Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Ngôi nhà chung cho người khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Ngôi nhà chung cho người khiếm thị

Họ gồm có 15 thành viên bị khiếm thị với tuổi đời còn rất trẻ, được đào tạo nghề tẩm quất bài bản ở Học viện Y học cổ truyền Việt Nam. 15 người, với những cảnh đời riêng lẻ, đã nương tựa vào nhau dưới mái nhà chung là cơ sở xoa bóp cổ truyền, thuộc Hội Người mù thành phố Đồng Hới.

Các kỹ thuật viên cơ sở xoa bóp cổ truyền thuộc Hội Người mù thành phố Đồng Hới đang tận tình phục vụ khách hàng.
Các kỹ thuật viên cơ sở xoa bóp cổ truyền thuộc Hội Người mù thành phố Đồng Hới đang tận tình phục vụ khách hàng.

Anh Nguyễn Thái Hùng, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đồng Hới cho biết: cơ sở xoa bóp cổ truyền tọa lạc ở tiểu khu 10, phường Đồng Phú, được thành lập từ tháng 8- 2008, từ nguồn kinh phí gần 300 triệu đồng do Đại sứ quán Vương quốc Anh tài trợ và vốn đối ứng của UBND thành phố Đồng Hới.

Cơ sở là một dãy nhà cấp 4, gồm có 3 phòng với diện tích xây dựng khoảng 80m2, trong đó có 2 phòng để phục vụ khách đến tẩm quất và 1 phòng sinh hoạt dùng chung cho nhân viên. Mỗi phòng kỹ thuật viên hành nghề đều được trang bị máy điều hoà, máy xông hơi nước, máy nóng lạnh và 4 chiếc giường đệm trải ra trắng rất sạch sẽ và tươm tất.

Qua gần 4 năm thành lập, cơ sở xoa bóp cổ truyền của Hội Người mù thành phố Đồng Hới đã phục vụ cho hàng nghìn lượt khách, trung bình mỗi ngày 1 nhân viên tại cơ sở phục vụ từ 3 đến 4 khách, về mùa hè khách hàng đến với cơ sở thường xuyên hơn, nên thu nhập của nhân viên cũng tương đối ổn định với mức từ 1,3 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, cơ sở còn chăm lo cho nhân viên các khoản tiền nước, điện thoại, ăn sáng, xà phòng và kem đánh răng. Hiện nay, tại cơ sở các kỹ thuật viên chủ yếu phục vụ khách hàng với các loại hình như: tẩm quất tăng cường sức khoẻ, giác hơi, mát xa làm giảm béo mỡ bụng, xông hơi và tắm nóng lạnh.

15 thành viên của cơ sở xoa bóp, đều được đào tạo nghề ở Học viện Y học cổ truyền Việt Nam (Hà Nội). Tại đây, ngoài những kiến thức về y học cổ truyền, các học viên còn được bồi dưỡng kỹ thuật cơ bản của xoa bóp Trung Quốc và Nhật Bản. Sau 4 tháng dùi mài kiến thức và các kỹ năng xoa bóp, bấm huyệt và 7 tháng thực tập, các học viên bắt đầu hành nghề tại các cơ sở xoa bóp ở Hà Nội. Khi cơ sở xoa bóp cổ truyền thuộc Hội Người mù thành phố Đồng Hới thành lập, họ trở về quê để hành nghề, thử sức và ước vọng vươn lên trong cuộc sống.

Trần Đức Tuấn (29 tuổi) quê ở xã Sơn Trạch (Bố Trạch) tâm sự: Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cũng như bao trai làng thời đó, bố em xung phong đi dân công hoả tuyến, rồi bị nhiễm chất độc da cam. Bố mẹ sinh được 4 người con, thì cả 4 anh em đều bị mù từ nhỏ. Cả nhà đều dựa vào mảnh ruộng khoán nhỏ nhoi, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Năm 2005, Tuấn được Hội Người mù tỉnh cử ra Hà Nội học nghề xoa bóp, bấm huyệt. Mãn khoá học và được cấp chứng chỉ, Tuấn tiếp tục ở lại Hà Nội 2 năm để làm thêm, đồng thời rèn luyện tay nghề. Tại cơ sở xoa bóp cổ truyền, Tuấn là một trong những người có tay nghề cao, với các kỹ thuật day, đấm và bóp. Để đạt được trình độ này, kỹ thuật viên phải thực hiện thao tác sao cho khách hàng không cảm nhận được thứ tự của các động tác, không cảm thấy một động tác được lặp lại nhiều lần ở cùng một nơi, mà chỉ khiến khách hàng cảm thấy dễ chịu khi được xoa bóp.

Theo ghi nhận của nhiều khách hàng đã từng đến cơ sở xoa bóp cổ truyền của Hội Người mù thành phố Đồng Hới thì hầu hết đều rất hài lòng bởi sự phục vụ tận tình, chu đáo của các kỹ thuật viên... Bác Nguyễn Quang Vinh, một khách hàng thường xuyên của cơ sở góp chuyện: "Mấy năm nay, tôi thường hay bị nhức mỏi vai gáy và đau lưng. Đến với cơ sở, tôi được các kỹ thuật viên phục vụ rất bài bản, nay đã đỡ nhiều, người khoẻ hơn, ăn uống tốt, tinh thần sảng khoái và ngủ ngon giấc hơn so với trước đây".

Vừa phục vụ tại cơ sở, các kỹ thuật viên còn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở bất cứ địa điểm nào trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Không chỉ điêu luyện với các kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt, các nhân viên còn "lành nghề" trong việc giặt giũ áo quần, nấu ăn và làm vệ sinh khuôn viên xung quanh cơ sở.

Hiện tại, Hội Người mù thành phố Đồng Hới đã thành lập thêm cơ sở 2 tại số 1, đường Nguyễn Hữu Cảnh thành phố Đồng Hới để giải quyết việc làm cho hội viên hội người mù thành phố Đồng Hới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của cơ sở là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cơ sở phải đi thuê địa điểm bên ngoài nên chi phí hoạt động quá tốn kém so với chi phí của Hội.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong phục vụ khách hàng, vì vậy, Hội Người mù thành phố Đồng Hới rất cần được sự quan tâm giúp đỡ của các ban, ngành, anh Hùng Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đồng Hới tâm sự.

                                                                                  P. V
 Quảng Bình Online
 

Lượt xem : 47508 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo