Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Nỗi niềm nhân viên massage khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Nỗi niềm nhân viên massage khiếm thị

Không bằng cấp, không nghề nghiệp, sức khỏe không như người bình thường, những người khiếm thị luôn mang trong mình mặc cảm về bản thân. Tuy nhiên, đã có không ít người vượt lên số phận để tìm cho mình những công việc phù hợp với khả năng lao động. Và, trên bước đường mưu sinh gian nan ấy, có bao câu chuyện khóc, cười với người khiếm thị…

Nhiều lần gõ cửa đi tìm việc tại các trung tâm môi giới việc làm nhưng chị Võ Thị Hương Lan (31 tuổi, ở xã Phú Túc, huyện Định Quán) chỉ nhận được những cái lắc đầu. Chán nản, chị muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi nghị lực sống đã thôi thúc chị phải tìm cho mình một công việc để không phải sống dựa vào người khác.

* Trước nỗi bất hạnh

Lúc Lan chào đời, cha mẹ chị vui không tả xiết vì gia đình có thêm thành viên mới, làm tăng thêm không khí đầm ấm trong ngôi nhà. Năm Lan lên 3 tuổi, một trận sốt ban đỏ đã vĩnh viễn cướp đi đôi mắt khiến chị nhìn mọi thứ trong tối tăm, trong sự khao khát con chữ, mái trường… Sau bao năm ròng chạy chữa, cha mẹ chị chỉ ước ao đứa con gái bất hạnh của mình có thể nhìn thấy ánh sáng, nhưng điều mà họ đón nhận lại chỉ là những lời an ủi của bác sĩ. Quá tuyệt vọng, họ đã để cho số phận định đoạt cuộc sống của con gái mình.

 

Lúc mới bị tai nạn giao thông, Thủy (bên trái) rất bi quan, giờ đây em đã tìm được một công việc phù hợp với khả năng lao động của mình. Ảnh: T.MINH
Lúc mới bị tai nạn giao thông, Thủy (bên trái) rất bi quan, giờ đây em đã tìm được một công việc phù hợp với khả năng lao động của mình. Ảnh: T.MINH

 

Trong lúc bạn bè tung tăng cắp sách đến trường, hàng ngày Lan phải đối diện với bóng tối bao trùm và niềm tủi phận. Lan cho biết: “Muốn đi đâu cũng chẳng được, làm gì cũng phải nhờ cậy vào người khác, nhiều lúc chán nản... Nói rồi, Lan lặng im, đôi dòng nước mắt chực trào trên gò má vốn đã hốc hác của chị.

May mắn hơn Lan, từ nhỏ cô bé Diệp Trần Thu Thủy (17 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau) đã biết chút ít về chữ nghĩa, về những trò đùa tinh quái của tuổi học trò. Nghèo không phải là cái tội nhưng nó đã tác động không ít đến những ước mơ cháy bỏng ấp ủ trong tâm hồn cô bé tuổi mới lớn như Thủy. Học đến lớp 7, Thủy phải bỏ ngang để chạy chợ cùng với mẹ. 

15 tuổi, Thủy bắt đầu sống xa gia đình với cái “nghề”… ở đợ. Với đồng lương ít ỏi từ việc này, Thủy đã phần nào giúp cha mẹ trang trải bớt nợ nần. Trong một lần đi chơi cùng người bạn, Thủy bị xe tải chạy tông, khiến cuộc đời em phải lật sang một trang mới với đầy nước mắt và buồn tủi, khi đôi mắt của em bị mù hoàn toàn. Điều đó khiến Thủy rất sốc và không ít lần em đã tìm đến cái chết để kết thúc những ngày tăm tối. Thủy tâm sự: “Mẹ em bảo, sau tai nạn mặt em bị biến dạng, mắt trái hư nên phải múc bỏ, mắt phải thì chẳng thể nhìn được. Ban đầu, em ít nói, sống khép mình trước mọi người. Sau này, hiểu ra mọi chuyện, em thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều người, bởi chí ít em cũng đã thấy được ánh sáng trong 17 năm”.

Cô Đỗ Thị Chỉnh, 50 tuổi (ngụ tại khu phố 3, phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) hoàn cảnh còn bi đát hơn nhiều. Gia đình cô có nhiều anh chị em, hiện tại ai cũng có gia đình riêng và sống hạnh phúc bên tổ ấm của họ. Nhưng ở cái tuổi toan về chiều như cô Chỉnh thì khát khao về hạnh phúc gia đình với cô chỉ có trong giấc mơ. Lên 2 tuổi, cô bị sốt ác tính và bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Gia đình cô khi ấy vừa nghèo lại đông con nên việc chạy chữa thuốc men là một gánh nặng quá sức. Kể từ đó, cô sống trong bóng tối, trong sự thất học và mù chữ. Cô Chỉnh cho biết: “Tôi không dám nghĩ đến một tương lai tươi đẹp vì điều đó không dành cho người bất hạnh như tôi. Tôi ngày càng già, sức khỏe cũng yếu dần nên chỉ muốn sống thanh thản bên người thân trong gia đình mà thôi”.

* Gian nan đường mưu sinh

Không thể mãi là gánh nặng cho cha mẹ, chị Lan đã cố gắng thoát khỏi cái vỏ ốc khép kín của mình. Từ đó, Lan bắt tay vào học nghề tại các cơ sở massage dành cho người khiếm thị tại TP.Biên Hòa. Từ đây, Lan gặp và nảy sinh tình cảm với một thanh niên có cùng hoàn cảnh. Họ kết hôn sau hơn 2 năm tìm hiểu và hiện tại đã có 2 cháu nhỏ xinh xắn. Tuy nhiên, đồng lương kiếm được chẳng thấm vào đâu so với việc nuôi dưỡng 2 đứa con nhỏ đã đến tuổi ăn học. Biết vậy, nên vợ chồng chị đã đem con gửi về quê nhờ ông bà ngoại nuôi giúp. Không có con bên cạnh thủ thỉ sớm hôm chị rất buồn tủi, nhưng gánh nặng mưu sinh đã thôi thúc chị cố gắng vượt qua để nuôi con lớn khôn, thành tài.

Hiện tại, chị đang làm việc tại cơ sở xoa bóp người khiếm thị ở khu phố 3, phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Với khách quen thì không sao, đôi lần chị và các đồng nghiệp không tránh khỏi những tình huống éo le với những người khách say xỉn. Chị cho hay: “Nhiều người nhậu say vào đây xông hơi, xoa bóp lại ói mửa đầy ra. Chúng tôi đều không thấy đường nên việc dọn dẹp rất khó khăn. Đó là chưa kể, nhiều kẻ gian lợi dụng chúng tôi mắt kém để chôm chỉa, hoặc làm mình làm mẩy rồi quỵt tiền”. Cách đây không lâu, một vị khách nam trả tiền massage và bảo nhân viên phải thối lại 450 ngàn đồng. Vì tin tưởng khách hàng, chị Lan và những nhân viên tại đây vui vẻ thối tiền cho người khách ấy. Nhưng hôm sau, khi thanh toán tiền điện cho bên điện lực mọi người mới tá hỏa khi tờ 500 ngàn đồng vị khách kia đưa thực chất chỉ là tờ 20 ngàn đồng.

Còn Thủy thì chia sẻ, nhiều người khách dù biết mình vào cơ sở massage của hội người mù nhưng vẫn yêu cầu làm “tùm lum”. Khi nhân viên massage không đáp ứng yêu cầu thì họ lớn tiếng quát mắng. Không chỉ vậy, trong lời nói của họ còn chứa đọng những câu từ chạm đến nỗi đau của những người khiếm thị, khiến không ít người nản chí bỏ việc giữa chừng vì sốc. Thủy tâm sự: “Tụi em ai cũng mù nên làm gì cũng chậm hơn so với người lành lặn. Những khách biết điều họ động viên và chịu khó chờ đợi, nhưng khách khó tính, nóng nảy thì họ quát mắng ngay. Chưa kể, nhiều khách thấy em còn nhỏ nên đôi khi giả vờ đụng chạm rồi bảo là vô tình…”.

 

Phút thư giãn của những nhân viên massage khiếm thị sau những giờ làm việc mệt mỏi.  Ảnh: T.MINH
Phút thư giãn của những nhân viên massage khiếm thị sau những giờ làm việc mệt mỏi. Ảnh: T.MINH

 

Mỗi ngày, những nhân viên massage khiếm thị làm việc miệt mài từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối. Quỹ thời gian ít ỏi còn lại, họ dành cho gia đình hay những lúc tranh thủ quây quần bên nhau để trò chuyện, chia sẻ những khó khăn, vấp váp trong cuộc sống. Lao động cật lực nhưng thu nhập kiếm được của họ chẳng đáng là bao. Với những nơi massage khác thì tiền “boa” cho nhân viên còn cao gấp nhiều lần so với tiền trả cho mỗi suất thư giãn. Còn tại những cơ sở massage của người khiếm thị, phần lớn khách hàng là giới bình dân nên việc “boa” thêm rất hiếm. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà những nhân viên như chị Lan, bé Thủy, cô Chỉnh lại không làm tròn nhiệm vụ. Bởi họ đến với công việc này không chỉ vì mục đích mưu sinh, mà ẩn sâu trong đó là sự cố gắng nỗ lực để vươn lên khẳng định giá trị của chính mình. Theo như lời cô Chỉnh: “Cuộc đời không có điểm cụt, quan trọng hơn hết là mỗi người phải biết tự vươn lên để cứu lấy chính mình”.

Tùng Minh

 

 Hoàng Kim (theo Báo Đồng Nai điện tử)
 

Lượt xem : 32471 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo