Trang chủ --> Cuộc sống không giới hạn --> Một cuộc sống có giá trị
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Một cuộc sống có giá trị

Phải mất một thời gian dài tôi mới nghiệm ra những lợi thế tiềm ẩn trong hoàn cảnh nghiệt ngã của mình. Mẹ tôi mang thai tôi, đứa con đầu lòng của bà, khi bà hai mươi lăm tuổi. Mẹ tôi vốn là một nữ hộ sinh, làm việc tại một phòng hộ sinh nơi bà chăm sóc cho hàng trăm bà mẹ và những đứa con sơ sinh của họ.

Mẹ tôi biết phải làm gì khi bà mang thai, biết duy trì chế độ ăn uống hợp lý, rất thận trọng khi dùng thuốc, không sử dụng đồ uống có cồn, không dùng aspirin hay bất cứ loại thuốc giảm đau nào. Bà tìm đến những bác sĩ giỏi nhất để khám thai định kỳ và các bác sĩ quả quyết với bà rằng tất cả mọi thứ đều ổn cả.

Mặc dầu vậy mẹ tôi vẫn bị ám ảnh bởi cảm giác lo lắng. Khi ngày trở dạ đến gần, bà thỉnh thoảng lại chia sẻ với cha tôi những nỗi lo lắng của mình. Bà nói, “Em hy vọng mọi chuyện với con chúng ta đều ổn cả”.

Trong hai lần mẹ tôi đi siêu âm, các bác sĩ đều không phát hiện thấy bất cứ điều gì bất thường. Các bác sĩ nói với cha mẹ tôi rằng con đầu lòng của họ là con trai, nhưng tuyệt đối không nói gì về chứng khuyết thiếu chân tay! Khi tôi chào đời vào ngày 4 tháng mười hai năm 1982, thoạt đầu mẹ không được phép gặp tôi, và câu hỏi đầu tiên mẹ hỏi bác sĩ là: “Con tôi ổn chứ?”. Đáp lời là một sự im lặng.

Mẹ tôi đếm từng giây để được nhìn thấy tôi. Đợi mãi không thấy người ta mang tôi đến, bà càng tin chắc có điều gì đó không ổn đã xảy ra. Thay vì mang tôi đến cho mẹ bế, họ mời một bác sĩ nhi khoa tới và kéo nhau ra góc xa của căn phòng. Họ nhìn tôi rồi đưa mắt nhìn nhau. Khi mẹ tôi nghe thấy tiếng khóc oa oa của một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh cất lên, mẹ nhẹ cả người. Nhưng khi đó cha tôi, người cha mà trong lúc tôi chào đời đã để ý thấy con mình không có tay, cảm thấy choáng váng và người ta phải đưa ông ra khỏi phòng.

 Nhìn thấy hình hài dị biệt của tôi, các bác sĩ và y tá không khỏi bàng hoàng, vội lấy khăn bọc tôi lại.

Nhưng mẹ tôi đâu có ngốc. Nhìn vẻ mặt của các bác sĩ và y tá là mẹ biết có điều gì đó rất không bình thường đã xảy ra.

“Có chuyện gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra với con tôi vậy?’ Mẹ hỏi.

Thoạt đầu bác sĩ không trả lời, nhưng khi mẹ tôi cứ khăng khăng hỏi dồn, ông ấy không còn cách nào khác hơn là trả lời mẹ bằng một thuật ngữ y khoa.   

“Đứa bé bị chứng phocamelia,” ông ấy nói.

Vốn là một y tá, mẹ tôi biết thuật ngữ đó dùng để chỉ tình trạng của những đứa trẻ sinh ra bị dị dạng hoặc thiếu mất các chi. Mẹ tôi không thể nào chấp nhận sự thật nghiệt ngã này.

Giữa lúc đó, người cha hốt hoảng của tôi ở bên ngoài phòng hộ sinh, tự hỏi những gì ông vừa nhìn thấy có phải là sự thật hay không. Khi bác sĩ nhi khoa đến nói chuyện, ông không kìm nén được, kêu lên đau đớn: “Con trai tôi, nó không có tay!”.

“Thực ra”, vị bác sĩ nói bằng giọng đầy cảm thông, “con trai anh không có cả tay lẫn chân”.

“Ông nói gì cơ?”. Không tin, cha tôi hỏi lại.

Bàng hoàng và vô cùng đau khổ, cha ngồi như một pho tượng, không thể thốt ra được một lời nào cho đến khi bản năng che chở của một người chồng, một người cha trỗi dậy. Ông chạy vội vào phòng để nói với mẹ tôi trước khi mẹ nhìn thấy tôi, nhưng thật buồn, khi vào đến nơi cha thấy mẹ đang nằm thẫn thờ trên giường, khóc rưng rức trong đau khổ. Các nhân viên y tế đã nói cho mẹ tôi biết cái sự thật choáng váng đó. Họ đề nghị đưa tôi đến cho mẹ tôi bế, nhưng mẹ tôi từ chối. Trong những giây phút đau khổ đến xé lòng ấy, mẹ đã bảo họ hãy đưa tôi đi chỗ khác.

Mấy cô y tá không cầm nổi nước mắt. Bà đỡ bật khóc. Và tất nhiên tôi cũng khóc! Cuối cùng họ đặt tôi, đứa con tật nguyền đỏ hỏn được bọc trong những lớp khăn, xuống bên cạnh mẹ, và mẹ tôi không thể nào chịu đựng nổi những gì bà đang nhìn thấy: Con trai bà, đứa con đầu lòng mà bà mang nặng đẻ đau, chào đời không có tay, không có chân.

 “Hãy mang nó đi đi”, mẹ nói. “Tôi không muốn chạm vào nó, không muốn nhìn thấy nó”.

Cho đến tận ngày hôm nay cha tôi vẫn cảm thấy rất buồn vì hôm ấy các nhân viên ở phòng hộ sinh đã không cho cha có thời gian để chuẩn bị tinh thần cho mẹ, để mẹ có thể đối mặt với sự thật phũ phàng đó một cách tốt hơn. Một lúc sau, khi mẹ đã thiếp đi, cha đến thăm tôi ở phòng dành cho trẻ sơ sinh. Lúc quay lại, cha nói với mẹ: “Con trai của chúng ta kháu lắm”. Cha hỏi liệu bây giờ mẹ đã muốn gặp tôi chưa, nhưng mẹ vẫn chối từ, vẫn một mực lắc đầu. Cha tôi hiểu và tôn trọng những cảm xúc của mẹ.

Thay vì mừng sự chào đời của tôi trong niềm vui, cha mẹ tôi và giáo đoàn than thở: “Nếu Chúa là Đấng Sáng Tạo của tình yêu”, họ tự hỏi, “thì tại sao Người lại để cho một chuyện như thế xảy ra?”.

 

ĐỨA TRẺ CỨNG CỎI

Lúc ấy cha mẹ tôi đã thẳng thắn trong việc chia sẻ với tôi nỗi sợ hãi và những cơn ác mộng đè nặng lên cuộc sống của họ sau khi tôi chào đời. Tất nhiên, khi tôi còn chưa thực sự trưởng thành, họ không để lộ ra rằng ngày ấy họ cảm thấy tôi không phải là đứa con mà họ ao ước. Trong những tháng sau khi tôi chào đời, mẹ luôn bị đe dọa bởi cảm giác lo sợ sẽ không đủ khả năng chăm sóc cho tôi, đứa con tật nguyền của mẹ.

Cha tôi không nhìn thấy bất cứ một tương lai tươi sáng, hạnh phúc nào dành cho tôi ở phía trước. Còn nữa, ông lo lắng không biết mai này tôi sẽ sống một cuộc sống như thế nào đây. Ông nghĩ nếu tôi yếu ớt và không có khả năng trải nghiệm cuộc sống thì tốt hơn hết tôi nên hầu việc Chúa.

Họ tính đến các lựa chọn mà họ có thể có ở vào thời điểm đó, bao gồm cả khả năng gửi tôi cho người khác nuôi. Ông bà nội và ông bà ngoại của tôi đều sẵn lòng nhận chăm sóc và nuôi dưỡng tôi. Rốt cuộc, cha mẹ tôi đã từ chối lời đề nghị đó. Họ quyết định dứt khoát và họ cảm thấy rằng, là những người sinh thành ra tôi, họ phải có trách nhiệm nuôi nấng tôi một cách tốt nhất có thể.

Đau lòng lắm, nhưng rồi cha mẹ tôi bắt đầu quyết tâm nuôi đứa con trai tật nguyền của mình trở thành một người “bình thường” hết mức có thể. Họ là những người có đức tin mạnh mẽ và luôn nghĩ rằng Chúa chắc hẳn phải có lý do nào đó mới mang đến cho họ một đứa con trai như thế.

Có những vết thương mau lành hơn nếu bạn cứ tiếp tục vận động. Điều này cũng đúng đối với những thất bại trong cuộc đời. Có thể bạn bị mất việc làm. Có thể bạn đang buồn vì một mối quan hệ chẳng thể tiến triển được. Có thể các hóa đơn thanh toán chất đống lên và bạn không có khả năng thanh toán.

Đừng để cuộc sống của bạn dậm chân tại chỗ bởi vì nếu thế thì bạn chỉ chăm chăm nghĩ đến sự bất công của những nỗi đau dĩ vãng mà thôi. Thay vào đó, hãy tìm mọi cách để tiến lên phía trước. Có thể một công việc tốt hơn, thú vị hơn, khiến bạn toại nguyện hơn đang đợi bạn trong những ngày sắp tới. Có thể mối quan hệ của bạn cần một cú hích, hoặc có thể có ai đó tốt hơn dành cho bạn trong những ngày đang đến. Có lẽ những khó khăn về tài chính sẽ thôi thúc, khuyến khích bạn tìm ra những cách thức mới mẻ, sáng tạo hơn để tiết kiệm trong chi tiêu và làm giàu. Cái khó ló cái khôn.

 Không phải lúc nào bạn cũng có thể kiểm soát được những gì xảy ra với mình. Có những sự cố xảy ra trong cuộc sống hoàn toàn không phải do lỗi của bạn, hoặc vượt ngoài khả năng ngăn chặn của bạn. Sự lựa chọn mà bạn có được là bỏ cuộc hoặc tiếp tục vượt lên hoàn cảnh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bạn nên biết rằng bất cứ điều gì xảy ra đều có lý do của nó và bao giờ cũng vậy, trong cái rủi luôn có cái may.

Khi còn nhỏ tôi cứ đinh ninh rằng mình là một đứa trẻ đáng yêu, có sức hấp dẫn tự nhiên và dễ thương như bất cứ đứa trẻ nào trên trái đất này. Sự ngờ nghệch mù quáng của tôi ở cái tuổi đó hóa ra lại là một diễm phúc. Tôi không biết rằng mình khác biệt so với bạn bè, cũng không ý thức được những khó khăn, thử thách đang đợi tôi ở phía trước. Bạn ạ, tôi không nghĩ rằng Đấng Tạo Hóa trao cho chúng ta những thách thức vượt quá khả năng của chúng ta. Tôi xin hứa với bạn rằng khi bạn phải chịu đựng một khuyết tật, bạn được ban cho những khả năng đủ để vượt qua thách thức ấy. Và còn hơn thế.

Chúa ban cho tôi lòng quyết tâm đáng kinh ngạc và những món quà khác nữa. Tôi sớm chứng minh được rằng dù không có tay, không có chân tôi vẫn có thể là một vận động viên thể thao, có khả năng phối hợp tốt. Tôi không có chân, không có tay nhưng vẫn là một cậu con trai hiếu động; một người thích chơi môn nhảy cầu mạo hiểm mà chẳng hề biết sợ là gì. Tôi học cách dựng người dậy bằng cách tì trán vào tường. Cha mẹ tôi giúp tôi luyện tập một thời gian dài để thực hiện động tác dựng người dậy theo cách đỡ đau đớn và vất vả hơn, nhưng tôi luôn tìm ra cách riêng của mình.

Mẹ tôi cố giúp tôi bằng cách đặt những tấm nệm trên sàn nhà để tôi có thể sử dụng chúng làm vật kê người để bật dậy, nhưng vì một lý do nào đó tôi đã quyết định rằng tốt hơn hết nên tì trán vào tường để vươn thẳng dậy từng tí một. Thực hiện các động tác theo cách riêng của mình, cho dù làm như vậy là rất khó khăn, đã trở thành một tính cách của tôi!

Sử dụng đầu là lựa chọn duy nhất của tôi trong giai đoạn đầu đời; sử dụng cái đầu nhiều giúp tôi phát triển được trí thông minh (tôi thường nói đùa như vậy!) và cũng làm cho cổ của tôi khỏe như cổ của một con bò đực và trán tôi rắn như một viên đạn.

Cha mẹ tôi luôn lo lắng cho tôi, tất nhiên. Làm cha mẹ của những đứa con có cơ thể bình thường cũng đã đủ bỡ ngỡ và bối rối rồi. Những người mới làm cha làm mẹ lần đầu thường nói đùa rằng họ ước gì đứa con đầu lòng được sinh ra cùng với một cuốn cẩm nang hướng dẫn chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

Ngay cả trong cuốn sách hướng dẫn cách chăm sóc trẻ nổi tiếng của Bác sĩ Spock cũng không có một chương nào đề cập đến cách chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa trẻ đặc biệt như tôi. Tuy nhiên, tôi cứ phát triển ngày một khỏe mạnh và cứng cỏi hơn như thể không có gì cản trở nổi. Tôi sắp sửa bước vào giai đoạn mà người ta gọi là “Tuổi lên hai kinh khủng”, càng khiến cho những nỗi khiếp sợ tiềm tàng của cha mẹ tôi tăng lên gấp năm, gấp mười lần.

Thằng bé sẽ tự ăn uống như thế nào? Nó đến trường bằng cách nào? Ngộ nhỡ chúng ta có mệnh hệ gì thì ai sẽ chăm sóc nó? Làm thế nào nó có thể sống tự lập được?

Khả năng lập luận của con người có thể là một diễm phúc hoặc là một phương thuốc. Giống như cha mẹ tôi, bạn có thể cũng buồn phiền và lo lắng về tương lai. Dẫu vậy, thường thì điều mà bạn lo sợ hóa ra lại ít nghiêm trọng hơn bạn tưởng tượng nhiều. Lo xa và lập kế hoạch cho tương lai chẳng có gì sai cả, nhưng bạn nên biết rằng những nỗi lo sợ lớn nhất của bạn lại có thể dễ dàng chứng minh cho bạn thấy điều ngạc nhiên lớn nhất. Cuộc sống thường phát triển hướng tới sự tốt đẹp.

Một trong những điều ngạc nhiên lớn nhất trong thời thơ ấu của tôi là khả năng tôi điều khiển bàn chân trái bé xíu, dị dạng của mình. Theo bản năng, tôi sử dụng nó để điều khiển xe lăn, để đá, đẩy, và làm trụ chống cho cơ thể.Cha mẹ tôi và các bác sĩ cảm thấy rằng cái bàn chân nhỏ bé hữu ích ấy của tôi còn có thể sẽ được việc hơn nữa. Bàn chân tôi chỉ có hai ngón thôi, nhưng từ khi lọt lòng mẹ, hai ngón chân ấy đã bị dính chặt vào nhau rồi. Cha mẹ tôi và các bác sĩ quyết định rằng nếu được phẫu thuật tách ngón thì có thể hai ngón chân đó sẽ cho phép tôi sử dụng chúng giống như những ngón tay để cầm bút, lật trang sách, hoặc thực hiện những động tác khác.

Khi ấy chúng tôi đang sống ở Melbourne, nơi có điều kiện chăm sóc y tế tốt nhất Australia. Trường hợp của tôi đặt ra những thách thức vượt ngoài kiến thức được đào tạo của ngay cả những chuyên gia chăm sóc sức khỏe giỏi nhất, giàu kinh nghiệm nhất. Khi các bác sĩ chuẩn bị tiến hành phẫu thuật bàn chân cho tôi, mẹ cứ liên tục nhấn mạnh với họ rằng tôi hầu như lúc nào cũng ở trong tình trạng thân nhiệt tăng cao và rằng họ phải đặc biệt chú ý đề phòng khả năng cơ thể tôi trở nên quá nóng. Mẹ tôi đã nghe nói về một đứa trẻ không có chân tay đã bị rơi vào tình trạng thân nhiệt tăng quá cao trong một cuộc phẫu thuật và đã phải chịu di chứng tổn thương não sau khi bị co giật.

Xu hướng thân nhiệt tăng cao xảy ra với tôi thường xuyên đến mức nó gợi cảm hứng cho gia đình tôi sáng tạo ra một câu châm ngôn được nhắc đi nhắc lại: “Khi Nicky lạnh, những con vịt chắc chắn bị đóng băng”. Tuy nhiên, quả thật nếu tôi tập thể dục quá nhiều, bị căng thẳng, hoặc ở lâu dưới những ngọn đèn tỏa nhiệt nhiều, thì nhiệt độ cơ thể của tôi sẽ tăng lên đến mức nguy hiểm. Tránh cho cơ thể mình khỏi bị tăng nhiệt quá mức là điều mà tôi luôn phải lưu ý.

“Xin các bác sĩ hãy kiểm tra thân nhiệt cho con tôi một cách cẩn thận nhé”, mẹ tôi van vỉ kíp phẫu thuật. Mặc dù các bác sĩ biết mẹ tôi là một y tá, họ vẫn không nghe lời khuyên của bà một cách nghiêm túc. Họ tiến hành cuộc phẫu thuật tách ngón chân cho tôi thành công, nhưng điều mà mẹ tôi ra sức cảnh báo đã bị họ bỏ qua.

Tôi được đưa ra khỏi phòng mổ trong tình trạng người ướt đầm đìa bởi vì họ đã không thực hiện bất cứ biện pháp phòng ngừa nào để giữ cho cơ thể tôi không tăng nhiệt, nhưng rồi họ mau chóng nhận ra rằng thân nhiệt của tôi đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và thế là họ cố làm mát cho tôi bằng những tấm khăn ướt. Họ cũng đặt những khay đá lạnh lên người tôi để tránh hiện tượng co giật.

Mẹ tôi phẫn nộ lắm. Khỏi phải nói, khi ấy cả kíp mổ đã được biết thế nào là cơn tam bành của Dushka!

Tuy nhiên, khi người tôi lạnh đi (thật đấy) chất lượng cuộc sống của tôi tăng lên ở mức đáng phấn khởi nhờ những ngón chân mới được giải phóng. Chúng không hoạt động đúng như các bác sĩ đã hy vọng, nhưng tôi tự thích nghi với chúng hay nói đúng hơn là khổ công rèn luyện để sử dụng chúng theo ý muốn của mình.

Thật đáng ngạc nhiên là một bàn chân bé xíu với chỉ hai ngón chân thôi lại có thể giúp ích nhiều đến thế cho một gã không có cánh tay, không có cẳng chân như tôi. Cuộc phẫu thuật đó cùng những kỹ thuật mới đã giải phóng cho tôi bằng cách mang đến khả năng tôi điều khiển những chiếc xe lăn điện được chế tạo theo đơn đặt hàng riêng, cũng như cho phép tôi sử dụng máy tính và điện thoại di động.

Tôi không thể biết một cách chính xác gánh nặng của bạn là gì, cũng không thể giả vờ rằng tôi đã từng trải qua một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng mà bạn đang phải trải qua, nhưng bạn hãy nghĩ đến những gì cha mẹ tôi đã trải qua khi tôi chào đời. Hãy thử tưởng tượng khi ấy họ cảm thấy như thế nào, đã đau khổ và hoang mang ra sao. Hãy thử nghĩ xem khi ấy tương lai mà họ mường tượng ra ảm đạm biết nhường nào.

Có thể ngay lúc này đây bạn không thể nhìn thấy chút ánh sáng le lói nào ở phía cuối đường hầm tối, nhưng bạn nên biết rằng cha mẹ tôi ngày ấy đã không thể nào tưởng tượng được rằng một ngày nào đó tôi lại có được một cuộc sống tuyệt vời như hôm nay. Họ không thể đoán trước được rằng một ngày nào đó con trai của họ không những có thể sống tự lập, tự chủ, có thể phát triển được sự nghiệp của mình mà còn có được một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, tràn đầy mục đích sống tươi đẹp!

Hầu hết những điều mà cha mẹ tôi ngày ấy lo sợ nhất đã không bao giờ thực sự xảy ra. Quá trình nuôi nấng, chăm sóc tôi nào có dễ dàng gì; nhưng tôi nghĩ họ sẽ nói với bạn rằng trong tất cả mọi thách thức, chúng ta vẫn có được không ít những tiếng cười và niềm vui. Nói chung, tôi đã có một tuổi thơ bình thường một cách đáng ngạc nhiên, và trong suốt thời thơ ấu của mình tôi khoái chí với những trò trêu chọc em trai Aaron và em gái Michelle của tôi như tất cả mọi ông anh cả trên thế giới này.

Cuộc sống có thể đang nghiệt ngã với bạn vào lúc này. Có thể bạn tự hỏi không biết liệu số phận mình có được cải thiện hay không. Tôi xin nói với bạn rằng bạn thậm chí không thể hình dung nổi những điều tốt đẹp đang chờ bạn phía trước nếu như bạn kiên quyết không đầu hàng. Hãy tiếp tục theo đuổi những khát vọng. Hãy làm tất cả những gì có thể để nuôi dưỡng những khát vọng đó. Bạn có đủ sức mạnh để thay đổi hoàn cảnh. Hãy theo đuổi bất cứ điều gì bạn khao khát.

Đời tôi là một cuộc phiêu lưu vẫn đang tiếp tục sang những trang mới – và cuộc đời của bạn cũng vậy. Bạn hãy bắt tay vào viết trang đầu tiên của cuộc hành trình! Hãy làm cho hành trình đó tràn ngập những khám phá mới mẻ, tràn ngập tình yêu và hạnh phúc, hãy sống hết mình với hành trình khám phá đó!

TÌM KIẾM Ý NGHĨA

Phải thú thực rằng trong một thời gian dài tôi đã không tin mình có bất kỳ năng lực nào để kiểm soát diễn tiến của cuộc đời mình. Tôi đã ráng sức để tìm hiểu xem mình có ý nghĩa gì trong thế giới này hoặc con đường nào mình nên đi. Khi còn chưa thực sự trưởng thành, tôi tin rằng với hình hài dị biệt như thế thì chẳng có điều gì tốt đẹp chờ đợi tôi hết. Vâng, tôi chẳng bao giờ phải đứng dậy khỏi bàn ăn bởi vì tôi không đi rửa tay như mọi người, và tôi không bao giờ biết đến cảm giác đau do ngón chân bị xước; nhưng vài cái lợi nho nhỏ đó dường như chẳng an ủi tôi được là bao.

Em trai và em gái tôi, cũng như những đứa em họ của tôi không bao giờ để tôi phải tủi thân. Chúng không bao giờ nương nhẹ với tôi. Chúng chấp nhận tôi như tôi vốn có, tuy nhiên chúng cũng làm cho tôi trở nên cứng rắn qua lời trêu chọc và những trò đùa tinh quái, những trò mà chúng bày ra để khiến tôi vui vẻ thay vì cảm thấy cay đắng về hoàn cảnh của mình.

“Hãy nhìn thằng bé ngồi trên xe lăn kia mà xem! Nó là người ngoài hành tinh đấy”, các em họ của tôi thường chỉ vào tôi và kêu toáng lên như thế trong khu mua sắm. Tất cả chúng tôi cùng cười như điên trước phản ứng rất buồn cười của những người lạ, vốn không biết rằng mấy đứa đang trêu chọc tôi thực ra lại là những đồng minh tốt nhất của tôi.

Càng lớn tôi càng hiểu rõ rằng, được yêu thương như thế là món quà có sức mạnh lớn lao. Dù có lúc bạn cảm thấy cô đơn, bạn nên biết rằng bạn cũng được yêu thương như những người khác và bạn nên công nhận rằng Chúa tạo ra bạn bằng tình yêu, và tạo ra bạn để bạn được yêu thương.

Bởi vậy, bạn không bao giờ cô đơn đâu. Tình yêu của Người dành cho bạn là vô điều kiện. Người không yêu bạn vì điều kiện này, điều kiện nọ. Người luôn yêu thương bạn. Hãy luôn nhắc mình nhớ điều đó mỗi khi những cảm giác cô đơn, thất vọng lấn át bạn. Những cảm giác đó không có thực, nhưng tình yêu của Chúa thì thực đến mức Người tạo ra bạn để chứng minh điều đó.

Hãy luôn giữ tình yêu của Người trong tim bạn bởi vì trên đường đời sẽ có những lúc bạn cảm thấy mình bị tổn thương. Gia đình lớn của tôi không thể lúc nào cũng ở bên tôi để che chở cho tôi được. Một khi tôi đã bước chân đến trường là chẳng thể giấu đi đâu được cái sự thật rằng tôi rất khác biệt so với người khác. Cha tôi quả quyết với tôi rằng Chúa không hề sai lầm, nhưng nhiều lúc tôi không thể rũ bỏ được cái cảm giác rằng tôi là một ngoại lệ nằm ngoài quy luật đó.

“Tại sao Người không thể cho con dù chỉ một cánh tay thôi!”, tôi thường hỏi Chúa. “Hãy thử tưởng tượng những gì con có thể làm nếu con có một cánh tay mà xem!”.

Tôi tin chắc rằng bạn cũng từng trải qua những lúc như thế, cũng từng cầu nguyện hoặc đơn giản ao ước một sự thay đổi kỳ diệu nào đó xảy ra trong cuộc sống của bạn. Không có lý do gì để lo sợ nếu điều kỳ diệu của bạn không xảy ra, cũng chẳng phải sợ hãi nếu ước muốn của bạn không thành hiện thực ngay tức thì.

Hãy nhớ rằng Chúa luôn giúp những người biết tự cứu mình. Bạn có tiếp tục phấn đấu để phục vụ mục đích cao nhất vì tài năng và những mơ ước của bạn trong thế giới xung quanh bạn hay không, điều đó phụ thuộc vào bạn.

Trong một thời gian dài đến khó tin tôi đã nghĩ rằng, nếu cơ thể tôi “bình thường” hơn thì cuộc sống của tôi sẽ dễ dàng biết bao. Điều mà tôi không hiểu là tôi không nhất thiết cứ phải là người bình thường, tôi chỉ cần là chính tôi, đứa con của Đấng Sáng Tạo, người thực hiện kế hoạch của Chúa. Ban đầu tôi không sẵn sàng đối mặt với sự thật rằng điều thực sự tồi tệ không phải là những khiếm khuyết về thân thể của tôi, mà là những giới hạn mà tôi tự đặt ra cho mình và tầm nhìn hạn hẹp về các khả năng có thể xảy ra trong cuộc sống.

Nếu bạn không được ở vị trí mà bạn mong muốn hoặc không đạt được những gì bạn hy vọng đạt được, thì nhiều khả năng lý do không nằm ở xung quanh bạn, không nằm ở bên ngoài bạn mà ở trong chính bản thân bạn. Hãy nhìn nhận trách nhiệm một cách sáng suốt và sau đó hãy hành động.

Tuy nhiên, trước hết bạn phải tin tưởng vào bản thân mình và giá trị của mình. Bạn không thể ngồi đó đợi người khác phát hiện ra cơ may giúp bạn. Bạn không thể ngồi yên chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra hoặc chờ đợi “cơ hội thích hợp”. Bạn nên coi mình là chiếc đũa và thế giới là nồi thịt hầm của bạn. Hãy khuấy nó lên.

Ngày còn nhỏ, biết bao đêm tôi đã thức để nguyện cầu cho mình có được đầy đủ tay chân. Có nhiều đêm tôi đi vào giấc ngủ trong tiếng khóc thổn thức và mơ rằng khi thức dậy tôi sẽ thấy mình tự nhiên có chân có tay. Tất nhiên, điều đó không bao giờ xảy ra. Và cũng bởi chính tôi còn không chấp nhận bản thân mình như vậy nên khi đến trường, tôi khó có thể trông đợi sự chấp nhận từ người khác.

 Giống như hầu hết những đứa trẻ khác, tôi dễ bị tổn thương hơn trong giai đoạn sắp sửa bước vào tuổi dậy thì; cái giai đoạn tất cả mọi người đều cố gắng xác định vị trí của mình ở đâu, mình là ai, và những gì đang đợi mình ở tương lai. Thông thường, những đứa trẻ làm tôi tổn thương vốn không phải là kẻ tàn nhẫn mà chỉ là chúng quá nghịch ngợm thôi.

“Tại sao cậu không có chân tay?”. Những đứa ấy hỏi.

Khao khát được hòa nhập của tôi cũng giống như khao khát được hòa nhập của bất cứ học sinh nào. Vào những ngày tâm trạng vui vẻ, tôi chiến thắng những đứa trêu chọc bằng sự hóm hỉnh, và tự nguyện làm trò cười cho chúng bằng cách lăn xe quanh sân trường. Vào những ngày chán nản, tôi giấu mình sau bụi cây hoặc trong những phòng học trống để khỏi bị bọn chúng chế nhạo.

Một phần của vấn đề là tôi vốn dành nhiều thời gian ở với người lớn và những anh chị họ lớn tuổi hơn là với bọn trẻ cùng trang lứa. Tôi có một cách nhìn già dặn hơn và những ý nghĩ nghiêm túc xuất hiện trong đầu đôi khi đẩy tôi vào tình trạng buồn tủi.

Mình sẽ không bao giờ chinh phục được một cô gái. Mình thậm chí không có tay để ôm bạn gái. Nếu có con, mình sẽ không bao giờ có thể ôm chúng. Rồi đây làm thế nào mình có thể kiếm nổi việc làm? Ai người ta chịu thuê mình chứ? Bởi vì nếu giao việc cho mình thì người ta lại phải thuê thêm người thứ hai để trợ giúp mình hoàn thành cái công việc mà đáng ra mình phải tự giải quyết được. Ai chịu thuê một người như mình để rồi phải trả công cho hai người?

Những thách thức phần lớn thuộc về thể xác, nhưng rõ ràng chúng đã ảnh hưởng đến tinh thần của tôi. Thuở ấu thơ tôi đã trải qua một giai đoạn trầm cảm rất đáng sợ. Thế rồi, thật đáng kinh ngạc và may mắn, tôi đã bước vào tuổi mới lớn và dần tìm được sự chấp nhận, trước hết là sự chấp nhận từ chính bản thân tôi, sau đó là từ người khác. 

Trong đời mình ai cũng từng có những lúc cảm thấy mình bị gạt ra ngoài, bị ghẻ lạnh, xa lánh, không được yêu thương. Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy chênh vênh. Hầu như đứa trẻ nào cũng sợ bị chế giễu bởi vì chúng có cái mũi to, hay vì mái tóc xoăn tít. Những người trưởng thành thì sợ không thanh toán nổi hóa đơn, hoặc sợ không đạt được những kỳ vọng trong cuộc sống.

Bạn sẽ phải đối mặt với những khoảnh khắc của sự hoài nghi và sợ hãi, chắc chắn rồi. Chúng ta ai cũng vậy thôi, đều phải đương đầu với những lúc như thế. Đôi lúc bạn cảm thấy chán nản, thất vọng cũng là lẽ tự nhiên: đó là một phần của con người thực sự. Những cảm giác đó chỉ gây nguy hại khi bạn cho phép những ý nghĩ tiêu cực đeo bám bạn thay vì trải nghiệm chúng và cố gắng loại bỏ chúng.

Khi bạn tin rằng mình có những diễm phúc – tài năng, sự hiểu biết, tình yêu – để chia sẻ với người khác, bạn sẽ bắt đầu hành trình chấp nhận bản thân mình, cho dù những diễm phúc của bạn chưa thực sự rõ ràng. Khi bạn bắt đầu hành trình đó, những người khác sẽ tìm thấy bạn và sánh bước cùng bạn. 

Lượt xem : 1117 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo