Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Cơ sở sản xuất chổi Phú Lợi (Bình Dương): CHĂM LO Đời Sống cho người mù
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Cơ sở sản xuất chổi Phú Lợi (Bình Dương): CHĂM LO Đời Sống cho người mù

 

Ông Sasaki đang dạy matsa cho Học viên Hội người mù Bình Dương

 

 

Trong những năm gần đây, hoạt động của Hội người mù Bình Dương có nhiều thay đổi, nổi trội nhất là chăm sóc đời sống, tạo việc làm ổn định cho người mù trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc cho vay vốn, tạo việc làm cho đa số người mù tại gia đình, các cấp Hội trong tỉnh còn tổ chức sản xuất tập trung, vừa tạo việc làm cho người mù, vừa cung cấp 4 sản phẩm chính là chổi bông cỏ, tàu cau, cọng dừa và nylon cho người tiêu dùng, tạo nguồn thu trang trải cho các hoạt động của Hội.

 

 

Phía trong những tổ, nhóm, cơ sở sản xuất của Hội đã xây đắp biết bao mảnh đời, vượt qua khó khăn để thay đổi cuộc sống. Được như thế, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, họ còn được sự quan tâm, chăm lo từ lãnh đạo Hội và các tổ chức xã hội, từ thiện trong và ngoài tỉnh Bình Dương.

 

 

Vào những ngày giữa tháng 6, chúng tôi đến thăm và tìm hiểu đời sống anh chị em công nhân tại cơ sở sản xuất chổi Phú Lợi trực thuộc Tỉnh hội Bình Dương. Nơi có đông người mù sinh sống và làm việc ổn định nhất, và đây chính là chỗ dựa vững chắc của những phận đời khó khăn.

 

 

Cơ sở sản xuất chổi Phú Lợi là một trong những nơi sản xuất và cung cấp các sản phẩm chổi cho hầu hết các công ty, xí nghiệp, các cơ quan trên địa bàn tỉnh, với chất lượng tốt nhất và được đánh giá rất cao. Cơ sở thu hút 34 lao động, mỗi người làm một công đoạn riêng biệt từ tướt bông, quấn tép, bó cây, kết tua, cắt gốc, ngọn mới hoàn thành một sản phẩm. Toàn bộ công nhân làm việc trong nhà có mái che, quạt mát thông gió, được trang bị khẩu trang. Nhờ đó, người lao động làm việc đỡ vất vả, không phải hít thở những khói bụi ảnh hưởng đến sức khỏe. Để người lao động được "an cư" và yên tâm làm việc, Cơ sở đã tham mưu với Hội thực hiện đồng loạt các chính sách chăm lo tốt cho người lao động bằng những việc làm thiết thực như: thường xuyên hỗ trợ các suất gạo và thực phẩm miễn phí cho người lao động, người lao động chỉ đóng 3000đồng/người/ngày vào bếp ăn tập thể để cải thiện bữa ăn, miễn phí tiền điện, nước. 100% công nhân được cấp bảo hiểm y tế, được tặng radio để "xoá đói" thông tin, được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng 150.000đ/người/tháng từ ngân sách tỉnh. Công nhân khó khăn về nhà ở nếu có đất thì được Hội xây tặng nhà tình thương - nhà đại đoàn kết theo chính sách của tỉnh. Anh chị em được tặng quà, tặng thưởng vào các dịp lễ, tết, 100% con em công nhân đi học được miễn học phí. Đặc biệt, Cơ sở còn trích quỹ phúc lợi tặng tất cả công nhân một sổ tiết kiệm, cứ mỗi năm làm việc bằng một tháng lương tối thiểu theo thời điểm hiện tại, sổ tiết kiệm do Ban quản lý giữ và gửi tại ngân hàng, lãi được cộng vào khi đáo hạn và được thông báo công khai đến công nhân vào dịp cuối năm, đến khi nào công nhân nghỉ việc thì được nhận sổ tiết kiệm với tất cả gốc và lãi. 

 

 

Bên cạnh đó, người khiếm thị nơi khác chuyển đến Bình Dương theo diện chồng theo vợ hoặc vợ theo chồng, hoặc tạm trú ổn định tại địa phương thì vẫn được Hội tạo điều kiện về sinh hoạt, học tập và làm việc tại các cơ sở sản xuất, dịch vụ thuộc Tỉnh hội Bình Dương, nếu chuyển hộ khẩu về Bình Dương thì được hưởng tất cả các chính sách của tỉnh như người khiếm thị Bình Dương. Con của công nhân lao động theo cha mẹ về đây cư trú thì được Hội giúp đỡ vận động cho các cháu đến trường.

 

 

Nhờ có việc làm ổn định nên nhiều người có tiền dành dụm, lo cho con ăn học, phụ giúp gia đình và mua sắm một số vật dụng có giá trị trong gia đình như tivi, quạt điện ... Anh Nguyễn Văn Hai, công nhân có thâm niên 19 năm làm việc tại cơ sở, tâm sự: "Với cách suy nghĩ của nhiều người, người khiếm thị ngày ngày chỉ biết bám vào gia đình, nhưng thực tế nay đã khác xa. Đời sống công nhân ở đây nay đã thay đổi, mức lương người lao động nhận được tương xứng với sức lao động mà họ bỏ ra". 

 

 

Anh Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Cơ sở bộc bạch: "So với người lao động khác, ở cơ sở tuy lương chưa cao, vào khoảng 750.000đồng/người/tháng, nhưng người lao động có nơi ăn chốn ở ổn định, được hỗ trợ thiết thực nhiều lợi ích khác, hạn chế các khoản chi tiêu nên mỗi tháng họ cũng còn một khoản tiền để dành dụm". Cuộc sống của họ nay đã khá hơn trước rất nhiều.

 

 

Hiện nay, đời sống công nhân sản xuất chổi đang đổi thay. Đó là nhờ họ được lao động trong môi trường thuận lợi, và đặc biệt là sự quan tâm và thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ từ tiền lương đến nhà ở... của cơ sở cũng như của lãnh đạo Tỉnh hội Bình Dương. Từ đó, công nhân cũng thấy được trách nhiệm của mình, tin tưởng, gắn bó, yên tâm làm việc và tham gia hầu hết các phong trào do Hội phát động.


Lê Khánh Tỉnh hội người mù Bình Dương 

 

Lượt xem : 40036 Người đăng :

Bình luận

NGUYỄN HỮU LỘC

muốn liên lạc vs các bạn cần làm như thế nào

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo