Trang chủ --> Tin cộng đồng --> “Điểm sáng” của những người khiếm thị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

“Điểm sáng” của những người khiếm thị

 

          Sự tâm đắc của ông Dương Văn Cần, Phó chủ tịch Hội người mù thị xã Hưng Yên về ý nghĩa xã hội thông qua hoạt động của dịch vụ “tẩm quất hội người mù” đã dẫn dắt chúng tôi tìm hiểu về cuộc sống của những người khiếm thị, qua đó mới thấy sự có mặt và hoạt động của Hội người mù thị xã Hưng Yên nói riêng và của Hội người mù nói chung như một “điểm sáng” dẫn đường cho những người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, góp phần bù đắp cho họ những thiệt thòi đang phải gánh chịu...

 

 

Nhiệt tình xen lẫn tự hào, ông Trần Quốc Sách, chủ tịch hội người mù thị xã Hưng Yên cho biết: Hội được thành lập từ tháng 10.2005. Từ khi mới thành lập hội còn khó khăn về nhiều mặt. Nhiều người vì chưa hiểu về hoạt động của hội, có người thì do mặc cảm v.v.. nên còn ngại gia nhập hội. Vì thế, thường trực hội đã phải “gồng mình lên”, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động những người mù gia nhập hội, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng là phụ nữ và trẻ em. Ông Sách đã cùng “anh em” trong thường trực Hội, người “sáng” chở người mù (gọi là người “sáng” nhưng thực chất cũng chỉ lành lặn hơn người “mù đặc” chút ít), lặn lội khắp 12 xã, phường trong thị xã để tuyên truyền về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước quan tâm đến những người mù, người khiếm thị, những người bị tật về mắt... Nhờ đó nên từ chỗ ban đầu hội mới chỉ có 34 hội viên, sau Đại hội đã thành lập được 3 chi hội, đến năm 2006 đã phát triển thêm 3 chi hội nữa và cho đến nay, Hội người mù thị xã Hưng Yên đã có 6 chi hội với 57 hội viên, trong đó có 5 hội viên là thương, bệnh binh.

 

 

Khi mọi việc đã “vào guồng”, Thường trực Hội người mù thị xã Hưng Yên đã vận dụng linh hoạt Điều lệ hội vào chỉ đạo các hoạt động, đồng thời tích cực thực tiễn hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người mù, thông qua việc sớm triển khai các chương trình, dự án như các hoạt động hỗ trợ vay vốn xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ học chữ, học nghề; phục hồi chức năng hòa nhập cộng đồng... đã tiếp sức, tạo cho người mù sự lạc quan, xóa dần mặc cảm để tự tin hòa nhập với đời sống xã hội. Đến nay, bằng Quỹ hỗ trợ việc làm của Trung ương Hội người mù Việt Nam, đã có 15 lượt hội viên người mù thị xã Hưng Yên được vay vốn với lãi suất thấp với tổng nguồn vốn 60 triệu đồng. Với số vốn vay đó, các hội viên đã đầu tư vào kinh tế vườn, trồng cây công nghiệp, cây đặc sản (nhãn, vải...), buôn bán nhỏ, có người mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi... trong đó có  người là thương, bệnh binh. Điển hình như bệnh binh Trần Khắc Quang ở đội 12, thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa; thương binh 1/4 Trần Văn Nhanh ở xã Hồng Châu, bằng nguồn vốn vay của Hội người mù đã lập trang trại, trồng cây... đầu tư vào kinh tế hộ, cuộc sống gia đình đã vượt qua khó khăn và dần ổn định, có tích lũy để đầu tư cho con cái học hành, có cháu đã vào đại học. Về các hoạt động khác, đến nay đã có 7 hội viên được học chữ nổi, học nghề. Từ “cái nền” đó, Hội đã mở được 2 lớp tập huấn về Điều lệ hội cho các hội viên, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hội viên trong sinh hoạt chi hội và cũng thông qua đó việc truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền các cấp được thuận lợi hơn. Đồng thời đó cũng là một trong những hoạt động tạo điều kiện cho các hội viên người mù từng bước hòa nhập cộng đồng, hòa nhập đời sống xã hội. Ngoài 7 hội viên được học chữ, học nghề, hiện tại Hội còn có 5 hội viên trẻ dưới 16 tuổi đang được theo học lớp tiền hòa nhập do Hội người mù tỉnh tổ chức; 4 hội viên đang làm việc tại Dịch vụ tẩm quất hội người mù. Hội còn cử người đến các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn để xin công trợ; phối hợp với một số trường học để bán tăm tre do người mù sản xuất... xây dựng nguồn quỹ nho nhỏ làm quà tặng cho các hội viên nhân các ngày lễ, tết hoặc kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ hàng năm.

 

 

Chúng tôi đến thăm dịch vụ tẩm quất của Hội tại số 51 đường Bãi Sậy, phường Minh Khai (thị xã Hưng Yên). Cơ sở rộng rãi, được bài trí hợp lý với 4 giường, thuận lợi cho các nhân viên trong việc đi lại phục vụ khách đến tẩm quất. Ông Sách và ông Cần đều rất tâm đắc với mô hình dịch vụ này. Ông Sách cho biết: “Giữa năm 2006, Hội đã gửi một số hội viên theo học nghề xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền do Hội người mù tỉnh tổ chức. Đến cuối năm 2006, Hội mạnh dạn vay của Tỉnh hội 8 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị, thuê địa điểm mở cơ sở “Tẩm quất hội người mù“. Đến nay cơ sở này đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 4 hội viên, trừ các khoản chi phí, mỗi nhân viên ở đây có mức thu nhập từ 500 đến 600 nghìn đồng/tháng. Điều quan trọng là từ hoạt động này đã giúp hội viên dần xóa đi mặc cảm là “người thừa” trong xã hội, tạo động lực để họ tự tin vươn lên”. Nguyễn Thị Sim, sinh năm 1978, quê ở xóm Hưng Đạo, xã Hồng Nam, là một trong bốn nhân viên tại cơ sở tẩm quất, tâm sự: “Em bị tật bẩm sinh, gia đình thì hoàn cảnh khó khăn, lại đông anh chị em, bản thân mình gặp rất nhiều khó khăn từ những sinh hoạt cá nhân trở đi, do vậy nhiều lúc cũng bị ức chế về tinh thần và sinh ra chán nản. Nhờ người nhà giới thiệu, em đã xin gia nhập Hội người mù thị xã Hưng Yên, được sinh hoạt cùng những người cùng cảnh ngộ và rồi được đi làm việc tại dịch vụ này. Tiếp xúc với nhiều người giúp em hiểu biết thêm và phấn khởi nhất là cảm giác tự mình có thể kiếm được tiền để trang trải cho các sinh hoạt cá nhân. Điều đó đã giúp những người như chúng em tự tin hơn rất nhiều”...

 

 

Ông bà ta vẫn nói “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, vì thế có thể nói những người mù là những người “nghèo”, thế nhưng họ vẫn sống, vẫn hoạt động, vươn lên bằng nghị lực phi thường với khát khao được hòa nhập đời sống xã hội vì bên cạnh họ có sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hội người mù các cấp như một “điểm sáng” của người khiếm thị, là người chỉ đường, dẫn dắt họ vươn lên. Thiết nghĩ, để những người mù được bù đắp cả về tinh thần và vật chất cần có sự quan tâm sâu sắc hơn nữa của mọi người, mọi ngành về mọi mặt trong đời sống, giúp họ xóa đi mặc cảm, nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng, tự tin khẳng định sự tồn tại, vị trí của mình trong xã hội này.


Đức Hùng 

 

Lượt xem : 56932 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo