Trang chủ --> Tin cộng đồng --> Tạo cơ hội để trẻ khiếm thị hoà nhập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Tạo cơ hội để trẻ khiếm thị hoà nhập

Anh Nguyễn Đình Phương (tổ 1, khu 1A, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) là hội viên Hội Người mù tỉnh. Vợ chồng anh có cô con gái tên Nguyễn Thanh Hương, sinh năm 2004. Khi sinh ra, sức khoẻ Hương bình thường như bao trẻ em khác. Đến năm 3 tuổi, mắt Hương dần kém đi. Anh Phương đưa con đi khám, bác sĩ kết luận cháu bị đục thuỷ tinh thể. Sau đó, Hương được phẫu thuật thay thuỷ tinh thể nhưng bệnh tình không tiến triển, Hương bị mù vĩnh viễn. Từ đó, Hương chỉ quanh quẩn trong nhà. Anh Phương thương con, muốn tìm cho con một trường, lớp để học nhưng không được. Anh cho biết: “Từ hồi con tôi bị hỏng mắt, cháu chỉ biết quanh quẩn ở nhà. Tôi cũng đã nhiều lần hỏi thăm, tìm trường lớp cho con trong tỉnh mà không được. Vừa rồi, nhận được thông tin Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị TP Hải Phòng có tuyển sinh cả trẻ em tỉnh ngoài, tôi liền xin cho cháu đi học”.

 

Anh Phương còn cho biết thêm, Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị TP Hải Phòng là trường chuyên biệt, có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dạy những trẻ em khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ của thành phố. Do ít học sinh nên gần đây, Trường tuyển cả học sinh ở tỉnh ngoài. Tuy nhiên, cháu Hương phải được Hội Người mù giới thiệu, Sở GD-ĐT chứng nhận là tỉnh không có trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thị mới được nhập trường. Đến học ở Trường này cháu Hương không phải đóng tiền học phí, sách vở... mà chỉ đóng tiền ăn 900.000 đồng/tháng. Ngày 19-8-2013, cháu Hương đã nhập trường, mong muốn được đi học của cháu đã thành hiện thực.

 

 

Hai cháu Quyền, Linh con anh Phạm Văn Hưng bị khiếm thị, đến tuổi đi học mà các cháu vẫn chỉ quanh quẩn ở nhà.

 

Không được may mắn như Hương, hai anh em Phạm Đức Quyền (7 tuổi) và Phạm Thuỳ Linh (5 tuổi) ở tổ 35, khu 4, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long đến giờ vẫn chỉ quanh quẩn ở nhà. Do di truyền từ bố nên cả Quyền, Linh đều có bệnh về mắt: Mắt mờ, không ngước nhìn lên được, muốn nhìn rõ vật gì phải gí sát mắt vào. Tuy cũng đã đi khám, nhưng vì là bệnh bẩm sinh, nhà lại nghèo nên gia đình các cháu đành cam chịu số phận. Bố hai cháu là anh Phạm Văn Hưng cũng bị bệnh về mắt: Hai đồng tử đảo liên tục, mắt mờ, không nhìn rõ. Đã thế, trí tuệ, tinh thần anh cũng không được minh mẫn, bình thường như mọi người. Năm 2010, vợ anh Hưng đã bỏ nhà đi. Ba bố con anh giờ chỉ biết sống dựa vào đồng lương eo hẹp của bố anh Hưng. Do đó, cơ hội được đi học của hai cháu Quyền, Linh gần như không có.

 

Theo thống kê của Hội Người mù tỉnh, hiện toàn Hội có 1.115 hội viên trên tổng số 3.585 người khuyết tật về mắt. Số trẻ em khiếm thị trong tỉnh khoảng 20 em, sống rải rác ở 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Do thiếu thốn về cơ sở vật chất, con người và kinh phí nên mỗi năm, Hội Người mù chỉ mở được từ 1 - 2 lớp phục hồi chức năng (khoảng 10 người/lớp) cho hội viên. Hiện, toàn tỉnh mới chỉ có Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh có lớp học cho trẻ em câm điếc. Còn trẻ em khiếm thị thì chưa có một trường, lớp, hay chương trình hỗ trợ nào giúp các em hoà nhập. Từ đó, việc học văn hoá của các em cũng bị bỏ ngỏ. Hầu hết các trẻ em khiếm thị trong tỉnh đều sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em đều ở nhà, không có điều kiện theo học các trường, lớp dành cho trẻ khiếm thị ở các tỉnh bạn. Số trẻ em được đi học như em Nguyễn Thanh Hương chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Hiện, Hội Người mù tỉnh đang xây dựng dự án “Xây dựng cơ sở dịch vụ xoa bóp tẩm quất, giáo dục, dạy nghề của Hội Người mù Quảng Ninh”. Mục đích của dự án nhằm tạo một địa điểm, cơ sở để tổ chức các lớp phục hồi chức năng, dạy nghề, dạy chữ cho các hội viên, người khiếm thị trong tỉnh. Đây cũng là nơi để tổ chức cho các hội viên hành nghề xoa bóp tẩm quất, để người mù có việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống. Ông Trần Hữu Quảng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Dự án đang được các đơn vị, ngành chức năng thẩm định. Chúng tôi rất mong tỉnh sớm phê duyệt để dự án được đầu tư, xây dựng. Như thế, những người khiếm thị trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trẻ em khiếm thị sẽ có cơ hội được học chữ, học nghề nhằm có kiến thức, kỹ năng, có việc làm, ổn định cuộc sống”.

 

Hoàng Nhi

Hoàng Kim / Báo Quảng Ninh điện tử

Lượt xem : 50225 Người đăng : Hoàng Xuân Hạnh

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo