Trang chủ --> Cuộc sống không giới hạn --> Thực hiện sứ mệnh của mình
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Thực hiện sứ mệnh của mình

Khi 20 tuổi, tôi quyết định sang Nam Phi thực hiện chuyến diễn thuyết kéo dài hai tuần được sắp xếp bởi một người mà tôi chưa từng gặp mặt. Cha mẹ tôi không vui lắm bởi họ lo cho sự an nguy và sức khỏe của tôi, và lo cả về chi phí của chuyến đi. Bạn có thể hình dung ra không?

Một người tên là John Pingo đã xem video đầu tiên về tôi và rủ tôi sang nói chuyện với những người đang cần được động viên nhất ở những vùng nghèo nhất Nam Phi. Người đó sắp xếp cho tôi diễn thuyết tại một loạt các giáo đoàn, trường học, trại trẻ mồ côi qua mạng lưới các nhà thờ Doxa Deo.

John viết thư, gọi điện, gửi email, năn nỉ tôi đến đất nước của mình. Sự kiên trì và lòng nhiệt tình của người này đã làm dấy lên một điều gì đó trong lòng tôi. Hồi tôi mới lớn, những lúc bất an về hoàn cảnh hiện tại và tương lai, ngoài việc cầu nguyện, có một hành động khác dường như đã giúp tôi cảm thấy nhẹ lòng phần nào là tìm đến với người khác và làm điều gì đó cho người ấy.

Càng nghĩ đến khó khăn, thách thức của mình, tôi càng cảm thấy tồi tệ hơn, nhưng khi chuyển sang tập trung vào việc phục vụ nhu cầu của người khác, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn và hiểu ra rằng không một ai trên đời này đơn độc.

Dù giúp người khác được nhiều hay ít, hãy nhớ rằng những hành động thể hiện lòng tốt dù nhỏ cũng có thể tạo ra sức mạnh lớn lao chẳng kém gì những khoản hiến tặng giá trị. Nếu bạn có thể tạo ra sự thay đổi ý nghĩa cho một cuộc đời, thì như thế nghĩa là bạn đã làm được một việc trọng đại rồi, bởi lòng tốt có tác dụng lan tỏa và khơi gợi những hành động tương tự, và kết quả ban đầu mà nỗ lực của bạn tạo ra sẽ được nhân lên nhiều lần.

Đã bao lần bạn được ai đó làm điều tốt đẹp cho bạn, khiến bạn tràn ngập lòng biết ơn, và rồi bạn lại làm điều tốt giúp người khác? Tôi tin rằng cách ứng xử đó là một phần bản chất mà Chúa ban tặng cho chúng ta.

Ở phần trước tôi đã kể cho bạn biết lời nhận xét giản dị và chân thực mà một cô bạn học ở trường đã truyền cho tôi lòng tự tin như thế nào giữa lúc tôi cảm thấy mình thật vô dụng và không được ai cần đến. Cô bạn ấy đã mang đến sự khích lệ khiến tôi nghĩ tôi có thứ gì đó để chia sẻ với người khác, và giờ đây, trong khi tôi truyền bá tình yêu của Chúa, tôi lại mang sự khích lệ đến cho những người đang gặp khó khăn trên khắp thế giới. Lòng tốt giản dị của cô bạn ấy đã được nhân lên gấp nhiều lần.

Vậy nên nếu nói rằng giá mà bạn có nhiều hơn thì sẽ làm được nhiều hơn, tôi khuyến khích bạn đơn giản hãy làm những gì mà hiện tại bạn có thể làm và hãy làm như thế hằng ngày. Tiền không phải là sự chia sẻ, đóng góp duy nhất mà bạn có thể mang đến cho người khác. Bất cứ thứ gì Chúa đã cho bạn, bạn hãy chia sẻ nó theo các cách khác nhau để giúp ích cho người khác.

Nếu bạn có nghề mộc hoặc những kỹ năng nghề nghiệp khác, hãy sử dụng nó để phục vụ giáo hội của bạn, cho trung tâm nhân đạo, hoặc cho các nạn nhân của thảm họa động đất ở Haiti và cho những nơi đang cần đến những kỹ năng đó. Có nhiều cách để bạn nhân rộng tài năng của mình dù đó là tài may vá, khiếu ca hát, khả năng làm tính giỏi hay thành thạo trong việc sửa ô tô.

Một học sinh trung học ở Hong Kong mới đây đã gửi thư điện tử tới website của tôi, chứng minh ai trong chúng ta cũng có thể tạo ra sự thay đổi không kể tuổi tác, giàu nghèo.

“Tôi có một cuộc sống rất may mắn, nhưng mặc dầu thế, vẫn có những lúc cảm thấy mình vô dụng và hoang mang. Tôi sợ phải bước vào trung học sau khi nghe chuyện học sinh lớp trên bắt nạt học sinh lớp dưới. Trong ngày đầu tiên ở trường trung học, tôi cùng các học sinh khác tham gia lớp học về lòng nhân đạo được thể hiện bằng hành động và chúng tôi được một cô giáo rất tuyệt vời dạy rằng đừng coi đó là một lớp học mà hãy coi đó là một gia đình.

Qua thời gian chúng tôi đã học được nhiều điều. Chúng tôi được giới thiệu cho biết về các sự kiện quan trọng xảy ra ở những nơi khác trên thế giới, như nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994 và nạn diện chủng đang diễn ra ở Darfur, Sudan. Tôi và các bạn trong lớp trải qua cái cảm xúc mà chúng tôi chưa từng cảm thấy: niềm đam mê. Niềm đam mê thúc giục chúng tôi tìm hiểu những gì đang xảy ra ở Darfur và tìm cách giúp đỡ người dân ở đó. Mặc dù chẳng ai mong đợi nhiều từ những đứa trẻ 14 tuổi, chúng tôi đã tìm ra một cách để chứng minh cho thể giới thấy chúng tôi có thể tạo ra sự thay đổi.

Chúng tôi thực hiện một buổi biểu diễn nghệ thuật qua đó cho khán giả biết những gì đang xảy ra ở Darfur. Chúng tôi tìm được niềm đam mê đủ để thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong những tâm hồn. Nhờ đó mà chúng tôi đã có thể làm được điều vượt ngoài mong đợi, quyên góp được đủ tiền để mua nhu yếu phẩm gửi sang giúp đỡ người dân ở Darfur.”

Đó là những lời đầy khôn ngoan từ một bạn trẻ, đúng không bạn? Niềm đam mê phục vụ người khác có thể là món quà lớn nhất mà Chúa có thể ban tặng cho con người. Tôi chắc chắn rằng người dân Darfur, khi nhận được số nhu yếu phẩm đó đều cảm thấy biết ơn vì từng thứ mà họ nhận được, dù lớn hay nhỏ.

Sức mạnh to lớn của Chúa được phản ánh qua thực tế rằng, nếu chúng ta muốn làm điều gì đó cho người khác, sự sẵn lòng cũng quan trọng như khả năng của chúng ta vậy. Khi chúng ta tìm đến để giúp đỡ người khác, ấy là lúc Chúa hành sự thông qua chúng ta. Khi bạn sẵn lòng làm việc thiện, hãy đoán xem bạn có thể dựa vào khả năng của ai? Của Chúa! Kinh Thánh dạy: “Ta có thể làm tất cả mọi điều thông qua Chúa, người làm cho ta trở nên mạnh mẽ”.

Bạn muốn làm điều gì cho bản thân, thì hãy làm điều đó cho người khác. Nếu biến việc thực hiện những hành động nhỏ thể hiện lòng trắc ẩn trở thành thói quen hằng ngày, bạn sẽ cảm thấy mình có thêm sức mạnh và được giải phóng khỏi nỗi đau và sự thất vọng của riêng mình.

Không nên mong được đền đáp cho lòng hào phóng và sự giúp đỡ của bạn đối với người khác, nhưng những việc thiện có thể mang đến những phần thưởng đầy bất ngờ.

Tôi là người tán thành sự hào phóng vô điều kiện bởi vì nó thể hiện sự tôn kính Chúa và giúp nhân rộng ơn phước của Người. Tuy nhiên tôi cũng tin rằng khi làm điều gì đó cho người khác, bạn cũng nhận được phước lành từ việc làm của mình. Vậy nên nếu bạn không có một người bạn, thì hãy trở thành một người bạn của người khác. Nếu bạn đang có một ngày tồi tệ, thì hãy làm cho ngày của người khác được vui vẻ. Nếu bạn đang bị tổn thương, thì hãy hàn gắn những vết thương lòng của người khác.

Bạn không bao giờ biết được bạn có thể tạo ra sự thay đổi lớn lao như thế nào trên thế giới này đơn giản bằng cách thực hiện một hành động nhỏ thể hiện lòng tốt. Những gợn sóng nhỏ có thể tạo thành con sóng lớn. Người bạn học, người nhận ra tôi buồn khi bị trêu chọc và nói với tôi rằng tôi trông dễ coi, đã không chỉ xoa dịu nỗi đau trong lòng tôi mà còn thắp lên một tia sáng làm bừng lên nhiệt huyết của tôi đối với sự nghiệp diễn thuyết và sứ mạng tìm đến với mọi người trên khắp thế giới.

 

NIỀM ĐAM MÊ SẺ CHIA

Đừng lo lắng về việc bạn có thể giúp người khác được bao nhiêu. Hãy cứ tìm đến những ai cần giúp đỡ và bạn nên biết rằng những hành động nhỏ của lòng tốt thường được nhân lên và có tác dụng lớn lao vượt trên cả những gì bạn mong đợi. Càng nghe những gì John Pingo nói, tôi càng muốn đến Nam Phi hơn.

Trong ba tuần tôi cầu nguyện để xin sự chỉ dẫn của Chúa cho chuyến đi đến Nam Phi. Sau đó, tôi thực sự hiểu rằng trong tôi có một tiếng gọi thôi thúc thực hiện chuyến đi đó. Tôi muốn mang đến cho người khác sự khích lệ không giới hạn, và chuyến đi đó dường như là một bước đầu tiên tốt đẹp hướng tới sứ mệnh truyền giáo khắp thế giới.

Tôi biết rất ít về Nam Phi, và chưa bao giờ đi xa như thế mà không có cha mẹ đi cùng. Cha tôi có những người bạn sống ở đó, và sau khi nói chuyện với họ, ông không yên tâm. Họ nói cho ông biết bạo lực là một vấn đề nghiêm trọng ở quốc gia này và rằng du khách đến đây thường bị tấn công, bị cướp giật, thậm chí bị giết chết.

“Đó không phải là một nơi an toàn để đến đâu, Nick ạ”, cha tôi nói. “Con thậm chí không biết cái người tên là John Pingo đó là ai. Tại sao con lại tin tưởng ông ta mà đi sang đó chứ?”

Cũng giống như các bậc làm cha làm mẹ khác, cha mẹ luôn bảo vệ tôi. Vì tôi không có chân tay, họ cảm thấy có đầy đủ mọi lý do để lo lắng cho sự an nguy của tôi. Nhưng tôi khao khát thực hiện chuyến đi đó, khát khao đi theo tiếng gọi ở trong lòng, mong muốn được dấn thân trong sự nghiệp của một nhà truyền giáo và một diễn giả.

Cha mẹ tôi chỉ mới có vài sợi tóc bạc và những cuộc phiêu lưu đáng lo của đứa con trai cứng cỏi này quả là đáng ngạc nhiên. Khi tôi đề xuất chuyện đi đến Nam Phi, những mối lo trên hết của cha mẹ tôi là vấn đề sức khỏe và tài chính. Tôi vừa mới mua ngôi nhà đầu tiên bằng chính những đồng tiền tôi kiếm được, và họ cảm thấy rằng tôi nên trả các khoản nợ từ việc mua nhà thay vì rong ruổi khắp địa cầu.

Những mối lo của họ tăng lên một cách đáng kể khi tôi cũng tiết lộ với họ rằng:

1. Ở Nam Phi, tôi sẽ hiến tặng hơn 20.000 đô la tiền tiết kiệm cho các trại trẻ mồ côi

2.  Tôi muốn đưa em trai đi cùng.

Giờ đây, đứng ở vị trí của cha mẹ mà nhìn lại chuyện đó, tôi có thể hiểu và cảm thông hơn với những nỗi lo của họ ngày ấy. Nhưng khi ấy tôi đã quyết đi. Kinh Thánh dạy: “Nếu trên đời này ai có của cải, thấy anh em mình đang cùng túng mà không thấy mủi lòng, thì làm thế nào lòng yêu mến Đức Chúa ngụ trong con người ấy được?”. Tôi muốn hành động theo đức tin bằng cách giúp đỡ người khác. Mặc dù khuyết tật, tôi cảm thấy tràn đầy khả năng nhờ đức tin mà tôi có, và cảm thấy rằng đã đến lúc phục vụ mục đích của mình.

Tôi vẫn phải thuyết phục cha mẹ rằng tôi sẽ an toàn. Lúc đầu thậm chí em trai tôi không hào hứng với chuyến đi. Nói cho đúng, khi tôi rủ nó đi, nó từ chối vì những thông tin về tình trạng bạo lực ở Nam Phi và vì nó “không muốn bị một con sư tử ăn thịt”. Tôi tiếp tục thôi thúc và khích lệ em, cố giải thích về những con sư tử. Trước đó, tôi đã rủ hai người anh em họ đi cùng; một người đã rút lui. Cuối cùng Aaron cảm thấy nó có bổn phận cùng đi và giúp đỡ tôi trong chuyến đi. Cha mẹ và tôi cầu nguyện để xin sự dẫn dắt của Chúa cho chuyến đi, và cuối cùng họ ủng hộ chuyến đi. Họ vẫn lo lắng lắm, nhưng họ tin Chúa sẽ phù hộ cho chúng tôi.

PHỤNG SỰ THẾ GIỚI

Khi tôi đặt chân tới Nam Phi sau một chuyến bay dài, người tổ chức các buổi diễn thuyết đón chúng tôi ở sân bay như đã hứa, nhưng vì lý do nào đó tôi cứ nghĩ John Pingo là một người đàn ông lớn tuổi, không lớn tuổi như cha mẹ tôi thì chí ít cũng xấp xỉ bốn mươi.

Hóa ra John Pingo mới 19 tuổi! Cậu ấy còn kém tôi một tuổi.

Có lẽ chuyến đi này không phải là một ý tưởng hay, tôi nghĩ khi chúng tôi gặp nhau tại sân bay. May mắn thay, John đã chứng minh cậu là một người rất chín chắn và có năng lực, người đã mở mắt cho tôi thấy sự đói nghèo và khó khăn trên diện rộng mà tôi chưa từng chứng kiến ở bất cứ đâu. Cậu ấy nói cho tôi biết cậu đã xúc động và cảm thấy được khích lệ như thế nào khi xem video về tôi, nhưng tôi khám phá ra chuyện đời của cậu quả thực khá cuốn hút và sự hiến dâng cho đức tin của cậu khiến tôi thấy mình nhỏ bé.

Cậu lớn lên trong một trang trại nuôi gia súc ở Orange Free State(*)thuộc miền Nam của Nam Phi. Khi còn nhỏ cậu giao du với một đám thanh niên hư, nhưng rồi cậu đã trở thành một tín đồ Cơ Đốc đầy nhiệt huyết và khi gặp tôi cậu đã là chủ của một công ty xe tải nhỏ. Cậu biết ơn Chúa đã giúp cậu thay đổi cuộc đời, đã ban phước cho cậu.

John có quyết tâm cao trong việc mời tôi sang diễn thuyết về đức tin và khích lệ người dân ở đây đến mức cậu bán cả xe hơi để trang trải chi phí cho các chuyến đi của chúng tôi đến nhà thờ, trường học, trại mồ côi và nhà tù. Sau đó cậu ấy mượn chiếc xe tải nhỏ của người cô để đưa tôi đến các địa điểm diễn thuyết ở Cape Town, Pretoria, Johannesburg, và tất cả các nơi khác.

Đó là một lịch diễn thuyết cực kỳ dày đặc, và vào thời gian đó chúng tôi thường chỉ ngủ bốn hoặc năm tiếng mỗi ngày. Nhưng chuyến đi đã mang đến cho tôi cơ hội gặp gỡ những con người, khám phá những vùng đất, những điều khiến cho cuộc đời tôi thay đổi mãi mãi. Nó giúp tôi hiểu mình muốn làm gì trong phần còn lại của cuộc đời: Tôi muốn mang những thông điệp về lòng dũng cảm và đức tin chia sẻ với mọi người trên khắp địa cầu.

Aaron và tôi nghĩ rằng trong thời thơ ấu của mình ở Australia và trong giai đoạn ngắn sống ở California, chúng tôi đã biết chút ít về nghèo khó và bạo lực. Nhưng trong chuyến đi này, chúng tôi đã hiểu ra rằng mình còn ngây thơ lắm. Những gì chúng tôi biết trước đó đã thực sự trở nên ít ỏi khi chúng tôi rời sân bay, lái xe xuyên qua Johannesburg. Tại một ngã ba, Aaron nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy một tấm biển khiến nó hoảng sợ. Tấm biển đó ghi: “Khu vực đập vỡ và chiếm lấy”.

Aaron hoảng hốt hỏi người lái xe: “John, tấm biển đó có nghĩa gì vậy?”.

“Ồ, có nghĩa là ở vùng này bọn họ sẽ đập vỡ cửa kính xe của cậu, cướp hết đồ rồi lượn”, John nói.

Chúng tôi đóng chặt cửa xe và bắt đầu đưa mắt quan sát xung quanh. Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều người dân ở đó sống trong những ngôi nhà được bao quanh bởi tường bằng xi măng có chăng dây thép gai. Một số người dân tôi gặp trong những ngày đầu tiên ở đó nói rằng họ từng bị bóp cổ hoặc bị trấn lột, nhưng rốt cuộc chúng tôi nhận thấy Nam Phi không nguy hiểm hơn những vùng đất khác, nơi mà sự nghèo khó và tình trạng tội phạm là những mối lo thường trực.

Quả thực, Aaron và tôi đều cảm thấy yêu đất nước Nam Phi và người dân ở đó. Mặc dù đất nước này có những vấn đề của nó, chúng tôi thấy người dân Nam Phi thật tuyệt vời, tràn đầy hy vọng và niềm vui, bất chấp mọi hoàn cảnh. Chúng tôi chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến sự tận cùng của cái nghèo và tuyệt vọng, cũng như niềm vui không thể lý giải nổi, đức tin đầy kiên định như những gì chúng tôi đã thấy ở Nam Phi.

Những trại trẻ mồ côi vừa khiến chúng tôi buồn đến xé lòng vừa khiến chúng tôi cảm thấy như được khích lệ. Chúng tôi đã đến thăm một trại trẻ mồ côi dành cho trẻ em bị bỏ rơi, những đứa trẻ bị bỏ trong thùng rác, trên ghế đá ở công viên. Hầu hết trẻ em ở đó đều ốm yếu và suy dinh dưỡng. Những đứa trẻ ấy khiến chúng tôi mủi lòng đến nỗi chúng tôi đã quay trở lại trại ngay ngày hôm sau, mang đến cho các em đồ chơi, những quả bóng, nước ngọt, bánh pizza cùng những món quà đơn sơ khác. Các em rất vui khi nhận được quà.

Ở đó chúng tôi cũng đã thấy những đứa trẻ bị lở loét, thương tích do nhiễm trùng, những trẻ em và người lớn đang chết dần chết mòn vì AIDS, các gia đình phải vật lộn kiếm miếng ăn và nước sạch để uống mỗi ngày. Tận mắt chứng kiến những cảnh đó, cảm nhận mùi của bệnh tật và cái chết vây quanh những người đang sống trong đau đớn cùng cực, và biết rằng mình chẳng thể làm gì hơn là cầu nguyện để giúp họ được thanh thản là một trải nghiệm khiến tôi thức tỉnh.

Tôi chưa bao giờ thấy ở đâu con người lại phải chịu đựng sự túng quẫn và khổ sở đến nhường ấy. Điều tôi đã tận mắt chứng kiến tồi tệ hơn bất cứ điều gì tôi từng phải chịu đựng, và nó khiến tôi cảm thấy so với những người dân ở đó tôi dường như có cuộc sống quá sung sướng. Tôi bị lấn át bởi những cảm giác giằng xé: lòng trắc ẩn khiến tôi muốn hành động không chậm trễ để cứu giúp tất cả những người tôi có thể cứu giúp, và cảm giác tức giận trước sự tồn tại của nỗi khổ sở tột cùng bất biến.

Cha tôi thường kể về thời thơ ấu của ông ở Serbia, cái thời mà ông thường chỉ có một miếng bánh mì và một chút nước, một ít đường cho bữa tối. Cha ông, tức ông nội tôi, từng là thợ cắt tóc của một mỹ viện, nhưng rồi bị mất việc. Mỗi năm gia đình cha tôi lại phải chuyển nơi ở một hoặc hai lần. Khi ông nội bị bệnh lao không thể làm việc được nữa, bà tôi, với nghề thợ may, phải gồng mình nuôi sáu đứa con.

Sau khi chứng kiến sự bần cùng và đói khát ở Nam Phi, tôi cảm thấy những chuyện cha tôi kể về cuộc vật lộn để sinh tồn của gia đình đã mang một ý nghĩa mới; tôi đã thấy nỗi thống khổ trong ánh mắt của những bà mẹ đang hấp hối, đã nghe những đứa con của họ bật ra tiếng gào thét xé lòng vì đau đớn và đói khát.

Chúng tôi đến thăm những khu ổ chuột, nơi những gia đình sống chen chúc trong những cái lán chật hẹp chẳng khác gì gian buồng kho, dùng báo cũ làm tường ngăn, không có nước để sinh hoạt. Tôi đã đến diễn thuyết ở một nhà tù, nơi các tù nhân đứng chật kín trong phòng cầu nguyện và cả ở bên ngoài.

Chúng tôi biết được rằng nhiều tù nhân vẫn đang chờ xét xử và rằng loại tội phạm chiếm đa số trong nhà tù đó là những đối tượng nợ tiền của những người có thế lực đủ để buộc những ai vay nợ của họ mà không có khả năng trả phải vào vòng lao lý. Chúng tôi đã gặp một tù nhân phải lãnh án mười năm tù chỉ vì mắc nợ 200 đô la Mỹ. Ngày hôm đó, những người tù đã hát cho chúng tôi nghe, và trong cái chốn lao tù bị cô lập ấy, giọng hát của họ ngân lên, tràn đầy niềm vui.

TẠO RA THAY ĐỔI

Tôi đã đến Nam Phi như một chàng thanh niên đầy tự mãn, hoàn toàn chắc chắn rằng mình có thể tạo ra sự thay đổi ở cái xứ sở rộng lớn đó. Nhưng chính đất nước Nam Phi đã tạo ra sự thay đổi trong tôi.

Khi bạn bước ra ngoài bản thân mình, dứt ra khỏi những vấn đề của cá nhân để đến với người khác, việc làm đó của bạn sẽ thay đổi chính bạn.Bạn sẽ cảm thấy mình thật nhỏ bé. Bạn sẽ cảm thấy mình được khích lệ. Hơn bất cứ điều gì và hơn bất cứ lúc nào, bạn sẽ bị lấn át bởi cảm giác rằng mình là một phần của cái gì đó lớn hơn bản thân bạn.

Không chỉ có vậy, bạn cũng sẽ hiểu ra rằng bạn có thể tạo ra đóng góp cho cuộc đời. Tất cả mọi điều bạn làm để khiến cuộc sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn đều khiến cho cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa hơn.

Sau vài ngày đầu tiên ở Nam Phi, tôi đã hiểu tại sao John Pingo lại tận tâm và nhiệt tình giúp tôi truyền những thông điệp của hy vọng và niềm tin đến với người dân của đất nước cậu đến thế. Cậu đã thấy được nhiều hơn những gì tôi đã thấy. Tôi hiểu ra rằng tôi đã chỉ nghĩ đến bản thân, đã sống một cuộc sống ích kỷ; một gã không chân tay hay đòi hỏi đã không thể tưởng tượng được bất cứ ai trên đời này lại bất hạnh như mình.

Từ sau chuyến đi, mỗi khi ở trong cửa hàng thực phẩm tôi không khỏi suy nghĩ. Thậm chí sự phong phú về thực phẩm ở trong cửa hàng nhỏ cạnh nhà tôi cũng vượt ngoài sự tưởng tượng của những đứa trẻ mồ côi và người dân sống trong các khu ổ chuột mà tôi gặp ở Nam Phi. Thậm chí, giờ đây khi tôi được hưởng cái cảm giác dễ chịu ở trong văn phòng có điều hòa nhiệt độ, hoặc khi được mời uống một ly nước mát, tôi vẫn chạnh lòng nghĩ về chuyến đi đó; ở nơi ấy những thứ đem lại cảm giác dễ chịu đơn giản đó thật là hiếm hoi.

Aaron, giờ đây đã trở thành một giáo viên dạy khoa học tự nhiên ở một trường trung học Australia, vẫn nói về những trải nghiệm thực tế từ chuyến đi đó. Chúng tôi không khỏi buồn lòng trước những cảnh đời mà mình đã tận mắt chứng kiến, nhưng cũng rất ngạc nhiên bởi nhiều điều khác. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng đó là chuyến đi hữu ích nhất trong cuộc đời. Về nhà, cả hai anh em đều tự hỏi: Chúng ta có thể làm gì để xoa dịu đau khổ của người khác? Cách gì là tốt nhất để đóng góp? Làm sao mình có thể sống ích kỷ như trước, khi biết rằng nhiều người đang phải chịu đựng đau khổ đến nhường ấy?

Bạn không nhất thiết phải đi thật xa để tìm một ai đó cần giúp đỡ. Thực tế, chuyến đi đến Nam Phi đã khiến chúng tôi ý thức về những người cần được giúp đỡ ngay trong chính cộng đồng, trên chính quê hương đất nước của mình. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những nơi để đóng góp thời gian, tài năng, tiền bạc tại giáo hội của bạn, tại những nhà thương, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cứu tế, trung tâm dành cho người vô gia cư, ngân hàng lương thực, trạm cung cấp thức ăn miễn phí cho người nghèo. Bất cứ thứ gì bạn chia sẻ đều có thể tạo ra sự thay đổi; dù là tiền bạc, thời gian, tài năng, hoặc mạng lưới bạn bè và đồng nghiệp.

Chuyến đi đầu tiên đến Nam Phi đã khiến tôi trở nên hào hứng bắt đầu sứ mệnh của mình và tôi đã đem tặng phần lớn khoản tiền tiết kiệm 20.000 đô la ấy; trong khi ở đó chúng tôi quyên góp được thêm 20.000 đô la nữa để đem tặng những người khó khăn! Chúng tôi dành thời gian mua quà cho các em nhỏ mồ côi, cho các em ăn uống, quyên góp sách vở, chăn ấm và giường ngủ. Chúng tôi đã tặng các trại trẻ mồ côi những chiếc tivi, đầu DVD, tặng tiền cho người có hoàn cảnh khó khăn qua hơn một chục mạng lưới từ thiện.

Giờ đây, 20.000 đô la vẫn còn là một số tiền khá lớn đối với tôi, nhưng nhìn lại, tôi ước gì mình có nhiều hơn nữa để hiến tặng. Mới chỉ có thể mủi lòng trước vài mảnh đời ở một vài nơi đã khiến tôi có ý thức sâu sắc về hạnh phúc hơn bất cứ khi nào tôi từng ý thức được. Mẹ tôi không được vui khi tôi trở về từ Nam Phi mà “chẳng còn gì” trong tài khoản tiết kiệm, nhưng bà hiểu rằng cuộc sống của tôi đã trở nên phong phú và ý nghĩa hơn qua chuyến đi đó.


* Republic of the Orange Free State là một quốc gia độc lập tồn tại vào nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 tại vùng đất ngày nay là Nam Phi. Quốc gia này do những nông dân gốc Hà Lan lập lên.  

Lượt xem : 935 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo