hôm đó, Tuấn Anh đã dùng xe đạp của mình chở rau đi bán giúp mẹ. Vì chỉ có thể nhìn thấy những vật lớn trong vòng 7m trở lại nên Tuấn Anh rất cẩn thận, ở những nơi đông người và phương tiện qua lại em phải xuống xe dắt bộ cho an toàn.

Năm Tuấn Anh 16 tuổi, ông ngoại qua đời, trong căn nhà nhỏ chỉ còn lại ba người mù sống với nhau. Do đó gia đình quyết định gửi Tuấn Anh vào Hội người mù tỉnh Quảng Trị, bắt đầu từ đây cuộc sống của em đã hoàn toàn thay đổi.

Và quyết tâm chinh phục giảng đường

Vào Hội muộn hơn các bạn, 16 tuổi em mới bắt đầu đi học lớp 1, thế nhưng Tuấn Anh tiếp thu rất nhanh. Trong vòng 3 năm em đã hoàn thành xong chương trình cấp 1, năm học 2002 Tuấn Anh đã là học sinh cấp 2 của trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ thị xã Đông Hà, hoàn thành xong chương trình cấp 2. Học tiếp chương trình cấp 3 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Đông Hà, khó khăn chồng chất em luôn tự nhủ: “Phải chinh phục số phận, không thể cứ sống mãi trong bóng tối”.

Và rồi cứ thế, Tuấn Anh dần dần hoàn thành xong chương trình phổ thông và đăng ký thi và trúng tuyển vào trường Đại học Huế, ngành Công tác xã hội. Những ngày chờ đợi giấy báo đỗ đại học, đêm nào Tuấn Anh cũng lo lắng, bồn chồn. Và rồi cuối cùng tờ giấy trúng tuyển sau bao ngày mong mỏi cũng tìm đến với em.

Nhận được tin cậu học trò mù của Trung tâm trúng tuyển Đại học, niềm vui bao trùm cả Hội người mù tỉnh, và làng quê nghèo Vĩnh Tú. Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Hội người mù tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Tuấn Anh là một người hòa đồng, chăm học, biết giúp đỡ mọi người. Nghe tin cháu đỗ Đại học chúng tôi mừng lắm, mong rằng cuộc sống của Tuấn Anh sẽ được thay đổi”.

Khi nghe tin con trai đỗ Đại học, mẹ em vui mừng khôn tả, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì lo lắng ập về, chị Vân trăn trở: “Niềm vui lớn nhất của tôi là cháu vào đại học, nhưng gia cảnh quá khó khăn, mẹ và bà đều mù. Bản thân Tuấn Anh cũng là người khiếm thị, 4 năm học của cháu là một quãng đường dài nhiều gập ghềnh với cả gia đình”.

Tuấn Anh tâm sự: “Em vui mừng vì mình đã thực hiện được ước mơ vào đại học, nhưng không biết hoàn cảnh em như vậy thì em có thể theo học được bao lâu. Em lo lắm, nhưng em sẽ không bỏ cuộc”. Với thành tích 17 điểm, Tuấn Anh ung dung bước tới giảng đường. Em là thí sinh khiếm thị đầu tiên của tỉnh Quảng Trị thi đậu Đại học.

Nguyễn Hương

Hoàng Kim (theo Dantri)

Lượt xem : 12853 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo